Đánh giá chi tiết Asus G73JH: Laptop chơi game hàng "cũ" giá tốt!

    PV, Nội Tâm 

    “Cũ thì làm sao mạnh bằng mới được” – Suy nghĩ sai lầm này đã khiến không ít game thủ vuột khỏi tay nhiều phi vụ đầu tư hiệu quả. Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu Asus G73JH-BST7 – cái tên không phải mới nổi lên gần đây trong làng laptop chơi game, nhưng vẫn là lựa chọn thuộc loại tốt nhất cho nhu cầu giải trí di động hiện nay.

    Lưu ý: Sản phẩm hiện có giá khoảng 22 triệu VNĐ cho bản Ref và 30 triệu VNĐ cho hàng Brand new (chưa bao gồm VAT). Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, người dùng chỉ có thể tìm thấy trên thị trường các sản phẩm Ref của Asus G73JH-BST7. Một phần vì giá thành của hàng Brand new quá cao dẫn đến sức tiêu thụ thấp, cộng thêm sự xuất hiện của đàn em G74 nên các công ty hầu như đã ngừng nhập G73JH-BST7 Brand new. Các bạn có thể tham khảo bài viết này để có cái nhìn rõ hơn về hàng Ref.
     
    Thiết kế
     
    Hình thức của G73JH nhìn chung khá đơn giản: không hoa văn màu mè, cũng không bọc viền kim loại. Chỉ bằng sắc đen từ đầu đến cuối, cả chiếc máy vẫn toát lên vẻ mạnh mẽ mang chút hơi hướm của siêu xe Lamborghini.
     
     
    Ấn tượng đầu tiên của tôi về chiếc máy là kích thước đồ sộ của nó: Sử dụng màn hình 17,3”, Asus G73JH to hơn rất nhiều so với bất cứ chiếc laptop nào tôi từng sử dụng. Dù có chiều dày lớn nhất lên tới 57 mm, trông “siêu mẫu” này vẫn khá eo ót bởi phần mặt máy “to như chiếc bảng” của mình. Cân nặng của máy cũng thuộc hàng “khủng bố” trong thế giới máy tính xách tay: 3,5 kg (cả pin). Nếu tính đến cả túi xách và adaptor (thứ không thể thiếu đối với G73JH), tổng khối lượng người dùng phải cõng trên vai lên tới 4,5 kg. Với các số đo thế này, G73JH giống như một chiếc máy tính để bàn có khả năng di động hơn là máy tính xách tay.
     
    Đặt cạnh màn hình 17”.
     
    Có lẽ chính bởi vấn đề cân nặng, Asus buộc phải sử dụng vỏ nhựa hoàn toàn cho chiến binh của mình. Rà tay khắp toàn bộ mặt máy, thân máy, đáy máy và 2 cạnh, tôi chỉ sờ thấy một lớp nhựa nhám chứ không hề có cảm giác lạnh của kim loại. Điểm khó chịu là lớp nhựa này có khả năng trầy xước và cực khó chùi vân tay. Còn một điều ngoài lề: lớp vỏ này cực kì hút sáng, khiến tôi không thể chụp được những pô ưng ý trong điều kiện ánh sáng phòng.
     

    2 khe tản nhiệt phía sau.
     
    Khác với các laptop thông thường, 2 khe tản nhiệt được đẩy về phía sau. Tuy chỉ là 2 khe tản nhiệt nhưng vẫn đậm chất “ngầu”. Nhiều người nhận xét nó giống khe thông khí của Lamborghini nhưng đối với tôi, trông giống như động cơ tên lửa hơn.
     
     
    Dàn loa được đặt ở vị trí tiếp xúc giữa thân và màn hình. Có một điều khiến tôi hơi thắc mắc là tại sao Asus lại để khoảng trống ở 2 bên bàn phím mà không tận dụng không gian này để mở rộng nó. Do sắp đặt phần cứng bên dưới chăng?
     
    “Mượn tạm” hình trên trang chủ do chúng tôi không thể xé tem trên sản phẩm.
     
     
    Kết nối
     
    Chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí, cộng thêm kích thước cho phép, G73JH trang bị đầy đủ mọi cổng kết nối cần thiết: 4 x USB 2.0, HDMI, VGA, Headphone, Microphone, đầu đọc thẻ nhớ, ổ DVD-RW, Ethernet (cáp mạng). Người dùng hoàn toàn không phải chịu cảnh thiếu thốn khó chịu khi có nhu cầu kết nối với các thiết bị khác.
     

    Cạnh trái gồm jack Headphone, Microphone, 2 x USB, ổ DVD-RW và Ethernet.
    Cạnh phải gồm 2 x USB, cổng HDMI, VGA, đầu đọc thẻ nhớ và cắm sạc.
     
    Sử dụng WiFi 802.11n (Atheros AR9285), khả năng bắt sóng của hệ thống khá “khỏe”, ping ổn định trong thời gian dài, ngay cả khi đang chơi game (tỏa nhiệt mạnh). Ngoài ra máy còn hỗ trợ kết nối Bluetooth 2.1 EDR (Broadcom BT-270).
     
     
    Nghe & Nhìn
     
    Màn hình là một thành phần cực kì quan trọng đối với laptop chơi game. Ở điểm này có thể nói Asus G73JH đã làm không thể tốt hơn. Với màn hình có độ sáng rất cao và dải sáng rộng, hình ảnh đều thể hiện rất chân thực, sắc nét dù đang xem phim, chơi game hay sử dụng ứng dụng. Tuy nhiên các tùy chọn tinh chỉnh sẵn của Asus không được hợp lý và ưng ý cho lắm (sáng quá, tối quá, màu nhợt quá...) nên người dùng chắc chắn sẽ phải chịu khó ngồi chỉnh sửa lại.
     
    Các phiên bản G73JH đều trang bị màn hình 17,3” với 2 tùy chọn độ phân giải 1600 x 900 và 1920 x 1080. Phiên bản BST7 của chúng ta sử dụng tùy chọn 1600 x 900. Bản thân tôi đánh giá khá cao điều này bởi nó tiết kiệm cho túi tiền chúng ta một khoản kha khá. Hơn nữa ở kích thước 17,3”, chất lượng hình ảnh ở 2 độ phân giải này không hơn kém nhau nhiều. Tuy nhiên vẫn tồn tại một điểm trừ nho nhỏ: góc nhìn của màn hình hơi hẹp, khiến khả năng giải trí cùng bạn bè bị hạn chế nhiều.
     
    Nối tiếp phần nhìn, phần nghe cũng thể hiện được sự đầu tư của Asus cho chiến binh G73 của mình. Âm thanh chuẩn EAX HD 4.0 (tương thích loa 2.1 và 5.1 digital output HDMI) cho chất lượng không phải nghi ngờ. Hệ thống loa được đặt ngay điểm nối giữa màn hình và thân máy, có âm lượng rất cao và thuộc loại cực tốt so với máy tính xách tay, thậm chí không thua kém so với các loa nén thông dụng cho máy tính để bàn hiện nay là bao. Được thiết kế chủ yếu phục vụ cho game thủ, bộ loa có vẻ hơi nặng về âm Bass và thể hiện Treble hơi kém, nên phù hợp cho thưởng thức phim ảnh và game hơn là nghe nhạc.
     
    Bàn phím & touchpad
     
    Là laptop chuyên dành cho game thủ, cộng với lợi thế kích thước, Asus “hào phóng” trang bị cho G73JH hẳn bộ bàn phím chiclet với đầy đủ phần phím số. Tuy nhiên chỉ có các phím bên phần chính được giữ kích thước chuẩn, còn phần phím số bên Num-lock lại hơi hẹp hơn một chút. Theo cảm nhận của tôi, các phím có độ nảy khá ổn và bám tay. Một hệ thống đèn backlit bên dưới có thể điều chỉnh độ sáng đem lại khả năng sử dụng rất tốt trong môi trường thiếu ánh sáng.
     
     
    Thế nhưng có một số phím được bố trí rất bất hợp lý như Shift và Ctrl cùng các phím lên, xuống, trái, phải và 0 (bên phần Num-lock). Khả năng bấm nhầm giữa các phím này rất hay xảy ra. Đồng thời 4 phím di chuyển lại quá nhỏ nên việc sử dụng chúng cực kì khó chịu.
     
     
    Touchpad thì phải nói là không thể tồi tệ hơn: rít và kém nhạy. 2 nút chuột trái phải cũng không khá hơn. Vẫn biết rằng game thủ thì chủ yếu dùng chuột, nhưng dù sao đây cũng là một điểm trừ không nhỏ đối với một chiếc máy tính xách tay.
     
     
    Cấu hình & một vài nhận xét
     
    Bộ xử lý: Intel Core i7-740QM (4 x 1,73 GHz, Turbo Mode 2,93 GHz).
    Bộ nhớ trong: 3 x 2 GB DDR3.
    Card đồ họa: AMD Mobility Radeon HD 5870 1 GB 128-bit GDDR5 (700/1000 MHz).
    Ổ cứng: 640 GB 5400 vòng/phút.
     
    Hội tụ đủ các phần cứng thuộc hàng mạnh nhất dành cho laptop, G73JH quả thực có cấu hình rất đáng nể. Với sức mạnh đó, chiếc máy đủ sức chinh phục các game mới hiện nay (cả DirectX 11) tại độ phân giải 1600 x 900 với các thiết lập cao (không phải cao nhất). Chắc hẳn độc giả cũng đưa ra nhận xét tương tự khi nhìn vào cấu hình này. Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm, tôi lại nhận ra một vài điểm bất hợp lý mà nếu không sử dụng tận tay thì không thể phát hiện được.
     
     
    Vấn đề đầu tiên nằm ở bộ xử lý Intel Core i7-740QM 4 nhân. Trong thực tế hiện nay có rất ít game hỗ trợ đến 4 nhân xử lý, việc trang bị bộ xử lý tới 4 nhân (kéo theo xung nhịp thấp để giữ điện năng tiêu thụ) có vẻ không hợp lý. Trong khi xung nhịp thấp gây giảm hiệu năng rõ rệt ở một số game đòi hỏi nhiều CPU, bộ xử lý vẫn không được khai thác hết sức mạnh khi có 1, 2 thậm chí là 3 nhân “ngồi chơi”. Tính năng Turbo Boost (tăng xung cho nhân đang làm việc khi các nhân khác “lười”) được kì vọng sẽ khắc phục được điều này, nhưng thực tế nó tỏ ra không hữu dụng lắm khi hoạt động khá “phập phù” khiến khung hình/giây không được ổn định. Nguyên nhân có lẽ do sự hoạt động của các ứng dụng song song khác giữ các nhân “lười” thường xuyên phải load nhẹ. Nếu như “xuống đời” Core i5 2 nhân với xung nhịp cao hơn, rất có vấn đề này sẽ được khắc phục. Tiếc là chúng ta không thể...
     
    Vấn đề thứ 2 chính là ổ cứng 5400 vòng/phút. Qua benchmark, tốc độ đọc-ghi của nó chỉ là 65 MB/s (bằng khoảng 1 nửa các ổ cứng máy bàn thông thường). Hệ quả là việc cài đặt, khởi động ứng dụng và chuyển dữ liệu cũng chậm chạp hơn rất nhiều, khiến tôi mất nhiều thời gian hơn dự kiến cho khâu này. Nhưng vấn đề cũng chưa đến mức không thể chấp nhận được bởi nó không hề ảnh hưởng đến tốc độ hoạt động của ứng dụng.
     
    Kiểm nghiệm sức mạnh
     
    Với cấu hình như thế này, có lẽ không cần phải bàn nhiều về khả năng chạy ứng dụng của nhân vật chính hôm nay. Sức mạnh bộ xử lý Intel Core i7 và 6 GB RAM giúp người dùng lướt băng qua mọi ứng dụng từ giải trí đến làm việc cơ bản như Yahoo, xem phim, duyệt web nhiều tab, giải nén, Office, convert... Chỉ có điều - như tôi đã nói ở trên - ổ cứng tốc độ đọc-ghi thấp chắc chắn sẽ khiến chúng ta sốt ruột trong nhiều trường hợp, thi thoảng gây ra lỗi “not responding” nữa.
     
    Tuy Asus G73JH có cấu hình đứng vào hàng khủng trong giới laptop, nhưng không có nghĩa nó có thể “cân” được tất cả các game mới ở thiết lập cao nhất. Một vài hi sinh là rất cần thiết để duy trì được khung hình mượt (như khử răng cưa AA chẳng hạn). Sau đây là thiết lập các game được dùng làm phép thử. Các thiết lập này được lựa chọn trên cơ sở duy trì khung hình game ở mức chấp nhận được nhằm giúp độc giả tường tận hơn về khả năng chơi game của G73JH (có kích hoạt DirectX 11 nếu game hỗ trợ).
     
    Alien vs Predator – High (0xAA)
    BattleField: Bad Company 2 – Medium (Texture High) (0xAA)
    Batman AA – Highest Setting (0xAA)
    Crysis Warhead – Gamer (0xAA)
    Crysis 2 – Very High
    Dirt 2 – Ultra High (4xMSAA)
    Just Cause 2 – High (4xAA)
    Mafia II – High (AA on)
    S.T.A.L.K.E.R: Call of Pripyat – Medium (0xAA)
     

    Kết quả cho thấy sức mạnh của G73JH tương đương hệ thống để bàn sử dụng card đồ họa GTS 250 – thuộc dòng trung cấp của máy tính để bàn hiện nay. Các fan cuồng desktop đương nhiên có lý do để phàn nàn về điều này, nhưng đối với laptop thì như vậy đã là quá tuyệt vời. Hơn nữa chúng ta đã có thể thưởng thức phần lớn các game ở thiết lập cao.
     
    Crysis Warhead là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ảnh hưởng của xung nhịp thấp khi khung hình/s còn kém hơn cả HD 6670 (yếu hơn GTS 250). Hơn nữa thời gian khởi động game khá lâu – điểm yếu của ổ cứng 5400 vòng/phút. So sánh hiệu năng với cấu hình chơi game 10 triệu (link bài tại đây) chúng tôi đã từng giới thiệu trước đây:
     
     
    Nhiệt độ
     
    Khả năng tản nhiệt của G73JH khiến tôi khá ngạc nhiên. Sau đến hơn 1 giờ chạy game liên tục, cả bề mặt, cạnh và đáy đều rất mát mẻ cứ như chạy không tải vậy. Chỉ duy nhất phần bàn phím là có hơi ấm tỏa lên, nhưng cũng không đến mức nóng. Duy nhất 2 khe tản nhiệt phía sau tỏa hơi nóng rất mạnh. Điều này cho thấy hệ thống tản nhiệt của chiếc máy làm việc trên mức tuyệt vời. Rất tiếc trong tay tôi không có dụng cụ đo chuyên dụng nên không thể biết được các con số chính xác.
     
    Thời lượng pin
     
    Thời lượng pin luôn luôn là điểm yếu của các laptop cấu hình cao và G73JH càng không phải ngoại lệ. Dù được trang bị pin 8-cell, hệ thống chỉ chịu được khoảng 1 giờ 40 phút cho việc lướt web & chat yahoo, 1 giờ 20 phút chạy phim HD 720p trong điều kiện tắt WLAN (còn chưa hết nổi một bộ phim). Nếu lỡ như bạn bỏ quên máy chạy không tải, G73JH cũng chỉ chạy được 2 giờ trước khi tắt ngúm. Chắc hẳn adaptor và dây sạc là 2 thứ người dùng không thể bỏ lại trong mọi chuyến đi, dù ngắn hay dài.
     

    Pin 8-cell 5200mAh 75Wh.
    Adaptor to & dày bằng bàn tay.
     
    Kết luận
     
    G73JH-BST7 là chiếc máy hoàn hảo cho nhu cầu giải trí của game thủ từ hình thức, nghe nhìn, cấu hình cho tới giá thành. Tuy còn tồn tại một vài thiếu sót, không thể phủ nhận đây là chiếc gaming laptop thuộc hàng “chuẩn” nhất hiện nay.
     
    Ưu:
     
    - Cấu hình mạnh.
    - Vỏ máy đơn giản nhưng vẫn đẹp.
    - Màn hình chuẩn.
    - Loa tốt.
    - Tinh chỉnh giảm giá thành hợp lý.
    - Tản nhiệt tốt.
     
    Khuyết:
     
    - Vỏ nhựa có thể trầy xước và khó chùi vân tay.
    - Khối lượng quá nặng.
    - Một số nút trên bàn phím thiết kế & bố trí không hợp lý (Shift, Ctrl...)
    - Touchpad tệ.
    - Chip xử lý 4 nhân xung nhịp thấp.
    - Thời lượng pin ngắn.
    - Chỉ có bản Ref.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày