Dựng case chơi game sau mùa thi: Chuyện quá đơn giản!

    PV, Nội Tâm 

    Như vậy là mùa thi đã kết thúc và... mùa chơi đã đến. Bạn có thể tham khảo vài cấu hình trải dài trong tầm giá từ 9 đến 20 triệu VNĐ do GenK.vn xây dựng “hộ”.

    Lưu ý: Các cấu hình sắp đưa ra dưới đây đều ưu tiên cân đối chi phí và cân bằng hiệu năng giữa các linh kiện lên hàng đầu, tránh tình trạng bộ xử lý quá yếu đi với card đồ họa quá mạnh (và ngược lại) gây suy giảm hiệu năng của nhau. Ngoài ra, do thẩm mĩ cũng như nhu cầu và sở thích mỗi người đều khác nhau, các cấu hình không bao gồm vỏ case, ổ đọc đĩa ODD và màn hình.
     
    *Giá nêu trong bài viết chỉ mang tính tham khảo.
     
    Cấu hình 1

    Bo mạch chủ: BIOSTAR A880G - 1.450.000 VNĐ
    Bộ xử lý: AMD Athlon II X3 450 – 1.800.000 VNĐ
    Bộ nhớ trong: 2 x 2 GB GSKILL NT DDR3 1333 MHz – 850.000 VNĐ
    Card đồ họa: Sparkle GT 240 1GB GDDR5 – 1.600.000 VNĐ
    Ổ cứng: Hitachi 500 GB SATA2 – 950.000 VNĐ
    Nguồn: CoolerMaster Elite Power 350W – 530.000 VNĐ

    Tổng (chưa gồm vỏ case và ODD): 7.180.000 VNĐ
     
    Lựa chọn khác:

    Bo mạch chủ: AsRock H61M-VS – 1.400.000 VNĐ
    Bộ xử lý: Intel Pentium G840 – 1.900.000 VNĐ
    Card đồ họa: Sử dụng đồ họa onboard – 0 VNĐ

    Tôi đã rất đắn đo khi bắt tay vào xây dựng cấu hình với mức giá “khởi điểm” này, bởi lẽ nếu cộng thêm vỏ case Orient loại rẻ và ODD, tổng chi phí đã lên đến gần 8.000.000 VNĐ. Thậm chí nếu bạn cần mua cả màn hình, con số này còn lên tới 10.000.000 VNĐ – không hề nhỏ đối với một cái giá “khởi điểm”. Tuy nhiên, quả thật tôi không thể nghĩ ra thêm phương án tinh giảm nào nữa. Có chăng chỉ là sử dụng đồ họa onboard thay cho GT 240.

    Cấu hình khởi điểm này của chúng ta chủ yếu hướng đến nhu cầu giải trí cơ bản như xem phim, nghe nhạc, lướt web, văn phòng và “chiến” tốt game online. Với bộ xử lý 3 nhân x3 450 của AMD cùng card đồ họa GT 240, nhu cầu cày kéo nhiều acc của các game thủ online hoàn toàn được đáp ứng ở mức tối đa. Nếu muốn “đổi gió” sang game offline những lúc mệt mỏi, card đồ họa GT 240 vẫn có thể đáp ứng được các game mới hiện nay với thiết lập trung bình ở độ phân giải 1280 x 1024.

     
    Trong trường hợp không có nhu cầu game offline và trung thành với các game online cấu hình nhẹ như Kiếm Thế hay DotA, bạn cũng có thể lược bỏ card đồ họa GT 240 và chuyển sang sử dụng đồ họa onboard. Phương án này sẽ khiến chi phí nhẹ gánh hơn nhiều, chỉ còn khoảng 5.500.000 VNĐ (8.500.000 VNĐ nếu bao gồm vỏ case, ổ đĩa ODD và màn hình 17 inch).

    Bo mạch chủ: bo mạch chủ được lựa chọn là BIOSTAR A880G có giá 1.450.000 VNĐ – thuộc loại “bình dân” nhất hiện nay cho một bo mạch chủ dù nền tảng AMD hay Intel. Với 2 khe cắm RAM, hỗ trợ dung lượng lớn nhất 8 GB, BIOSTAR A880G đáp ứng vừa đủ nhu cầu bộ nhớ RAM cho các máy tính phổ thông, đồng thời giảm thiểu chi phí không cần thiết. Nếu bạn không phải người kĩ tính và muốn tiết kiệm chi phí cho vỏ case, bo mạch chủ chuẩn micro-ATX này tương thích với mọi thùng máy giá rẻ trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên khả năng ép xung của BIOSTAR A880G không được tốt cho lắm do dàn tản nhiệt hơi nghèo nàn (nhằm giảm giá thành).

     
    Bộ xử lý: Athlon II X3 450 - bộ xử lý 3 nhân mạnh thứ hai trong dòng Athlon II của AMD – là sự kết hợp hài hòa giữa hiệu năng tốt, xung nhịp cao, giá cả phải chăng và khả năng ép xung ổn định. Có thể nói, trong tầm giá này không bộ xử lý nào có hiệu năng game tốt hơn Athlon II X3 450. Mức xung khá cao 3,2 GHz cũng giúp khắc phục phần nào nhược điểm ép xung kém của bo mạch chủ. Đây là bộ xử lý hợp lý nhất cho game của AMD vào thời điểm hiện tại. Nếu bạn có nhu cầu cao hơn, hãy ngắm nghía đến Sandy Bridge.

    Nếu như không ưng ý với giải pháp AMD, bạn có thể lựa chọn bộ đôi AsRock H61M-VS và bộ xử lý 2 nhân Intel Pentium G840. G840 là bộ xử lý thuộc dòng Pentium tầm thấp của thế hệ Sandy Bridge. Về sức mạnh, G840 ngang ngửa với x3 450 trong các game chỉ tận dụng được 1 hoặc 2 nhân xử lý, và tất nhiên thua kém trong các game sử dụng được đến 3 nhân. Thực ra tôi không thấy ưng ý lắm với phương án này, nhưng nếu yêu thích Intel, đó cũng là một lựa chọn không tồi cho bạn.
     
    Cấu hình 2

    Bo mạch chủ: BIOSTAR A880G - 1.450.000 VNĐ
    Bộ xử lý: AMD Athlon II X3 450 – 1.800.000 VNĐ
    Bộ nhớ trong: 2 x 2 GB GSKILL NT DDR3 1333 MHz – 850.000 VNĐ
    Card đồ họa: Sparkle GTS 450 1GB GDDR5 – 2.550.000 VNĐ
    Ổ cứng: Hitachi 500 GB SATA2 – 950.000 VNĐ
    Nguồn: FSP Saga 450 – 750.000 VNĐ

    Tổng (chưa gồm vỏ case và ODD): 8.350.000 VNĐ

    Lựa chọn khác:
     
    Bo mạch chủ: AsRock H61M-VS – 1.400.000 VNĐ
    Bộ xử lý: Intel Pentium G840 – 1.900.000 VNĐ
    Card đồ họa: XFX HD 6770 1GB GDDR5 – 3.200.000 VNĐ
    Card đồ họa: Asus HD 6850 1GB GDDR5 – 4.100.000 VNĐ
     
    Nền tảng xử lý: hoàn toàn không có thay đổi so với cấu hình game online. Athlon II x3 450 hay G840 hoàn toàn đáp ứng tốt nhu cầu của các hệ thống game tầm trung.
     
    Card đồ họa: Nếu muốn bước chân vào thế giới game offline hoành tráng, GT 240 là điều kiện tối thiểu. Ban đầu tôi cũng dự định lựa chọn nó cho cấu hình này. Tuy nhiên, chi thêm 800.000 VNĐ cho Sparkle GTS 450 (thêm 200.000 VNĐ phụ trội cho bộ nguồn nữa), chúng ta sẽ nhận được hiệu năng gấp đôi! Tại sao không? Với cái giá như vậy cho một chiếc GTS 450, hãy quên HD 6670 và GTS 250 đi! Nhiều người sẽ cảm thấy nghi ngại khi nghe đến thương hiệu lạ lẫm này, nhưng đừng lo bởi Sparkle là một thương hiệu card đồ họa của Đài Loan khá có danh tiếng trên thế giới, chỉ là nó mới đến Việt Nam mà thôi.


    Nếu có hầu bao dôi ra một chút so với cấu hình người viết đề nghị, bạn có thể để mắt đến các card đồ họa cao cấp hơn được nêu ở trên. Khả năng chơi game của hệ thống: tốt ở độ phân giải 1280 x 1024 và 1600 x 900.

    Cấu hình 3

    Bo mạch chủ: AsRock H61M-VS – 1.400.000 VNĐ
    Bộ xử lý: Intel Core i3-2100 Sandy Bridge – 2.600.000 VNĐ
    Bộ nhớ trong: 2 x 2 GB GSKILL NT DDR3 1333 MHz – 850.000 VNĐ
    Card đồ họa: Asus HD 6850 1GB GDDR5 – 4.100.000 VNĐ
    Ổ cứng: Hitachi 500 GB SATA2 – 950.000 VNĐ
    Nguồn: FSP Saga 450 – 750.000 VNĐ

    Tổng (chưa tính vỏ case và ODD): 10.650.000 VNĐ
     
    Lựa chọn khác:

    Card đồ họa: MSI GTX 560 Twin Frozr II 1GB GDDR5 OC – 5.240.000 VNĐ
    Card đồ họa: Asus HD 6870 DC 1GB GDDR5 – 5.260.000 VNĐ
    Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozr 1GB GDDR5 OC – 5.750.000 VNĐ (phải nâng cấp nguồn)
     
    Nền tảng Sandy Bridge có chỉ số hiệu năng/xung nhịp cực cao. Bằng lợi thế đó, bộ xử lý 2 nhân Core i3-2100 với xung nhịp 3,1 GHz thậm chí còn vượt mặt nhiều bộ xử lý 4 nhân của cả AMD và Intel thế hệ trước về khoản game. Thậm chí game thủ có thể gắn những card đồ họa cao cấp hơn HD 6850 như GTX 560 Ti mà không sợ bị nghẽn giảm hiệu năng. Ngoài ra, với mục đích chơi game, trang bị một bo mạch chủ H61 giá rẻ như AsRock H61M-VS là quá đủ. Cũng giống như BIOSTAR A880G , AsRock H61M-VS cũng chỉ có 2 khe cắm RAM, đủ các cổng kết nối cơ bản và kích cỡ micro-ATX.


    HD 6850 cũng là một trong những card đồ họa có hiệu năng/giá thành cao nhất hiện nay và là chủ bài của AMD ở thị trường trung cấp, tranh chấp ngang sức với GTX 460.
     

    Khả năng chơi game của hệ thống: tốt ở độ phân giải 1600 x 900 và 1920 x 1080.
     
    Cấu hình 4

    Bo mạch chủ: MSI H67MA-E35 (B3) – 2.300.000 VNĐ
    Bộ xử lý: Intel Core i5-2400 – 4.200.000 VNĐ
    Bộ nhớ trong: 2 x 2 GB GSKILL RIPJAWS 1600 MHz – 1.350.000 VNĐ
    Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II 1GB GDDR5 OC – 5.750.000 VNĐ
    Ổ cứng: Hitachi 500 GB SATA2 – 950.000 VNĐ
    Nguồn: FSP BLUE STORM 2 500W – 1.320.000 VNĐ

    Tổng (chưa tính vỏ case và ODD): 15.870.000 VNĐ
     
    Lựa chọn khác:

    Card đồ họa: Asus GTX 570 1280MB GDDR5 – 8.360.000 VNĐ (phải nâng cấp nguồn nếu muốn ép xung)
     
    Có vẻ như bước nhảy từ cấu hình trước đến cấu hình này... hơi cao. Như tôi đã nói ở trên, các card đồ họa mạnh như GTX 560 Ti hoàn toàn có thể đi với bộ xử lý Core i3-2100 mà không sợ nghẽn hiệu năng. Nhưng nếu có nhu cầu cao hơn về bộ xử lý, bạn vẫn có thể lựa chọn nâng cấp lên nền tảng i5-2400 (xung nhịp 3,1 GHz). Có thể chỉ số khung hình/giây trong game sẽ tăng lên một chút, nhưng không phải là đáng kể đến mức mắt thường có thể nhận biết được. Dù vậy tôi vẫn đưa i5-2400 vào bởi nếu không cấu hình này sẽ... chẳng có gì thay đổi so với cấu hình đưa ra phía trên, và dù sao i5-2400 cũng có chỉ số hiệu năng/giá thành cực tốt khi so sánh với các bộ xử lý 4 nhân khác. Nếu bạn là người không quá khắt khe đến từng khung hình, và đặc biệt là túi tiền không cho phép, hãy giảm nền tảng xử lý xuống i3-2100.
     
    Phần card đồ họa, tôi không muốn giới thiệu lại nhiều về MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II nữa. Bạn đọc có thể tham khảo review chi tiết và độ hot của chiếc card tại đây.
     
     
    Trong trường hợp hầu bao cho phép, bạn có thể để mắt đến card đồ họa GTX 570 – mạnh hơn GTX 560 Ti khoảng 20% và đắt hơn 2.600.000 VNĐ – cái giá không phải tồi. 

    Khả năng chơi game của hệ thống: rất tốt ở độ phân giải 1920 x 1080.
     
    Mong rằng bài viết sẽ giúp ích nhiều cho các bạn có nhu cầu mua máy phục vụ giải trí. Chúc vui nhưng cũng đừng quên việc học nhé.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ