Laptop refurbished vẫn là nỗi sợ của người dùng Việt?

    PV, Phi Phong 

    Khi khách thắc mắc tại sao chiếc laptop không còn nguyên tem thùng, cửa hàng chỉ đưa ra lý do quen thuộc “bị Hải quan kiểm tra” là 90% trường hợp đã được thông cảm.

    Vài năm trở lại đây, thuật ngữ "laptop refurbished" được cả giới buôn bán và người dùng sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, trong chính đánh giá của khách hàng vẫn đang tồn tại hai luồng suy nghĩ trái chiều về mặt hàng này.
     
    Từ những người chuộng hàng refurbished
     
    Thuật ngữ "refurbished" dùng chung cho các mặt hàng trong nhóm thiết bị điện tử, chỉ những sản phẩm vì nhiều lý do phải quay trở lại nơi xuất xưởng. Ở đây, nhà sản xuất sẽ tái kiểm tra, sửa chữa, rồi đóng gói và xuất sản phẩm lại thị trường. Dạng hàng này vẫn phải đảm bảo đủ yêu cầu chất lượng, nhưng có giá thành rẻ hơn, thời hạn bảo hành được rút ngắn so với hàng "brandnew" (hàng mới 100%).
     
    Quy định ở nhiều nước phát triển bắt buộc các hãng phải phân biệt rõ ràng hàng refurbished và brandnew trên bao bì, số serial để tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ở Việt Nam, laptop là mặt hàng xuất hiện dưới phiên bản refurbished nhiều hơn các thiết bị điện thoại, màn hình, TV…
     
     
    Theo chia sẻ của anh Tú, giám đốc chuỗi cửa hàng máy tính xách tay LiTek, các sản phẩm laptop refurbished bắt đầu có mặt ở thị trường trong nước từ những năm 2006 - 2007. Đến nay, mặt hàng này cũng có danh mục riêng trên báo giá tại không ít cửa hàng. Ở một số đơn vị, dù không niêm yết nhưng khi khách có nhu cầu, các chủ hàng cũng sẵn sàng nhập về cung cấp. Tham gia kinh doanh laptop từ nhiều năm, anh Tú nhận định thị trường laptop refurbished đang có chiều hướng khởi sắc, bởi ngày càng nhiều người biết và hiểu đúng về sản phẩm.
     
    Đúng theo quy định của nhà sản xuất, laptop refurbished được kiểm định chất lượng với cùng quy chuẩn như hàng brandneư. Nhưng xét theo giá thành thì sản phẩm lại có giá dễ chịu hơn. Ví dụ: Sản phẩm HP Envy 14 cấu hình Core i7 có giá brandnew vào khoảng 26 triệu đồng nhưng phiên bản refurbished chỉ 21 triệu. Các sản phẩm HP Elitebook 2740p, Dell Latitude Z600, Asus G73JH… bản refurbished cũng có giá rẻ đi vài triệu đồng.
     
     
    Mức chênh lệch này tùy model, nhưng nhìn chung với các sản phẩm có giá bán mới càng cao, thì khi chọn hàng refurbished, người dùng càng tiết kiệm được nhiều. Anh Hùng, đại diện cửa hàng laptop Song Việt, một đơn vị chuyên về hàng refurbished tại Tp Hồ Chí Minh cho biết, doanh số các sản phẩm laptop refurbished mà công ty bán ra trong khoảng 2 năm gần đây rất lớn, không kém nhiều việc kinh doanh hàng brandnew. Đại diện Song Việt cũng nhận xét: “Các dòng máy business, có tầm giá cao được người dùng tìm đến nhiều hơn. Bởi mức giảm giá lớn trong khi thời gian bảo hành cũng được các hãng quy định ở mức trên 12 tháng, thay vì 3-6 tháng như với nhiều dòng cấp thấp”. Có cùng nhận xét, đại diện công ty LiTek cũng khẳng định laptop refurbished ở tầm giá trên 20 triệu được chọn mua nhiều, bên cạnh đó là một số ít model có giá trị thấp hẳn (dưới 10tr đồng).
     
    Khi được hỏi kỹ hơn về vấn đề bảo hành, các cửa hàng cho biết một số dòng máy sẽ bảo hành qua cửa hàng còn lại đều có thể bảo hành toàn cầu tại Việt Nam với thời gian tùy vào nhà sản xuất quy định (từ 3 đến 12 tháng). Ở thị trường trong nước, một số dòng máy như HP Elitebook 8440p, HP Elitebook 2740p, Dell Latitude Z600, HP Envy 14, Asus G73JH… hiện nay đang bán rất chạy với phiên bản refurbished.
     
    Laptop brandnew không phải lúc nào cũng là lựa chọn số 1.
     
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, tìm đến mặt hàng này chủ yếu là người dùng có hiểu biết tốt về laptop. Thậm chí, để mua được sản phẩm ưng ý không phải chuyện đơn giản. Vì ngay ở thị trường nước ngoài, người ta cũng có tâm lý “săn lùng” laptop loại này. Chẳng hạn như trên trang bán hàng trực tuyến của Dell (Dell Outlet), để mua được laptop refurbished ưng ý, khách hàng phải ngồi canh từng giờ bởi mỗi chiếc máy xuất hiện đều có thể bị đặt mua mất trong ít phút.
     
    Đến hội chứng sợ… laptop refurbished
     
    Như đã nói ở đầu bài viết, trong suy nghĩ khách hàng hiện nay đang tồn tại hai đánh giá trái chiều về các sản phẩm laptop refurbished. Khác hẳn những người sẵn sàng chọn mặt hàng này, với một bộ phận người dùng khác, hai từ "laptop refurbished" đôi khi được đánh đồng với các sản phẩm kém chất lượng... cần tránh xa. Sự hiểu lầm một phần xuất phát từ kiến thức chưa đúng và đẩy đù của khách hàng. Còn nguyên nhân thứ hai do chính tác động từ cung cách làm ăn thiếu minh bạch của nhiều đơn vị trong nước.
     
    Luôn chắc chắn về "seal" thùng. Ảnh: internet.
     
    Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, anh Long (admin diễn đàn Yeulaptop.com) từng nhận xét: “Nếu các cửa hàng laptop ở Việt Nam công khai việc bán hàng refurbished, đảm bảo đúng giá thành, nguồn gốc thì có lẽ bây giờ nhắc đến hai từ “laptop refurbished” khách không phải phát sợ đến thế”. Theo anh Long thì hiện nay trên thị trường hàng xách tay đang phổ biến hai kiểu bán hàng refurbished lừa đảo. Kiểu thứ nhất, cửa hàng khẳng định bán hàng brandnew, nhưng lại cung cấp cho khách laptop refurbished với giá đáng lẽ phải rẻ hơn. Kiểu thứ hai (hiếm gặp hơn), một số cửa hàng lợi dụng mác hàng refurbished để đưa vào các sản phẩm cũ, tự sửa chữa, "mông má", thậm chí sử dụng cả bao bì giả để đánh lừa khách hàng.
     
    Nhiều thành viên Diễn đàn tin học, Yeulaptop, vozForums hẳn vẫn nhớ vụ việc HNL – một công ty bán laptop khá lớn ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh từng cung cấp sản phẩm laptop Dell Studio 1535 refurbished trong khi một mực khẳng định với người mua đây là hàng brandnew. Vụ việc đã tạm lắng sau khi HNL quyết định đổi sản phẩm khác cho khách hàng. Nhưng điều đó cho thấy, ngay cả với một cơ sở hoạt động lâu năm, có tên tuổi, khách hàng vẫn khó có thể tin tưởng hoàn toàn, nhất là khi chưa hiểu rõ về dấu hiệu nhận biết giữa hàng refurbished và brandnew.
     
     
    Ngay cả cách kiểm tra số serial number, product number (hoặc service tag) có thể giúp bạn biết chắc sản phẩm thuộc loại nào (brandnew hay refurbished) thì nhiều cửa hàng vẫn có thể sử dụng mác hàng refurbished để thực hiện hành vi lừa đảo. Anh Long nhắc nhở: "Trừ các sản phẩm phân phối chính hãng ở Việt Nam, thì khi mua hàng xách tay, cần cảnh giác hoặc tốt nhất là từ chối ngay các sản phẩm laptop brandnew, refurbished mà bao bì đã được mở ra hoặc bao bì có dấu hiệu nghi vấn". Chỉ cần tem thùng được khui ra trước, các cửa hàng có thể thay đổi đủ thử mà bạn không lường trước được.
     
    Mẫu vỏ hộp laptop HP bị làm giả. Ảnh: internet.
     
    Một dân buôn laptop (giấu tên) cho biết người dùng bây giờ rất cảnh giác nhưng cũng vẫn bị cửa hàng qua mặt. Chẳng hạn, khi khách thắc mắc tại sao chiếc laptop này không còn nguyên tem thùng, cửa hàng chỉ cần đưa ra lý do quen thuộc “bị Hải quan kiểm tra” là 90% trường hợp đã được thông cảm. Đó là chưa kể các hình thức sử dụng tem giả, vỏ hộp các tông in ấn tại Việt Nam. Đôi khi nhận thấy vỏ hộp có chút khác lạ nhưng lại nghĩ đây là hàng refurbished nên nhiều người vẫn tặc lưỡi cho qua. Chính suy nghĩ này tạo điều kiện để một số cửa hàng kinh doanh gian dối.
     
    Ở đây câu chuyện cho thấy cách làm ăn chụp dật, lợi dụng mác hàng refurbished của nhiều đơn vị kém uy tín đã tạo ra ấn tượng xấu cho phần lớn khách hàng Việt Nam về mặt hàng này.
    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày