Thăm chợ điện tử đêm trên đường Đê La Thành

    PV, Phi Phong 

    Khu chợ vỉa hè hấp dẫn khách hàng bởi sự phong phú và mức giá rẻ đến ngạc nhiên. Đến đây, nếu khéo chọn bạn sẽ tìm thấy nhiều món rất hời.

    Họp ven đường, tập trung thành nhóm nhỏ, chợ điện tử "vỉa hè" từ lâu đã trở thành điểm lui tới của nhiều người Hà Nội. Ở đây, người ta dễ dàng tìm thấy món đồ cần thiết với giá cả từ thượng vàng đến hạ cám. Tồn tại đã vài năm trên vỉa hè đường Đê La Thành, chợ điện tử nơi đây họp vào buổi tối nhưng vẫn thu hút đông đảo lượng khách qua lại.
     
    Sôi động chợ điện tử "vỉa hè" buổi tối
     
    Nằm cách ngã tư Đê La Thành – Giảng Võ vài chục mét, gần con phố Nguyễn Phúc Lai, cứ đến 19 giờ hàng ngày, chợ điện tử "vỉa hè" tại đây lại bắt đầu hoạt động tấp nập. Chẳng quá cầu kỳ, 6-7 sạp hàng bày trên vải bạt với đủ thứ đồ điện tử vẫn khiến không khí khu chợ nhỏ luôn ồn ào, huyên náo.
     
     
    Khoảng 17h, dân buôn đã tụ tập trước ở khu vực hồ Đống Đa gần đó.
     
    Điểm thú vị, chủ tiệm Sim, thẻ gần đó cho chúng tôi biết, dân buôn chợ này trước vài tiếng thường tụ tập tại khu vực cuối đường Nguyễn Phúc Lai, bờ hồ Đống Đa. Tận dụng khoảng thời gian về chiều, các hoạt động trao đổi đồ, mua lại hàng hóa diễn ra nhiều hơn. Còn từ thời điểm từ 19 giờ trở đi, người ta tập trung vào việc bán lẻ cho khách và hạn chế mua vào hàng hóa.
     
    Đến với khu chợ điện tử này, khách hàng tìm thấy đủ món hàng liên quan tới điện thoại, máy tính, âm thanh, thiết bị gia dụng... Đa phần chúng đều là đổ cũ, hỏng thậm chí vỡ nát. Thấy nhiều nhất là các loại sạc điện thoại từ cổ chí kim, đủ kiểu điều khiển TV, đầu đĩa... hay cable, dây cắm, ổ cắm các loại.
     
     
    Tới 19h thì chợ chuyển sang họp trên đường Đê La Thành.
     
    Hỏi thử một người phụ nữ bán hàng thì giá cho chiếc sạc điện thoại trung bình khoảng 10-12 ngàn đồng, một chiếc điều khiển TV khoảng 20 ngàn. Cao hơn một chút các mặt hàng như điện thoại di động cũ có giá từ trên 100 ngàn đến vài trăm ngàn. Cũng có khi ở đây xuất hiện một vài món đồ khá mới, còn tem bảo hành. Theo người có kinh nghiệm thì mặt hàng này chủ yếu là đồ "thửa" (trộm cắp – PV) nếu khéo chọn cũng tìm được nhiều món rất hời.
     
    Cách vị trí tôi đứng chừng vài bước chân, đám đông đang xúm lại trả giá cho chiếc máy ảnh Sony cũ được rao bán 1,2 triệu đồng. Người bán kiên quyết với mức giá còn khách mua ra sức cò kè từng chục ngàn đồng. Ở phía bên kia đường, từng lượt xe máy, xe đạp cũng tấp vào các sạp hàng tìm kiếm hồi lâu. Mỗi người đến đây đều có mục đích riêng. Có người công nhân chỉ đơn giản vào mua chiếc phích cắm giá rẻ, có bạn sinh viên thì dường như đang cố chọn thứ linh kiện gì đó phục vụ việc học tập. Khi nhặt được món đồ vừa ý, cuộc ngã giá chớp nhoáng diễn ra, biến khung cảnh chợ trở nên ồn áo tấp nập cả một đoạn phố.
     
      
    Đủ các loại mặt hàng linh kiện được bày bán.
     
    Khác với các kiểu bán hàng ở nhiều nơi, người bán ở chợ điện tử Đê La Thành thường khá kiệm lời. Ngoài chuyện thương lượng giá cả, ít khi người ta lăng xê, hay giới thiệu nhiều về sản phẩm. Về phía người mua, có vẻ ai nấy cũng đều hiểu mua hàng phải chấp nhận hên xui. Quyết định rút ví cho chiếc sạc điện thoại Samsung, cậu thanh niên ngay cạnh tôi vẫn thở dài ngao ngán:”tìm mãi mới thấy con sạc mà chẳng hiểu về nhà dùng được không...”.
     
    Kinh nghiệm đi chợ điện tử "vỉa hè"
     
    Đang giữa cảnh chợ ồn ào, một thanh niên dáng người cao gầy tách đám đông vào chào giá chủ hàng chiếc điện thoại Sony Ericsson rất mới. Anh này chẳng ngần ngại nói to: “Máy mới xoáy được (móc túi – PV), em cần đẩy đi luôn”. Thấy tôi có vẻ chú ý đến chiếc điện thoại, người đàn ông bên cạnh ghé tai nói nhỏ: “chân gỗ cả đấy, đừng ham rẻ!”.
     
     
     
    Hỏi chuyện kỹ hơn, bác Thanh (tên người đàn ông) cho biết kịch bản này vẫn thi thoảng diễn ra tại đây. Kẻ xấu thường lợi dụng mác “hàng trộm cắp” cần bán gấp để khiến người mua nghĩ món hàng có giá rất hời. Thực chất, sản phẩm có khi là hàng nhái, hỏng hóc hoặc đôi khi lợi dụng cảnh mua bán nhập nhoạng, chúng sẽ đánh tráo hàng lừa người mua. Ở đây, có khi cả chủ hàng, lẫn người thanh niên kia đều đang diễn trước mặt khách.
     
    Bác Thanh kể thêm:“Hay lui tới chợ này chủ yếu là sinh viên, người lao động và những người làm nghề sửa chữa điện tử như tôi. Ở đây có đủ thứ và giá rẻ nhưng để tìm được món đồ đúng ý không phải chuyện đơn giản”. Lời giải thích của bác Thanh chẳng sai, bởi khi mua bán ở chợ điện tử vỉa hè, khách hàng rất khó xem xét cụ thể sản phẩm. Sau khi “tiền trao, cháo múc”, người bán cũng coi như phủi hết trách nhiệm.
     
       
     
    Kinh nghiệm cho thấy, với các mặt hàng khó xác định khả năng sử dụng ngay tại chợ, người mua tuyệt đối không nên ham rẻ. Để kiểm chứng, chúng tôi đã từng thử mua chiếc bàn phím có giá 40 ngàn tại đây. Khi kiểm tra kỹ tại nhà thì sản phẩm này bị liệt gần hết cụm Num-pad.
     
    Ngoài ra, theo kinh nghiệm của bác Thanh và những người đi chợ lâu năm: mua bán ở đây phụ thuộc khá nhiều và chuyện tinh mắt nhanh tay. Nếu đến sớm và khéo chọn, khách hàng có cơ hội tìm được món đồ vừa ý cao hơn. "Nhớ bật đèn flash trên điện thoại để soi kỹ món đồ trước khi mua" - thêm một kinh nghiệm nhỏ trong việc đi chợ được bác chia sẻ với chúng tôi.
     
    22 giờ, khi chúng tôi ra về cũng là lúc nhiều sạp hàng chuẩn bị rời đi. Đâu đó quanh đây vẫn còn nghe tiếng mặc cả vội của những người khách đến muộn. Đến tối mai, vẫn khu phố này, vẫn những sạp hàng kia, khu chợ vỉa hè lại xuất hiện như một điểm đến không thể thiếu trong thói quen mua đồ điện tử của nhiều người Hà Nội.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ