Đánh giá chi tiết tablet "biến hình" của Asus

    PV, Thành Luân 

    ASUS EeePad Transformer là chiếc tablet nền tảng Android đầu tiên trên thị trường kết hợp thêm bàn phím ngoài nhằm thuận tiện hơn cho người sử dụng. Với giá cả hợp lý và cấu hình mạnh, Eee Pad Transformer là một "món ăn ngon" cho những người mê tablet nhưng vẫn còn lưu luyến với laptop.

    Hẳn nhiều người sẽ cảm thấy bất tiện khi muốn nhập số liệu trên các máy tính bảng. Một chiếc bàn phím vật lý ngoài thay cho bàn phím ảo sẽ là sự lựa chọn phù hợp để giải quyết vấn đề này. ASUS đã đưa ra một sản phẩm “combo” bao gồm một chiếc máy tính bảng 10” sử dụng chip lõi kép nền tảng Nvidia Tegra 2 chạy Android và một bàn phím nhỏ gọn đi kèm nhằm tăng tính tiện dụng khi người dùng.
     
    Chỉ với mức giá 548 USD (khoảng 11 triệu đồng) cả bộ, nhiều hơn iPad 2 khoảng 50 USD và 399 USD  không kèm bàn phím, đây thực sự là một sản phẩm đáng quan tâm trên thị trường. Hãy cùng tìm hiểu về chiếc tablet 10" này và cùng đánh giá những lợi ích mà một chiếc bàn phím thật mang lại.
     

     
    Cấu hình:
     
    - CPU: 1GHz Nvidia Tegra 2
    - RAM: 1 GB
    - Dung lượng: bộ nhớ trong 16 GB hỗ trợ thẻ SD.
    - Màn hình: IPS 10,1" độ phân giải 1280 x 800 cảm ứng đa điểm
    - Wireless 802.11 b/g/n - Bluetooth
    - Cổng kết nối Headphone, mini HDMI, 2xUSB 2.0.
    - Camera: 5.0 MP mặt sau, 1.2 MP mặt trước
    - OS: Android Honeycomb 3.0
     
    Thiết kế:
     
    EEE Pad Transformer trông giống như một chiếc netbook khi gập vào bàn phím. Máy có vỏ ngoài được làm bằng kim loại màu đồng chống vân tay nhìn khá bắt mắt. Tablet của Asus có kích thước 10.7 x 6.9 x 0.5"  giống với kích thước của Acer A500 và hơi to hơn một chút xo với Motorola Xoom. Máy có trọng lượng chỉ khoảng 700g, nhẹ hơn so với 2 tablet trên. Khi kết hợp với bàn phím, trọng lượng của máy khoảng 1,3kg, tương đương với một netbook.
     
     
     
    Bên trái của máy gồm công tắc nguồn/màn hình, nút điều khiển âm lượng, jack cắm tai nghe, cổng miniHDMI và đầu đọc thẻ microSD. Máy còn có một cổng giao tiếp để cắm vào bàn phím. Phần bàn phím đi kèm máy cũng được trang bị hai cổng USB và một khe đọc thẻ nhớ SDHC.
     
    Màn hình và loa
     
    EEE Pad Transformer được trang bị màn hình cảm ứng 10.1" độ phân giải 1280 x 800. Màn hình của máy sử dụng panel cao cấp IPS như trên iPad nên cho góc nhìn rất rộng. Màn hình cảm ứng đáp ứng tốt các thao tác “chạm” đa điểm được thử nghiệm trong các chương trình như Google Earth hay game Angry Birds. Tuy nhiên khi cắm vào keyboard, không hiểu sao màn hình của EEE Pad trở nên kém nhạy hơn một chút. Bàn phím ảo trên máy khá khó cho người dùng có thể type như bàn phím thật.
     
     
    Loa đi kèm máy cho chất lượng khá tốt so với một máy tính bảng. Các thử nghiệm nghe nhạc hay thoại video cho chất lượng âm thanh vừa đủ và đạt yêu cầu đối với một thiết bị cầm tay văn phòng.
     
    Giao diện người dùng
     
    Máy sử dụng Android 3.0 Honeycomb dành riêng cho tablet. Giao diện mặc định khá bắt mắt do ASUS cung cấp một wallpaper tương tác có tính năng thay đổi theo dung lượng pin của máy và các thao tác của người dùng. Ngoài ra, máy mang giao diện của Android với các widget và menu đặc trưng.
     
     
    Camera
     
    Sản phẩm của Asus được trang bị một camera 5MP ở phía sau và một camera 1.2MP dành cho video call ở phía trước. Chất lượng của cả hai camera này không thực sự tốt, màu sắc hiển thị khá mờ nhạt tuy nhiên vẫn đáp ứng đủ các thao tác văn phòng như video call hay chụp ảnh “ngẫu hứng” trong quá trình sử dụng. Video 720p được quay bằng camera phía sau cho chất lượng chưa được như mong đợi. Máy không được trang bị đèn flash.
     
     
     
    Bàn phím
     
    EeePad Transformer được trang bị bàn phím ngoài nhằm thuận tiện cho các thao tác nhập liệu. Bàn phím của máy dạng chicklet, được kết nối qua một đầu cắm 40 pin và một nút gạt để khóa. Keyboard được trang bị rất nhiều phím tắt rất thuận tiện cho quá trình sử dụng đồng thời cho chất lượng rất tốt, gõ êm. Tuy nhiên thiết kế phím Shift bên phải chưa thực sự hợp lý: nhỏ và hơi khó để dùng kết hợp với các phím mũi tên.
     
     
    Ngoài ra máy còn được trang bị một touchpad kích thước 3.2 x 1.5" giống như bàn phím trên laptop. Tuy nhiên thử nghiệm cho thấy touchpad này hơi nhạy trong quá trình sử dụng và dễ bị chạm phải khi chúng ta nhập liệu bằng bàn phím. Đây không phải là một touchpad cảm ứng đa điểm nên các thao tác khá hạn chế. Tuy nhiên với một tablet màn hình cảm ứng, việc trang bị touchpad có cảm ứng đa điểm là một điều không thực sự cần thiết.
     
    Bàn phím ngoài thỉnh thoảng gặp hiện tượng bị treo khi kết nối với máy và có thể khắc phục bằng thao tác rút ra cắm lại, tuy nhiên điều này cũng khá bất tiện và ASUS cần phải lưu ý đến ở những sản phẩm tablet tiếp theo.
     
    Hiệu năng
     
    Được trang bị BXL nền tảng Nvidia Tegra 2, EeePad Transformer cho kết quả khá tốt trong các thử nghiệm. Điểm CPU benchmark của máy đạt 3125, thua một chút so với Acer Iconia 500, tương đương G-Slate (3120) và cao hơn Motorola Xoom (2995). Khi thử nghiệm với phần mềm AN3DBench, EEE Pad Transformer cho kết quả vượt trội so với các tablet trên.
     

    CPU benchmark.
     
     
    AN3DBench.
     
    Thiết bị đạt hiệu năng đồ họa rất tốt nên có thể thực hiện các games hay các hiệu ứng vô cùng mượt mà. Wallpaper tương tác trên máy không bị hiện tượng giật hình trong quá trình sử dụng. Thử nghiệm với games Riptide GP cũng cho số khung hình/s vô cùng ổn định, các hiệu ứng 3D được thể hiện đầy đủ. Tuy nhiên khi kết nối với TV qua cổng HDMI, hình ảnh trong games không thực sự “nuột”.
     

     
    Thời lượng pin
     
    Sử dụng Transformer để lướt web với wifi on, máy đạt thời lượng dùng pin 8h30’, nhiều hơn so với G-Slate (8h16’) và Xoom (8h00’). Khi lắp thêm bàn phím ngoài cũng được đi kèm một pin phụ, tổng thời lượng dùng pin của máy lên đến 16 tiếng.
     
    Tổng kết
     
    ASUS EEE Pad Transformer là chiếc tablet nền tảng Android đầu tiên trên thị trường kết hợp thêm bàn phím ngoài nhằm thuận tiện hơn cho người sử dụng. Với giá bán lẻ là 149$, bàn phím ngoài giúp người dùng nhập liệu dễ dàng hơn rất nhiều và trang bị thêm thời lượng pin.
     
    Tuy touchpad đi kèm chiếc bàn phím này là quá nhạy, nhưng đây không phải là một nhược điểm quá lớn với một chiếc tablet cảm ứng. Nếu không mua bàn phím, chúng ta sẽ được sở hữu một chiếc tablet với màn hình đẹp, góc nhìn rộng, thiết kế thời trang và nhiều phần mềm hữu ích với mức giá chỉ 399$, một điểm rất đáng để lưu ý.  Đây là một điểm cộng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường nhằm bù lại cho số lượng ứng dụng ít ỏi trên Android Market tương thích với Honeycomb 3.0 dành riêng cho tablet.
     
     
    EEE Pad Transformer được bán tại Mỹ với mức giá 399$ cho bản 16GB, rẻ hơn 50$ so với Acer Iconia A500. Phiên bản 32GB có giá 499$. Bàn phím ngoài có giá 149$.
     
    Ưu điểm:
     
    - Hiệu năng tốt trên nền tảng Nvidia Tegra 2.
    - Thiết kế thời trang.
    - Góc nhìn rộng.
    - Thời lượng pin tốt, đặc biệt khi đi kèm với bàn phím ngoài.
    - Bàn phím vật lý đi kèm, thuận tiện cho việc nhập liệu.
    - Nhẹ hơn so với các tablet 10” khác.
     
    Nhược điểm:
     
    - Màn hình cảm ứng kém nhạy khi cắm bàn phím ngoài.
    - Một vài phần mềm bị xung đột.
    - Tháo lắp bàn phím ngoài gặp đôi chút khó khăn.
     
    Tham khảo laptopmag
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ