Hoài niệm những “bại binh” mạng xã hội Việt thuở khai thiên lập địa

    PV, Minh Dũng 

    Liệu bạn có còn nhớ những cái tên đã tồn tại từ thuở sơ khai nhất của mạng xã hội Việt Nam?

    Mạng xã hội, cái tên mới xuất hiện ở nước ta một vài năm trở lại đây nhưng đã để lại nhiều hiệu ứng tích cực. Tuy nhiền, bởi cách tiếp cận, mô hình hoạt động cho tới định hướng và phát triển... những đại diện "made in Việt Nam" đầu tiên lại không phải những cái tên thành công (nói một cách đơn giản là không còn tồn tại). Bài viết xin đề cập tới những mạng xã hội Việt từng nổi đình nổi đám một thời nhưng lại không thể giữ được phong độ lâu dài.
     
    ZoomBan
     
    Ra khá sớm vào năm 2007, ZoomBan được đặt nhiều kì vọng bởi cha đẻ của nó là VC Corp, một trong bốn công ty "dotcom" lớn của Việt Nam. ZoomBan đi theo hướng của Facebook - lúc đó đã khá nổi tiếng trên thế giới nhưng còn mới ở Việt Nam. Dịch vụ tạo ra sự khác biệt khá nhiều so với mô hình thiên về chức năng blog theo kiểu Yahoo! 360 (đang thịnh thời bấy giờ). Sự ra đời của mạng xã hội này cũng có thể xem là dấu ấn mở màn phong trào "Facebook clone" của các mạng xã hội trong nước ngày nay.
     
     
    Sau khi đăng kí tài khoản, người dùng có thể tham gia vào các "mạng lưới" và dễ dàng làm quen bạn bè. Các tính năng tạo sự kiện cho nhóm, mạng lưới của mình, tạo album ảnh cho bạn bè lên chia sẻ bình luận hay viết ghi chú góp phần tạo ra những kết nối đan xen của người dùng internet. Tuy nhiên, khá khó hiểu bởi sau một thời gian dài chạy thử nghiệm (beta), dự án ZoomBan bất ngờ bị khai tử.
     
    Yobanbe.com
     
    Khác với ZoomBan, Yobanbe đã làm rất tốt việc lôi kéo người dùng đến với mình. Chính thức hoạt động tháng 5/2007, chỉ sau một thời gian dịch vụ đã thu hút hơn 200.000 thành viên và vươn lên vị trí nhất nhì trong top những mạng xã hội Việt Nam. 
     
     
    Xây dựng theo chuẩn web 2.0 với các tính năng nổi bật như blog, profile, câu lạc bộ, diễn đàn, sự kiện, âm nhạc. Với ưu điểm Việt hóa 100%, Yobanbe có giao diện đẹp, nhiều màu sắc nên thú hút khá đông giới trẻ và teen tham gia. Với thông điệp “thể hiện đi!”, Yobanbe luôn khuyến khích các bạn trẻ khám phá bản thân và tự thể hiện mình.
     
    Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng Yobanbe đã dần dần đánh mất đi triết lý thương hiệu của mình. Dịch vụ xây dựng theo định hướng nhật kí trực tuyến, nhưng dần dần lại bị biến đổi thành hệ thống thông tin giải trí quá ôm đồm. Sau lần nâng cấp thứ 4, trang web thay đổi tất cả từ giao diện cho tới tiêu chí đăng bài nhằm chia sẻ thông tin một cách dễ dàng nhất. Tháng 5/2008, Yobanbe sát nhập vào Zing.vn, đặt dấu chấm hết cho mình.
     
    FaceViet.com
     
    FaceViet - mạng xã hội dành cho sinh viên,  áp dụng mô hình tương tự Facebook. Ra mắt vào ngày 20/11/2007, FaceViet được thành lập bởi Thành, Lê, Tùng và Lan - bốn cựu du học sinh Việt Nam. Sự xuất hiện của mạng xã hội cũng "đậm chất Faceboook" này đã tạo cơ hội giúp các sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước có thể gần gũi nhau hơn.
     
    Thực tế ý tưởng sáng tạo của bốn người bạn thân đã thu hút sự chú ý của một lượng lớn sinh viên Việt Nam và du học sinh tại nước ngoài. Ban đầu, các CEO FaceViet đã có ý tưởng kiếm lợi nhuận khá thú vị: sử dụng chính trang chủ của người dùng để treo banner quảng bá cho các công ty lớn. Do thường xuyên cập nhật tình hình của bạn bè tại trang chủ, người dùng sẽ nhân tiện đọc qua những đoạn quảng cáo được lồng ghép đan xen giữa các hoạt động của người dùng khác.
     
     
    Nhưng nhìn chung, FaceViet cũng chỉ là một ngôi sao vụt sáng rồi nhanh chóng lụi tàn. Sản phẩm chưa hoàn thiện lắm về mặt công nghệ, đội ngũ điều hành chỉ gồm những người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm quản lí, vận hành một hệ thống lớn. Điều đó dẫn đến cái tên FaceViet không thể trở thành một thương hiệu có thể lớn mạnh trong cộng đồng mạng Việt.
     
    VietSpace
     
    Ra mắt vào năm 2007,vietspace.net.vn được nhiều tờ báo đánh giá là mạng xã hội có quy mô lớn với khoảng 100.000 thành viên. Được thành lập bởi hai thanh niên: Trần Hùng Cường và Lương Tuấn Vũ, website lập trình trên ngôn nền tảng DotNetNuke có khả năng mở rộng các tính năng không giới hạn.
     
    Hai CEO trẻ tuổi của VietSpace.

    Trên nền tảng này, người dùng có thể dễ dàng tạo ra một trang cá nhân độc đáo mang cá tính riêng. Ngoài ra VietSpace còn cho phép người sử dụng bảo vệ hoặc chia sẻ từng phần thông tin riêng biệt trên trang web của mình cho những người bạn khác. Thậm chí, bạn còn có thể “trao quyền” chỉnh sửa website của mình cho bạn bè.
     
     
    Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, VietSpace gặp phải một vấn đề lớn: nền tảng kĩ thuật (DotNetNuke) vốn chưa hoàn chỉnh về mặt công nghệ, lại đòi hỏi quá cao về năng lực xử lí và thời gian đáp ứng. Đến khoảng đầu tháng 11/2007, hầu hết các link từ trang chủ VietSpace đều không hoạt động, trước đó các lần truy cập đều khá chậm. Sự kiện này đánh dấu sự sụp đổ của một mạng xã hội đã từng được kì vọng rất lớn tại Việt Nam.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ