Chẳng phải ai cũng thích game dài
Sự ra đời của game 3D cùng với những phương tiện lưu trữ với dung lượng lớn hơn đã phần nào tạo cho các nhà làm game cảm giác muốn nhét đầy nội dung vào một đĩa DVD. Tuy nhiên, một tựa game có độ dài lên đến tận 40 tiếng chưa chắc đã hay. Hãy cứ nhìn vào ví dụ của series Mass Effect. Phần 2 của loạt game này ngắn hơn hẳn so với người tiền nhiệm.
Tuy nhiên, nó lại được thiết kế kĩ lưỡng hơn. Cách sắp xếp mạch truyện cũng tạo ra một cảm giác cuốn hút đặc biệt dành cho người chơi. Nhờ chất cô đọng và không lan man mà trò chơi này đã đạt được rất nhiều thành tựu danh giá ở nhiều lễ trao giải. Không những thế, nó còn được rất nhiều game thủ tuổi trung niên ưa chuộng vì... không dài dòng, lê thê như nhiều game nhập vai khác.
Một sự thật trong ngành công nghiệp game chính là những người bỏ tiền ra mua game nhiều nhất lại là những người đã đi làm, trong độ tuổi trung niên và đã có gia đình. Một ngày họ phải dành ra 8 tiếng để đi làm, sau đó là chăm lo cho gia đình của mình, tối đến lại ngồi chơi với con cái. Gần như, những người này chỉ có khoảng 1 tiếng rưỡi vào trước khi đi ngủ để chơi game.
Có một người ở tuổi 35 đã bộc bạch rằng khi chơi Dragon Age với nhịp độ như vậy, khi anh ta đến được cuối game thì cũng đã là hai tháng trôi qua. Thậm chí là nhiều khi người đàn ông này còn không nhớ nổi trước đó đã có sự kiện quan trọng nào xảy ra để anh ta phải lựa chọn một giải pháp như vậy. Thế nên, những người này chuộng các game ngắn gọn và xúc tích và có tính giải trí hơn là những game bom tấn tốn thời gian.
Đến game thủ cũng chẳng thèm chơi hết game!
Các nhà sản xuất làm game dài thì cũng mong game thủ chơi dài. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu thống kê bao nhiêu phần trăm người chơi hoàn tất phần chơi đơn của nhiều sản phẩm nổi tiếng, bạn sẽ phải ngỡ ngàng. Chỉ có 7% những người chơi Red Dead Redemption hoàn tất phần chơi cốt truyện. Tương tự, với một trò chơi có thế giới nhỏ hơn như Assassin’s Creed II, chỉ có 40% game thủ đi tới đoạn kết của game.
Game thủ luôn đòi hỏi một trò chơi không có trọng tâm là phần Multiplayer thì phải có phần chơi đơn nằm trong khoảng 40 đến 60 tiếng đồng hồ, như vậy thì mới thỏa đáng với mức tiền 60 USD mà họ đã chi ra. Tuy nhiên, sự thật cho thấy phần lớn game thủ chỉ chơi đến 20 hoặc 30 tiếng là đã bỏ. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho các nhà làm game về việc như thế nào là đủ.
Một trò chơi có phần chơi đơn dài thì kinh phí phát triển cũng phải “dài”. Rockstar đã tốn 100 triệu USD để phát triển Red Dead Redemption, gấp đôi các dự án game bom tấn thông thường. Các trò chơi hạng trung thì tốn 10 đến 20 triệu USD để phát triển. Một trò chơi với khối lượng nội dung lớn nếu muốn hoàn tất đúng hạn thì càng cần nhiều nhân lực, việc này còn kéo thêm một loạt chi phí khác về cơ sở hạ tầng.
Thời gian là tiền bạc và thời gian phát triển cùng kinh phí đầu tư sẽ quyết định chiều dài của một trò chơi. Một thương hiệu game không thu nhiều lợi nhuận thì cũng sẽ chẳng thể mong đợi sẽ được đầu tư nhiều tiền để có phần chơi đơn dài. Đến khi trở lại với bài toán của cô đọng hơn là lan man thì càng có ít nhà phát triển đủ bản lĩnh để làm game vừa hay vừa dài cho các game thủ tiếp tục thèm.
(Còn tiếp)