Thunderbolt là gì? Tại sao đây được coi là trang bị tiên tiến nhất trên các dòng
MacBook Pro mới? Những câu hỏi này đã được giải đáp bởi Intel ngay sau khi Apple công bố dòng laptop mới của mình.
Thunderbolt là một phương thức để kết nối thiết bị ngoại vi với máy tính thông qua một cổng giao tiếp. Thunderbolt được phát triển bởi Intel (dưới tên gọi Light Peak) và đưa ra thị trường với sự hợp tác kỹ thuật từ Apple Inc. Cụ thể hơn, Thunderbolt có sẵn một chip điều khiển của
Intel và cho tốc độ truyền tài dữ liệu khởi điểm theo lý thuyết có thể lên tới 10 Gbps – 1 con số “kinh hoàng”.
Hãy thử tưởng tượng, với tốc độ truyền tải dữ liệu khởi điểm là 10Gbps của Thunderbolt, bạn có thể:
- Copy một bộ film full HD dung lượng lớn với thời gian chưa đến 30 giây.
- Lưu trữ số lượng file MP3 có tổng thời gian phát 1 năm chỉ trong vòng hơn... 10 phút.
Ngoài ra, chuẩn kết nối tốc độ cao này sở hữu những tính năng nổi bật như sau:
- Sở hữu kênh đôi tốc độ lên tới 10Gb mỗi kênh.
- Hai chiều (vào và ra)
- Giao thức kép, bao gồm PCI Express và DisplayPort.
- Có khả năng xâu chuỗi thiết bị.
- Sử dụng cáp quang hoặc cáp đồng.
- Độ trễ nhỏ với thời gian đồng bộ hóa chính xác.
- Sử dụng các driver phần mềm giao thức riêng.
Mới đây, công nghệ tiên tiến này đã được chính thức ra mắt công chúng thông qua dòng sản phẩm MacBook Pro mới ra mắt ngày 24 Tháng Hai, 2011. Thunderbolt được trang bị trên MacBook Pro 2011 có cùng một cổng và kết nối như Apple Mini DisplayPort.
Cũng giống như việc USB xuất hiện để thay thế các kết nối tốc độ thấp, Thunderbolt được phát minh nhằm thế chỗ hầu hết các giao thức kết nối tốc độ cao trên máy tính hiện đại. Sở hữu băng thộng rộng và độ trễ thấp nhằm hỗ trợ các hệ thống hiệu năng cao tương tự như eSATA và FireWire, uớc tính tốc độ khởi điểm của kết nối này lên tới 10 Gbps.
Bên cạnh đó, Thunderbolt còn được thiết kế linh họat để làm việc với cáp quang hoặc cáp đồng.
Cụ thể hơn, Thunderbolt sử dụng giao thức PCI Express x4 cho truyền tải các dữ liệu và DisplayPort cho video. Intel cũng cho hay chip điều khiển Thunderbolt không đòi hỏi bộ vi xử lý hoặc chipset trên mainboard của Intel để có thể hoạt động. Chip điều khiển này sẽ hoạt động như một router thu nhỏ và chuyển đổi dữ liệu giữa cặp kênh 2 chiều.
Nghe thì rất tuyệt vời, nhưng Intel cũng lưu ý rằng khả năng hoạt động của Thunderbolt còn tùy thuộc vào loại cáp mà bạn sử dụng. Intel khuyến cáo sử dụng cáp quang, tuy nhiên trên Apple MacBook hiện nay, loại cáp sử dụng là cáp đồng. Lý do giải thích cho việc này là để cắt giảm chi phí và điện năng cung cấp. Không chỉ vậy, thiết kế này còn giúp Thunderbolt có thể kết hợp với cổng Mini Display Port trên MacBook Pro nhằm giúp người dùng điều khiển các thiết bị ngoại vi dễ dàng hơn.
USB - Đối thủ của Thunderbolt.
Tầm hoạt động của Thunderbolt là trong phạm vi 3m đối với dây đồng loại thường và cung cấp nguồn điện 10W ở đầu ra. Song, nếu thiết bị tiếp nhận được thiết kế đặc biệt để xâu chuỗi với các phần cứng khác (Daisy-chained), bạn có thể cộng thêm 3m nữa nếu thiết bị gắn ngoài có 2 cổng dùng kết nối Thunderbolt. Theo lý thuyết, Thunderbolt sẽ hỗ trợ đến tối đa 7 thiết bị xâu chuỗi với nhau, và trong đó có thể có nhiều nhất là 2 màn hình hiển thị độ nét cao.
Công nghệ Thunderbolt thực sự là thiết kế dành riêng cho những người sáng tạo nội dung đa phương tiện độ nét cao. Ví dụ: người dùng có thể sản xuất những thước phim video bằng cách sử dụng các thiết bị quay, kết nối hình ảnh và âm thanh băng tần cao nhưng vẫn đảm bảo được độ trễ thấp. Hơn nữa, với tốc độ ban đầu lên tới 10 Gb/giây, mọi file nội dung đa phương tiện sẽ không còn trở thành vấn đề lớn khi phải truyền tải, nhờ vậy rút ngắn thời gian chờ đợi để xem hoặc chỉnh sửa video.
Tổng kết lại, có thể nói Thunderbolt là một công nghệ mới, sở hữu tốc độ truyền tải dữ liệu tốt nhất cho tới nay và được thiết kế với mục đích chuyên dụng về hiệu năng, tính đơn giẩn và linh động.
Số phận của USB 3.0
Đúng vậy, đứng trước sự “khủng bố” mà Thunderbolt mang lại, người ta đang tự hỏi số phận của kết nối USB 3.0 sẽ đi về đâu. Để lý giải cho điều này, đại điện Intel là Jason Ziller cho hay: “Intel hoàn toàn ủng hộ USB 3.0 và sẽ tích hợp kết nối này trong tương lai gần”.
Đại gia làng chip cũng tuyên bố cả Thunderbolt lẫn USB 3.0 sẽ cùng hiện diện trên thị trường. Thế nhưng, cũng không loại trừ khả năng các nhà phát triển sẽ chú trọng hơn tới công cụ truyền dữ liệu siêu tốc mới, dẫn tới việc USB 3.0 sẽ ngày càng trở nên ít được ưa chuộng.