Mối quan hệ của Samsung và Apple từ lâu nay đã và đang là một trong những sự việc phức tạp lớn nhất của thế giới công nghệ. Một mặt, cả hai vẫn là những đối tác không thể thiếu của nhau khi mà mỗi năm, một nửa lượng bộ nhớ NAND, chip dùng trong các iDevices được cung cấp bởi Samsung theo một hợp đồng có trị giá ước tính khoảng 8 tỷ USD và trong năm nay là hơn 10 tỷ USD, nhiều hơn GDP của cả một số quốc gia. Một mặt, Samsung đang là đối tượng mà Apple đang hành hạ ở tòa án khắp nơi trên thế giới, còn về phía Samsung, hãng này cũng đang có những nỗ lực pháp lý để lật ngược tình thế đồng thời tung ra một loạt các chiến dịch quảng cáo "đá" Apple.
Lần này, tôi muốn chia sẻ với bạn quan điểm, một góc nhìn về cuộc chiến Apple - Samsung, điều tốn nhiều giấy mực của báo giấy, nhiều băng thông của các báo điện tử từ lâu. Một góc nhìn không mới, có phần hơi "cay nghiệt" về cuộc chiến giữa hai đại gia của thế giới công nghệ hiện thời.
Apple kiện Samsung
Thời gian gần đây, trong quá trình theo dõi vụ kiện tụng giữa Samsung và Apple tôi nhận thấy xuất hiện một luồng ý kiến khá "lành": Apple nên ngừng kiện Samsung và... bắt tay hòa giải... Tóm lại, tác giả của bài viết kể trên "khuyên" Apple không nên tốn công sức cho việc đi kiện nữa và sử dụng những luận điểm như: bề ngoài sản phẩm không quan trọng, quan trọng là "nội dung" bên trong với suy nghĩ "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", yếu tố bên trong mới làm nên thành công... Tất nhiên, đây là một quan điểm, tôi không phán xét nó đúng hay sai tuy nhiên, có một thực tế mà dường như tác giả đã bỏ qua.
Với điện thoại, yếu tố để nhiều, rất nhiều, có thể nói là phần lớn lựa chọn điện thoại cho mình là dáng vẻ bên ngoài chứ không phải ai cũng quan tâm đến phần cứng bên trong của máy có chip xung bao nhiêu, bao nhiêu RAM... Lý do, cũng hết sức đơn giản và dễ hiểu, một, hình thức bên ngoài mới là cái ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến quá trình sử dụng hai, quan trọng hơn, là hiện nay các smartphone có hiệu năng gần tương đương nhau, nếu không sử dụng phần mềm đo hoặc quá khó tính trong quá trình sử dụng, chúng ta khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa chúng. Hiện nay, ngay cả với laptop, kiểu dáng, có thể nói cũng đang vượt lên so với vấn đề cấu hình.
Trở lại vụ kiện, không phải vô cớ mà Apple lại chọn Samsung là đối thủ để làm khó dễ nhiều nhất, sự thật là cách mà Samsung "học hỏi" Apple quá lộ liễu nếu không muốn nói là nực cười. Trước hết, chưa cần nhìn qua các mẫu điện thoại, mẫu dây nối và cách đóng gói của Samsung đã tự tố cáo chính mình. Để cho khách quan, các bạn hãy xem hình ảnh dây sạc của hai hãng.
Nếu bạn coi dây sạc là vấn đề quá nhỏ không đáng phải quan tâm thì hãy nhìn một chút đến thiết kế những dòng sản phẩm thành công nhất của Samsung (tại hai thị trường điện thoại và máy tính bảng) Samsung Galaxy S và Galaxy Tab. Chúng có thiết kế "giống" iDevice đến kỳ lạ. Các fan của Samsung thì thường cho rằng đây là cách thiết kế tất yếu mà bất cứ hãng nào sản xuất smartphone hay tablet cũng phải tuân theo. Nhưng sự thật có phải là như vậy hay không?
Tất nhiên, câu trả lời là không. Hãy nhìn sang các smartphone, tablet của HTC, Sony... bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong thiết kế của chúng so với các sản phẩm của Apple. Trực quan hơn, mời các bạn xem hình so sánh ở phía dưới.
Xét cho cùng, thật ra ngay cả Samsung cũng đưa ra nhiều sản phẩm rất khác biệt (thực ra là rất nhiều) nhưng những sản phẩm thành công nhất của hãng lại là những sản phẩm "nhái" gần như trắng trợn của Apple. Vậy bảo sao, Apple không "phát điên"?
Liệu Apple có đáng phải "phát điên"?
Nhiều người cho rằng Apple đang sử dụng chiến thuật "quấy rối bằng sáng chế" để chống lại Samsung - đối thủ Android thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, có thực sự là như vậy?
Tất nhiên, điểm quan trọng đầu tiên tôi đã đề cập đến ở phía trên: các sản phẩm của Samsung quá giống so với Apple. Từ góc cạnh thiết kế cho đến dây sạc và cả cách... đặt sản phẩm vào hộp... Hai sản phẩm thành công nhất của Samsung, Samsung Galaxy Tab và Samsung Galaxy S nói thẳng ra là một phiên bản "nhái" tinh vi các sản phẩm tương ứng của Apple. Ngay cả những đặc điểm khác như icon trên giao diện, Samsung cũng "nhái" một cách không thương tiếc.
Hãy đặt bạn vào trong tình thế của Apple: doanh thu và lợi nhuận bị ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ bởi các sản phẩm đến từ Samsung, nhìn ý tưởng của mình bị đối thủ trực tiếp, và là một đối thủ lớn "lấy không" bạn nghĩ sao? Cảm giác này cũng không khác mấy cảm giác khi bạn học giỏi, bị đứa bạn thân chép bài trong một cuộc đua tranh trực tiếp, bạn có thấy vui hay không?
Chưa kể đối thủ này còn là động lực thành công chính của một đối thủ khác, cũng "học hỏi" không ít từ Apple: Android. Thật ra, cuộc chiến của Apple chống lại Samsung cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc chiến của hãng này với một thị trường Android, đang lớn mạnh, từ những chiếc máy tính bảng cho đến những chiếc điện thoại di động.
Nói cho cùng, việc làm của Apple chẳng qua là bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình. Những sự "nhái" trắng trợn về thiết kế, giao diện người dùng, cách đóng gói sản phẩm... của Samsung là rất rất dễ nhận ra. Ở kỳ 2 của loạt bài này, chúng ta sẽ cùng bàn về cách "trả đũa" của nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc.