Trải nghiệm giao diện mới của Bing trước ngày "lên sóng"

    Quang Khải,  

    Vào ngày 10/5 vừa qua, Microsoft đã chính thức công bố giao diện mới cho dịch vụ tìm kiếm trực tuyến Bing, đặc biệt nhấn mạnh tới việc liên kết tới các mạng xã hội như Facebook, Google+, Twitter... Hãy cùng GenK trải nghiệm giao diện mới của Bing trước ngày lên sóng nhé!

    Vào ngày 10/5 vừa qua, Microsoft đã chính thức công bố giao diện mới cho dịch vụ tìm kiếm Bing của hãng, đặc biệt nhấn mạnh tới việc liên kết tới các mạng xã hội như Facebook, Google , Twitter.... Người dùng Internet ở Mỹ sẽ được dùng thử những tính năng mới này của Bing trong một vài ngày tới đây, trước khi chúng được triển khai đại trà trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu người dùng muốn sớm được sử dụng những tính năng mới, họ có thể đăng kí qua trang thông báo của Microsoft.


    Giao diện mới của Bing được thiết kế với ba cột thông tin chính: Core Search (Tìm kiếm chi tiết), Snapshot (Ảnh chụp nhanh) và thanh Sidebar. Bing đã cho đăng tải một đoạn video ngắn giới thiệu những tính năng mới của mình. 


    Bây giờ, hãy cùng GenK trải nghiệm giao diện mới của Bing trước ngày lên sóng.

    1.Thanh Sidebar



    Đáng chú ý hơn cả trong giao diện mới này là Thanh Sidebar nằm ở bên phải trang tìm kiếm. Đây là nơi dành riêng cho việc tích hợp Bing với các mạng xã hội lớn trên thế giới, đặc biệt là Facebook. 
    Tùy thuộc vào từ khóa tìm kiếm của bạn là gì mà Bing đưa ra những gợi ý phù hợp. Trong ví dụ dưới đây, người dùng thực hiện một lệnh tìm kiếm với từ khóa "Costa Rica" . Hãy xem Bing sẽ trở nên hữu ích như thế nào với việc tìm kiếm khi này của bạn:

    Friends Who Might Know (Gợi ý những người bạn biết thông tin mà bạn đang tìm kiếm)

    Trong khu vực của mục này, nếu đăng nhập vào tài khoản Facebook của mình trên giao diện Bing, bạn có thể tham khảo sự hiểu biết của những người bạn về nội dung thông tin mà mình đang tìm kiếm nhờ việc Bing gợi ý cho bạn danh sách những người bạn có thể biết về thông tin đó. 


    Trong trường hợp tìm kiếm với từ khóa “Costa Rica” kể trên, nhiều bạn bè trên Facebook của người tìm kiếm được Bing đề nghị, đơn giản vì họ có hoạt động liên quan tới từ khóa này. Đơn cử như Frank Grubet đã chia sẻ trên Facebook một vài hình ảnh về Costa Rica. Những người khác cũng nằm trong danh sách này bởi họ đã từng nhấn “like” trên các trang nội dung khác nhau có liên quan tới đất nước này.

    Bằng cách chuyển con trỏ chuột trên từng cá nhân, bạn có thể biết lí do tại sao người bạn đó lại được Bing đề nghị. Và giá trị của hình thức tìm kiếm này nằm ở việc nếu như bạn đang chuẩn bị tham gia vào một chuyến đi tới đất nước Costa Rica, thì ngoài việc tham khảo những kết quả tìm kiếm truyền thống, bạn cũng có thể tham khảo lời khuyên, trải nghiệm từ những người bạn trên Facebook của mình.

    Ask Friends (Hỏi bạn bè)

    Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như một người bạn nào đó bạn muốn đặt câu hỏi liên quan đến việc tìm kiếm không xuất hiện. Mục “Hỏi bạn bè” nằm ở phía trên cùng của Thanh Sidebar sẽ cho phép bạn hỏi tất cả bạn bè của mình câu hỏi đó cùng một lúc.


    Sau khi thực hiện lệnh tìm kiếm, bạn có thể gõ nội dung câu hỏi vào hộp “Ask friends”, và câu hỏi này sẽ được gửi tới những người bạn. Khi có một người bạn gửi câu trả lời, kết quả như sau. 

    Về tính năng này, Bing không phải là người tiên phong, bởi vào tháng 1 năm nay, Google cũng đã công bố tính năng “Ask on Google ” xuất hiện bên cạnh những kết quả tìm kiếm của Google; cho phép người tìm kiếm có thể hỏi thêm thông tin từ những người bạn của mình trên Google .

    People Who Know (Gợi ý những người hiểu biết về thông tin bạn đang tìm kiếm)


    Hai tính năng trên đều dựa trên thông tin từ tài khoản Facebook của bạn. Bạn có thể tìm kiếm một nội dung, đặt câu hỏi cho bạn bè của mình, nhận câu trả lời từ bạn bè....nhưng chỉ trong phạm vi bạn bè trên Facebook. Còn những người trên các mạng xã hội khác thì sao? Bạn có thể tham khảo thông tin từ những người không phải là bạn bè của mình, nhưng họ lại có thông tin mà bạn đang cần?


    Chúng ta tiếp tục xét đến một tìm kiếm với từ khóa “Google” trên Bing. Bing đã gợi ý cho người dùng nhiều nhân vật thông thạo lĩnh vực mà anh ta đang tìm kiếm, trong đó bao gồm cả Matt Cutts, người đứng đầu nhóm nghiên cứu web rác của Google. Điều đáng nói ở đây là, Cutts đã đóng cửa tài khoản Facebook của mình trong năm 2010. Nếu Bing chỉ tập trung vào Facebook như trong hai tính năng trên, anh sẽ không được đề cập tới như một gợi ý hữu ích. 


    Bên cạnh Facebook và Twitter, các đề xuất cũng có thể đến dựa trên thông tin từ các mạng xã hội như LinkedIn, Quora, Foursquare, Blogger, Google ...Để có được dữ liệu cho mục “People Who Know”, Bing đã khai thác từ các tweets, các blog công cộng, các bài đăng trên Google …để tìm kiếm những thông tin hữu ích liên quan tới chủ đề người dùng đang quan tâm.


    Chức năng tìm kiếm “People Who Know” của Bing khá giống với tính năng “Search Plus Your World” của Google được Google cho ra mắt vào tháng 1 năm nay. Điểm khác biệt giữa hai công cụ này là ở chỗ, trong khi công cụ tìm kiếm của Google sẽ trả về những kết quả được ưu tiên lựa chọn từ những bài đăng và hình ảnh từ bạn bè của người tìm kiếm trên mạng xã hội Google hay trang chia sẻ hình ảnh Picasa; thì Bing công bằng hơn khi….chia đều kết quả này cho các mạng xã hội khác.

    Chính vì điều này mà Google đã nhận khá nhiều lời chỉ trích, trong đó có những lời phàn nàn từ tiểu blog Twitter. Theo hãng này cũng như nhiều chuyên gia khác, giải pháp này của Google sẽ làm mất đi tính công bằng trong tìm kiếm. Bởi hãng này sẽ chỉ chăm chú đi khai thác kết quả từ những sản phẩm của mình, thay vì đưa ra nội dung trên những trang khác. Kết quả tìm kiếm hiện ra trên Google do vậy đã mất đi tính đại diện cho toàn bộ thế giới mạng. Google do vậy đã “mất điểm” trong mắt khá nhiều người dùng.


    Còn Bing thì sao? Khá công bằng! Thậm chí, nội dung đề xuất của Bing còn bao gồm cả những kết quả dựa trên các mạng xã hội của Google. Do vậy, một số người dùng ưa chuộng Bing hơn Google là vì lẽ đó.


    Activity (Hoạt động)


    Phần cuối cùng của thanh Sidebar là nơi lưu trữ dữ liệu về hoạt động của người dùng, về những câu hỏi mà người dùng đã hỏi, hay những câu trả lời đến từ những người bạn của họ, thông qua việc kết nối giữa Bing và Facebook.

    2. Core Search (Tìm kiếm chi tiết)

    Hãy theo dõi một kết quả tìm kiếm qua hình ảnh sau:


    Trong ví dụ tìm kiếm ban đầu, bạn sẽ thấy có một mũi tên nhỏ chỉ lên phía trên bên cạnh kết quả tìm kiếm. Nếu bạn trỏ chuột qua mũi tên này, những gì bạn thấy sẽ như hình thứ 2 (theo chiều mũi tên đỏ). Kí hiệu này cho bạn biết từ khóa “Gay marriage, Obama” đang được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Facebook và Twitter.

    Trong ví dụ tìm kiếm thứ hai, bạn sẽ thấy bên cạnh kết quả tìm kiếm có biểu tượng bàn tay với ngón tay cái trỏ lên. Khi bạn trỏ chuột qua biểu tượng này, một hộp tin nhỏ sẽ hiện lên, cho bạn biết thông tin về những người bạn ưa thích thông tin tìm kiếm này và xu hướng của từ khóa này trên các mạng xã hội. Trong hộp tin đó, đôi khi bạn có thể thấy liên kết dẫn tới một trang web (như trong ví dụ trên là Reuters), đôi khi không. Vì dụ với hai kết quả tìm kiếm cho từ khóa "Obama" sau đây:


    Trong hộp tin của ví dụ đầu tiên, bên cạnh số lượng bạn bè thích trang nội dung đó còn có liên kết dẫn tới trang Facebook của Nhà Trắng. Tuy nhiên, trong hộp tin của ví dụ thứ hai lại không xuất hiện một liên kết tương tự dù website chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Barrack Obama cũng có trang Facebook riêng khá phổ biến. Tại sao lại có sự khác biệt này. Hãy xem cơ chế tìm kiếm của Bing qua ba chức năng sau:

     -Chức năng “Like Facebook Page”: Nếu bạn bè của bạn thích một trang Facebook có liên kết tới trang web xuất hiện trong kết quả tìm kiếm, liên kết tới trang Facebook đó sẽ xuất hiện trong hộp tin này.


    -Chức năng “Like Domain name”: Nếu bạn bè của bạn thích một website, và một trang nội dung khác của website đó xuất hiện trong kết quả tìm kiếm, liên kết tới trang chủ 
    của website đó sẽ xuất hiện trong hộp tin này.


    -Chức năng “Like this”: Nếu bạn bè của bạn thích một trang web cụ thể, và trang web đó xuất hiện chính xác trong kết quả tìm kiếm, sẽ không có liên kết nào xuất hiện trong hộp tin này.


    3. Snapshot (Ảnh chụp)


    Chức năng này của Bing khá giống với Google khi cho phép bạn xem trước ảnh chụp của toàn bộ trang web, các hình ảnh, bảng biểu, bản đồ, đánh giá và các thông tin vắn tắt khác….liên quan tới nội dung trang web chứa đựng từ khóa tìm kiếm. 


    4. Kết


    Với giao diện mới này, Microsoft đang chứng tỏ cho cả thế giới thấy nỗ lực của mình trong việc giành thị phần ở lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến với gã khổng lồ Google. Qua phiên bản mới, kết quả truy vấn sẽ phong phú, gần gũi với thực tế, công bằng hơn; đồng thời cũng mang tính “mở” cao hơn khi kết nối với nhiều mạng xã hội lớn. Chúng ta hãy cùng đón xem phản ứng của người dùng Internet trong một vài ngày tới, khi giao diện mới của Bing chính thức được áp dụng đại trà trên toàn cầu. Liệu Bing có thành công với lần "thay máu" này?

    Còn bạn, bạn có muốn thử các tính năng tìm kiếm mới khá thú vị đang được Bing thử nghiệm ở Mỹ? Hãy tìm một IP Mỹ để lướt web qua Proxy. Hoặc đơn giản hơn, bật Firefox lên và tải về add-on Anonymox, và chọn một proxy Mỹ trong danh sách của add-on để thử nghiệm. 


    Tham khảo: Searchengineland

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày