Sa thải CEO, Yahoo cần gì và muốn gì?

    Minh Lết, Minh Lết  

    CEO của Yahoo, Carol Bartz vừa bị HĐQT sa thải vì đã không thể đưa được kết quả kinh doanh của hãng này đi lên. Sau 3 năm dưới quyền bà Bartz, nhìn lại Yahoo vẫn chỉ là đống đổ nát của đế chế một thời.

    Nếu như chỉ nhìn vào kết quả hoạt động ở Việt Nam, có lẽ chẳng một ai lại nghĩ được rằng Yahoo đang rất chật vật ở thị trường thế giới, đặc biệt là Mỹ. Đại đa số người dùng Internet trong nước đều sử dụng ít nhất 1 dịch vụ của Yahoo. Yahoo Messenger, Yahoo Mail, Yahoo 360 Plus... đều là những dịch vụ được ưa chuộng tại Việt Nam, chủ yếu là vì tính phổ thông cũng như miễn phí của chúng.

    Nhưng sự thực là sự phổ biến ở những thị trường đang phát triển như Việt Nam thường chỉ đem lại lợi nhuận không đáng kể và khó lòng có thể đủ sức kéo kết quả kinh doanh bết bát của Yahoo trên toàn thế giới đi lên. Đến ngày hôm nay, HĐQT của Yahoo đã đưa ra 1 quyết định được nhiều người mong chờ từ lâu: Sa thải CEO hiện tại của hãng, bà Carol Bartz. Ngay sau khi Carol Bartz bị sa thải, cổ phiếu của Yahoo tăng thêm 6%, một con số rất đáng kể nếu như bạn biết rằng trong suốt 3 năm trời dưới quyền lãnh đạo của Bartz, giá cổ phiếu của Yahoo chỉ tăng thêm chưa được 10%. Giá cổ phiếu tăng đột ngột như một thông điệp mà Yahoo gửi đến toàn thế giới rằng: "Sự ra đi của Carol Bartz được các cổ đông Yahoo đồng tình, ủng hộ và mọi người đều mong chờ một tương lai sáng sủa hơn dành cho Yahoo dưới sự dẫn dắt của CEO mới".

    Chân dung Carol Bartz, cựu CEO của Yahoo.

    Nhưng đúng lúc Yahoo và các cổ đông của mình đang mong chờ sự xuất hiện của CEO mới, người có thể dẫn dắt Yahoo đi lên thì lại có nguồn tin cho rằng HĐQT của Yahoo đang lên kế hoạch rao bán công ty.

    Thực hư câu chuyện này rút cục là như thế nào?

    Carol Bartz: Anh hùng bất phùng thời

    Trước khi được thuê về Yahoo, Carol Bartz từng là CEO của Autodesk, công ty hàng đầu thế giới về các sản phẩm phần mềm trong lĩnh vực đồ họa cũng như thiết kế. Autodesk Autocad, Maya, Inventor, 3ds Max... Tất cả đều là những cái tên kinh điển mà hầu như bất kỳ kiến trúc sư, kết cấu sư hoặc designer nào làm việc trong lĩnh vực đồ họa 3D đều từng nghe tới hoặc sử dụng. Doanh thu năm 2008 của Autodesk là gần 2 tỉ USD, một con số khổng lồ. Và Carol Bartz ở ngôi CEO của Autodesk suốt 14 năm từ 1992 đến 2006 rồi sau đó mới lui về với vị trí chủ tịch HĐQT của Autodesk. Có thể nói vị trí dẫn đầu của Autodesk ngày hôm nay là do 1 tay Carol Bartz gây dựng.

    Autodesk là cái tên rất nổi tiếng với giới designer cũng như các ngành kĩ thuật.

    Trong khi đó Yahoo thời điểm Carol Bartz được thuê về hồi tháng 1 năm 2009 thực sự đang rất bết bát. "Cựu vô địch" của thế giới Internet bị Google truất ngôi cách đó hơn nửa thập kỷ rồi từ đấy không thể tìm được cách cạnh tranh với Google Search nữa. Dịch vụ Yahoo Mail mà Yahoo vẫn tự hào tuyên bố là "Best web based mail" dần dần trở nên mờ nhạt trước Gmail với những tính năng tân tiến và tốc độ nhanh hơn. Và "cần câu cơm" của Yahoo thông qua việc quảng cáo trên kết quả tìm kiếm của công cụ Yahoo Search, vốn chiếm đến quá nửa doanh thu của hãng này dần dà cũng không thể địch lại những đối thủ đến từ Google như Google Adword.

    2 lần muốn bán mình cho Microsoft và Google không được như ý cùng với kết quả kinh doanh bết bát đã làm giá cổ phiếu Yahoo tụt thảm hại trong năm 2008.

    Giữa năm 2008, Microsoft đề nghị mua lại Yahoo với cái giá 44 tỉ USD tương đương với 33$ một cổ phiếu. Jerry Yang, đồng sáng lập Yahoo khi đó là CEO của hãng này từ chối bán và muốn "om" để bắt Microsoft phải nâng lên tới 37$/ cổ phiếu. Kết quả là Steve Ballmer quyết định không mua Yahoo nữa khiến cho các cổ đông cũng như ban quản trị của hãng này tiếc ngẩn tiếc ngơ. Sau khi Jerry Yang làm thương vụ với Microsoft đổ bể, giá cổ phiếu của Yahoo cùng với uy tín của CEO này xuống dốc không phanh. Đến cuối 2008, Yahoo lại vội vã tìm cách "bán thân" cho Google với cái giá chỉ bằng chưa tới 1 nửa giá mà Microsoft đưa ra: 14$/cổ phiếu nhưng cũng không thành công. Sau khi thương vụ với Google thất bại, giá cổ phiếu của Yahoo lại tiếp tục tụt dốc xuống mức 10$.

    Đây chính là thời điểm mà Carol Bartz được rước về Yahoo. Và mục tiêu của Carol Bartz là dọn dẹp đống đổ nát từng 1 thời là tượng đài của ngành công nghiệp Internet. Chính sách cải cách của Carol Bartz nhìn chung khá đơn giản: Cắt giảm những phần thừa thãi của Yahoo. Sau khi Carol Bartz về 1600 nhân viên của Yahoo phải ra đi, kèm với họ là những dịch vụ không thành công của Yahoo như Geocities và thậm chí là Yahoo 360 từng rất quen thuộc với người sử dụng Việt Nam.

    Giá cổ phiếu của Yahoo tụt dốc không phanh sau 2 thương vụ bất thành dẫn đến việc Jerry Yang phải rời bỏ vị trí CEO và Carol Bartz lên thay thế.

    Nhưng rõ ràng là những nỗ lực cắt giảm chi phí của Carol Bartz không đem lại nhiều hiệu quả khi mà giá cổ phiếu của Yahoo chỉ tăng từ 11,59 đến 12,74 USD trong suốt 3 năm trị vì của bà này. Trong cùng quãng thời gian đó, gần như không có công ty nào làm ăn bết bát như vậy ngoại từ Microsoft.

    Rõ ràng việc cắt giảm chi tiêu đã không thể giải quyết được vấn đề quan trọng nhất của Yahoo: Không thể tạo ra được sản phẩm sinh lời mới. 80% lợi nhuận của Yahoo vẫn đến từ dịch vụ tìm kiếm, một ngành mà chỗ đứng của Yahoo ngày càng lung lay trước sự đe dọa của Google Search. Và hệ quả tất yếu là khi không tìm được cách tạo ra nguồn lợi nhuận mới, Yahoo sẽ dậm chân tại chỗ. Và khi 1 công ty dậm chân tại chỗ quá lâu trong khi các đối thủ đang tiến nhanh như gió, CEO sẽ là người bị đổ lỗi đầu tiên.

    Cần những gì để vực dậy Yahoo?

    Trải qua 1 đời CEO với chính sách cắt giảm chi tiêu và thắt lưng buộc bụng đến khắc khổ, Yahoo đã mất đi rất nhiều thiện cảm của người lao động. Nhân tài lũ lượt kéo nhau rời bỏ Yahoo, đã từng có 1 điều tra cho rằng cứ 1 nhân viên từ Facebook muốn chuyển sang Yahoo thì có tới 10,5 người muốn sang làm việc ở Facebook, và con số đó với MXH Linked In là 43/1. Tốc độ chảy máu chất xám nhanh đến chóng mặt của Yahoo khiến cả những người lạc quan nhất đều khó lòng có được cái nhìn tươi sáng đối với tương lai của hãng này.

    Và khi để tuột mất nhân tài, hệ quả trực tiếp nhất đối với Yahoo chính là việc hãng sẽ không thể đưa ra được các sản phẩm đột phá, đủ sức cạnh tranh với Google. Yahoo Search mất vị trí dẫn đầu từ lâu và không có dấu hiệu gì là hãng có thể bắt kịp các đối thủ nếu vẫn cứ giữ lề lối làm ăn như hiện giờ.

    Trái Carol Bartz CEO của Yahoo và bên phải là Jack Ma CEO của Alibaba. Sau vụ tranh chấp với Alibaba có lẽ Yahoo sẽ phải cẩn thận hơn trong quan hệ với người Trung Quốc.

    Nhưng điều đáng lo ngại nhất của Yahoo có lẽ không phải là chảy máu chất xám mà là sự thiếu minh bạch cũng như những lục đục từ trong nội bộ của Yahoo. Năm 2005, Yahoo tuyên bố sẽ đầu tư vào Alibaba, 1 công ty Internet điều hành 1 website đấu giá dành cho doanh nghiệp và người tiêu dùng kiểu như Ebay ở Trung Quốc. Tổng gói đầu tư có giá trị tới 1 tỉ USD khiến Yahoo nắm giữ tới 40% giá trị của Alibaba. Trong những năm gần đây, Alibaba phát triển rất nhanh và trở thành 1 trong những công ty Internet lớn nhất Đại Lục với giá trị vốn hóa lên tới 8 tỉ USD. Và gói đầu tư kia của Yahoo, vô hình chung lại trở thành một mối lợi nhuận khổng lồ của hãng này. Trong vài năm đầu mối quan hệ giữa Alibaba và nhà đầu tư Yahoo khá nồng ấm, thậm chí Yahoo còn tin tưởng giao cả mảng kinh doanh ở Đại Lục vào tay Alibaba.

    Nạn chảy máu chất xám ở Yahoo.

    Năm 2011 người ta mới ngã ngửa ra rằng Alibaba đã bán mất Alipay, 1 dịch vụ thanh toán trực tuyến cho 1 tập đoàn do Jack Ma, CEO của Alibaba đứng tên mà Yahoo không hề hay biết. Alipay chính là "con gà đẻ trứng vàng" của Alibaba và đồng nghĩa với việc cũng là nguồn lợi nhuận lớn của Yahoo. Việc Yahoo không hề hay biết chuyện Alibaba đã bí mật "rút ruột" Alipay khiến nhiều nhà cổ đông của Yahoo trở nên phẫn nộ, đi kèm với nó là những chỉ trích về cách làm ăn thiếu minh bạch của Alibaba. Mặc dù sau đó cả Yahoo và Alibaba đều đi đến 1 thỏa thuận về vụ việc của Alipay nhằm "đảm bảo tối đa quyền lợi cổ đông" nhưng rõ ràng là Yahoo sẽ cần phải cẩn trọng hơn khi "chơi" với những kẻ láu cá.

    Kết

    Có thể nói, việc Yahoo sa thải Carol Bartz là một sự giải thoát cho CEO năm nay đã 63 tuổi này. Carol Bartz là một người có nhiều kinh nghiệm quản lý, điều hành nhưng lại thiếu đi yếu tố tầm nhìn và tư duy chiến lược. Việc cắt bỏ các bộ phận nghiên cứu, phát triển của Yahoo để tiết kiệm chi phí đã cho thấy cách tư duy "đặc" logic kinh tế của Carol Bartz. Cắt giảm chi phí sẽ giúp công ty ổn định và không tụt dốc sâu hơn nhưng đồng thời cũng khiến các yếu tố sáng tạo bị thủ tiêu. Và đối với 1 công ty đang cần những ý tưởng có tính khả thi để biến thành sản phẩm kiếm tiền như Yahoo, việc thắt lưng buộc bụng quá mức vô hình chung đã trở thành "mua dây buộc mình".

    Đôi khi, để có thể thành công bạn cần phải biết mạo hiểm. Carol Bartz không phải người như thế, đó là lý do bà này thất bại.  CEO mới của Yahoo, bất kể là ai, sẽ phải làm được nhiều hơn thế. Ngăn chặn nạn chảy máu chất xám, tạo ra sản phẩm mới, chấn chỉnh các sản phẩm cũ và điều hòa lại các mối quan hệ với Alibaba sẽ là những việc mà CEO mới của Yahoo cần phải làm ngay. Liệu ai có thể là người làm được như vậy? Hiện tại chúng ta mới chỉ biết đến 1 cái tên: Steve Jobs.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ