Theo bản Dự thảo Nghị định Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và Nội dung thông tin trên mạng lần thứ 3 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới được đưa ra lấy ý kiến tham khảo gần đây thì: “Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng tại Việt Nam dưới hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép”.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định tỉ lệ cổ phần tối đa của doanh nghiệp nước ngoài trong liên doanh là 49%. Đây được cho là một động thái cần thiết để tăng tường quản lý việc kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng (game online), vốn là một sản phẩm có sức tác động lớn đến tâm lý, hành vi người chơi, đặc biệt là giới trẻ.
Gameonline là tác động không nhỏ vào tâm lý, hành động của giới trẻ.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định mới về phân loại các loại và cấp phép cung cấp dịch vụ game online.
Cụ thể với các “trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp” thì các doanh nghiệp phải được cấp phép trước khi cung cấp.
Ba loại còn lại gồm “trò chơi chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ của doanh nghiệp”, “trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp” và “trò chơi được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp” thì chỉ cần đăng ký với Bộ TT và TT trước khi cung cấp.
Các game online sẽ phải được cấp phép dựa vào khả năng tương tác người chơi trong game.
Theo điều khoản này, việc cấp phép cho các trò chơi điện tử trên mạng đã được đơn giản hóa khá nhiều, hạn chế bớt thời gian “chết” chờ giấy phép của doanh nghiệp kinh doanh game online.
Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo Nghị định mới này là gộp chung chính sách quản lý, cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Tuy nhiên, thời hạn giấy phép của hai hình thức này thì khác nhau. Với trang thông tin điện tử tổng hợp, thời hạn theo đề nghị cấp phép sẽ chỉ tối đa không quá 5 năm. Còn với mạng xã hội, thời hạn theo đề nghị cấp phép sẽ là tối đa không quá 10 năm.
Ngoài ra, Dự thảo mới này còn có hẳn một mục quy định về các vấn đề liên quan đến cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động, cố định.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lưu Vũ Hải, với xu hướng phát triển hiện nay, việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet không chỉ đơn thuần là trong phạm vi lĩnh vực Internet nữa mà nó còn bao gồm cả các dịch vụ viễn thông cố định và di động. Đi kèm với phạm vi điều chỉnh, quy định cụ thể về dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động và cố định cũng được xây dựng…
Trong tương lai sẽ tiếp tục cấp phép cho các dịch vụ truy cập internet
Đây là bản Nghị định sẽ thay thế cho Nghị định số 97/2008/NĐ-CP Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên Internet đã được ban hành từ năm 2008. Nghị định mới soạn thảo được đánh giá là có khá nhiều điểm thay đổi phù hợp với tình hình phát triển của dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet hiện nay. Theo dự kiến, bản dự thảo sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ để phê duyệt vào tháng 6 tới.
Theo CafeBiz