Cách đây vài ngày, một đoạn video có tiêu đề
“Vật Thể bay không xác định trên bầu trời Sài Gòn” thu hút tới nửa triệu lượt xem trên Youtube, tạo ra hàng chục bản sao và thu hút sự chú ý của nhiều phương tiện truyền thông trong nước. Tuy nhiên, mới đây chính tác giả đoạn video đã thừa nhận đó chỉ là sản phẩm của kỹ thuật số.
Trên kênh youtube của mình, tác giả giải thích cụ thể hơn: “Tôi thực hiện clip này vì muốn chia sẻ với mọi người 1 hình thức quảng cáo mới rất hiệu quả mà lại cực kì tiết kiệm thay vì in ấn hoặc TV đó là Viral Marketing”. Thực tế, đoạn video này sử dụng hình ảnh trong quảng cáo một nhãn hiệu laptop mới và không hướng đến mục tiêu tiếp thị rõ ràng. Nhưng nhìn ở một góc độ nào đó, tác giả đã đạt được thành công nhất định qua chiến dịch dang dở của mình. Vậy, cụ thể khái niệm Viral Marketing đang nhắc đến ở đây là gì?
Viral Marketing – Tiếp thị lan truyền là gì?
Theo phân tích của Draper và Juvetson (đồng sáng lập hãng Draper Fisher Jurvetson), viral marketing là hình thức marketing mà người tiêu dùng là đối tượng tham ra trực tiếp vào quá trình lan truyền thông tin, quảng bá sản phẩm, và bán hàng thông qua mạng internet.
Đơn giản hơn, có thể hiểu viral marketing giống như cách thức lan truyền của một con virus. Hình thức quảng cáo này bắt đầu từ giả thuyết một khách hàng luôn kể cho người khác nghe về sản phẩm hoặc dich vụ của bạn mà khách hàng cảm thấy hài lòng khi sử dụng. Viral Marketing mô tả chiến thuật khuyến khích một cá nhân nào đó lan truyền một nội dung tiếp thị, quảng cáo đến những người khác, tạo ra một tiềm năng phát triển theo hàm mũ sự lan truyền và ảnh hưởng của một thông điệp như những con vi rút.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, nhất là của các trang mạng xã hội, Web 2.0 các chiến dịch marketing trong thời buổi công nghệ không thể nào bỏ qua mảnh đất màu mỡ của Viral marketing, chỉ cần một cái click chuột vào nút thích và nút chia sẻ hay post link lên trang đánh dấu link thì nội dung truyền tải lập tức hiện diện trong cộng đồng mạng.
Thông điệp của Viral marketing thường là một ý tưởng gây chú ý, tò mò, gây cười, được thể hiện dưới dạng clip, hình ảnh, một cuộc thi, một sự kiện gây chú ý hay đơn giản là một đoạn text. Thành công của một chiến dịch Viral Marketing là làm cho người ta thích thú với thông điệp đưa ra và tự nhiên lan truyền thông điệp quảng cáo cho nhau, có thể thông qua gởi link, đăng trên blog… Người xem có thể khen-chê, hưởng ứng, phẫn nộ nhưng cái quan trọng là càng ngày càng nhiều người bị “lây nhiễm”, và mức độ nhận biết thương hiệu của khách hàng theo đó mà tăng lên.
Một ví dụ rất nổi tiếng trong việc kết hợp tiếp thị lan truyền trên internet, sử dụng các công cụ mạng xã hội là chuỗi video quảng cáo dài 100 tập về máy xay sinh tố Blendtec. Các video quảng cáo ghi hình nhà sáng lập Tom Dickson bỏ mọi vật có thể vào máy xay, từ iPhone, iPad đến kèn World Cup vuvuzela, để chứng minh sức mạnh của máy Total Blender dùng trong gia đình. Hơn 100 tập phim và hàng triệu lượt xem trên YouTube đã đẩy doanh số máy xay sinh tố gia đình tăng 700% từ tháng 11/2006 - 8/2010 và thay đổi nhận thức thương hiệu Blendtec.
Viral Marketing ở Việt Nam
Thực tế, hình thức viral marketing đã xuất hiện khá sớm tại Việt Nam. Ngay từ những năm 2008, nhãn hàng Close Up đã đạt được thành công với
chiến dịch: “Tìm em nơi đâu” thu hút trên 3 triệu lượt người quan tâm tại Youtube và blog Yahoo! 360. Đây là câu chuyện kể về một chàng trai muốn tìm lại cô gái từng gặp trong một chiều mưa ở Sài Gòn. Anh chàng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng mạng. Ít lâu sau, Close Up tham gia khéo léo vào chiến dịch tìm lại cô gái của chàng trai với nhiều hoạt động cộng đồng ở quy mô lớn.
Ở đây, truyền thông xã hội qua blog Yahoo! 360 và trang chia sẻ Youtube đã giúp Close Up tạo được hiệu ứng marketing lan truyền (viral marketing) vượt ngoài mong đợi. Dẫu còn nhiều ý kiến khen chê, nhưng ai cũng thừa nhận mức độ nhận biết thương hiệu của nhãn hàng này tại Việt Nam đã tăng đáng kể sau chiến dịch “Tìm em nơi đâu”.
Phân tích một chút về đoạn video “Vật Thể bay không xác định trên bầu trời Sài Gòn”. Ở đây, ngoài khía cạnh tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn và kích thích người xem tự lan truyền thông điệp. Tiêu đề đoạn video cũng đã mang ít nhiều nét tương đồng với sản phẩm cần quảng cáo. Chiếc laptop được làm bằng vật liệu để sản xuất máy bay (hình ảnh mẫu máy cũng được quảng cáo cùng mẫu chiến đầu cơ). Vì thế lựa chọn thông điệp gợi mở theo hướng “Vật thể không xác đinh”, “Vật thể lạ”... có thể tạo ra bước khởi đầu rất tốt cho các kế hoạch tiếp thị sau này (nếu có). Cũng có ý kiến cho rằng, nếu tác giả chăm chút hơn cho kế hoạch “vui” của mình, liên kết với hãng laptop nọ thì hiệu quả của cả chiến dịch quảng cáo sẽ rất ấn tượng trên thị trường Việt Nam.
(Tổng hợp)