[Đánh giá chi tiết] Sony HMZ-T1 personal 3D viewer: “Rạp chiếu phim” cầm tay

    Minh Dũng,  

    HMZ-T1 trông không khác gì một sản phẩm của tương lai với thiết kế hình “trăng khuyết” với tông màu đen – trắng chủ đạo ôm toàn bộ phần mắt của người dùng.

    Mặc dù đã ra mắt khá lâu, nhưng cho tới nay chiếc Sony HMZ-T1 personal 3D viewer vẫn là một sản phẩm thuộc top đầu trong cuộc đua các thiết bị sử dụng công nghệ 3D, cả về hình dáng bên ngoài lẫn chất lượng hình ảnh mà nó đem lại. Xuất hiện lần đầu tại CES 2011, thiết bị xem phim 3D của Sony đã gây ấn tượng mạnh với người tham quan với thiết kế mang đậm hơi hướng của các sản phẩm công nghệ cao xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng.
     
    Xuất hiện từ đầu năm 2011 và đã về Việt Nam “lẻ tẻ” qua các sản phẩm hàng xách tay nước ngoài từ cuối năm 2011, nhưng cho tới gần đây HMZ-T1 mới được nhập chính hãng với số lượng lớn thông qua cửa hàng Hitech USA (23 Hàng Bài, Hà Nội) với mức giá không hề rẻ: 27.500.000 đồng. Với vô vàn công nghệ lần đầu xuất hiện được tích hợp trong sản phẩm cùng tính “độc nhất” của nó, HMZ-T1 có thể được xếp vào dòng sản phẩm sang trọng trên thị trường.
     
     
    Thực sự tôi vẫn chưa biết nên gọi chiếc Sony HMZ-T1 personal 3D viewer là gì cho đúng. “Kính xem phim 3D”, “Kính xem phim 3D có dàn âm thanh 5.1” hay “Kính xem phim 3D tích hợp âm thanh 5.1 mang thiết kế của tương lai” cũng chưa thực sự mô tả được thiết bị này. Có lẽ bạn đọc nên xem phần Thiết kế và tính năng dưới đây để có thể hiểu một cách rõ ràng nhất Sony HMZ-T1 personal 3D viewer chính xác là thứ gì.
     
    Thiết kế và tính năng
     
    Thoạt nhìn, HMZ-T1 trông không khác gì một sản phẩm của tương lai với thiết kế hình “trăng khuyết” với tông màu đen – trắng chủ đạo ôm toàn bộ phần mắt của người dùng. Khi khởi động thiết bị, sẽ có một đèn LED sáng xanh mờ bên trong lớp nhựa trắng báo rằng HMZ-T1 đang hoạt động ổn định. Thú thực thiết kế của HMZ-T1 đã khiến tôi liên tưởng ngay lập tức  rằng khi đeo thiết bị này vào, trông tôi sẽ “ngầu” không kém anh chàng Cyclops (Scott Summers) trong bộ truyện X-Men, mặc dù hơi buồn khi phải chấp nhận rằng mắt mình không thể bắn ra luồng laser đỏ rực càn quét mọi thứ như anh ấy được.
     
    Ảnh: Techradar.
     
    HMZ-T1 đem lại cảm giác cầm khá đầm tay bởi thiết bị có trọng lượng tới 800gram – Xém chút nữa là nặng bằng một chiếc bàn phím cơ cỡ nhỏ. Do khá lớn và hơi cồng kềnh, Sony đã trang bị cho HMZ-T1 một vòng nhựa cứng và một dây cao su ôm lấy đầu của bạn từ phía sau, giúp cố định thiết bị trên mắt người dùng.
     
     
     
     
     
    Bộ phận quan trọng nhất của HMZ-T1 là hai màn hình OLED kích cỡ 0,7 inch tương ứng với hai mắt. Cặp OLED này cho độ phân giải 1280 x 720 (HD 720p, 16:9) Do khoảng cách giữa hai mắt của mỗi người là khác nhau, nên Sony đã thiết kế sao cho người dùng có thể kéo hai màn hình này vào gần hoặc ra xa nhau nhờ hai chốt gạt trên thiết bị. Tuy nhiên bạn chỉ cần gạt một chiếc là đủ, vì hai màn hình sẽ tịnh tiến ra xa hoặc vào gần một cách đều nhau. Cá nhân tôi không thích như vậy cho lắm, có lẽ nên để mỗi màn hình có thể chỉnh độc lập với nhau thì vẫn hơn.
     
     

    Bạn có thể điều chỉnh khoảng cách của hai màn hình OLED lại gần hoặc ra xa nhau.
     
    Theo Sony, HMZ-T1 sẽ cho bạn cảm giác tương đương với việc xem phim ở rạp với màn hình rộng 750 inch ở khoảng cách 20 mét (hay 150 inch với độ xa 3,7 mét). Điều hãng nói là chính xác, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy có lúc giống như đang ngồi trong rạp xem màn hình rộng, lại có lúc giống như đang ngồi trong phòng tối xem chiếc TV choán nửa bức tường phía trước mặt vậy (có lẽ do tôi đã cố ước lượng về khoảng cách khi đeo chiếc kính này lên đầu).
     
    Sony trang bị một cụm nút bấm khá đơn giản ở mặt dưới của chiếc kính: Nút menu và 4 phím điều hướng, 2 nút tăng giảm âm lượng và nút nguồn. Menu hiển thị trong màn hình OLED cũng khá trực quan và dễ sử dụng.
     
     
    Để thiết bị được cố định, hãng đã thiết kế phía trên cặp màn hình là miếng đệm tiếp xúc với trán của người dùng. Chi tiết này có thể tháo lắp với 3 kích thước dày, mỏng khác nhau (và được đánh dấu bằng A, B, C). điểm tiếp xúc với mũi cũng có thể điều chỉnh nhô ra hoặc chìm hẳn vào vỏ máy. Thậm chí ngay cả dây cao su phía sau đầu cũng được trang bị một phụ kiện nhỏ nhằm “thắt” sợi dây này sát vào đầu hơn nữa nếu người đeo là trẻ con.
     
    Miếng đệm tiếp xúc với trán có thể chọn 3 kích cỡ khác nhau.
     
     
     
    Thiết kế phù hợp với mọi cỡ đầu.
     
     

     
    Phụ kiện giúp thắt dây chặt hơn.
     
    Sony còn thể hiện sự chăm chút, tỉ mỉ đối với khách hàng của mình khi thiết kế hai miếng cao su lắp vào phía dưới màn hình OLED nhằm “che sáng” nếu người dùng sử dụng HMZ-T1 vào ban ngày hoặc trong phòng sáng đèn. Tôi đánh giá cao tinh thần của Sony, nhưng phụ kiện này tỏ ra hơi vô dụng vì kích cỡ không thể thay đổi được, và việc gắn “hờ hững” vào phía dưới khiến chúng rất dễ bị rơi xuống đất và bám bẩn (tôi đã đánh rơi không biết bao lần mặc dù rất nâng niu). Hơn nữa, hai “miếng vá” này cũng không thể che hết toàn bộ ánh sáng được. Tốt nhất, bạn nên sử dụng chiếc kính này trong phòng tối, hoặc tắt bớt điện đi.
     
    Bên trái là miếng cao su đã được lắp.

     
    HMZ-T1 cũng tích hợp hệ thống giả lập âm thanh 5.1 với hai loa nhỏ áp chặt vào đôi tai của người dùng. Cũng như cặp màn hình OLED, bạn có thể điều chỉnh vị trí của cặp tai nghe này vào gần, ra xa hoặc lên xuống. Tuy nhiên, tôi có phần nghi ngờ chất lượng âm thanh mà cặp loa này mang lại. Trở lại bài viết trước của tôi, chiếc tai nghe CM Storm cũng là một sản phẩm giả lập âm thanh 5.1, nó đã được trang bị tới 4 loa mỗi bên tai: Một loa center, hai chiếc phụ trách giả lập âm rear/front và một loa lớn hơn cả thể hiện âm bass. Chiếc tai nghe này có chất âm khá tốt, tuy nhiên để so với một dàn 5.1 thực thụ thì vẫn còn thua xa, vậy liệu hai chiếc loa bé xíu của HMZ-T1 thể hiện được tới đâu?
     
    Loa có thể kéo gần vào hoặc ra xa, cúp lên và cúp xuống.
     
     
    Để HMZ-T1 có thể hoạt động, bạn phải kết nối chiếc kính này vào một bộ chuyển đổi tín hiệu, rồi từ bộ chuyển đó sử dụng cáp chuyển để lấy dữ liệu từ các thiết bị khác như PS3, các loại đầu đĩa (DVD, Bluray) hay laptop… thông qua cổng HDMI. Bộ chuyển to và dày gấp đôi một chiếc netbook sẽ là gánh nặng nếu bạn có ý định đem chiếc kính này đi chơi xa, đó là chưa kể bộ chuyển nặng không kém gì sản phẩm. Cũng may, “cục chuyển” này thiết kế đơn giản và cũng không đến nỗi xấu nên tôi vẫn ưu ái đặt nó trên bàn. Tuy nhiên lại có một vấn đề khác phát sinh: Rõ ràng HMZ-T1 không được thiết kế để mang qua mang lại, thậm chí cả việc đem nó đi khắp nhà cũng là cả một ác mộng. Bạn sẽ phải đem cả chiếc kính, cả bộ chuyển, mớ dây loằng ngoằng và chiếc laptop chứa phim mỗi khi di dời từ ghế tựa lên giường.
     
     
    Bộ chuyển có kích cỡ quá lớn.
     
     
    Toàn bộ phụ kiện đi kèm.
     
    Một điều lo ngại khác của tôi khi cầm trên tay HMZ-T1: 800gram quả thật là quá nặng, và kể cả đã được cố định và chống đỡ với vô số phương pháp nhằm tạo sự thoải mái dành cho người dùng, nhưng với tư thế ngồi thẳng lưng, cảm giác về trọng lượng của HMZ-T1 khá rõ ràng và sống mũi là nơi chịu tải rõ rệt nhất. Bạn sẽ không bao giờ xem hết được một bộ phim nếu cứ ngồi ở tư thế như vậy. Tư thế thích hợp nhất khi xem phim bằng chiếc HMZ-T1 là ngả người ra phía sau, lưng và đầu có điểm tựa một cách thoải mái (chẳng hạn, hãy thử leo lên chiếc ghế xếp có thể điều chỉnh độ ngả mà các bác trung niên vẫn hay sử dụng khi nằm dài xem TiVi).
     
    Cảm nhận
     
    Sau khi đeo chiếc kính này lên và thử xem trong vài phút, tôi chỉ có thể nói được rằng: “Quá tuyệt vời”. Cặp màn hình OLED 0,7 inch đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình, đó là đem tới cho người xem những trải nghiệm hình ảnh không thua gì phòng chiếu cao cấp hay rạp phim mini tại gia. Còn gì thú vị hơn khi xem phim như ở rạp mà không bị khó chịu với tiền cảnh lố nhố đầu người?
     
     
    Không biết bạn nhận xét hình ảnh khi đi xem phim ngoài rạp như thế nào, nhưng cá nhân tôi thấy việc chiếu phim từ máy chiếu lên tấm màn trắng to trước mặt tạo cảm giác các chi tiết, cảnh vật không được sắc nét, màu sắc thể hiện có phần hơi nhạt (có lẽ tại chiếu lên phông trắng), và đặc biệt màu đen thì nhìn như xám đậm vậy. Chúng ta vẫn thấy mãn nhãn và thích thú nhờ phần lớn do hệ thống âm thanh trong rạp quá sống động, và việc xem một lúc sẽ “quen” mà thôi.
     
    Tôi dài dòng về cảm giác tại rạp chiếu phim như vậy cũng chỉ muốn  giúp bạn đọc có thể tưởng tượng ra rằng: Đeo HMZ-T1 lên và xem phim cũng giống như bạn vừa bước vào phòng chiếu phim vậy, nhưng bạn sẽ có “cảm giác” trước mặt là một màn hình OLED rộng lớn hình ảnh sắc nét từng góc cạnh, màu sắc rực rỡ tươi sáng hơn những hình ảnh được chiếu từ máy chiếu lên phông nền màu trắng rất nhiều.
     
     
    Màu đen – Điều mà tôi nhìn vào trước tiên khi đánh giá mọi màn hình, được HMZ-T1 thể hiện khá tốt. Khi xem 2D, màu sắc được thể hiện trung thực, rực rỡ nhưng không quá chói. Màu đen khá sâu nên hình ảnh mặc dù 2D nhưng không gian, chiều sâu được tái tạo rất tốt. Ở chế độ 3D, tôi thử với siêu phẩm Avatar – Tượng đài mới của đạo diễn tài ba James Cameron. Các trường đoạn sử dụng hiệu ứng 3D trong phim có thể nói là không thua gì ngoài rạp (thậm chí – còn có phần nhỉnh hơn). Những đoạn “lao vào màn hình” đủ khiến tôi hơi giật mình và có chút phản xạ “tránh đi” giống như các bạn vẫn hay gặp khi đi xem 3D vậy.
     
     
    Nếu bạn muốn đeo nó thường xuyên, dùng  HMZ-T1 để thay màn hình laptop và headphone? Câu trả lời là không nên. Tôi đồng ý rằng trải nghiệm phim ảnh của chiếc kính này rất tốt, nhưng khi làm việc với các tác vụ bình thường, hình ảnh sẽ có xu hướng chỉ nét vào trung tâm và mờ dần ở các cạnh (thậm chí màu trắng còn ngả vàng). Thêm nữa, âm thanh 5.1 mà HMZ-T1 thể hiện không hoàn hảo, âm thanh trong phim (và nhất là trải nghiệm nghe nhạc) là thứ khiến bạn phải thất vọng với chiếc kính này.
     
    Tuy nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi nhiều hơn từ chiếc Sony HMZ-T1 personal 3D viewer. Để có thể thể hiện âm thanh một cách trung thực nhất, có lẽ HMZ-T1 phải sử dụng tai nghe full-size, bao trọn lấy đôi tai của người dùng. Việc này tất nhiên sẽ làm thiết bị trông chẳng khác nào cái mũ bảo hiểm. Âm thanh mà HMZ-T1 thể hiện có thể gọi là tạm chấp nhận, và nó hoàn toàn được những hình ảnh sống động, ấn tượng của hai màn hình OLED bù đắp.
     
    Kết
     
    Xét một cách tổng thể thì những gì mà chiếc kính 3D này mang lại vẫn khiến người dùng hài lòng, dẫu cho có tồn tại một số khuyết điểm. Tuy nhiên, tôi khuyên bạn nếu có chẳng may lỡ "kết" Sony HMZ-T1 personal 3D viewer rồi thì đừng vội tiết kiệm hàng tháng lương của mình để sở hữu nó. Có thể, đây chỉ là một sản phẩm "sơ khai" nhất của công nghệ giải trí 3D cá nhân trên thị trường. Mặc dù không dám đoán trước, nhưng tôi tin chắc rằng trong tương lai, những thiết bị giống như Sony HMZ-T1 personal 3D viewer sẽ xuất hiện nhiều hơn, nhỏ gọn đa tính năng hơn, và giá thành chắc chắn sẽ mềm hơn.
     
    (Xin cảm ơn cửa hàng Hitech USA, số 23 Hàng Bài, Hà Nội đã cung cấp sản phẩm).
    (Ảnh: Minh Dũng).
    Tags:

    NỔI BẬT TRANG CHỦ