Mạng xã hội Việt đang làm gì để "câu kéo" khách?

    PV, Đức Toàn 

    Trong thị trường mạng xã hội Việt sôi động, những người cầm trịch đã làm gì để lôi kéo thành viên?

    Thị trường mạng xã hội Việt được coi là thị trường đầy tiềm năng và nhiều cơ hội. Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến những nguồn lực đầu tư tập trung vào thị trường trẻ năng động này. Thành công có nhiều, tuy nhiên thất bại cũng không ít. Mạng xã hội Yoo! bị khai tử trong khi phần đông dư luận chưa kịp định hình là minh chứng tiêu biểu cho cạnh tranh ác liệt trong sân chơi mạng xã hội. Số ít mạng xã hội mới hình thành đang phải vất vả xây dựng thị phần cho chính mình.
     
    Nhìn chung, mạng xã hội Việt đang là sân chơi của các “đại gia” tiếng tăm từ lâu trong cộng đồng net: Zing, Go, Yume, Tamtay,… Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này từ lâu, cùng những bản sắc riêng, mỗi mạng xã hội đều thành công trong việc xây dựng cộng đồng của riêng mình. Hãy cùng tìm hiểu mạng xã hội Việt đã dùng độc chiêu gì để hút khách.
     
    Hội quán cho người yêu blog



    Sau sự sụp đổ của Yahoo! 360, cộng đồng blogger Việt như trên chảo lửa, nháo nhác tìm kiếm chỗ trú chân mới đồng thời kiếm cách bảo lưu kho tài sản-bài viết của mình. Hàng loạt dịch vụ blog gắn mác Việt Nam ra đời cùng những lời hứa ngọt ngào về viễn cảnh tươi sáng cho hội những người yêu blog. Tuy nhiên những dịch vụ thành công đến giờ này chỉ đếm được trên đầu ngón tay và Yume là cái tên nổi trội hơn.
     
    Ra đời năm 2008, đến nay Yume có thể tự hào với con số 3.3 triệu thành viên vốn đang không ngừng gia tăng. Chú trọng vào tính năng blog và chỉnh sửa trang cá nhân, Yume nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía thành viên sau một thời gian ra mắt. Thật vậy, có thể thấy hướng đi chú trọng blog của Yume mang hơi hướng Yahoo! 360, vốn gặp nhiều sóng gió tại trời Tây nhưng rất được ưa chuộng tại Việt Nam, do đó không quá ngạc nhiên khi Yume được coi như hội quán cho người yêu blog.
     
    Đầu tư mạnh mẽ vào blog, Yume được hậu thuẫn bởi hàng trăm cây viết chuyên nghiệp: nhà văn Lý Lan, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhạc sĩ Quốc Bảo,…. Yume còn là mạng xã hội đầu tiên trả nhuận bút cho người viết. Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi viết đã được tổ chức hàng tháng từ cuối năm 2010, ghi nhận đóng góp từ những cây bút xuất sắc. Nhìn chung, Yume thành công khi chọn con đường chông gai của Yahoo! 360 và là ngôi nhà lí tưởng cho những người đam mê viết lách.
     
    Sân chơi của sinh viên



    Ra đời năm 2007, thời kì bùng nổ mạng xã hội tại Việt Nam, Tầm Tay đến với cộng đồng với hàng loạt tính năng, trong đó chia sẻ ảnh và video là tính năng “ăn tiền”. Tầm Tay là một trong những tên tuổi hàng đầu khi nhắc đến những cuộc thi ảnh. Nhiều cuộc thi Miss tại các trường đại học và trung học đã được Tầm Tay bảo trợ, mang lại cho mạng xã hội cái tên rất gần gũi: “Sân chơi của sinh viên”.
     
    Sinh viên các trường đại học không hề xa lạ với Tầm Tay khi đơn vị này đã tổ chức hàng loạt cuộc thi sắc đẹp tại trường Đại học Ngoại Thương, Đại học Thương Mại, trường Trung Học Amsterdam,…Mỗi cuộc thi thu hút tương tác từ hàng chục nghìn thành viên, xây dựng cầu nối giao lưu giữa sinh viên các trường đại học, từ đó lôi kéo người dùng cho Tầm Tay.
     
    Giải trí mọi nơi



    Với 5 triệu thành viên, Zing Me là mạng xã hội đông đúc nhất thị trường Việt hiện tại. Thời gian đầu ra mắt, dư luận biết đến Zing như kho nhạc số khổng lồ và cổng thông tin tốc độ cao. Thời điểm mạng xã hội Zing Me ra mắt, lượng thành viên gia tăng chóng mặt và gắn bó chặt chẽ với những tính năng giải trí của Zing: âm nhạc, video clip, game trực tuyến, bên cạnh chia sẻ ảnh và blog, lập nhóm và chat trực tuyến.
     
    Phục vụ nhu cầu giải trí mọi lúc mọi nơi của thành viên, Zing đầu tư rất nhiều vào tính năng nhạc, phim và cổng thông tin phong phú. Nhận biết nhu cầu giải trí trên các thiết bị di động đang bùng nổ tại thị trường nội địa, Zing ráo riết đầu tư vào các dịch vụ giải trí di động và gặt hái không ít thành công. Zing cũng là đơn vị năng động trong việc đưa ứng dụng của mình lên các siêu thị ứng dụng phổ biến đối với người dùng smartphone là Apple Appstore và Android Market.
     
    Zing cũng là đơn vị đầu tư mạnh tay vào game mạng xã hội: Nông Trại Vui Vẻ, Sky Garden, Gunny là những game thu hút hàng triệu thành viên, con số mơ ước với bất kì nhà cung cấp nào tại Việt Nam. Trang web cung cấp game trực tuyến play.zing.vn cũng thu hút hàng triệu lượt ghé thăm mỗi ngày từ cộng đồng thành viên.
     
    Sát cánh học tập



    Ra đời sau các đàn anh khá lâu, mạng xã hội Go do Tổng Công ty Truyền thông VTC đỡ đầu coi giáo dục là mục tiêu hàng đầu. Với kho bài giảng đồ sộ trong tất cả các môn học phổ thông, Go là địa điểm ưa thích của các bạn trẻ đam mê học tập và đội ngũ giáo viên muốn làm giàu giáo trình. Tính năng Thi trực tuyến của Go cũng thu hút rất nhiều thành viên với các bài thi phong phú: đề thi Đại học, Cao đẳng, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp Trung học.
     
    Go cũng tự hào là kho tài liệu tham khảo và hoàn toàn miễn phí đối với thành viên. Với các lĩnh vực trải rộng từ Y học, Kinh tế, Giáo trình, Văn hóa đến Luận văn, Ngoại ngữ, Go là điểm đến của những thành viên yêu thích học tập và tích lũy kiến thức từ Internet. Mục tiêu then chốt của Go là trở thành đơn vị cung cấp nội dung, dịch vụ với nhóm giáo dục lớn trong 3 năm tới.
    (Tổng hợp)
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ