Công nghệ trong Star Wars sẽ không còn xa nữa

    PV, Đà Lôi – Theo MIT  

    Chỉ bằng chiếc camera Kinect kỳ diệu, người ta đã bước đầu tạo dựng được hình toàn ảnh của một vật thể.

    Có lẽ các bạn chưa quên những cảnh quay quen thuộc trong các phim khoa học viễn tưởng về cách mà người ta liên lạc với nhau. Thay vì chỉ nói chuyện bằng điện thoại hay cùng lắm là nhìn mặt nhau qua camera như chúng ta thường làm ngày nay, “người tương lai” trong phim chỉ cần nhấn nút và từ đó hiện lên hình ảnh lập thể 3 chiều (hình toàn ảnh) của người ở cách chúng ta hàng nghìn cây số. Người ta tưởng rằng công nghệ hiện đại cỡ đó cần tới vài thế kỷ nữa mới có thể làm được nhưng các nhà khoa học tại Đại học Arizona thì lại không cho là như vậy.
     
    "Ta tin rằng công nghệ này sẽ sớm trở thành hiện thực thôi".
     
    Tháng 11 năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã thử dùng 16 máy camera để thu lại hình ảnh của một người sau đó chuyển lại nó thành dạng hình toàn ảnh. Tuy nhiên tới cuối tháng 12, họ đã được chạm tay vào sản phẩm Camera Kinect của máy Xbox 360. Tần suất khung hình/giây của hình toàn ảnh trở nên ấn tượng hơn nhiều với công nghệ đến từ Microsoft, từ 7 lên tới 15 khung hình/giây và nhóm tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi họ có thể đẩy lượng khung hình/giây truyền tải lên tới 24 khung hình/giây hoặc thậm chí là 30 khung hình/giây – tỉ lệ đủ để tạo ra một ảnh ảo hoạt động liên tục, giống như những gì chúng ta thường thấy trong các bộ phim viễn tưởng. Mặc dù chất lượng của hình toàn ảnh lúc này vẫn chưa cao như phim nhưng thế là đủ cho một bước khởi đầu trong mơ.
     
    Hình toàn ảnh tỏ ra hấp dẫn người xem hơn phim 3 chiều nhiều lần vì dù sao, hình ảnh khán giả xem cũng chỉ được quay từ góc nhìn cá nhân chứ không phải toàn cảnh. Kể cả khi người xem di chuyển xung quanh hình toàn ảnh, họ sẽ cảm nhận được từng góc độ của hình ảnh đó như thể đó là một vật thể thực đang tồn tại.
     
    Hình ảnh ban đầu của công nghệ này có lẽ còn chưa đủ độ sắc nét.