[Cà phê GenK] Sách giấy liệu có cạnh tranh được với e-book? (P.1)

    Leopard, Leopard 

    Đã quá nhiều thứ đổi thay...

    Có một chủ đề ít được bàn nhiều, nhưng mỗi khi được nhắc tới lại tốn không biết bao... băng thông của các website hay diễn đàn. Đó là sự đối đầu giữa sách giấy (sách in) truyền thống và sách điện tử (e-book).


    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p1

    Nhấm chút cà phê

    Nhưng trước khi mượn các số liệu "công nghiệp" hay "thị trường" vốn có vẻ chả gần gũi vì với bạn đọc, tôi xin mượn mấy vấn đề thường nhật sau. Cá nhân tôi cũng là một người thích đọc sách. Trước đây tôi đọc khá nhiều sách giấy và thường... "coi cọp" trong nhà sách! Vài năm trở lại đây tôi chuyển sang đọc các nội dung số ở trên mạng. Đây là điều bình thường vì đó là đặc thù công việc của tôi: có đọc thì mới có cái để viết/gõ.

    Tôi vẫn nhớ những lần chạy ra quầy báo mua tờ CATP, hoặc eChip, hoặc LBVMT. Hoặc tôi mượn tờ Mực Tím, Hoa Học Trò, VTM... từ những người bạn khác. Cái cảm giác đứng chờ ở quầy báo để nhận những trang in mới nguyên rất đặc biệt (mà hẳn ai từng có thời trẻ như tôi cũng thấy thế). Tôi cũng từng đặt mua cả năm PCW cho "tiết kiệm" và mỗi tháng lại có một anh phát báo ghé lại nhà. Vâng, đấy là những năm về trước.

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p1
    Dậy sớm đi mua báo từng là thói quen của nhiều người.

    Rồi tôi có chiếc PC đầu tiên, bắt đầu thử xem "Internet là cái chi chi" với mạng dial-up và modem 56K. Giá cước net hồi đấy thì đắt đừng hỏi. Tôi không nhớ chính xác con số nhưng chỉ làm con toán so sánh đơn giản với tiền trả cho hàng net thì... tốt nhất ra đấy cho rẻ! 

    Dù sao cũng cám ơn VNPT, FPT, Viettel hay SPT, Netnam... những công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ ADSL, người dùng Internet như tôi mới bắt đầu biết "mạng ngon" là gì. Dĩ nhiên không phải lúc nao cũng "ngon", tôi còn nhớ có hàng loạt bài hướng dẫn cách "tăng tốc đường truyền" với đủ các thủ thuật. Trong số ấy đáng kể nhất là chuyện xài proxy server để đạt "max băng thông". Vâng, những ngày ấy...

    Nội dung số lên ngôi

    Cách đây khoảng 10 năm, người ta vẫn đọc báo in nhiều. Một lý do đơn giản là cước net đắt và... trên ấy có gì mà đọc? Có công cụ trình hiện rồi nhưng có nội dung để đọc không là chuyện khác. Ngoài ra còn ở cách thể hiện của từng trang báo mạng. 

    Bạn có thể không để ý nhưng năng lực render và ngôn ngữ HTML thực sự ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của web. Web 1.0, có thể gọi như vậy, trình duyệt IE6 và Windows XP. Xuất bản một bài lên net vẫn còn nhiều gian nan. Thậm chí vấn đề đôi khi chỉ là chiếc PC ấy thiếu... font!

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p1
    Khả năng trình hiện của IE6 là một trong các nguyên nhân chính khiến nội dung số chậm phát triển.

    Nhưng cám ơn công nghệ, cám ơn cả Netscape, Mozilla và Opera. Cám ơn cả những người đã hạ giá thành ADSL xuống. Cám ơn cả những người tạo ra vBulletin hoặc phpBB, ajax hay Joomla. Forum nổi lên rồi tới blog. Web 2.0 đã tới! Việc viết một cái gì đấy lên net không còn quá khó. 

    Kể cả bài viết của bạn không được cộng đồng nào ủng hộ thì... cứ quăng lên blog cá nhân. Yêu thương hờn giận gì cứ xả vào đấy. Lẽ dĩ, báo mạng cũng bắt đầu lột xác và trưởng thành dần. Những viên gạch số cứ vun đắp dần lên theo năm tháng...



    Tôi không thích các số liệu tổng hợp lắm (vì nghe chúng khá "xa xôi" và mơ hồ) nhưng dù sao đấy vẫn là cơ sở để chúng ta làm căn cứ đàm đạo. Bởi suy cho cùng thì thói quen một vài người không nói lên xu thế của cả xã hội (nhưng tôi đoán chắc có nhiều bạn cũng chia sẻ chung câu chuyện của tôi, vì chả có gì quá nổi bật ở đây cả). Các thông tin về điện toán mây do AMD (hãng sản xuất chip cho server) sẽ giúp chúng ta tiện hình dung hơn vấn đề.

    Nếu Google mà không có...

    ... thì có lẽ cái (đang tìm) ấy không tồn tại! Những "câu nói bất hủ" này hẳn bạn từng nghe qua. Tuy phát biểu trên mang nặng sự võ đoán nhưng ít nhất nó đã thể hiện được vai trò quan trọng của nội dung số trong hôm nay. Và nếu bạn nhìn lại 10 năm qua, thực sự thế giới đã thay đổi rất nhiều.

    Mạng xã hội (MXH) - mà tôi xem là dạng tiến hoá hơn của forum - mọc lên như nấm. Ngày nay khó mà hình dung được một netizen (dân mạng) nào lại không có tối thiểu một tài khoản ở một forum. Tài khoản face hay twitter hay các MXH "nội địa" (nếu bạn xem forum là một mạng nội địa) là chuyện quá bình thường. Nhưng cái sự bình thường của 2012 lại... bất thường ở 2002!

    ca-phe-genk-sach-giay-lieu-co-canh-tranh-duoc-voi-ebook-p1
    Là tôi hay là bạn?

    Lại nhắc chuyện sách in, hôm nay tôi vẫn còn đọc chúng, nhưng không còn "dày" mỗi ngày đọc vài tờ như trước. Bật PC lên và mở trình duyệt. Có thể nói trình duyệt web đã trở thành một phần không thể thiếu cho bất kỳ netizen nào. Đứt mạng? Không có wi-fi? Không có 3G? Với một số người thật là thảm hoạ.

    Tôi không còn mua báo như trước. Nếu có ai cho mượn thì tôi đọc. Tôi cũng ít viết tay hơn trước. Có lẽ tôi chỉ dùng bút bi để ký tên, điền thông tin cá nhân vào một tờ đơn hoặc thi thoảng là ghi chú một cái gì đó. Dù sao, tôi vẫn thích viết thư tay cho ai đó nhưng chỉ là một người "đặc biệt" nào đó. 

    Còn chỉ để liên lạc thông thường, sms hay các trình IM sẽ tiện hơn. Gia đình tôi cũng không viết thư để liên lạc với họ hàng xa như trước. Điện thoại trở nên có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

    Điện toán mây thực sự đã thay đổi cuộc sống của tôi, của bạn và của rất nhiều người. Song những điều mà tôi kể thì liên quan gì tới e-book và sách in? Đấy sẽ là khởi nguồn cho trận đấu mới...
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày