Trong tương lai, nấm sẽ xuất hiện trong xe ô tô còn nhiều hơn là cả trong bánh pizza. Dù bạn có tin hay không thì thực tế lại cho thấy các nhà khoa học đang cố tìm ra những loại nguyên liệu mới để làm nên xe hơi và thứ hợp lý nhất họ tìm thấy là nấm. Nhóm các nhà khoa học này đặt dưới sự dẫn dắt của Deborah Mielewski, trưởng nghiên cứu nhựa công nghệ thuộc tập đoàn sản xuất ô tô khổng lồ thế giới Ford. Mielewski cho biết Ford đã và đang tìm cách giảm thiểu lượng sử dụng nhựa sản xuất từ xăng dầu từ năm 2000 rồi, tuy nhiên: “Nhựa ‘sạch’ (không sản xuất từ dầu mỏ) hoàn toàn không phổ biến chút nào. Người ta không thích sử dụng các loại nguyên liệu mới”.
Thế nhưng, giá của xăng dầu đang ngày một tăng kèm theo sự bùng phát các chiến dịch bảo vệ môi trường vì thế, chẳng còn cách nào khác, Ford lại quay về với đường lối xây dựng xe ô tô bằng “nguyên liệu xanh”. Trên thực tế, Ford đã có loại xe Fiesta được chế tạo từ bọt đậu nành, không chỉ được làm nguyên liệu cho ghế ngồi xe mà còn ứng dụng cả vào các phần bắt buộc phải dùng nhựa cứng khác như bảng đồng hồ trên đó.
Nấm - nguyên liệu làm ô tô tương lai?
Hiện nay, công ty đang thử nghiệm nguyên liệu độc nhất vô nhị vốn là hỗn hợp trộn của rễ nấm và các loại thực vật khác, trong đó có cả rơm lúa mì. Sau đó họ cho tất cả vào khuôn có hình dáng của một bộ phận ô tô và đóng khuôn lại. Rễ nấm sẽ phát triển vì chúng được “nuôi” trong môi trường thực vật. Chỉ sau 1 tuần, khối thực vật này sẽ lấp đầy khuôn sản phẩm và người ta sẽ lấy nó ra, che phủ chúng bằng một lớp nhựa sinh học (có thể làm từ bọt đậu nành). Và thế là chúng ta đã có một thành phẩm của xe hơi được làm từ thực vật.
Với cách làm này, không chỉ công đoạn sản xuất ô tô là “xanh sạch” với môi trường mà cả mẫu mã, phong cách thiết kế của ô tô cũng thay đổi theo: “Khi bạn làm nhựa cứng từ thực vật thì chúng sẽ mang những đặc điểm tự nhiên. Những phần ô tô bằng nấm này giống như vỏ cây vậy. Không một loại nào mang hình dáng giống như thế”.
Nhà báo David Pogue của New York Times.
Nếu như ô tô trong tương lai được làm bằng rễ nấm thì chúng ta cũng có thể trông đợi vào nguồn xăng xe được làm từ… lông gà. Nhà khoa học nghiên cứu về năng lượng ô tô, Richard Wool đã phát hiện ra rằng khi nấu lông gà ở nhiệt độ cao chúng có thể chuyển thành hydro công nghệ cao. Mặc dù khí hydro công nghệ cao được coi là nguồn năng lượng cực kỳ sạch nhưng sử dụng nó để giúp ô tô hoạt động là rất khó vì: “Hydro luôn chiếm rất nhiều không gian. Nếu ép chúng vào một khu vực nhỏ như bình chứa xăng của ô tô, khoảng 20 galông thôi, cũng cần tới lượng áp suất khủng khiếp”. Đó là lý do các loại xe cộ sử dụng hydro đều có kích cỡ gấp đôi một chiếc xe bình thường.
2,7 triệu tấn lông gà mỗi năm sắp có "đất dụng võ".
Thế nhưng, lông gà lại là trường hợp ngoại lệ vì chúng hoạt động giống như một tấm bọt biển, có khả năng giúp các phân tử khí hydro lại gần nhau hơn và làm giảm thiểu tối đa áp suất cần thiết. Điều đó có nghĩa là với khí hydro đốt từ lông gà, một chiếc xe kích cỡ bình thường có thể chạy tới hơn 300 dặm. Thực ra, tất cả loại lông chim đều có tác dụng như vậy nhưng ông Wool lại đề cao lông gà vì người ta đang vứt đi tới 2,7 triệu tấn lông gà đi mỗi năm một cách vô ích.
Tới đây, một vấn đề khác nảy sinh đó là việc làm sao để đưa các loại xe sử dụng hydro lông gà trở nên thông dụng. Nhà báo David Pogue của New York Times cho biết: “Nó là quy tắc trứng và gà. Sẽ không có đủ các trạm xăng vì không đủ xe và tất nhiên, sẽ chẳng thể đủ xe nếu không đủ các trạm xăng”.
Thế nhưng, trong tương lai khi các nguồn năng lượng hiện tại trở nên cạn kiệt, chắc chắn người ta sẽ phải tìm đến tự nhiên. Và khi đó, nấm và lông gà có lẽ sẽ trở thành nguồn sống của giao thông tương lai.
Năng lượng dầu mỏ đang ngày một khan hiếm.