Đánh giá bàn phím Razer Marauder: Giáp sắt xông pha

    PV, Minh Lết 

    Được thiết kế với một mục đích duy nhất: Trở thành "vũ khí" dành cho gamer StarCraft II, Marauder đã chứng tỏ rằng mình là một sản phẩm thực hiện rất sát tôn chỉ của Razer: "Cho game thủ, do game thủ".

    Razer Marauder là sản phẩm nằm trong bộ ba trang bị gồm "chuột, bàn phím, tai nghe" dành cho game thủ Starcraft 2 ra đời từ sự bắt tay giữa Blizzard và Razer.

    Chúng tôi đã có cơ hội gửi đến bạn đọc bài đánh giá chi tiết về sản phẩm tai nghe Razer Banshee cách đây không lâu. Và sau đây là những đánh giá cũng như hình ảnh của chiếc Marauder. Sản phẩm mẫu do cửa hàng chuyên phân phối các thiết bị ngoại vi và âm thanh SVHouse (www.loa.vn) ở địa chỉ 156 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội cung cấp.

    Đập hộp

    Lại một sản phẩm nữa trong bộ ba vũ khí cho gamer ăn theo Starcraft 2 khiến tôi phải "giật mình hoảng hốt". Nhưng lần này không phải vì kích thước của thiết bị trông "khủng bố" như chiếc tai nghe Razer Banshee, mà là vì trọng lượng của Razer Marauder quả thực nằm ngoài tiên liệu của tôi.



    Nhìn chiếc hộp đóng gói gọn gàng, khó có thể nghĩ được rằng sản phẩm này lại nặng đến vậy. Ấn tượng đầu tiên về chiếc bàn phím đến với người sử dụng ngay cả trước khi mở hộp: một thứ gì đó chắc chắn, vững chãi và rất "lỳ".



    Có lẽ đó cũng là ý đồ của nhà sản xuất khi xoay xu hướng thiết kế của Marauder quanh 2 chữ "Amored Assault", Razer muốn chiếc bàn phím của mình thực sự trở thành một bộ giáp sắt đủ sức chống chọi với mọi kiểu "hành hạ" của các game thủ.


    Hộp sản phẩm được gói gọn gàng, đẹp mắt.

    Khi mở hộp có 1 chi tiết rất nhỏ những cũng khiến người viết hài lòng: bàn phím nằm chìm khít trong hộp. Tôi còn đang loay hoay chưa biết tìm cách nào để nậy nó lên thì để ý thấy có 1 vạt giấy chìa ra.



    Nắm vạt giấy đó kéo lên, miếng bìa cứng phía dưới bàn phím nâng lên và bật ra khóa vào mép hộp, khiến bàn phím nằm dốc lên lộ hẳn ra ngoài, sẵn sàng xuất trận.



    1 chi tiết rất nhỏ nhưng được chau chuốt khiến người viết cảm thấy ngay không khí rất hiện đại và... tự động hóa.


    Phụ kiện đi kèm của Marauder khá đơn giản, chỉ gồm 2 sách hướng dẫn và 1 miếng decal.

    Thiết kế

    Về cơ bản, Marauder vẫn giữ những nét thiết kế tương đồng với Banshee: Vẫn những đường xẻ lăng giác dứt khoát và mạnh mẽ, màu sơn kim loại xám kết hợp với những mảng đen vuông vắn.





    Những góc cắt rất táo bạo, dứt khoát đã cho Razer Marauder 1 dáng vẻ khỏe khoắn, nam tính.

    Chiều dày của Marauder không hề "khiêm tốn" chút nào.


    Cụm đèn báo chức năng.

    Trên Marauder có sự rút gọn các phím chức năng. Cụ thể, các phím mũi tên và cụm phím chức năng như Insert, Del, Home được gộp vào cụm phím số numpad ở phía bên tay phải.



    Việc gộp phím này khiến cho Marauder gọn gàng và vuông vức hơn. Dù vậy, kích thước của Marauder cũng không nhỏ hơn bao nhiêu so với các bàn phím cùng loại. Tuy nhiên có thể chắc chắn 1 điều rằng Marauder sẽ nằm rất gọn trong chiếc balo chứa laptop 15 inch của bạn, dù rằng chiều dày của Marauder có thể sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi muốn mang bàn phím này bằng các loại cặp táp thông thường.

    Và cũng như các sản phẩm khác của Razer, Marauder cũng vẫn giữ truyền thống "xanh đỏ tím vàng" bằng một loạt các vạch đèn Led bố trí ở 4 góc, 2 sườn và đèn nền cho phím.





    Thực lòng mà nói, phong cách này của Razer thoạt nhìn thì có vẻ vui mắt, nhưng sử dụng lâu dài thì sẽ chóng trở nên nhàm chán, thậm chí là gây khó chịu cho người dùng.

    Đồng thời cũng giống như Banshee, dây của Marauder cũng được bọc bằng 1 lớp sợi bện rất cứng. Nhưng nếu như dây của Banshee tỏ ra thực sự khó chịu vì hay bị xoắn, thì dây của Marauder lại ít thu hút được sự chú ý của người viết. Có lẽ là vì đặc điểm của bàn phím ít phải di động hơn tai nghe.

    Tính năng

    Về mặt tính năng, Marauder có mấy đặc trưng nổi bật được Razer "khoe" rất rõ ràng trên vỏ hộp: Thời gian đáp ứng siêu nhanh 1ms, phím khắc bằng laser, tính năng ghi Macro nóng, và hệ thống đèn báo tốc độ ra lệnh của người sử dụng khi chơi game.



    Về thời gian đáp ứng 1ms có lẽ sẽ trở thành một trong những vũ khí quan trọng cho những ai cần sự chính xác và thời gian đáp ứng khi bấm phím hầu như lập tức. Tuy nhiên nếu bạn không phải là 1 gamer chuyên thi đấu ở các giải đấu lớn nơi mà thắng bại tính bằng mi-li-giây, thì sự khác biệt về thời gian đáp ứng của bàn phím cũng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sử dụng.

    Về việc phím khắc bằng laser thì người viết lại đặc biệt cảm thấy không hài lòng với tính năng này. Nhưng để biết vì sao việc Razer khắc các phím bằng laser lại trở nên khó chịu như thế thì có lẽ nên tìm hiểu trước về cơ chế kết nối của Razer Marauder. Ở đầu nối vào máy tính của cáp chia ra làm 2 cổng USB. 2 cổng USB này thì 1 cổng để cấp nguồn cho đèn , cổng còn lại để truyền tải dữ liệu và cấp nguồn cho bộ xử lý của bàn phím.


    Phím khắc laser trông rất sắc sảo khi có đèn nền.

    Việc chia cổng kết nối thành 2 đầu USB gây ra rất nhiều sự bất tiện. Mà đầu tiên là việc khi sử dụng, Marauder sẽ chiếm hẳn 2 cổng USB. Trên chiếc iMac của tác giả chỉ có 4 cổng USB, việc mất hẳn 2 cổng cho kết nối bàn phím khiến khả năng linh hoạt trong kết nối các thiết bị ngoại vi bị giảm sút hẳn.

    Thứ nữa, chiếc laptop mà người viết thường sử dụng cũng chỉ có 2 cổng USB, và 2 cổng này nằm ở 2 bên sườn máy. Phần dây nối giữa 2 đầu USB của Marauder không đủ dài để cắm vào 2 cổng cùng 1 lúc. Kết cục là Marauder đành chịu chết, không thể sử dụng được trên larptop.

    Tất nhiên nếu không cắm cổng cấp nguồn cho đèn, thì bàn phím vẫn hoạt động bình thường, có điều đèn không sáng và 3 chữ "đèn không sáng" lại dắt theo một hệ quả vô cùng khó chịu nữa: Số và chữ trên mặt phím của Marauder được khắc bằng laser và sau đó phủ lại bằng nhựa trong suốt để ánh sáng từ đèn nền đi qua.

    Như thế có nghĩa là khi ở dưới điều kiện ánh sáng từ màn hình phản chiếu lên mặt phím hoặc người dùng ngồi ở 1 số vị trí nhất định sẽ hầu như không thể nhìn thấy trên phím đó là kí tự gì. Việc kí tự của phím "mù mờ" gây rất nhiều khó khăn và khó chịu khi sử dụng. Nói ngắn gọn: muốn sử dụng được Marauder thì phải có đèn, mà muốn có đèn thì phải chịu mất 2 cổng USB, dù thích dù không.


    Không có đèn nền là Marauder sẽ mờ mịt như thế này

    Cảm giác sử dụng

    Các phím của Marauder khi được thắp đèn nền lên trông khá rõ và đẹp. Cảm giác sờ tay lên mặt phím được phủ sơn hơi sần cho cảm giác rất êm và thoải mái. Mặt phím đượt thiết kế lõm xuống ở giữa giúp người sử dụng luôn ấn vào phím ở chính giữa, giảm thiểu khả năng kẹt phím do nhấn vào mép phím. Thêm nữa các phím được bố trí thành 1 hình vòng cung hơi chếch lên, khiến cảm giác khi gõ rất thoải mái, không bị mỏi cổ tay. Với những ai muốn bàn phím được nâng cao hơn thì có thể bật 2 chốt ở mép bàn phím để chống nghiêng bàn phím lên, giúp việc sử dụng được dễ dàng hơn.


    Phím của Marauder lõm xuống giúp giảm thiểu việc bấm vào mép.


    Marauder có các phím bố trí thành vòng cung


    Chống nghiêng có thể bật ra, thu vào tùy ý.


    Khi bật chống nghiêng, bàn phím được nâng cao giúp người sử dụng đỡ mỏi cổ tay

    Các phím trên Marauder được thiết kế khá tách bạch và phím được chuốt hơi vát về phía mặt , khiến cho khoảng cách giữa các phím rộng ra, giảm thiểu khả năng gõ nhầm, gõ ríu phím. Hành trình phím tương đối sâu và cơ phím đàn hồi rất tốt.


    Lớp đệm cao su giúp Marauder để trên mặt bàn êm hơn và giảm tiếng lạch cạch.

    Tuy nhiên có 1 điểm người viết vẫn cảm thấy chưa hài lòng về cảm giác sử dụng của Marauder: Âm thanh khi gõ phím vẫn còn to. Tất nhiên không phải là ồn ào như các bàn phím Mitsumi rẻ tiền, nhưng tiếng lọc cọc vẫn khá rõ. Nhưng đây có thể là do người viết quen sử dụng bàn phím slim key và bàn phím laptop vốn tĩnh lặng hơn những kiểu bàn phím truyền thống như Razer Marauder rất nhiều.

    Các phím mũi tên và chức năng như insert, del, home bị gộp vào trong numpad cũng gây một vài phiền toái. Cụ thể là muốn dùng phím mũi tên thì không thể đánh số bằng numpad và ngược lại. Bên cạnh đó, nếu bạn đọc nào phải sử dụng Excel nhiều như người viết có lẽ sẽ thấy được sự khó chịu khi nhập số liệu trong Excel bằng Marauder.



    Bên cạnh đó, việc các phím mũi tên, vốn được dùng khá nhiều trong cả game lẫn các tác vụ thông thường bị gộp vào numpad khiến cho việc sử dụng các phím này có thể cảm thấy hơi lạ tay và dễ bấm nhầm. Tuy nhiên sau vài ngày sử dụng thì những bỡ ngỡ ban đầu cuối cùng cũng qua đi khi người viết đã dùng Marauder quen tay hơn.

    Hiệu năng

    Cũng giống như những bàn phím chơi Game khác, Marauder được bổ sung tính năng ghi Macro: Ghi lại 1 loạt thao tác và gán vào 1 phím, lần sau phím đó sẽ có chức năng thực hiện lại những gì mà bạn ghi lại trước đó. Rất hữu ích trong các trò chơi đòi hỏi việc nhấn 1 tổ hợp các phím để đạt combo. Điểm nổi bật của Marauder là khả năng ghi lại Macro ngay khi đang chơi game mà không cần sử dụng chương trình điều khiển đi kèm thiết bị. Marauder cũng có 1 bộ nhớ riêng nên bạn có thể yên tâm là những thiết lập của bạn sẽ đi theo bạn đến bất cứ nơi đâu.


    Phím Macro (Alt) cho phép ghi nóng Macro ngay khi đang chơi game. Phím Fn dùng để kích hoạt các tính năng phụ trợ của phím được nhấn. Nhấn kèm Fn với các phím chức năng để sử dụng tính năng đặc biệt của các phím này.

    Không cần thiết phải là game thủ để bạn có thể tận dụng được ưu thế của việc gán phím macro: Người viết cảm thấy đặc biệt hài lòng khi có thể gán các lệnh vẽ thường dùng trong Autocad vào một vài phím, tỉ dụ như để dùng lệnh "dli" thì bây giờ người viết chỉ cần bấm dấu "`" thay vì bấm 3 phím riêng lẻ như trước. Rất nhanh và tiện.

    Đèn LED của Marauder cũng giống như người anh em Banshee, có tính năng đổi màu phụ thuộc vào tốc độ ra lệnh của người chơi. Đồng thời đèn LED của Marauder sẽ nhấp nháy thông báo cho người chơi về các diễn biến trong game như khi người chơi bị tấn công, hoặc 1 công trình được hoàn tất. Đồng thời, khi không chơi game, người dùng cũng có thể đổi màu của đèn LED tùy theo sở thích bằng công cụ đi kèm theo bộ ba sản phẩm.



    Vì bản thân người viết không chơi StarCraft chuyên nghiệp nên những lợi thế của Marauder dường như không phát huy được. Dù vậy, các hiệu ứng LED trên bàn phím của Marauder dường như có ích hơn LED trên tai nghe Banshee, vì người sử dụng có thể dễ dàng quan sát sự thay đổi màu của bàn phím, còn đối với Banshee thì việc tự mình quan sát màu sắc đèn trên tai nghe là điều không thể.


    Cụm phím dùng để điều khiển trình chơi nhạc, phim

    Bên cạnh đó, Marauder cũng được trang bị cụm phím Media, cho phép tăng giảm âm lượng , tua bài , chơi/dừng . Người viết cảm thấy ngay lập tức quen thuộc và yêu thích các phím này khi có thể dễ dàng điều khiển trình chơi nhạc mà không cần phải bỏ dở công việc đang làm. Đặc biệt hữu ích là 2 phím tăng giảm âm lượng.


    Nút chuyển chế độ Gaming nằm kèm với phím F11.

    Người sử dụng cũng có thể chuyển Marauder sang chế độ gaming chỉ bằng 1 nút bấm, ở chế độ này phím Windows sẽ bị khóa lại và triệt tiêu nguy cơ bị văng game do bấm nhầm phím Windows.

    Kết luận

    Marauder là một mẫu sản phẩm rất tốt của Razer. Thiết kế đẹp, chất lượng gia công tốt, chắc chắn, bền bỉ, cảm giác sử dụng thoải mái và có những tính năng phụ trợ khá độc đáo như macro, đèn LED. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại những hạt sạn khá khó chịu như việc các phím của Marauder bị mờ chữ ở 1 số góc nhìn nhất định hoặc việc tiếng gõ phím vẫn còn hơi to đã ngăn cản Marauder trở thành 1 sản phẩm hoàn hảo hơn.

    Thêm nữa, với cái giá lên đến trên 3 triệu đồng (tham khảo ở SVHouse), có lẽ sẽ chỉ có hardcore fan của StarCraft và Razer là sẽ đủ dũng cảm để móc ví. Dù vậy, không thể không thừa nhận, Marauder vẫn là một bàn phím tuyệt vời, và với những tính năng của mình, Marauder đã thực sự tạo được một chỗ đứng rất riêng mà khó có đối thủ nào tranh giành được.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày