Câu chuyện nhạc số: Tác quyền, chất lượng và… 1.000 đồng

    Vi Dũng,  

    Con đường của tác quyền số còn rất gian nan.

    Như các bạn độc giả đã biết, vào ngày 15/8 vừa qua, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV), công ty MV Corp cùng 5 trang web chia sẻ nhạc số lớn nhất Việt Nam bao gồm Zing, Socbay, nghenhac.info, nhaccuatui và Nhac.vui đã cùng ký kết một thỏa thuận hợp tác. Trong đó, RIAV ủy quyền cho MV Corp quản lý tác quyền cho nội dung số phân phối thông qua internet cũng như điện thoại di động.
     
    Tiếp theo, MV Corp cùng 5 website kể trên cùng ký một thỏa thuận hợp tác, qua đó vào ngày 1/11 sắp tới, các website chia sẻ nhạc sẽ cùng đồng loạt thu phí cho dịch vụ tải nhạc về thiết bị. Mức phí dự kiến mà các bên đưa ra là 1.000 Đồng cho mỗi lượt download, trong khi việc nghe nhạc trực tuyến vẫn được miễn phí. Trong đó, 45% số tiền thu được sẽ do các đơn vị phân phối nội dung số, còn 55% còn lại sẽ được trả về cho chủ sở hữu nội dung số đó (nhạc sĩ, ca sĩ, hãng ghi âm). Một giải pháp thay thế được đưa ra là người sử dụng đóng phí hàng tháng, một mức phí cố định để thực hiện việc tải về thiết bị đầu cuối của mình những nội dung số như bản nhạc, video clip chẳng hạn.
     
    cau-chuyen-nhac-so-tac-quyen-chat-luong-va-1000-dong
     
    Gần như ngay lập tức, thông tin nói trên đã tạo nên những luồng dư luận trái chiều cả trong cộng đồng mạng, những người sử dụng nội dung số, lẫn các nhạc sĩ cũng như người làm việc trong ngành âm nhạc. Một số cho rằng đã đến lúc cư dân mạng Việt Nam chấm dứt thời kỳ “nghe chùa” những bản nhạc trên các trang web và tiến đến ủng hộ việc thu phí tác quyền cho nội dung số được phân phối trên lãnh thổ Việt Nam. Số khác lại cho rằng, 1.000 VNĐ là mức phí quá đắt nếu xét trên chất lượng của nội dung số đang được phân phối trên các trang web có xuất xứ từ Việt Nam.
     
    Sẽ thật thiếu sót khi chúng ta cùng tìm hiểu cặn kẽ vấn đề này, từ nhiều góc độ, nhiều ý kiến khác nhau để tự rút ra ý kiến riêng của bản thân về sự kiện đang rất nóng này. Hãy bắt đầu từ phía các nhà phân phối nội dung.
     
    Điều hành viên các trang web, họ nghĩ gì?
     
    Từ trước đến nay, tác vụ nghe nhạc cũng như download từ các trang web luôn được người sử dụng dịch vụ “mặc định” là miễn phí. Nói một cách khác, thì hiện tại đang có hàng triệu người đang sử dụng “chùa” hệ thống server của các trang web chỉ để tải nhạc miễn phí. Vì vậy, để chi trả cho những khoản khổng lồ như vận hành hệ thống hay chi trả phí bản quyền cho những người sở hữu nội dung số, các trang web nghe nhạc tại Việt Nam buộc lòng phải tận dụng tối đa diện tích của trang để đặt quảng cáo nhằm thu lại vốn.
     
    cau-chuyen-nhac-so-tac-quyen-chat-luong-va-1000-dong
    Vẫn cứ là... free!
     
    Việc đặt quảng cáo có thể đem lại những khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho các trang web, tuy nhiên nó lại vô tình phá vỡ kết cấu vốn có của một trang web, khiến cho người sử dụng bị rối mắt do những quảng cáo dạng flash xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên các trang web. Không thiếu những người sử dụng than phiền về giao diện trang web quá dày đặc quảng cáo. Chính điều này đã đẩy các trang web vào tình thế khó.
     
    Giải pháp của MV Corp đưa ra trong cuộc tòa đàm ngày 15 vừa qua hóa ra lại là chiếc phao cứu sinh tuyệt vời cho những trang web chia sẻ nhạc. Một mặt, họ vừa có thể trang trải cho chi phí chạy máy chủ phục vụ người sử dụng. Mặt khác, các trang web có thể phục vụ người sử dụng dịch vụ tốt hơn khi sự hiện diện của những quảng cáo trên giao diện không còn. Ấy là chưa kể đến quan hệ giữa các trang web với những đơn vị sở hữu bản quyền nội dung số sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Nhưng đó mới chỉ là những lợi ích trên lý thuyết và trong tính toán của những bên có liên quan.
     
    Người sử dụng: “1000 còn cao quá!”
     
    “Đời không như là mơ”, câu cửa miệng này có thể nói là đúng trong mọi trường hợp. Ngay khi thông tin về thỏa thuận hợp tác giữa MV Corp cùng các trang web chia sẻ nhạc xuất hiện trên các trang báo, thì làn sóng phản đối của cư dân mạng cũng đã bắt đầu bùng lên.
     
    Một cậu bạn trên Facebook của tôi bày tỏ bức xúc: “Đồng ý là tác quyền là một thứ không thể bị làm ngơ, nó là một trong những thứ thúc đẩy việc sáng tạo của những nghệ sĩ. Thế nhưng nhìn vào mặt bằng chung, chất lượng âm nhạc của các trang web chưa có sự đồng bộ. Có những track chất lượng tạm ổn, nhưng cũng có track chất lượng quá tệ, chỉ nghe cho biết giai điệu chứ không thể gọi là thưởng thức âm nhạc được. Vì thế các trang web lấy gì ra để chắc chắn rằng mọi bản nhạc được phân phối trên đó đều có cùng chất lượng, mà họ đòi đưa ra cái giá chung 1000 Đồng cho tất cả?”
     
    cau-chuyen-nhac-so-tac-quyen-chat-luong-va-1000-dong
     
    Một người khác thì lấy chính thị trường nội dung số ở Việt Nam ra để so sánh: “Ở Việt Nam, số lượng những người sống chung với bản quyền nội dung số vẫn chỉ là một nhóm thiểu số. Dạo qua những trang web, chúng ta sẽ thấy bạt ngàn những topic hay page chia sẻ phim ảnh, phần mềm, sách báo hay những bản nhạc chất lượng cao một cách miễn phí. Đến một cuốn sách hay một phần mềm còn không ép họ mua được mà phải tìm đến bản pdf hay bản crack, thì chuyện bắt người sử dụng trả phí cho từng bài hát họ tải về sẽ là viển vông! Các trang web sẽ phải đối mặt với việc người sử dụng trung thành dần rời xa họ mà đến với những trang chia sẻ nhạc miễn phí và không bị ràng buộc bởi bản thỏa thuận hợp tác kia.”

    cau-chuyen-nhac-so-tac-quyen-chat-luong-va-1000-dong
    Một comment trên diễn đàn

    Không ít người còn đưa ra bằng chứng, rằng một khi trang web đã tải nội dung số (hay nói cụ thể hơn là bản nhạc) lên để sẵn sàng cho người sử dụng lắng nghe, thì những công cụ hỗ trợ tải file từ internet như IDM hay FlashGet sẽ tự động “bắt” những gói nội dung này và download thẳng về thiết bị, kể cả khi chức năng download đã bị trang web khóa.
     
    Những người mang hy vọng
     
    Dĩ nhiên, vẫn còn đó những người mang trong mình ước mơ về một cộng đồng netizen Việt Nam nói không với tình trạng vi phạm bản quyền, chí ít là đối với những tác phẩm do các nghệ sĩ Việt làm ra.

    cau-chuyen-nhac-so-tac-quyen-chat-luong-va-1000-dong

    Theo họ, ở các nước như Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc, số tiền mà người sử dụng phải bỏ ra để sở hữu một bản nhạc trên hệ thống iTunes Store là 0,99 USD (khoảng 20.000 VNĐ). Con số này nếu so với 1.000 Đồng được đề cập ở trên thì quả là khập khiễng, vì với 0,99 USD, người sử dụng sẽ có thể tải cả album nhạc của một nghệ sĩ nào đó, nếu thỏa thuận hợp tác giữa MV Corp và các trang web được đưa vào thực hiện.
     
    cau-chuyen-nhac-so-tac-quyen-chat-luong-va-1000-dong
    Mobile sẽ là mảnh đất màu mỡ trong nhiều năm tới
    (Nguồn ảnh: MV Corp)
     
    Thêm vào đó, nhiều người cũng bày tỏ sự đồng tình rằng trong kỷ nguyên mà các thiết bị di động đã và đang trỗi dậy ở Việt Nam như hiện nay, thì việc thu phí tác quyền cho mỗi lần tải nhạc là vô cùng hợp lý. Nó vừa giúp cho các bên phân phối và sở hữu, mà còn giúp người sử dụng có thể phần nào “nhẹ gánh” khi vừa muốn tiếp tục thưởng thức các ca khúc ưa thích, lại vừa không phải lo về phí 3G phải trả cho nhà mạng (không phải ở đâu cũng có kết nối Wi-Fi) mỗi lần tải bài hát về điện thoại hay tablet.
     
    Tuy nhiên, những cá nhân ủng hộ việc thu tác quyền cho mỗi lượt tải nhạc trên mạng cũng không ngại bày tỏ nỗi lo, rằng việc thu phí trên điện thoại sẽ khiến cho người sử dụng sử dụng những cách như tải nhạc một cách miễn phí trên máy tính thông qua các phần mềm hỗ trợ, sau đó chép vào điện thoại (phuong pháp phổ biến nhất để thưởng thức âm nhạc). Thêm vào đó, những album của các nghệ sĩ Việt hoàn toàn có thể được tìm thấy trên các forum hay các trang download Torrent, nơi không một cơ quan kiểm duyệt nào ở Việt Nam “đụng” tới.
     
    Những người trong nghề, ý kiến của họ ra sao?
     
    Trước thông tin MV Corp và các trang web chia sẻ âm nhạc lớn bắt tay để “làm mạnh” vấn đề bản quyền, phản ứng chung của giới nghệ sĩ Việt Nam là hết sức ủng hộ. Trên Facebook hay các trang mạng xã hội khác, không hề thiếu những post lên tiếng ủng hộ sự hợp tác nói trên.
     
    Producer Hoàng Touliver, một trong những tên tuổi đã và đang gây sóng gió trong làng nhạc trẻ Việt thời gian qua, đã bày tỏ cảm nghĩ của anh trước việc thu phí download nhạc trên các trang web lớn: “Hy vọng dự án này sẽ được thực hiện để bù đắp phần nào cho công sức của các nghệ sĩ như chúng tôi bao lâu nay”.
     
    cau-chuyen-nhac-so-tac-quyen-chat-luong-va-1000-dong
     
    Nhận xét của Touliver cũng giống rất nhiều nghệ sĩ khác. Nếu dự án này chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/11 tới đây, thì đó sẽ là cú hích rất lớn giúp cho các ca sĩ cũng như nhạc sĩ ở nước ta có thêm cảm hứng sáng tác, góp phần đem đến cho làng nhạc nhẹ Việt Nam những tác phẩm có chất lượng chuyên môn cao.
     
    Con đường còn rất gian nan
     
    Từ nay đến ngày 1/11 còn khoảng 2 tháng rưỡi. Trong khoảng thời gian này, tranh cãi chắc chắn sẽ nối lên giữa những người ủng hộ và những người phản đối thỏa thuận giữa MV Corp và 5 trang web chia sẻ nhạc lớn nêu trên. Tuy nhiên, một cách khách quan mà nói, để dự án này có thể đi vào thực hiện, thì rất cần sự hợp tác giữa các nghệ sĩ, những người sở hữu bản quyền nội dung số với các đơn vị phân phối, để nâng cao chất lượng các bản nhạc cho đồng đều với mặt bằng chung. Khi ấy, người sử dụng sẽ cảm thấy 1000 Đồng mà họ bỏ ra xứng đáng với những gì họ nhận được, những bản nhạc với chất lượng âm thanh cũng như chất lượng chuyên môn song hành cùng nhau.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ