5Desire Investment Hours: Nơi các nhà khởi nghiệp hiểu rõ hơn về sản phẩm của mình

    Miên Viên,  

    Chương trình Invesment Hours đã được xây dựng với mục tiêu tạo ra những cuộc trao đổi sâu sắc giữa các startup và những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm và từ đó, những startup tiềm năng nhất sẽ nhận được sự hỗ trợ xứng đáng.

    Năm nay có thể coi là một năm “vàng” của ngành công nghệ, khi chỉ mới 6 tháng đầu năm, số tiền cam kết đầu tư vào lĩnh vực ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) ở Việt Nam đã lên tới con số hàng chục triệu USD. 


    Góp phần vào sự phát triển của cộng đồng chung, chương trình Invesment Hours đã được xây dựng với mục tiêu tạo ra những cuộc trao đổi sâu sắc giữa các startup và những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm và từ đó, những startup tiềm năng nhất sẽ nhận được sự hỗ trợ xứng đáng.


    18h tối 7/6, tại Trung tâm CNTT, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, sự kiện đầu tiên trong chuỗi chương trình Investment Hours đã diễn ra sôi nổi và chất lượng. Theo chị Phạm Lê Nguyên, Trưởng BTC, dù là startup, nhà đầu tư hay chỉ là một cá nhân quan tâm tới công nghệ và khởi nghiệp, bạn đều có thể tìm được một chút gì đó cho mình trong chương trình.


    Tham dự chương trình có đại diện nhà đầu tư chính là hai Phó Tổng Giám đốc VC Corp: anh Nguyễn Thế Tân và anh Vương Vũ Thắng, cùng đại diện các nhà đầu tư từ Vatgia.com, Chodientu và các nhà đầu tư khác. 3 công ty khởi nghiệp tham dự chương trình là IPNet, iSMS và Goimon.vn
    <!--[if !supportLineBreakNewLine]-->
    <!--[endif]-->

    Mở đầu chương trình, để ghi nhận sự đóng góp của 5Desire cho sự phát triển của ngành ICT tại Việt nam, Softline Ventures Partners đã công bố và trao giải DevGeneration cho 5Desire với số tiền là 20.000 USD. Đồng thời, Softline Ventures cũng chính thức tuyên bố về sự hợp tác giữa 5Desire và Softline trong việc “ươm tạo” các startup ở Việt Nam.


    Phần thảo luận với nhà đầu tư chính


    Từ trái qua: Anh Nguyễn Thế Tân và anh Vương Vũ Thắng trong phần trao đổi ngắn về VC Corp.


    Investment Hours dành khoảng 30 phút để nhà đầu tư chính chia sẻ về công ty mình và trả lời câu hỏi của những người tham dự. Trong chương trình này, hai lãnh đạo VC Corp đã chia sẻ về vụ đầu tư của Intel, gói đầu tư được cho là khoản đầu tư tiền mặt lớn thứ 2 từ trước tới nay vào một công ty công nghệ Việt Nam. 


    Khi được hỏi về cách sử dụng khoản đầu tư từ Intel, VC Corp cho biết họ sẽ đầu tư một cách tiết kiệm và chắc chắn. Bởi với khoảng 1300 nhân sự hiện tại và dự kiến tăng lên 1600 nhân sự trong năm nay, công ty này sẽ tốn gần 1 triệu USD mỗi tháng để trả lương cho nhân viên và chi phí hạ tầng.


    Ngoài ra, VC Corp cho biết định hướng phát triển chính của công ty này trong năm nay là di động và thương mại điện tử (TMĐT). Công ty này cũng xác định TMĐT là cuộc chơi lâu dài và khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ lãnh đạo cũng như nhân viên công ty.


    Về quan điểm đầu tư vào các startup, hai lãnh đạo VC Corp cho hay các hình thức đầu tư của công ty sẽ rất đa dạng. Hai anh cũng nêu lên các mô hình đầu tư của VC Corp là: Mua cả team startup về, chuyển thành một dự án của công ty; có dự án, sau đó tìm kiếm các team có cùng ý tưởng để thực hiện hoặc phối hợp với các quỹ đầu tư để rót vốn vào dự án.
    <!--[if !supportLineBreakNewLine]-->
    <!--[endif]-->

    Phần chia sẻ với các nhà khởi nghiệp

     

    Ở phần 2 của chương trình, 3 startup lần lượt thuyết trình về sản phẩm của mình và nhận phản biện từ các nhà đầu tư.
    <!--[if !supportLineBreakNewLine]-->
    <!--[endif]-->

    a. IPNet


    Dự án IPNet thuyết trình.


    IPNet (Ipnet.vn) trình bày về công nghệ nén dữ liệu của mình. Nhắm tới thị trường B2B, đặc biệt là những doanh nghiệp thường xuyên xử lý, lưu trữ khối lượng lớn hình ảnh, IPNet cho rằng tính năng nén dữ liệu của hãng có khả năng tiết kiệm khá nhiều cho doanh nghiệp. IPNet cho biết sản phẩm đã nhận được nhiều đánh giá cao từ giới chuyên môn, thậm chí sắp xuất khẩu sang châu Âu.


    Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng đã cho IPNet nhìn thấy rõ hơn về dự án của mình. Ví dụ rõ ràng nhất, đó là khi so sánh giữa phần mềm tiết kiệm dữ liệu khi truyền dẫn với các phần mềm tiết kiệm pin. Điểm chung của 2 phần mềm trên là giải quyết vấn đề bằng phần mềm, trong khi thực tế thì giới công nghệ đang trông chờ ở giải pháp phần cứng.

     

    Đứng trước các quan ngại trên, anh Nam, Giám đốc dự án thẳng thắn nhìn nhận IPNet vẫn đang tìm kiếm mô hình kinh doanh phù hợp. Bởi sản phẩm của dự án vẫn còn khá lạ lẫm với người dùng.


    b. iSMS

     Tiếp sau đó, iSMS (iSMS.vn) trình bày về dự án sổ liên lạc điện tử của mình. iSMS cho biết dự án đã triển khai được thành công ở một số trường và doanh thu năm 2011 là 40.000 USD.

    <!--[if !supportLineBreakNewLine]-->
    <!--[endif]-->

    Dự án iSMS là một hệ thống giúp trường học có thể số hoá được quy trình gửi sổ liên lạc điện tử cho các phụ huynh quan tâm con cái. Ngoài ra, dự án còn có dự kiến sẽ phát triển thêm các quy trình số hoá các liên lạc khác trong nhà trường như liên lạc giữa các giáo viên với nhau, liên lạc giữa các trường với nhau.


    Phần chất vấn của nhà đầu tư khá thú vị khi một nhà đầu tư Nhật cho biết: ở Nhật Bản, họ không dùng hình thức công nghệ này, mà tổ chức các cuộc họp hàng tháng, quý giữa phụ huynh và giáo viên.



    Nhà đầu tư đặt câu hỏi với dự án.

    Hoặc, công đoạn số hoá tài liệu của iSMS cũng sẽ khó lòng áp dụng được ở những nơi có sự thâm nhập công nghệ cao như ở các thành phố lớn. iSMS cũng thừa nhận điều này và cho biết dự án hầu hết đang triển khai ở các địa phương nơi chưa có điều kiện tin học hoá cao.

    Hơn nữa, do quy mô thị trường là khoảng 40.000 trưởng học, nên dù dự án chịu sự cạnh tranh từ các tay chơi lớn như Viettel, VNPT, đội ngũ làm dự án vẫn tin rằng tiềm năng phát triển của iSMS là rất lớn.

     

    c. Goimon.vn


    Dự án Goimon.vn thuyến trình.

    Dự án Gọi Món là mô hình giao thức ăn trực tuyến, Goimon sẽ là bên trung gian giữa nhà hàng và người tiêu dùng. Mỗi khi người dùng muốn gọi đồ ăn đến tận nơi, có thể sử dụng trang web để tìm kiếm các nhà hàng, quán ăn có dịch vụ giao hàng tới địa điểm của mình. Khách hàng có thể gọi điện hoặc đặt đồ ăn trực tuyến thông qua công cụ của website.

     

    Do mô hình của Goimon chủ yếu là ăn hoa hồng từ tiêu thụ cho cửa hàng. Nên các nhà đầu tư lưu ý Goimon về khả năng người tiêu dùng gọi điện trực tiếp cho cửa hàng để gọi món, qua đó Goimon có thể bị thất thu một lượng khách hàng không nhỏ.


    Tuy nhiên, đại diện Goimon cho biết họ đã có dự trù cho tình huống này và sẽ cố gắng phát triển dịch vụ để khách hàng nhớ tới Goimon mỗi khi muốn tìm kiếm dịch vụ gọi đồ ăn qua mạng.

     

    Theo anh Tân - đại diện từ VC Corp, TMĐT là một lĩnh vực đầy rủi ro nhưng vẫn luôn có thị trường cho những doanh nghiệp nhỏ và linh hoạt. Anh cũng lưu ý goimon.vn cần hoàn thiện mô hình kinh doanh của mình, trong đó đặc biệt chú ý tới mối quan hệ với nhà cung cấp.

    Kết thúc buổi thảo luận, chị Phạm Lê Nguyên đại diện 5Desire gửi lời cám ơn tới các nhà tài trợ: Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam, Trung tâm đào tạo Công nghệ và Nội dung số VTC Academy, Công ty cổ phần Vật giá Việt Nam; đơn vị bảo trợ thông tin GenK; đơn vị hỗ trợ tổ chức sự kiện - Tổ hợp giáo dục TOPICA; các nhà đầu tư; các dự án khởi nghiệp và những khán giả quan tâm chương trình. Đồng thời, 5Desire cũng mời những người quan tâm tới chương trình tham dự 5Desire Investment Hours kỳ tới vào tháng 8.
     
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ