Xây dựng một mạng lưới giao thông gồm toàn những ống dẫn có thể đưa người ta đến bất kỳ đâu trên trái đất chỉ trong vòng chưa tới 1 giờ đồng hồ, lượn vòng quanh thế giới trong vòng 2 giờ nghe giống như là những phát minh trong phim viễn tưởng. Nhưng thực ra, người ta đã và đang tiến hành xây dựng những loại xe cộ để đi trong “mạng lưới ống” đó.
Acabion, một công ty Thụy Sĩ do cựu kỹ sư của Porsche, BMW và Ferrari điều hành, Peter Maskus đang xây dựng một loại phương tiện giao thông được hứa hẹn sẽ là “hậu duệ của xe hơi”, lấy tên theo chính công ty. Thoạt nhìn qua, chúng giống như những chiếc mô tô siêu tốc được bọc trong lớp vỏ của một chiếc phản lực cơ. Maskus tin rằng loại xe không tưởng này sẽ tới vào năm 2015.
Hoạt động trong "ống giao thông".
Hệ thống mạng lưới ống di chuyển sẽ không xuất hiện trong thời đại của chúng ta, nhưng những chiếc xe siêu tốc này có khả năng sẽ đặt nền móng cho sự phát triển của giao thông tương lai thế hệ sau. Chiếc GTBO VIII “da Vinci” có giá lên tới 15 triệu USD, hoạt động hoàn toàn bằng điện này đạt vận tốc tối đa lên tới hơn 600km/h và theo lời của Acabion, thì hiệu quả hơn 20 lần so với các phương tiện chạy điện thông thường hiện tại. Đó chỉ là một chiếc xe đơn giản trong nhiều “Acabion” hiện đại hơn ở tương lai.
Chiếc GTBO VIII "da Vinci".
Xe mới sẽ kéo theo sự thay đổi của những con đường mới. Vào năm 2050, theo dự đoán của Maskus, người ta sẽ tách biệt hẳn những Acabion với những phương tiện giao thông bình thường khác, giống như những cỗ xe ngựa ngày xưa không được phép đi lại trong các tiểu bang khi ô tô ra đời: “Tốc độ của các Acabion là cao hơn rất rất nhiều so với bất kỳ loại xe ô tô hay xe máy nào. Do đó, tương lai sẽ cần nhiều hơn những loại đường xá cho phép lưu thông với vận tốc cao hơn nhiều so với đường cao tốc ngày nay”.
Thế giới năm 2050 theo tưởng tượng của Maskus.
Đặt bên trên những tuyến đường cao tốc bình thường là tuyến đường dành riêng cho các Acabion, hoàn toàn theo nguyên tắc tự hoạt động. Khi kỉ nguyên đường cao tốc chấm dứt, những lái xe Acabion lại có thể hoạt động trên đường bình thường.
Tiếp theo hãy bàn tới “mạng lưới giao thông ống” – một kiểu thiết kế nghe chừng xa xôi như những gì người năm 1850 người ta nghĩ về đường dây điện tín xuyên biển ngày nay: “Hai chiếc ống nối liền New York và Paris, với đường kính chỉ 1,5 mét, hoạt động bằng từ trường và hoàn toàn tự động sẽ có khả năng vận chuyển lượng hành khách từ Mỹ sang Châu Âu nhiều gấp 3 lần bất kỳ loại máy bay nào hiện nay”.
Chỉ tiếc rằng, cũng chính Maskus đã khẳng định người thời nay không sống được để chứng kiến sự thay đổi trong tương lai của công nghệ giao thông, có thể hơn 100 năm sau mới xảy ra. Thế nhưng, ít nhất thì chúng ta đã có được cái nhìn và cảm nhận, dù chỉ nằm trên giấy, về cuộc sống của con cháu sau này trong tương lai, thú vị và hấp dẫn đến nhường nào.