Lật tẩy âm mưu bá chủ thế giới công nghệ của Google

    PV, Minh Nhi 

    Từ tìm kiếm, smartphone, mạng xã hội lẫn “mua chung”, tất cả đều có dấu vết của người khổng lồ này. Phải chăng ông trùm tìm kiếm số 1 thế giới đang muốn thâu tóm cả thế giới công nghệ vào trong tay mình?

    Google là hãng tìm kiếm số 1 thế giới, điều này hẳn ai cũng biết. Tuy nhiên, công ty không chỉ dừng lại ở các dịch vụ tìm kiếm mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác. Chính vì thế mà số lượng đối thủ cạnh tranh của “ông trùm tìm kiếm” ngày càng đông đúc và những cuộc xung đột liên tiếp nổ ra trong cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu. Chúng ta hãy cùng điểm lại một vài sự việc.
     
    Google vs Bing: Chiến tranh công cụ tìm kiếm
     
    Mặc dù đối thủ chính trước đây của Google là Yahoo! nhưng trong một vài năm trở lại đây, vị thế đó đã được chuyển dần sang công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft. Tuy Bing có phần lép vế hơn nhưng không vì thế mà chịu khuất phục trước ông lớn Google khi mà hãng này liên tiếp tung ra các đòn tấn công tranh dành thị phần khách hàng.
     
     
    Nếu hôm trước Bing đưa ra các công cụ cải tiến mới như Wolfram Alpha Integration, Facebook Previews và ứng dụng báo cáo thời tiết đầy đủ thì ngay hôm sau Google đã hoàn tất danh sách nâng cao các ứng dụng và tính năng SafeSearch. Rồi đến khi Bing tiết lộ giao diện bản đồ mới thì Google cũng nhanh chóng công bố hoàn thiện hơn ứng dụng Street View của mình. Không chỉ có vậy, hai bên còn tiếp tục cạnh tranh nhau về vấn đề tương thích với Twitter.
     
     
    Trong khi xu hướng của người dùng là quan tâm nhiều hơn đến những tính năng mới, thì việc nâng cao và đổi mới các ứng dụng của mình sẽ giúp công ty tạo nên nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Cả Google và Bing đều cố gắng hết sức để níu kéo người dùng về phía mình thế nên cuộc chiến này chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều!
     
    Ghen tức Microsoft, Google kiện cả chính phủ Mỹ
     
    Chính phủ Mỹ công bố một cuộc đấu thầu công khai giữa các hãng phần mềm để dành được gói thầu cung cấp các dịch vụ e-mail, lịch và hệ thống tương tác trên văn bản cho khoảng 88.000 nhân viên trong Bộ Nội vụ. Ước tính hợp đồng trên có giá trị khoảng 60 triệu USD với thời hạn 5 năm.
     
     
    Cả Microsoft và ông trùm tìm kiếm số 1 thế giới đều tỏ ra rất “thèm khát” hợp đồng béo bở này. Bởi điều đó không chỉ đem lại doanh thu lớn mà thêm vào đó là mối quan hệ thân mật và vững chắc hơn với chính phủ. Kết quả cuối cùng là Microsoft dành được hợp đồng, do bộ nội vụ xác nhận sản phẩm của Google không phù hợp với yêu cầu về an ninh.
     
     
    Tuy nhiên, hãng đã bác bỏ nhận định trên của chính phủ và cho rằng có sự gian lận ở đây. Với lý do chính phủ đã chọn đích danh Microsoft chứ không thực hiện cuộc đấu thầu một cách lành mạnh và minh bạch, công ty đã nộp đơn kiện lên tòa án khiếu nại liên bang Mỹ.
     
    Google vs Apple: Trở mặt thành thù
     
    Google và Apple từng là đối tác rất…thân thiết của nhau. Nhưng đó chỉ còn là chuyện của quá khứ. Kể từ khi cả hai cùng tham gia vào lĩnh vực di động và phát triển các ứng dụng hỗ trợ thì quan hệ này đã quay đầu và trở nên ngày càng trầm trọng.
     
     
    Kể từ cuối năm 2009, Google phát triển một cách mạnh mẽ những smartphone chạy hệ điều hành Android và ngày càng chiếm được thị phần lớn hơn trong thị trường di động, thách thức iPhone của Apple. Để phản pháo, Quả táo đã mua lại Quattro nhằm cạnh tranh với “ông trùm tìm kiếm” trên thị trường quảng cáo di động…
     
     
    Cuộc cạnh tranh giữa 2 bên còn khốc liệt hơn trong năm 2010 khi những chiếc máy tính bảng Android xuất hiện, lấn dần thị phần to lớn của iPad. Cả 2 đang chuẩn bị lực lượng rất hùng hậu nhằm chiếm được thị phần của nhau trong năm 2011 này.
     
    Google vs Facebook: Ảo mộng thống trị mạng xã hội
     
    Trong mắt Google, không có một thương vụ làm ăn béo bở nào có thể lọt qua được cặp mắt sắc xảo của ông lớn này. Mạng xã hội cũng là một miếng bánh ngọt như thế. Với mục đích lấn sâu hơn vào thế giới mạng ảo, hãng đã cho ra mắt Google Buzz với lời tuyên bố hùng hồn: sẽ đè bẹp Facebook chỉ trong thời gian ngắn. Ban đầu, Buzz được tích hợp ngay trong Gmail với cách tiếp khác hẳn Facebook và Twitter.
     
     
    Nhưng ứng dụng trên nhanh chóng trở thành cú sốc cay đắng đáng quên nhất của Google trong năm 2010. Nghèo nàn về tính năng chia sẻ, giao diện đơn điệu và thường xuyên gặp lỗi… là những nguyên do chính khiến Buzz thất bại trong công cuộc chinh phạt thị trường mạng xã hội. Xét về mọi khía cạnh, Google vẫn còn quá yếu nếu muốn cạnh tranh với Facebook trên chiến trường mạng xã hội.
     
    Google và mưu bá thống lĩnh thị trường smartphone
     
    Khi chưa ra mắt, Google đã làm rất nhiều công tác quảng bá cho chú dế đầu tay Nexus One của mình. Với chiếc smartphone trên, hãng muốn đạt được tham vọng có ảnh hưởng lớn hơn đến thế giới truyền thông, cũng như đặt chiếc vòi bạch tuộc của mình đi xa hơn nữa. Một lý do khác có ảnh hưởng lớn đến bước đi đó của hãng là thị trường di động đang lớn mạnh một cách đáng ngạc nhiên và có thể đem lại thật nhiều lợi nhuận cho nhà sản xuất.
     
     
    Tuy nhiên, những sai lầm trong chính sách tiếp thị, truyền thông, giá bán, phân phối… đã khiến Nexus One không thể “ngóc đầu lên nổi”. Và chỉ sau vài tháng ra mắt, Google đã chính thức tuyên bố khai tử đứa con cưng tốn nhiều tâm huyết. Tuy nhiên, tham vọng của ông trùm này chưa ngừng lại, bằng chứng là mới đây chú dế Nexus S đã ra mắt. Liệu Google có thể thành công hơn hay lại thất bại nặng nề hơn lần trước?
     
    Google vs Groupon: Chiêu hàng không được thì quyết đối địch
     
    Groupon hiện tại chỉ có hơn 3000 nhân viên bán hàng, nhưng lại có tới… 30 triệu đơn xin việc đang chờ được duyệt. Có thể nói, Groupon là một trong những thương hiệu phất nhanh nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Hồi tháng 4/2010, giá trị thương hiệu của hãng mới chỉ vỏn vẹn 1 tỷ USD. Thế như tới cuối tháng 11 vừa rồi, con số đó đã được nhân thêm 6 lần. Nếu tính trung bình, mỗi ngày Groupon tăng thêm 20 triệu USD - một con số trong mơ của nhiều ông lớn.
     
     
    Nắm bắt được cơ hôi kinh doanh, Google đã nhanh tay đề nghị mua lại thương hiệu này với cái giá 6 tỉ USD. Tuy nhiên, Groupon đã lắc đầu. Hãng còn cho biết sẽ phát hành cổ phiếu IPO trong thời gian tới với số vốn 15 tỉ USD.
     
     
    Hậm hực vì thất bại trong vụ thôn tính trên, Google ngay lập tức lên kế hoạch thành lập Google Offers mà theo hãng sẽ một đối thủ cạnh tranh rất mạnh của Groupon. Xem ra, người khổng lồ tìm kiếm sẽ không từ bỏ điều gì, kể cả phải đấu tranh đến cùng. Với quy mô và nguồn lực lớn, liệu hãng có thể chứng tỏ được bản lĩnh trong lĩnh vực mới mẻ mua theo đoàn này?
     
    Bước chân vào thế giới máy tính: Lành ít dữ nhiều
     
    Cr-48 được người ta đặt cho danh hiệu “chiếc máy tính của những đám mây” có lẽ một phần bởi tên tuổi Google đã quá nổi tiếng trong thế giới công nghệ. Hơn nữa, với trọng lượng tương đối nhẹ và đặt nặng yếu tố cấu hình làm đầu, laptop trên được đặt danh hiệu như trên cũng là điều dễ hiểu. Nhưng về cốt lõi, chính sức mạnh bên trong, nhanh, nhẹ, chính xác mới là những yếu tố giúp duy trì một vòng đời dài hơi cho sản phẩm.
     
     
     
    Tuy nhiên, chưa có điều gì chắc chắn mà Google Cr-48 có được ngoài lời quảng cáo chạy hệ điều hành siêu nhẹ Chrome OS của ông lớn này. Chiếc laptop mất 15 giây để khởi động, một con số ấn tượng nếu so sánh với thời gian boot của các hệ máy khác nhưng điều đó là chưa đủ để người ta tin vào tính bảo mật cùng sự chắc chắn của hệ điều hành trên. Gần đây, Cr-48 cũng nhận được một số lời than phiền bắt đầu gia tăng của những khách hàng dùng thử về tính ổn định của hệ thống. Nói tóm lại, Google sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến thâm nhập và hiện thực hóa mưu đổ bá chủ cả thế giới công nghệ.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ