Bí mật Groupon: Nguồn gốc mô hình "mua theo nhóm"

    PV, Đức Toàn 

    Loạt bài 4 kỳ: Bí mật Groupon sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc nhất về mô hình "mua theo nhóm" và nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh.

    Groupon là tên tuổi dẫn đầu trong thị trường mua theo nhóm hiện nay. “Mua theo nhóm” không phải là khái niệm mới đối với khách hàng cũng như dân buôn bán, tuy nhiên, chỉ đến khi Groupon ra đời năm 2008, cách thức “mua nhiều – giảm giá sốc” mới trở được biết đến rộng khắp, đặc biệt khi áp dụng vào môi trường thương mại điện tử.



    Tầm ảnh hưởng vươn tới 44 quốc gia từ châu Âu đến châu Á, được định giá 1 tỉ USD cực nhanh sau khi thành lập, từng được Google chào giá 6 tỉ đô,…Groupon đã trải qua nhiều nốt thăng từ những ngày đầu non trẻ. Hãng cũng trải qua không ít khó khăn, đặc biệt trong thời gian nhạy cảm trước khi ngày bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên: bị tố là mô hình Ponzi lừa đảo, nhân viên đòi tăng lương tới 6 con số, nhà cung cấp đòi nợ...

    Những gì đã xảy đến với Groupon thời gian qua khiến hãng gặp những trục trặc trời giáng như vậy? Tại sao giới đầu tư vẫn kêu gào về Groupon bất chấp những con số tăng trưởng hùng hồn?
     
    Hãy cùng chúng tôi theo dõi hành trình của Groupon – CEO Andrew Mason qua loạt bài 4 kỳ: Bí mật Groupon.


    CEO Groupon – Từ nhà đầu tư “tay mơ”


    Andrew Mason, cha đẻ Groupon, từng theo học trường Đại học Northwestern từ năm 2003 và trong quá trình học ở đây, Mason có thời gian đi làm thêm dưới vai trò thiết kế website cho một doanh nhân tên Eric Lefkofsky - chính là người đã nâng bước cho Mason vào chiếc ghế CEO Groupon sau này. Sau một thời gian theo học trường Northwestern, anh sinh viên Mason kiếm được suất học bổng ở Đại học Chicago – chuyên ngành Âm nhạc. Mason chia tay Eric Lefkofsky để chuyên tâm vào việc học tại ngôi trường mới.


    Andrew Mason, CEO Groupon.

    Nhận bằng tốt nghiệp Đại học Chicago năm 2006, đang bận bịu với lịch học để lấy bằng master, Mason quyết định từ bỏ học tập để đi kiếm tiền. Lúc này, Mason nối lại quan hệ với Lefkofsky, khi ấy đã trở thành một doanh nhân giàu có. Tháng 1 năm 2007, Lefkofsky cấp cho Mason một số vốn nho nhỏ để xây trang web The Point, nơi tập trung những nhà đầu tư trẻ với hoài bão lớn nhưng… thiếu vốn. The Point của Mason không nhằm mục đích kiếm tiền từ thiên hạ mà chỉ là nơi khai thác ý tưởng (kinh doanh) từ nội bộ nhân viên dưới trướng Lefkofsky, do vậy cũng không nhiều người biết đến địa chỉ web này.


    Erik Lefkofsky.

    The Point tiến triển không mấy khả quan, ý tưởng tủn mủn, không nhiều trong số đó áp dụng được. Tuy nhiên, một ngày Lefkofsky, với con mắt tinh tường của một doanh nhân từng trải, để ý đến ý tưởng “giảm giá một món hàng nếu có 20 người mua trở lên” – cũng là ý tưởng xuyên suốt Groupon sau này. Thoạt đầu ý tưởng này bị Mason và bên điều hành trang The Point phản đối kịch liệt vì “đấy không phải tiêu chí của bọn tôi!”, tuy nhiên Lefkofsky không dễ buông tay ý tưởng này.
     
    Lúc bấy giờ, khủng hoảng kinh tế 2008 khiến dân buôn và dịch vụ ế khách trầm trọng. Lefkofsky nhìn ra điều này và bắt đầu định hình một cách thức mua bán mới có lợi cho cả 2 phía: khách hàng – nhà cung cấp, dựa trên hình thức mua theo nhóm. Ông tư vấn cho Mason và anh này miễn cưỡng phải nghe theo: lập ra dự án Groupon, gồm những nhà tư bản hoàn toàn “tay mơ”.
     
    Đến Groupon những ngày đầu


    Andrew Mason ở văn phòng Chicago với logo Groupon những ngày đầu.
     

    Ý tưởng của Lefkofsky là vậy, nhưng Mason mới là người đưa ra những quy tắc bất biến cho Groupon, cũng là chìa khóa cho thành công sau này:

    . Mỗi ngày một mặt hàng giảm giá
     
    . Mỗi mặt hàng phải đạt một lượng người mua nhất định mới được giảm giá
     
    . Cơ sở bán hàng giảm giá không được cách nơi ở của người mua quá xa
     
    Mason và các cộng sự bộc bạch: “Groupon cũng nói không với hàng tồn kho và các dịch vụ vận chuyển (shipping)”. Một thời gian ngắn sau đó, Mason giúp khách hàng nhận thông tin về các chương trình khuyến mãi nhanh hơn nữa thông qua e-mail.
     
    Vào thời điểm khủng hoảng đó, Groupon thực sự là cứu cánh cho các doanh nghiệp và giới dịch vụ. Trong khi khách hàng đang thắt lưng buộc bụng, ngân hàng hạn chế cho vay, tiền chi cho quảng cáo lại đắt mà không cắt giảm được, thì chơi với Groupon vừa bán được nhiều hàng vừa được marketing, lại hiệu quả và phải chăng. Người tiêu dùng đến với Groupon thường xuyên sắm được món hời. Groupon, với vai trò cầu nối giữa khách hàng – nhà cung cấp, cũng kiếm được không ít lợi nhuận.
     
    Groupon mau chóng cất cánh. Sau 17 tháng hoạt động, Groupon được định giá 1,35 tỉ USD. Cần biết rằng trước đó, duy nhất YouTube là dịch vụ được định giá 1 tỉ USD trước con số 17 tháng đầy ma lực của Groupon. Sau 1 năm mở cửa, Mason có trong tay 300 nhân viên. Sau 2 năm, con số đó vọt lên 5.000 và hiện nay là 10.000 người. Giới đầu tư bắt đầu đổ vốn vào Groupon, không ít trong số đó là cổ đông lớn của Facebook và các tên tuổi lớn trên Internet.
     
    Ban đầu, Groupon chỉ hoạt động trong phạm vi thành phố Chicago. Sau khi đã xây dựng mạng lưới nhà cung cấp và khách hàng vững chắc, Groupon “đánh chiếm” thị trường lớn tiếp theo: thành phố Boston. Boston khó tính đã khiến Groupon phải dùng đến một số tiểu xảo nhất định đối với website để hút khách. Sau khi thị trường Boston đã ổn định, Groupon ráo riết tiến đến New York. Lần này, với kinh nghiệm từ 2 thị trường trước cộng với lợi thế độc tôn khi đó, Groupon nhanh chóng thành công. Cuối 2009, Groupon đã hiện diện tại 10 thành phố lớn ở Mĩ.
     
    Lefkofsky – “Đầu não” Groupon


    Mason và Lefkofsky, hai nhân vật không thể tách rời của Groupon.

     
    Những người sâu sát với Groupon đều có chung nhận định: “Nếu Andrew Mason là linh hồn của Groupon thì Eric Lefkofsky mới là đầu não chỉ huy”. Lefkofsky từng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực: vận tải, in ấn – xuất bản, truyền thông – quảng cáo,… Với kinh nghiệm thương trường, Lefkofsky chính là người đặt những viên gạch vững chắc cho Groupon thời kì đầu, tư vấn cho Mason rất nhiều, từ việc làm thế nào để thu tiền/trả tiền cho nhà cung cấp, mua server thế nào, đến kĩ thuật bắt tay với các nhà phân phối.
     
    Thật vậy, Lefkofsky có những yếu tố Mason thiếu: kiến thức tài chính và con mắt kinh doanh. Làm việc ở Groupon Lefkofsky phải xắn tay làm nhiều việc: giám đốc điều hành (COO – Chief Operating Officer), giám đốc tài chính (CFO – Chief Financial Officer), thậm chí kiêm luôn chức phó chủ tịch (Vice Chairman).
     
    Nhờ Lefkofsky, Andrew Mason hiện tại đã cứng cáp hơn rất nhiều và có thể đảm đương phần lớn công việc tại Groupon. Hiện Lefkofsky không còn đảm nhận điều hành tại Groupon nhưng vẫn giữ 21% cổ phần.
     
    “Đại gia” Google và Yahoo! đã đặt Groupon vào tầm ngắm. Nhưng vì lý do gì Groupon từ chối lời mời chào bạc tỉ từ 2 đại gia công nghệ này? Hãy cùng xem câu trả lời ở kì 2: Vì sao 6 tỉ đô của Google không đủ ?
    Tham khảo: Business Insider
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày