Blizzard: 20 năm một huyền thoại (Phần I)

    PV, Chíp Ly 

    Gắn liền với những tượng đài như World of Warcraft, Starcraft hay Diablo, cái tên Blizzard Entertainment không còn xa lạ với người chơi Việt nữa. Nhưng liệu bạn có biết, Blizzard đã thành công từ trước những thương hiệu này?

    Với sự thành công và thu nhập hàng năm khổng lồ từ WoW, Blizzard có được lợi thế là nghiên cứu và phát triển sản phẩm của mình lâu dài mà không sợ thiếu nguồn thu. Tuy nhiên, nếu bạn nói WoW là cốt lõi của thành công của Blizzard, hãy nhớ rằng Blizzard đã từng làm ra những sản phẩm hoàn hảo trước thời của WoW.
     

    Có thể thấy, dường như Blizzard có 3 quy luật của chính mình như sau: thứ nhất, luôn đem lại sản phẩm xuất sắc nhất. Nghiên cứu, phát triển và phát triển cho đến khi thỏa mãn và tự hào với chính sản phẩm của mình. Thứ hai, Blizzard không có ý định chạy theo những bộ phim tên tuổi để làm sản phẩm ăn theo. Có lẽ, đây là bài học từ hai sản phẩm của hãng khi còn non trẻ (dưới cái tênSilicon & Synapse) là J.R.R. Tolkien's The Lord of the Rings, Vol. I (Amiga, 1990; Snes, 1994) và The Death and Return of Superman (Snes, 1994). 

    Cả hai sản phẩm này đều không đem lại doanh thu hay tiếng tăm cho hãng và cuối cùng, Blizzard biết khi nào thì phải dừng, cho dù trước đó đã tốn nhiều thời gian và tiền bạc nghiên cứu. Có thể đó là những sản phẩm bị di dời ngày phát hành để đầu tư tốt hơn, như StarCraft II, hay cũng có thể là những sản phẩm buộc phải bỏ xó vì không hứa hẹn như StarCraft: Ghost.
     
     
    Hai trong số những thành công lớn đầu tiên của Blizzard Entertainment đó là The Lost Vikings (Snes, 1992) và Rock n Roll Racing (Snes, 1993), góp phần tạo đà cho hãng, lúc còn tên là Silicon & Synapse để trở thành một trong những studio thành công của ngành công nghiệp game. Nếu bạn đã có tuổi thơ gắn bó với những chiếc máy “điện tử đĩa mềm” hay giả lập Zsnes trên PC, hẳn hai cái tên này sẽ khiến bạn hào hứng. 

    The Lost Vikings dễ dàng trở thành một trong những tựa game platformer đáng chú ý nhất thời đó, bởi hệ thống gameplay độc đáo: 3 vị Viking, mỗi vị một tài, phải phối hợp nhau để tìm đường chạy trốn khỏi con tàu UFO. Phiền một nỗi, game chỉ cho một người chơi, và điều khiển mỗi vị Viking một lượt. Cách chơi thử thách, hình ảnh tươi sáng và vui nhộn, nhạc nền hứng khởi, tựa game này đã khiến không ít người chơi mất ăn mất ngủ.
     
     
    Còn Rock n Roll Racing lại là “món ăn yêu thích” mỗi khi có dịp ngồi chơi cùng bạn bè. Thời đó, hiếm khi có một tựa game vừa giữ được yếu tố thử thách lẫn vui nhộn, với những màn đua độc đáo và cân bằng, hệ thống đua xe / bắn súng được thiết kế tốt, hoản hảo đến độ những chiếc băng của Rock n Roll Racing vẫn luôn có người lùng mua trên mạng ngày nay.
     
    Năm 1994, Warcraft: Orcs & Humans được ra đời. Mặc dù không phải là tựa game RTS đầu tiên, nhưng Orcs & Humans đã đặt nền móng đầu tiên của chuẩn cho tựa game RTS sau đó nói riêng và game ngày nay nói chung: có hệ thống campaign với cốt truyện; cùng với hệ thống multiplayer cho những người chơi tỉ thí với nhau. Orcs & Humans là một thành công, có thể coi là đột phá của studio non trẻ Blizzard, nhưng thành công đó chưa là gì so với Warcraft II.
     
     
    Ra mắt chỉ 1 năm sau phần đầu, Warcraft II: Tides of Darkness khiến ngành công nghiệp choáng váng với năng suất của Blizzard. Chỉ nói riêng đồ họa, phần II này đã vượt qua người anh của nó nhiều lần với đồ họa chi tiết, không chỉ thay đổi giao diện mà còn hình ảnh của nhân vật, công trình. Không những thế, gameplay của phần II này cũng có nhiều cải tiến so với phần đầu. Và nên nhớ, trong quãng từ khi phát hành Warcraft năm 94 tới Warcraft II năm 95, Blizzard còn có 2 sản phẩm được ra mắt là The Lost Viking IIJustice League Task Force.
     
    Dòng game Warcraft còn tiến hóa thêm một bước dài nữa với Warcraft III, với đồ họa 3D hoàn toàn, cùng sự kết hợp “ngọt ngào” giữa RPG và RTS, đề cao các anh hùng của game hơn. Bằng tiêu chí đặt chất lượng lên cao, Blizzard đã nói không với kiểu làm game dựa hơi với những thành công có sẵn của phần trước. Và kết quả đem lại của tuân thủ quy luật này, đó là Blizzard có nguồn tài chính kha khá để ngẫm nghĩ về thế giới mới sau khi đã phát hành Warcraft II.

    (Còn tiếp)

    NỔI BẬT TRANG CHỦ