Dự đoán "dung nhan" laptop cảm ứng chạy Windows 8

    LH, LH 

    Để tối ưu hóa tính năng cảm ứng của Windows 8, sẽ có những thay đổi nào trong thiết kế laptop?

    Thay đổi đáng chú ý nhất của Windows 8 là giao diện cảm ứng được Microsoft lấy cảm hứng từ Windows Phone 7. Sự ra đời hệ điều hành này báo hiệu một làn sóng mới của các mẫu laptop trang bị màn hình cảm ứng đa điểm – tính năng lâu nay chỉ tồn tại trên smartphone và tablet. Để tối ưu hóa cải tiến trên, thị trường máy tính xách tay rất cần những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu và đánh giá khả năng ứng dụng của một số mẫu thiết kế triển vọng.
     
    1: Giữ nguyên thiết kế “Vỏ sò” của các laptop hiện tại
     
    Thiết kế "Vỏ sò".
     
    Từ khi ra đời vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước, các mẫu máy tính xách tay chủ yếu trung thành với thiết kế kiểu “Vỏ sò” - gồm 2 phần có kích thước tương tự nhau, khớp nối qua bản lề, nhờ đó vừa có thể mở ra, vừa có thể gập khít vào với nhau.
     
    Một lựa chọn cho các nhà sản xuất là giữ nguyên thiết kế này, chỉ thay thế màn hình thường bằng màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, một vấn đề lớn sẽ nảy sinh. Khi người dùng sử dụng touchscreen, chắc chắn phần nắp máy sẽ bị đẩy nghiêng ra phía sau. Một sô ý kiến cho rằng có thể giải quyết vấn đề trên bằng cách làm bản lề chắc hơn, nhưng khi đó các động tác đóng/gập sẽ rất bất tiện; thậm chí phần thân máy của một số mẫu ultrabook vì quá nhẹ nên sẽ không giữ được thăng bằng. Hơn nữa, việc phải sử dụng màn hình cảm ứng ở một góc cố định trong khoảng thời gian dài có vẻ không khả thi và kém hiệu quả.
     
    2: Thiết kế màn hình xoay ngang 180 độ
     
    Fujitsu Lifebook T580.
     
    Kể từ khi ra mắt cách đây hơn 10 năm, mẫu thiết kế màn hình xoay ngang chủ yếu nhắm đến các sản phẩm cho nhóm khách hàng doanh nhân, do kích thước cồng kềnh và chi phí cao. Sự xuất hiện của Windows 8 sẽ giúp lược bỏ một số tính năng như ổ đĩa quang hay màn hình cảm ứng sử dụng bút, nhờ vậy giảm kích thước và hạ giá thành sản phẩm. Với thiết kế này, các mẫu ultrabook sẽ vừa tận dụng được lợi thế của giao diện Windows Metro, vừa sở hữu đầy đủ tính năng như những laptop thông thường.
     
    3. Thiết kế màn hình gập ngược 360 độ
     
    Lenovo IdeaPad Yoga.
     
    Dù chưa ra mắt, nhưng theo các thông tin chính thức, Lenovo IdeaPad Yoga có khả năng quay ngược màn hình về phía sau với sự trợ giúp của hai bản lề chắc chắn. Ngoài việc cung cấp nhiều góc nhìn linh hoạt, mẫu thiết kế này cũng tránh được vấn đề mà thiết kế “vỏ sò” gặp phải – không bị mất thăng bằng khi sử dụng touchscreen.
     
    Dự kiến phát hành vào cuối năm nay, khả năng thành công của IdeaPad Yoga còn chờ được kiểm chứng, song đây là một ý tưởng sáng tạo mang tính khả thi cao mà các nhà sản xuất khác nên tiếp nhận.
     
    4. Thiết kế màn hình nắp trượt
     
    Samsung TX100.
     
    Được giới thiệu tại CES 2011, màn hình trượt của Samsung TX100 lấy ý tưởng từ thiết kế của một số mẫu smartphones nổi tiếng (Nokia N97, HTC Touch Pro2 hay Sony Ericsson Xperia X2). Dòng máy tính này khá giống với Macbook Air, nhưng sở hữu bàn phím có thể trượt ra từ bên dưới màn hình. Sau màn ra mắt thành công, TX100 dự kiến được lên kệ vào mùa xuân năm 2011 tại thị trường Châu Âu, tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.
     
    Một đại diện khác của thiết kế nắp trượt là Asus Eee Pad Slider – một mẫu tablet trên nền tảng Android. Theo đánh giá của PCWorld, mẫu thiết kế này đem lại hiệu quả tốt, với màn hình đủ độ nghiêng và cứng cáp cho các thao tác điều hướng cảm ứng. Trong tương lai, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể sử dụng ý tưởng này cho những chiếc laptop chạy Windows 8 của mình.
     
    5. Thiết kế Docking Station
     
    Thiết kế cuối cùng, cũng là mẫu thiết kế linh hoạt nhất, chính là thiết kế lấy ý tưởng từ Docking Station.
     
    Máy tính bảng Samsung Series 7 và bàn phím rời.
     
    Docking Station là một thiết bị dùng để gắn tablet hoặc laptop lên; nó cung cấp nguồn điện và các khe cắm mở rộng, cho phép kết nối tới các thiết bị ngoại vi như màn hình, máy in, bàn phím, chuột. Tựu chung lại, Docking Station là phương tiện biến tablet/laptop của bạn trở thành một máy tính để bàn, hay thậm chí một HDTV.
     
    Hiện nay, nhiều tablet có thể được sử dụng kết hợp với Docking Station, khiến chúng hoạt động giống với laptop hơn. Lấy ví dụ, máy tính bảng và Ultrabook Samsung Series 7 có cấu hình giống hệt nhau. Khi được kết nối với Docking Station và một bàn phím không dây, Series 7 – Tablet trở thành phiên bản Series 7 – Ultrabook với màn hình cảm ứng.
     
    Lấy ý tưởng từ sự kết hợp trên, các nhà sản xuất laptop trên nền windows 8 có thể tạo ra những cỗ máy vừa cơ động, gọn nhẹ như tablet, vừa có sức mạnh và sự tiện dụng của laptop. Liệu các mẫu laptop sở hữu bàn phím rời đi kèm với Docking Station có trở thành hiện thực? Câu trả lời sẽ đến trong tương lai gần.
     
    Tham khảo: Pcworld
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày