Chân dung Jonathan Ive - Người kế nhiệm Steve Jobs trong tương lai?

    PV, Maestro 

    Điều gì làm nên tiếng tăm và sự cuốn hút cho các sản phẩm của Apple? Không có câu trả lời nào chính xác hơn 2 chữ: Thiết kế. Nhưng ai làm ra những thiết kế ấy? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong bài viết này.

    Khi nói đến Apple, nhân vật đáng chú ý nhất mà ai cũng nghĩ đến ngay là Steve Jobs. Steve Jobs được coi là con mắt, là khối óc của Apple, người đem lại cho công ty những quyết sách và tầm nhiền chiến lược. Nếu Steve Jobs không trở về Apple năm 1997,  chắc chắn Apple sẽ không thể "chiễm trệ" ở vị trí là công ty lớn thứ 2 toàn cầu như ngày hôm nay. Thế nhưng ở Apple, còn một "đại nhân vật" khác, cũng quan trọng không kém, nhưng lại ít được nhắc đến hơn dù vị trí của người này cũng trọng yếu không kém gì Steve Jobs. Có thể nói, nếu Steve Jobs là con mắt, là khuôn mặt của Apple, thì thiết kế trưởng Jonathan Ive (Jony Ive) lại là bàn tay của Apple, chịu trách nhiệm thiết kế nên những sản phẩm tuyệt vời của hãng này.

    Rất ít người biết mặt Ive, ngay cả trong số những người từng nghe đến tên Ive, lại càng ít người có thể nói rõ ràng Ive đã làm những gì cho Apple. Nhưng hầu hết chúng ta đều sử dụng, ngưỡng mộ và thích thú với những sản phẩm ra đời từ bàn tay thiên tài của Ive. Apple không có Steve Jobs, Apple không thể thành công như hiện tại. Apple không có Jony Ive, Apple sẽ không có iPod, iPhone, iMac, Macbook Pro, Macbook Air...

    Trong một trả lời phỏng vấn tuần vừa rồi, Steve Jobs - người lãnh đạo của Apple - đã từ chối trả lời chính thức về thời điểm ông sẽ quay lại vị trí điều hành của mình. Hiện tại, điều mọi người chú ý nhất khi nhìn vào "Táo Khuyết" chính là sức khỏe của Steve Jobs.


    Vào thời điểm này, ghế CEO của Apple đang được giữ bởi phó chủ tịch Tim Cook - người chịu trách nhiệm vận hành phần lớn các công việc hàng ngày của Apple, liên quan đến các công đoạn sản xuất, bán hàng... Tuy nhiên, nhiều người nói rằng người thật sự xứng đáng để kế nhiệm Steve Jobs phải là Jonathan Ive.

    Ive là người đang được ánh đèn sân khấu chiếu vào bởi người đàn ông 40 tuổi này là người đã mang đến cho Apple  thứ "vũ khí" tối hậu: thiết kế. Tuy nhiên, trước khi đưa ra những nhận định của bản thân, bạn nên đọc đến cuối bài viết này để hiểu vì sao mọi người lại chọn Ive và vì sao trong nhiều năm qua, người ta vẫn nói Steve Jobs là không thể thay thế.

    ...

    Rất ít người phương Tây từng được chứng kiến tận mắt cách mà người Nhật rèn một thanh kiếm cho các samurai. Tại quốc gia xứ Phù Tang này, đó được coi là một trong những nghi lễ linh thiêng. Không những thế, nó còn là một trong rất ít những nghệ thuật truyền thống vượt qua cả sự tiến bộ về khoa học của thời đại này. 


    Các thợ rèn người Nhật làm việc ban đêm để có thể dễ dàng nhận biết nhiệt độ của sắt bằng mắt thường. Họ nện từng nhát búa bằng tay để tạo ra những thanh kiếm tuyệt nhất của thế giới. Lưỡi thép được cuộn đi cuộn lại hàng nghìn lần để tạo thành một lớp vỏ cứng nhưng phần lõi lại mềm dẻo ngay trong một thanh gươm. Kết quả của quá trình chính là những thanh gươm với độ sắc kinh hoàng nhưng lại khó gãy hơn tất cả các thanh gươm mà người châu Âu làm ra.

    Khi phần lưỡi được rèn xong, các thợ rèn lại bỏ công mài nó trong hàng tuần liền để nó bóng như gương. Tất cả những công đoạn dài đằng đẵng, đòi hỏi sự kiên trì và tâm huyết của người thợ đã đẩy kim loại đi tới ngưỡng tuyệt hảo của chúng. Đó là lí do khiến cho Jonathan Ive - thiết kế trưởng của Apple - muốn nhìn thấy tận mắt cách rèn kiếm của người Nhật.

    Mọi người có thể hiểu Ive là một con người như thế nào khi nhìn vào những cống hiến của ông ta cho Apple. Sau một quá trình lận đận để bắt đầu sự nghiệp của mình. Con người với quan điểm thiết kế khác biệt này là một trong số ít những người trụ lại trong cuộc thanh trừng của Steve Jobs năm 1997 để tạo nên một Apple mới.


    Sau đó, sản phẩm được cả thế giới chú ý đầu tiên của Ive chính là chiếc máy iMac - thứ thay đổi hoàn toàn định kiến của mọi người về việc PC chỉ là những cỗ máy thô kệch dành cho dân điện toán. Sản phẩm của Ive - một chiếc máy tất cả trong một, được kiến tạo bởi những đường cong - là thứ mà các nhà thiết kế đồ họa và những người làm việc trong lĩnh vực in ấn chọn vào thời bấy giờ.

    Steve Jobs đã nhờ Ive thiết kế iMac và con người này đã dành hàng giờ liền trong một nhà máy kẹo, nhìn ngắm mọi thứ để tìm kiếm ý tưởng về màu sắc. Đương nhiên đây không phải là một hành động vô nghĩa bởi khiến iMac trở thành một lời tuyên bố trước thế giới rằng máy tính không phải chỉ để dành cho những công việc khô khan.

    Sau này, những phát minh của Ive như iPod, thế hệ Macbook vỏ nhôm mới, iMac và gần đây nhất là iPad đã góp phần thay đổi vị thế của Apple trong ngành công nghiệp. Giờ thì Apple đã vượt cả Microsoft để trở thành công ty lớn thứ 2 trên thế giới, sau công ty dầu mỏ Exxon-Mobil. Thế nhưng, mọi người nên nhớ rằng, Apple vẫn còn chưa đạt đến tuổi 40 như công ty đang vượt trước nó.


    Thật khó để có thể nói chính xác được rằng trong 324 tỷ USD giá trị của Apple thì Ive đáng giá bao nhiêu. Chỉ riêng trong năm tới, con người này sẽ nhận được 15 triệu Bảng Anh giá trị cổ phiếu trong Apple. Thế nhưng, thứ mà các nhân vật của hãng quả Táo nhìn về Ive không phải là ông ấy kiếm được bao nhiêu tiền.

    Jonathan Ive là một người trốn tránh tất cả mọi ánh hào quang của dư luận. Ông ta sống một cuộc đời gần như “ẩn dật” với vợ là một nhà sử học và một nhà văn cùng hai cậu con trai song sinh của mình. Hàng ngày Ive ăn mặc một cách đơn giản giống như Steve Jobs và giấu mình trong phòng thí nghiệm an ninh cấp độ cao của Apple tại San Francisco.

    Không phải nhân viên nào của Apple cũng được tiếp xúc với “thánh địa” này của Ive. Ở bên trong, những sản phẩm của Apple trong tương lai đang được ngày đêm phát triển. Ive lãnh đạo một đội ngũ do mình tự tay tuyển lựa và làm việc không biết mệt trong nhiều tháng liền với sự tập trung cao độ của một thiên tài.


    Ive thích chế tạo lại chính những sản phẩm mình đã làm ra, tỉ mỉ gọt bỏ từng chi tiết thừa để rồi Macbook hay iPad của Apple ngày càng mỏng. Điều đáng nói hơn nữa ở nhà thiết kế này chính là sự cầu toàn đến cực đoan giống như Steve Jobs và những cảm hứng từ cuộc sống mà ông ta truyền vào trong từng thiết kế của mình.

    Ive luôn trăn trở làm sao để khiến mọi sản phẩm của Apple ngày một tốt lên. Tốt theo nghĩa nó sẽ khiến cuộc sống của mọi người tuyệt vời hơn. Mọi người thường nói rằng Jonathan Ive nhìn vào những vấn đề như cơ khí với giác quan của một nhà giả kim. Ông ta quan tâm đến việc làm thế nào để biến những ý tưởng mang tính đột phá thành sự thực và nỗ lực để có được nó.

    Người tin tưởng rằng khoa học, công nghệ và những điều kỳ diệu đều có cùng một bản chất cũng chính là Ive và iPad là một thứ được thiết kế ra để thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một người cũng là nhờ Ive. Những chi tiết như chiếc đèn LED chìm, hiển thị vạch pin hay việc sử dụng vỏ nhôm nguyên khối trong thiết kế của Macbook Pro đều là những thứ được khai sinh từ bộ óc của Ive. 


    Nếu một ngày con người này tuyên bố trước thế giới về những ý tưởng gợi cảm hứng cho ông về những thiết kế của Apple thì có thể mọi người sẽ còn phải sửng sốt hơn. Không phải ai cũng biết chân đế máy iMac của Apple được lấy cảm hứng từ hoa hướng dương mà Ive đã dành cả tháng trời để thiết kế nó.

    Trong Apple, Steve Jobs là một nhà lãnh đạo coi trọng giá trị của thiết kế trong những sản phẩm của mình. Jonathan Ive lại là lãnh đạo của những nhà thiết kế và coi trọng tầm nhìn của Steve Jobs. Nếu như Steve Jobs là người mơ thấy tương lai huy hoàng của iPhone thì Ive là người biến ý tưởng đó thành sự thực. 

    Tuy nhiên, Apple sẽ ra sao khi không Steve Jobs, có thể các sản phẩm của họ sẽ ngày càng hoàn thiện hơn dưới bàn tay của Ive. Thế nhưng, đã rất lâu rồi, Apple chưa có một phát minh nào mới cũng bởi những năm gần đây, sức khỏe của Steve Jobs đang tụt dốc.

    (Còn tiếp)

    Tổng hợp từ Daily Mail, GuardianThe Sun
    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày