Mấy hôm nay, việc Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) cùng một số công ty, tổ chức họp bàn
chuyện thu phí nghe nhạc đã gây xôn xao khắp cộng đồng mạng.
Người ủng hộ cũng có mà kẻ chê bai cũng nhiều. Một số người còn cho biết "có IDM - Internet Download Manager - thì chả 'sợ' cơ quan nào" hoặc nếu gắt quá thì "up lên mediafire, host riêng" hoặc không thì "torrent cho lành"... Lần này chúng tôi muốn chia sẻ một ít quan điểm về các vấn đề trên. Và mọi thứ không chỉ gói gọn trong mấy bài nhạc.
Dùng downloader? Chuyện vặt!
Điều dễ thấy nhất là một số bạn (có lẽ còn khá trẻ) ngay khi đọc các tin này đã phản ứng ngay rằng "ngăn được IDM không"? Số khác thì lý luận rằng nhạc online chất lượng "cùi", toàn "upscale từ 128 kbps lên", "nhạc thị trường nhạc chợ cũng đòi thu phí", "mình không nghe nhạc Việt", "qua youtube nghe có mà đầy"... Các lý do đưa ra nghe chừng rất thực tế và rất thuyết phục để bảo vệ quan điểm không muốn trả phí.
Nhưng các lập luận ấy liệu có thể không khắc phục? Trước hết, đối phó với các downloader (ví như IDM) thực sự không phải vấn đề khó với bộ phận IT (có trình độ) của các site chia sẻ nhạc. Có nhiều cách mà tôi có thể nêu ra như cho player của trang không dùng file gốc thực có trên server mà chỉ là một bản copy nhưng ở định dạng khác vốn các downloader không hiểu được, các bản copy này sẽ xuất hiện ngẫu nhiên và chỉ tồn tại một thời gian ngắn trên server rồi sẽ bị xoá.
Những công cụ download như vầy không phải là vạn năng.
Các site thậm chí có thể làm chặt hơn bằng cách code lại player của họ khiến nó chỉ chơi bản nhạc nếu có khoá nhận diện (token) khớp với bản copy vừa sinh ra. Kể cả người nghe có "mò" ra file tạm nằm trong cache của trình duyệt nhưng không có được token phù hợp (server có thể gửi kèm 2 - 3 token giả cùng lúc) thì cũng không làm được gì.
Trong tình huống "cực đoan" hơn, một bản nhạc có thể được server "băm" thành nhiều mảnh. Cơ chế băm có thể ngẫu nhiên không có độ dài xác định. Ví dụ một bài dài 5" có thể bị băm thành các mảnh 20 giây, 50 giây, 30 giây... và mỗi mảnh có token riêng của nó, chỉ khi nào player chơi tới mảnh đấy thì token của nó mới được gửi về máy người nghe.
Tương tự, các mảnh cùng các token này chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Kể cả người nghe có trình IT pro tới mức giải mã được token nhưng khi giải xong thì file cần mở đã bị server xoá mất thì việc phá khoá token cũng không có ý nghĩa.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Thực ra các cách tôi nêu khá phức tạp và nhìn chung sẽ gây "stress" nhiều cho CPU server, cũng làm phân mảnh ổ cứng server khá lớn do lượng file mới sinh ra với cấp số nhân. Rõ ràng đây không phải cách "nên xài" cho các site chia sẻ nhạc (nhưng cần thiết vẫn xài được) vì chi phí đầu tư khá lớn.
Nghe thử cũng là một cách hợp lý để người tiêu dùng không cảm thấy "thiệt thòi".
Có một cách khả dĩ hơn mà không cần quan tâm tới trình IT của người nghe tới mức nào, mà site nào cũng có thể làm được, thậm chí một học sinh cấp hai cũng có thể thực hiện: nghe demo vài chục giây.
Và cách này, thực tế đã được các site bán nhạc quốc tế áp dụng, ví như dịch vụ iTunes. Người nghe sẽ được nghe thử một đoạn có thời lượng tương đối và nếu thích, họ có thể bấm nút mua. Dĩ nhiên, không thích thì ai bắt bạn mua. Hãy tưởng tượng cách này như bạn đi vào một showroom và dùng thử sản phẩm, nếu vừa ý thì móc ví ra.
Nếu cơ quan chức năng muốn thì các ý tưởng chia sẻ lậu đều có thể bị chặn.
Đến đây, một số bạn lại "luồn lách" bằng cách "trả phí một lần rồi copy cho người khác nghe chùa thì sao"? Xin thưa rằng "nếu cần", các site có thể chỉ cho tải các file được bảo vệ với cơ chế DRM - thiết bị chơi nhạc phải có token / secure key mới có thể chạy được bài ấy.
Và dạng file này hiện đã có từ lâu, chỉ là chúng ít xuất hiện trên thị trường nhưng không có nghĩa chúng không thể phổ biến nếu vấn đề bản quyền được xem xét nghiêm túc. Đặc biệt trong trường hợp chia sẻ "quy mô lớn" như up lên host hoặc forum riêng có nhiều người truy cập, hoàn toàn không khó khăn cho cơ quan chức năng "cài người nằm vùng" để có tang chứng vi phạm.
Ngoài ra, kể cả một vài người nghe "pro" thì không có nghĩa hết thảy mọi người cũng có trình độ như họ. Về cơ bản, chỉ cần 70% lượng người đang nghe nhạc online hiện nay chấp nhận trả phí thì đấy đã là thành công lớn cho nền công nghiệp nhạc số.
Có thu nhập mới có chất lượng
Có lẽ tới đây, nhiều bạn đã ngộ ra rằng liệu pháp đối phó với thói "xài chùa" không phải không có. Vấn đề chỉ ở chỗ liệu có thực sự tới mức cần "chơi khó nhau thế không". Theo lẽ tự nhiên, bạn "chơi đẹp", người khác cũng sẽ "chơi đẹp" lại.
Một số người phát biểu rằng trả phí họ không ngại, nhưng với chất lượng nhạc như hiện nay thì không đáng để bỏ tiền ra. Đến đây, chúng ta cần làm một ly cà phê và thử luận "vì sao nhạc Việt ngày càng kém"?
Tôi hy vọng rằng có vài bạn vẫn nhớ bài học về thời bao cấp có trong môn Kinh tế Chính trị Mác - Lênin (nếu bạn ngủ quên hoặc lỡ nghỉ học thì chịu!). Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự đi xuống của nền kinh tế lúc bấy giờ vì nó không có tính cạnh tranh. Khi ai cũng được trả công giống như ai, không có phần thưởng khuyến khích cho sự chăm chỉ và hình phạt cho sự lười nhác, lẽ tự nhiên mọi người đều không cố gắng. Tại sao phải làm tốt hơn trong khi chỉ nhận được bằng một đứa lười biếng?
Điều quan trọng là đồng tiền phải xoay vòng và người đáng được nhận phải được nhận.
Quay lại với câu chuyện chất lượng nhạc Việt, đặc biệt là nhạc số / nhạc online, đã có bao nhiêu bạn đọc thực sự công nhận giá trị sức lao động của nghệ sỹ? Bất kỳ ai cũng có thể up nhạc lên và bất kỳ ai cũng có thể làm ca sỹ. Người ca sỹ chân chính cũng bị cào bằng như đệ tử lưu linh vì hết thảy đều không được trả tiền cho sức lao động của họ. Vậy tại sao họ phải đầu tư một tác phẩm cho thật tốt?
Tất nhiên trước nay ca sỹ vẫn sống được vì họ có tham gia biểu diễn trực tiếp trước công chúng. Một số phát hành đĩa và có người mua ủng hộ. Song không hẳn ca sỹ nào cũng có ông bầu tốt để PR tên tuổi và phát hành vé mời nghe nhạc cho họ. Chưa kể một số ca sỹ có chất giọng tốt nhưng ngoại hình không ăn ảnh, hoặc không biết vũ đạo, hoặc không thích tạo scandal để đánh bóng tên tuổi... Những con người như thế lại càng không có điều kiện kiếm sống từ chính giọng hát của mình.
Tôi không rõ nhưng có lẽ có vài bạn chỉ thích "nghe" và không thích "nhìn". Nhưng vì ca sỹ không phải lúc nào cũng hát bài các bạn muốn nghe nên bạn buộc phải thưởng thức qua bản copy trên máy tính hoặc trên net.
Có lời mới có cạnh tranh
Như vậy, có thể thấy trả phí nghe nhạc online là một cách tốt để thực sự chọn ra những nghệ sỹ có tài. Vì họ có thể sống bằng chính giọng hát và đứa con tinh thần của mình, thì họ mới có động lực để sáng tác và đầu tư cho tác phẩm. Và dù sao, không phải ai cũng tốt. Cũng như không phải quán ăn hay cửa hàng nào cũng có dịch vụ tốt. Vì đấy mà chúng ta mới cần đến web 2.0, cần tới forum, cần tới mạng xã hội để chia sẻ quan điểm của mình về chất lượng của một sản phẩm / dịch vụ nào đấy.
Lúc ấy, những ai có tâm huyết sẽ làm ra được tác phẩm hay. Còn ai hời hợt qua loa chỉ làm cho có tất sẽ bị thính giả phát hiện. Tác phẩm nào có nhiều lượt tải về nhất sẽ nói lên phần nào chất lượng của nó. Bản thân các nghệ sỹ sẽ phải cạnh tranh đối đầu lẫn nhau để "giành" fan hâm mộ. Và quy luật cung cầu đã nêu rõ: có cạnh tranh thì người tiêu dùng mới có lời. Cái "lời" trong âm nhạc là chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm hay hơn để thưởng thức, để gửi tặng và xứng đáng để lưu vào máy.
Lại nói chuyện cạnh tranh. Đây là lúc người tiêu dùng được quyền đòi hỏi chất lượng file nhạc cải thiện. Giả dụ bạn có quyền mua về các file lossless, hoặc ít nhất là 320 kbps. Sẽ có những nhà phát hành / site nhạc dành cho người nghe "cao cấp" với chi phí tải về cao hơn các nhà phát hành / site "bình dân" với chi phí hợp lý hơn. Hiện cách thức tính phí như thế nào chưa được chính thức thông qua, song theo tôi có hai hình thức có thể thông qua:
- Nghe bao nhiêu trả bấy nhiêu căn cứ theo số bài mua về hoặc số lượt tải
- Trọn gói cho cả tháng tương tự như cước Internet hiện nay, tác phẩm nào có lượt nghe / tải nhiều sẽ tính lợi nhuận cho studio / tác giả cao hơn.
Sẽ có những site nhạc có dịch vụ tốt hơn các site khác nếu quy tắc thị trường được giữ vững.
Cũng có thể người nghe được quyền tuỳ chọn giữa hai hình thức này vì không phải ai cũng nghe nhạc giống nhau. Ví như ai "nghiện" nghe nhiều bài khác nhau có thể chọn "trọn gói" trong khi những người chỉ "ưa" một số bài có thể chọn "tải bao nhiêu trả bấy nhiêu". Cũng có thể sẽ có site chỉ áp dụng cách này mà không có cách kia và ngược lại.
Những điều "hay ho" này chỉ tồn tại được nếu người nghe có thái độ thực sự tôn trọng nghệ sỹ lẫn nhà phát hành.
Thói quen thanh toán mới
Là một netizen nên tôi cũng hay chơi forum hoặc mạng xã hội. Và không khó để tôi hoặc bạn nhận ra rằng mỗi khi có một tựa phim mới sắp chiếu ngoài rạp, thường sẽ có trailer kèm theo. Nó có thể được đưa lên youtube, hoặc một site phim online nào đấy. Nếu bạn cảm thấy phim đó hay và "có chút điều kiện", bạn có thể ra rạp.
Hành vi ra rạp mua vé của bạn chính là thể hiện cho sự tôn trọng tác giả. Hoặc không, bạn có thể ra tiệm mua đĩa DVD hoặc Blu-ray về xem. Và không thể bỏ quên được một lượng không ít người "hóng" torrent hoặc các site chia sẻ dữ liệu.
Mô hình công nghiệp nhạc số cũng tương tự. Song với đặc trưng sản phẩm được tiêu thụ chính nằm trên mạng như hiện nay thì miếng bánh lớn nhất cho nghệ sỹ lẫn nhà phát hành là ở Internet. Các thể loại đĩa quang ngày càng ít được tiêu thụ vì dẫu sao, lượng người nghe nhạc trên smartphone ngày càng nhiều và các nhà sản xuất PC cũng không mặn mòi với đĩa quang nữa (ổ DVD có thể xem là món phần cứng ít được dùng nhất trên máy tính hôm nay).
Các công cụ thanh toán điện tử đang ngày càng hoàn thiện hơn.
Các downloader thực sự sẽ không ảnh hưởng nhiều vì trong tương lai mọi người sẽ nghe nhạc trên mobile nhiều hơn (các thiết bị này dường như không phù hợp lắm để kéo torrent cũng như cài app downloader). Do vậy, thanh toán online sẽ dần trở thành thói quen mới của bạn. Có thể thông qua Paypal, có thể qua VISA, Debit, có thể trực tiếp qua ngân hàng nếu các cổng thanh toán điện tử được hoàn thiện hơn. Hoặc đơn giản nhất, thông qua sms để trừ vào tài khoản di động.
Và không chỉ nhạc số
Trong một
bài viết gần đây của tôi, có một vài bạn bình luận rằng "chất lượng báo giấy tốt gấp trăm lần báo mạng". Tôi cho rằng quan niệm này cực kỳ phiến diện nếu không muốn nói là sai lầm. Tôi lấy ví dụ từ chính mình (cũng thích đọc sách giấy), khi mới bắt đầu đọc PCW (tiếng Việt), tôi luôn cho chất lượng bài như thế là tốt lắm rồi. Nhưng khi tôi làm quen với Internet và đọc các bài viết của AnandTech, X-bit Labs, NYT, EETimes... tôi nhận ra những gì viết trên PCW chỉ cho... "gà" đọc!
Điều đó không có nghĩa báo mạng không có bài viết dở và báo giấy không có bài hay. Nhưng thực sự vấn đề hay hoặc dở không ở bản chất của thiết bị hiển thị, mà ở công tác biên tập. Khi đọc những trang tâm sự tình cảm này nọ của Mực Tím, Hoa Học Trò... tôi cũng không thấy chất lượng nó cao ở chỗ nào (có lẽ tôi không thích thể loại tình cảm "sến" sướt mướt) cho lắm. Ở đây tôi chỉ nói: nếu Thép đã tôi thế đấy được phát hành dưới dạng e-book thì chất lượng nội dung có bị giảm đi không?
Muốn có sản phẩm tốt trước hết cần trả công xứng đáng cho người làm ra nó.
Vấn đề thực tế nằm ở nội dung bài và khâu biên tập. Vậy tại sao bài trên báo mạng THƯỜNG không chất lượng? Lý do đơn giản là bạn không mất tiền để đọc. Nói đơn giản là khi đọc bài viết này bạn gần như không mất tiền cho GenK, hoặc không mất tiền cho Dân Trí, hoặc không mất tiền cho VNN, hoặc VnExpress.
Nhưng bạn lại mất gần 4.000 VND để mua tờ Tuổi Trẻ, mà hơn 1/2 số trang trong đấy là quảng cáo. Giả định một tuần bạn mua hết 6 ngày thì một tháng (4 tuần) bạn tốn khoảng 100.000 VND mua báo giấy. Nhưng suốt một tháng bạn có trả xu nào cho báo mạng không? Chú ý rằng báo giấy cũng đăng quảng cáo ngập các trang.
Ở đây tôi muốn nêu ra một vấn đề: chất lượng cao đi với giá thành. Báo mạng hoàn toàn có thể đạt chất lượng ngang và thậm chí tốt hơn báo giấy nếu nó được đầu tư bài bản. Chỉ đơn giản vấn đề lỗi chính tả, nếu có nhiều người kiểm tra hơn sẽ ít bị tình trạng này hơn. Mà làm sao để có nhiều người kiểm tra? Đơn giản là có lương tương xứng cho họ.
Chuyện trả phí nghe nhạc chỉ mới là bước đầu của một sự thay đổi. Mà về cơ bản, thay đổi này có lợi cho hết thảy mọi người. Người có trình độ được trả công xứng đáng và người tiêu dùng được yêu cầu chất lượng tương xứng với số tiền bỏ ra. Không ai bị thiệt thòi thì tại sao phải phản đối?