Các fan công nghệ đồ hoạ có lẽ cũng biết, NVIDIA hiện đang nắm ngôi vương card đồ hoạ đơn chip (GTX 680) và dual chip (GTX 690). Song không có nghĩa hãng này đang nắm giữ hoàn toàn thị trường, đặc biệt với dòng sản phẩm GeForce 600. Các model GeForce 600 cho desktop (trừ GT 640) vẫn có giá khá cao và nằm ngoài tầm với của nhiều người. Là một nỗ lực nhằm giành lấy nhiều thị phần hơn bằng các sản phẩm Kepler, lần này chúng ta sẽ xem qua model GeForce mới nhất mà NVIDIA vừa ra mắt - GTX 660 Ti (660 Ti).
Sơ đồ khối GPU của GTX 660 Ti bị khuyết các thành phần back-end.
Nhớ lại câu chuyện Fermi (GeForce 400 & 500)
Cách mà NVIDIA làm ra chiếc card 660 Ti khiến tôi nhớ lại một đàn anh trước đây của nó - GTX 465. Một vài nFan có thể cũng biết, GTX 465 là bản harvest lần hai từ chiếc card GTX 480, sau bản harvert lần một là GTX 470. Ba chiếc card GeForce 400 này đều dựa trên GPU GF100. Lần này cũng vậy, 660 Ti (có thể gọi là GTX 665 chăng?) vẫn dựa trên GPU GK104, vốn dùng trên GTX 670, 680 & 690.
Song 660 Ti có vẻ khả quan hơn đàn anh GTX 465, ít nhất ở mặt thông số kỹ thuật, nó không quá thua thiệt nhiều so với GTX 670. Trong khi GTX 465 lại kém rõ model GTX 470.
Bảng so sánh thông số kỹ thuật giữa 660 Ti và các đại diện GeForce khác sẽ giúp chúng ta quan sát vấn đề tốt hơn. Thực tế 660 Ti chỉ kém GTX 670 ở các thành phần back-end (L2 cache, ROP, memory controller - MC), các đơn vị front-end và execution vẫn giữ nguyên không đổi. Bạn có chung 1344 SP và 112 TMU trên cả hai chiếc card. Thậm chí xung nhân của chúng cũng giống nhau, kể cả mặc định (915 MHz) lẫn boost (980 MHz). Như vậy về mặt lý thuyết, 660 Ti có thể mạnh ngang GTX 670 ở một vài tựa game không nặng về băng thông nhớ (liên quan MC, L2 cache) hay xử lý pixel (liên quan ROP). Nhưng chú ý rằng 660 Ti rẻ hơn GTX 670 tới 100 USD.
Cấu hình nhớ kỳ quặc
Dung lượng bộ nhớ VRAM của 660 Ti cũng là một điểm thú vị. Nó lại khiến tôi nhớ tới GTS 550 Ti. Cả hai chiếc card này đều dựa trên các GPU harvest nên thay vì có đủ 4 MC (tương đương 256-bit) thì chúng chỉ có 3 MC (192-bit). Lại nói các băng thông nhớ "lẻ" 192-bit hay 384-bit là nguyên nhân dẫn tới một số dung lượng VRAM "kỳ cục" như 768 MB (8800 GTX, 8800 GS). Về sau khi card đồ hoạ tiến hoá và dung lượng VRAM tăng lên, chúng ta lại có tiếp các bộ nhớ "lẻ" như 1,5 GB hay 3 GB. Nguyên nhân không đâu khác chính từ lượng MC "dở hơi" này.
Các GPU có số MC "lẻ" này lại có một nhược điểm khác: dung lượng VRAM của chúng thường không bằng các GPU có số MC là luỹ-thừa-của-2. Lấy ví dụ 1,5 GB chỉ bằng 75% của 2 GB và trong một số trường hợp, nhất là các game nặng về bộ nhớ VRAM, sự chênh lệch này sẽ dẫn tới thua kém về hiệu năng. Đây là lý do mà NVIDIA đưa ra một kiểu cấu hình nhớ lạ đời, bắt đầu với chiếc card 550 Ti.
Cấu hình bộ nhớ "lẻ" của NVIDIA.
Cơ chế khá đơn giản: cho 2/3 các MC đi với các chip DRAM sao cho tổng dung lượng của chúng chỉ bằng 1/3 các MC còn lại. Như 550 Ti thì 2 MC đi với các chip 1 Gb (256 MB) và 1 MC còn lại đi với các chip 2 Gb (512 MB). Tương tự với 660 Ti. Ở đây NVIDIA "gợi ý" hai cách cho các nhà sản xuất (NSX) card: hoặc họ dùng 2 chip có dung lượng bằng 4 chip kia (chiếm 6 ô nhớ trên board mạch), hoặc họ dùng hết 8 chip giống nhau trong đó 4 chip đi với 1 MC và 4 chip còn lại chia đều cho 2 MC khác (chiếm hết 8 ô nhớ). Trong trường hợp của chiếc card REF, chúng ta thấy có 6 ô nhớ bị chiếm dụng.
Mục đích sau cùng của việc này: giúp những GPU chỉ có 3/4 lượng MC vẫn có được dung lượng VRAM tương ứng với các GPU có đủ 4/4 lượng MC.
Phản đòn từ AMD
Cạnh tranh luôn có lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt trong trường hợp này. Trong cùng ngày NVIDIA ra mắt 660 Ti, AMD tung ra bản BIOS mới cho model HD 7950 (các model được bán sau này cũng dùng BIOS mới này). Bản BIOS này thực chất chỉ overclock (OC) xung nhân & nhớ của HD 7950 lên, được đảm bảo sự ổn định bằng cách tăng điện áp đầu vào cho GPU. Và vì không có sự thay đổi nào trong thiết kế chip, lượng điện tiêu thụ cho chiếc card tăng lên. Bước đi này không được xem là một đòn phản hồi tương xứng vì nó không thực sự cải thiện tình hình (bất kỳ ai cũng có thể tự OC chiếc card của họ mà không cần BIOS mới).
Lẽ dĩ nhiên là cùng một GPU thì xung cao hơn sẽ cho hiệu năng cao hơn. Hai đồ thị sau cho thấy gia tăng hiệu năng với BIOS mới (7950 vs. 7950B).
Tương tự, điện năng tiêu thụ cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, AMD còn tiến hành một bước đi khác mà tôi cho rằng hành động này mới thực sự có ý nghĩa: giảm giá một số sản phẩm có hiệu năng tương đồng. Giá đề nghị của HD 7950 lúc này còn 330 USD và của HD 7870 còn 280 USD (cùng bớt 20 USD). Mức giá này đặt 660 Ti vào thế kẹp giữa 7870 và 7950, một khoảng cách tương đối an toàn cho các model Radeon HD 7000.
Bảng giá cũ trước đây của AMD.
Và bảng giá mới hiện nay của hai hãng.
Một số model 660 Ti có mặt trên thị trường
NVIDIA vẫn thường được biết nhờ sự chuẩn bị tốt cho các lần ra mắt sản phẩm (có vài lần không được suôn sẻ song căn bản vẫn tốt hơn AMD hoặc S3 Graphics). Với lần này, ngoài bản REF ra, các đối tác của NVIDIA còn kèm thêm các phiên bản custom với tản nhiệt hoặc board mạch khác, và xung nhịp cũng thường cao hơn (tương đương với OC).
Ở đây, tôi chỉ liệt kê vài thông số cơ bản của các model custom này. Bạn có thể xem ở site của NSX để rõ hơn chi tiết.
Cấu hình test
Kết quả benchmark
Có một điều dường như AMD đã nắm rõ NVIDIA sẽ tung ra sản phẩm như thế nào, nên mức giá của AMD gần như trùng khớp hoàn toàn với hiệu năng của HD 7870, GTX 660 Ti và HD 7950 (BIOS mới). Không có gì để bàn luận nhiều ở đây vì hiệu năng 660 Ti kém đôi chút so với GTX 670 và tuỳ theo game (ưu ái GeForce hay Radeon) mà điểm số sẽ có lợi cho phe nào. Còn căn bản thì hiệu năng tương đương với giá thành từng model.
Nhiệt độ, điện năng, độ ồn
Như mọi khi, đây là các yếu tố còn lại để đánh giá thiết kế của một card đồ hoạ có tốt. Bạn lưu ý rằng các model được nêu ở đây trừ EVGA dựa trên bản REF của NVIDIA, còn lại đều là custom của các hãng (khác tản nhiệt hoặc PCB). Thường các tản nhiệt custom cho hiệu năng cao hơn nên nhiệt độ GPU thấp hơn bản REF. Độ ồn cũng tuỳ kết cấu của tản nhiệt.
Bạn dễ nhận ra rằng riêng về lượng điện tiêu thụ thì 660 Ti tương đương với GTX 670. Điều này cũng dễ hiểu vì điện áp đầu vào của chúng tương đương nhau và mức xung thì y hệt. Có thể xem 660 Ti như GTX 670 nhưng giá thành chỉ 300 USD.
Về nhiệt độ và độ ồn, các thông số này tuỳ thuộc thiết kế riêng từng card.
Lời kết
Chiếc card Kepler mới mà NVIDIA ra mắt trong hôm nay thực sự là một model tốt. Với mức giá 300 USD, thấp hơn chiếc card gần nhất - GTX 670 - tới 100 USD, chênh lệch hiệu năng không quá đáng kể, 660 Ti thực sự hấp dẫn hơn khi xét theo tiêu chí hiệu năng / giá thành (p/p): hiệu năng kém hơn chỉ ~ 10% nhưng giá thành thấp hơn 25%. 660 Ti đặc biệt phù hợp với những ai muốn trải nghiệm kiến trúc Kepler mới nhưng hầu bao không đủ với GTX 670 hoặc hơn.
Nhưng 660 Ti chưa đủ để làm thay đổi cục diện thị trường card đồ hoạ. Thực tế mức giá của nó trùng khớp với những gì nó mang lại, nhất là khi so với HD 7870 và 7950. Tỷ lệ p/p giữa các model này tương đương nhau. Đặc biệt nếu cứu xét vấn đề nhiệt độ và điện năng thì HD 7870 có phần nhỉnh hơn. Ở đây tôi không ám chỉ model này đáng giá hơn model nào giữa ba chiếc card có giá thành lân cận nhau này. Tuỳ theo số tiền trong tay của bạn phù hợp với ai, đó sẽ là lựa chọn phù hợp với bạn. Lẽ tất nhiên chúng ta đang nói giá thành ở thị trường Mỹ.
Riêng tại Việt Nam, một số nhà phân phối đã nhanh chóng nhập về 660 Ti, nhưng giá bán hiện tại khá cao và làm mất đi tính cạnh tranh của nó, kể cả khi với "gà nhà" GTX 670. Lời khuyên ở đây dành cho người tiêu dùng Việt Nam: nếu giá 660 Ti thấp hơn đáng kể so với GTX 670, và nằm giữa HD 7870 & 7950, hãy mua. Nếu không, bạn hãy nghĩ tới model khác.
Tham khảo AnandTech.