Trung Quốc và Nga cùng rủ nhau "hắt hủi" Windows

    PV, Lê Vũ Lâm 

    Để tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào Windows, Nga và Trung Quốc đang có những động thái mạnh mẽ song chưa thu được hiệu quả.

    Cuối năm 2010, chính phủ Nga đã ra quyết định yêu cầu toàn bộ hệ thống máy tính của chính phủ phải chuyển từ hệ điều hành Windows do Microsoft sản xuất sang Linux (miễn phí) trong vòng 4 năm.
                  

               
    Theo đó, có nhiều lí do cho động thái này của Nga, trước hết là bởi những lo lắng về tính bảo mật. Hệ điều hành Windows là mục tiêu được ưa chuộng hơn của các tin tặc với số lần tấn công gấp tới 50 lần so với trên Linux, dẫn tới chi phí bảo vệ của chính phủ là hết sức tốn kém.
                  
    Thứ hai, những phần mềm của Microsoft được các cơ quan quản lý của Nga sử dụng hầu hết đều là phần mềm bẻ khóa. Do đó, Microsoft và cả Mỹ đang yêu cầu Nga phải trả tiền bản quyền. Trong khi với Linux, các ứng dụng đều rất rẻ và thậm chí là miễn phí.
          
    Tuy nhiên, có thể những nỗ lực này của quốc gia lớn nhất thế giới sẽ bị phá sản khi nhìn vào bài học của Trung Quốc. Trong suốt một thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã rất cố gắng để chuyển đổi hệ điều hành Windows của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp sang Unix song không thu được thành công.
              
              
    Nguyên nhân đến từ việc các phần mềm của Microsoft được dùng “chui” rất nhiều ở Trung Quốc. Đồng thời, có rất nhiều tựa game hấp dẫn hoạt động trên nền Windows mà các nhân viên công sở ở quốc gia này… không thể bỏ được. Mặc dù vậy, chính phủ của "đất nước tỷ dân" vẫn đang gây sức ép quyết liệt nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Windows và tạo tiền đề cho sự phát triển của hệ điều hành Kylin – biến thể của Unix do chính Trung Quốc phát triển.
            
    Trên thực tế, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc biết rõ rằng trong khi cuộc tấn công công nghệ cao chưa xảy ra, các máy tính của họ đã chứa đầy sâu và virus rồi. Trong khi Mỹ vẫn được biết đến như quốc gia phụ thuộc nhất vào Internet, thì đây cũng là nước chi nhiều tiền nhất cho việc bảo vệ các máy tính cá nhân khỏi sự đe dọa của các hacker.
              
    Bởi vậy, Trung Quốc hy vọng rằng với Linux hay Unix, tình hình sẽ khá khẩm hơn đôi chút. Song hạn chế của hai hệ điều hành này là rất rõ ràng, và Trung Quốc cũng không đủ chuyên gia để tiến hành công việc cài đặt. Theo đó, việc cài đặt Linux hay Unix cũng như bảo dưỡng chúng là khó khăn hơn rất nhiều so với Windows. Được biết, các nhà sản xuất máy tính Trung Quốc đang bán cả những sản phẩm sử dụng Linux cho người dân song không tạo được sức mua. Có thể nói, Microsoft đã có khởi đầu quá tốt, bởi lẽ chỉ có 5% người dùng tại đây sử dụng Unix hay Linux, trong đó chính phủ chiếm 1/3.
            
                
    Để tăng thêm hiệu quả, Trung Quốc đã tài trợ việc đào tạo Linux cho các kỹ sư, đồng thời đẩy mạnh phát triển và cung cấp miễn phí hệ điều hành Kylin và thu được một số thành công trong thị trường máy chủ. Tuy nhiên, ai cũng biết chiến trường thực sự chính là máy tính cá nhân. Và trong mảng này thì các nhà chức trách vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ