Top GO đã "chết" nhưng nhắc đến lại khiến gamer Việt nôn nao

    PV, Nghi Lâm 

    Chúng như sống mãi trong tâm khảm các tín đồ ảo nước nhà.

    Sau gần một thập kỷ phát triển, khó có thể đếm hết được số lượng những tựa game đã được nhập về thị trường GO Việt Nam. Ngay cả danh sách các trò chơi đã đóng cửa cũng hiếm ai thống kê một cách đầy đủ, đơn giản vì hầu hết chúng đều thất bại trong việc thu hút khách hàng, cộng với sự yếu kém trong đồ họa, gameplay hoặc sai lầm của NPH.
     
    Thế nhưng sự thật là đến tận bây giờ, dù một số cái tên đã "tử nạn" từ rất lâu nhưng mỗi khi nhắc lại đều khiến phần đông tín đồ ảo nước nhà cảm thấy "nôn nao" trong người. Thậm chí sự nổi tiếng của chúng đã khiến các phiên bản tiếp nối đang được sản xuất cũng trở thành tâm điểm chú ý của game thủ Việt Nam. Hãy cùng điểm lại những sản phẩm như thế.
     
    Gunbound
     
    Là một trong những tựa game online đầu tiên xuất hiện tại dải đất hình chữ S, đồng thời làm nên tên tuổi cho Asiasoft, Gunbound từng có thời hoàng kim bất chấp sự vươn lên mạnh mẽ của VLTK. Lối chơi hấp dẫn cộng với sự đơn giản mà vẫn tinh tế trong đồ họa thu hút hàng vạn gamer Việt chỉ trong thời gian ngắn.
     
     
    Thế nhưng cuối cùng, có vẻ như vì khả năng hút tiền không cao (nhất là khi so với MMORPG), thế nên trò chơi đóng cửa vào năm 2007, để lại sự tiếc nuối vô vàn trong lòng fan hâm mộ. Ngay cả sau này khi nhiều phiên bản lậu xuất hiện, nó cũng không khiến họ nguôi đi nỗi buồn, ngày nay có lẽ bất kỳ gamer kỳ cựu nào nghe lại bản nhạc nền kinh điển của Gunbound đều cảm thấy nôn nao, rạo rực.
     
    Ai có thể không nôn nao khi nghe bản nhạc nền này?
     
    Hiện tại, điều đáng buồn là vẫn chưa có bất kỳ tin tức nào xoay quanh dự án Gunbound 2, có vẻ như sự hoàn hảo của phiên bản cũ đã khiến NSX không biết nên cải tiến thêm gì nữa.
     
    Hiệp Khách Giang Hồ
     
    Năm 2006, sau khi hàng loạt MMORPG gốc Hàn phải chịu thất bại trước VLTK, cuối cùng cũng có một cái tên đủ sức sánh với sản phẩm của VNG, đó là Hiệp Khách Giang Hồ, bất chấp việc khái niệm game 3D vẫn còn quá mới mẻ với gamer Việt Nam. Một trong những nguyên nhân khiến tựa game này trở nên phổ biến chính là nhờ bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên.
     
     
    Nhưng niềm vui không kéo dài lâu, sau 2 năm vận hành, tới cuối năm 2008 Asiasoft tuyên bố khai tử HKGH, tuy không nói rõ nguyên nhân nhưng nhiều khả năng là vì xu thế 3D lúc đó quá khó khăn trong việc giành thị phần với các đối thủ 2D, 2.5D.
     
     
    Từ đó tới nay, cứ mỗi lần nhắc đến 2 chữ "Hiệp Khách" thôi là nhiều gamer Việt đã thấy "nóng lên". Nhất là khi dự án HKGH 2 được công bố, nó trở thành một trong những MMORPG được chú ý nhất hiện tại. Có thông tin cho rằng Asiasoft đã tiếp tục giành quyền phát hành phiên bản tiếp nối này, nhưng sự thật ra sao thì không ai biết rõ.
     
    Cabal
     
    Thêm một sản phẩm nữa của... Asiasoft, có vẻ như NPH này sở hữu không ít duyên nợ với gamer Việt. Cabal trên trường quốc tế thậm chí còn nổi tiếng hơn cả GunboundHiệp Khách Giang Hồ, đơn giản vì đồ họa, cốt truyện và gameplay vào hàng xuất sắc. Tại Việt Nam, chắc chắn có không dưới hàng vạn gamer thường xuyên gắn bó với nó.
     
     
    Điều này được chứng minh khi có tới 17.000 tài khoản trò chơi bị block trong năm 2008 (sau đó Asiasoft đã ân xá hầu hết các nạn nhân). Sau đó game rơi vào tình trạng ảm đạm khoảng 1 năm trước khi NPH tuyên bố đóng cửa đầu năm 2010. Đây cũng là MMORPG 3D cuối cùng (tính tới hiện tại) mà giành thành công khá tốt tại Việt Nam.
     
     
    Sự phổ biến của Cabal khiến dự án Cabal 2 của ESTSoft nóng hổi cả tại dải đất hình chữ S lẫn quê nhà Hàn Quốc. Hiện vẫn còn quá sớm để kết luận MMO này có được mua về VN hay không, nhưng dù sao nó cũng khiến dòng game xuất sắc không trôi vào dĩ vãng.
     
    Maple Story
     
    Không thực sự nổi bật như 3 cái tên bên trên, thế nhưng dù sao Maple Story cũng là MMO được yêu quý hơn đa phần những sản phẩm đã đóng cửa tại Việt Nam. Đến bây giờ dù trò chơi đã chính thức đóng cửa được vài tháng nhưng người ta vẫn nhắc đến nó như một sự tiếc nuối lớn của thị trường GO nước nhà năm 2010.
     
     
    Trên thế giới, Maple Story vẫn "hét ra lửa" với liên tục các bản cập nhật mới, ngay cả các tựa game ăn theo sau này cũng giành được lượng người chơi không đến nỗi nào. Việc Nexon cấm IP Việt Nam khiến fan hâm mộ cực kỳ khó khăn trong việc tiếp cận phiên bản tiếng Anh.
     
    Mặc dù không đến mức "mất giống" như Gunbound, nhưng dự án Maple Story 2 vẫn bặt vô âm tín kể từ khi hứa hẹn mở cửa đầu năm 2011 đến nay.