Hãy thử hỏi một nhà khoa học chuyên nghiên cứu các loài cá nhiệt đới rằng cái tên nào làm họ thấy thích thú nhất. Câu trả lời bạn nhận được gần như chắc chắn sẽ có cái tên của loài cá dao ma đen. Bên cạnh hình dáng độc nhất vô nhị, loài cá vốn sinh trưởng lại Amazon này có 2 thói quen khá là bất thường: chúng có thể cảm nhận được những gì xung quanh bằng cách tạo ra một lớp lưới điện, và chúng có thể di chuyển theo bất kỳ hướng nào tùy thích nhờ vào lớp vây cá hình chiếc khăn. Ấn tượng với khả năng này, các kỹ thuật viên tại Đại học Northwestern, do tiến sĩ Malcolm Maclver chỉ đạo, đã tạo ra một con cá robot có khả năng di chuyển dưới nước y như những chú dao ma đen, tên gọi là Ghostbot.
Maclver chính là một fan cuồng nhiệt của loài cá dao ma đen này trong suốt bao nhiêu năm và đã dày công nghiên cứu cách chúng di chuyển, lên lên xuống xuống mà chỉ sử dụng đúng một vây. Cùng với sinh viên đã tốt nghiệp Oscar Curet, anh phát hiện ra rằng những cử động theo hướng đi ngang được tạo ra bởi một đường sóng di chuyển dọc vây còn cử động vuông góc lại có sự tham gia của 2 làn sóng bắt đầu từ điểm cuối của vây và gặp nhau ở giữa. Trải qua 7 tháng làm việc với chi phí lên tới hơn 200 nghìn USD, Maclver và Kinea Design, công ty xây dựng các thiết bị kỹ thuật đã chế tạo ra chú GhostBot với nhất cử nhất động y chang một chú dao ma đen thực thụ. Thậm chí nó cũng có thể tạo ra những lớp lưới điện xung quanh.
Chú GhostBot này đã được Đại học Harvard thử nghiệm trong đường ngầm nước. Kết quả thành công mỹ mãn, ít người phân biệt được sự khác nhau giữa một chú cá máy và một con dao ma đen thực.
Ngoài khả năng bơi lội, chú GhostBot này còn có thể biểu diễn âm nhạc. Số là, tiến sĩ Maclver đang sở hữu một bộ sưu tập gồm tổng cộng 12 chú cá Amazon có khả năng phát ra lưới điện. Mỗi loại lưới điện này lại được một bộ cảm ứng riêng biệt thu lấy và từ đó, tạo ra âm thanh. Vì mỗi loại cá lại khác nhau nên tất nhiên, âm thanh chúng tạo ra cũng khác nhau. Khán thính giả có thể đứng trước “dàn đồng ca này” và biểu diễn như một nhạc trưởng, sử dụng máy điều khiển Wii để phối hợp “tiếng hát” của 12 chú cá với nhau, bao gồm cả chú cá máy GhostBot. Maclver cho biết, mục đích của ông trong công cuộc chế tạo này là tìm cách kết hợp nghệ thuật và khoa học lại với nhau theo một cách nào đó thật thú vị.