Theo công bố hôm Thứ Năm vừa qua (3/5), vào ngày 18/5 tới đây, Facebook sẽ chính thức lên sàn chứng khoán NASDAQ với mã chứng khoán “FB”. Câu hỏi lớn nhất với các nhà đầu tư bây giờ là: Liệu cổ phiếu của Facebook có đủ sức hấp dẫn để lôi kéo họ?
Những kỉ lục ấn tượng
Với việc bán ra 337,4 triệu cổ phiếu được định giá trong khoảng 28-35 USD/cổ phiếu. Sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tới đây, giá trị của Facebook dự tính lên tới 95 tỉ USD, ít hơn 5 tỉ USD so với con số 100 tỉ USD tính toán dự kiến của “ông chủ” Mark Zuckerberg trong tháng 2 năm nay. Dù con số cuối cùng thế nào, sau đợt IPO tới đây, Facebook sẽ trở thành công ty internet có giá trị cao nhất nước Mỹ tại thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng; vượt qua kỉ lục hiện tại (23 tỉ USD) của Google đạt được trong năm 2004.
Những con số đáng kinh ngạc như vậy đã phản ánh phần nào sự lớn mạnh của mạng xã hội còn non trẻ này. Facebook đã chạm mốc 500 triệu người sử dụng vào tháng 7 năm 2010 và dự kiến sẽ đạt mức gấp đôi - 1 tỉ người dùng vào cuối năm nay. Facebook hiện đang có 901 triệu người dùng thường xuyên (tính đến cuối tháng 3/2012, tăng 33% so với cùng kì năm 2011). Trên nền tảng di động, Facebook có gần 500 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng. Mỗi ngày, người dùng nhấn tới 3,2 tỉ cú click “likes” và comment - một con số mà bất cứ mạng xã hội nào cũng phải mong ước. Với những con số ấn tượng kể trên, Facebook vẫn đang vững vàng với vị trí mạng xã hội số 1 trên toàn cầu.
Sẽ thật là thiếu sót nếu không kể tới những gì mạng xã hội này đạt được từ thương vụ thâu tóm ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram - tâm điểm của giới công nghệ, truyền thông toàn cầu trong tháng 4 vừa qua. Không chỉ có được thêm 13 kĩ sư ưu tú của Instagram trong lĩnh vực chia sẻ hình ảnh; thâu tóm luôn 40 triệu người dùng sẵn có từ trước của Instagram. Lượng người dùng Instagram sau khi ứng dụng này thuộc về tay Facebook còn tăng vùn vụt, mang về cho ông chủ Facebook và những cổ đông sau này nhiều hợp đồng quảng cáo béo bở trong hiện tại và tương lai.
Thêm vào đó, theo tiết lộ từ nhiều nguồn tin, Facebook còn đang có dự định mạo hiểm đầu tư vào thị trường phần cứng, sản xuất chip; với tham vọng được sánh vai với những nhà thiết kế chip hàng đầu hiện nay. Dòng tiền khổng lồ chảy vào túi các cổ đông sắp tới của Facebook không còn là một cái gì đó quá xa vời nữa.
Những lo ngại thực tế
Tuy nhiên, những con số hào nhoáng ấy cũng khiến nhiều người không khỏi lo ngại về đợt IPO tới đây của Facebook. Thực tế kinh doanh trong quý đầu năm 2012 cho thấy sự tăng trưởng doanh thu của hãng đang có xu hướng chậm lại. Nhiều nhà đầu tư do vậy đang cân nhắc xem cố phiếu của Facebook có đủ độ hấp dẫn để họ phải đổ tiền vào hay không, nhất là trong ngắn hạn.
Theo số liệu từ tài liệu S-1 được Facebook công bố vào tuần trước, lợi nhuận quý I của công ty đã giảm 12%, từ mức 233 triệu USD xuống còn 205 triệu USD. Doanh thu quý đầu của họ tăng 45% so với cùng kì năm trước, đạt 1,06 tỷ USD (trong đó doanh số quảng cáo là 872 triệu USD); nhưng nếu so với quý IV năm 2011 (đạt 1,13 tỷ USD) , mức doanh thu này đã giảm 6%.
Thứ hai, nhiều người lo ngại về việc mô hình quảng cáo truyền thống của Facebook (thông qua các liên kết được tài trợ - sponsored links) rất khó khăn khi cạnh tranh với Google hay Yahoo. Hơn thế nữa, như đã nói ở trên, tuy Facebook có hơn 500 triệu người dùng trên nền tảng di động và ứng dụng Facebook di động là phần mềm được tải nhiều ở các dòng điện thoại thông minh.
Song lại không hề đạt được doanh thu quảng cáo từ nguồn nảy, bởi quảng cáo và các nội dung thương mại không hiển thị trên ứng dụng di động. Tuy nhiên, những nút ‘Like” trên Facebook lại là một nguồn lợi nhuận tiềm năng chưa được hãng khai thác triệt để. Người dùng Facebook có thể nhấn ‘Like” mỗi khi họ gặp một bài viết, một thương hiệu hay một nhận xét mà họ cảm thấy yêu thích. Một nhà phân tích đầu tư giấu tên cho hay “Nếu Facebook có thể đưa nút ‘Like” của mình trở thành một phương thức kinh doanh quảng cáo hiệu quả thì khả năng phát triển của hãng có thể tiến tới vô cùng. Phương thức quảng cáo này sẽ đưa họ trở thành công ty đáng giá hàng ngàn tỉ USD”.
Điều này đã được chứng minh trong thực tế khi Mark tự mình đưa ra quyết định thâu tóm Instagram với giá 1 tỉ USD trong tháng trước mà không cần tới sự đồng thuận của ban giám đốc hay việc Mark tự mình quyết định mua các bằng sáng chế của Microsoft với giá 550 triệu USD... Mặc dù được các cổ đông ủy thác nhiệm vụ duy trì và xúc tiến hoạt động kinh doanh, nhưng lợi ích của ông chủ Facebook vẫn có thể không phù hợp với lợi ích của phần đông họ. Nhiều người cảm thấy với Facebook, họ chỉ như những "khách bộ hành được cho đi nhờ trên xe". Nguy cơ bất đồng và rủi ro rất dễ xảy ra từ đây.
Darren Chervitz, một nhà phân tích ở Qũy Jacob Internet nhận định Facebook rất “đáng giá” so với vị trí mà mạng xã hội này đạt được trên Internet, nhưng giá trị cổ phiếu trong đợt phát hành lần này có thể hơi "quá sức" đối với nhiều người. Ông khuyên các nhà đầu tư nên chờ đợi một thời gian sau khi Facebook phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, để họ có thể xem xét, nhận định rõ ràng hơn về tình hình kinh doanh của công ty sau khi “lên sàn”; từ đó đưa ra quyết định đầu tư chính xác nhất và ít rủi ro nhất.
Tham khảo: MSN Money
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương