Ca nhiễm siêu vi khuẩn lậu không chữa khỏi đầu tiên ở Anh vừa được báo cáo

    zknight,  

    Người đàn ông này có thể đã bị lây siêu vi khuẩn lậu từ Đông Nam Á.

    Chắc hẳn không phải một cảm giác tuyệt vời, khi biết rằng bạn có thể dọa lại vị bác sĩ đang khám cho mình. Thật không may cho một người đàn ông ở Anh, khi anh này đã thực sự làm được điều đó.

    Bệnh nhân bị nhiễm siêu vi khuẩn lậu kháng thuốc và không thể điều trị đã khiến các bác sĩ lạnh gáy. Đây là trường hợp chính thức đầu tiên được ghi nhận ở Anh bởi Cơ quan y tế cộng đồng nước này.

    Lậu kháng kháng sinh vẫn có cơ hội chữa khỏi, nhưng ca bệnh tại Anh báo hiệu cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về sự lây lan của siêu vi khuẩn lậu kháng tất cả kháng sinh. Tại Trung Quốc, siêu vi khuẩn lậu cũng lây lan mạnh.

    Người đàn ông tại Anh được báo cáo đã mắc siêu khuẩn lậu kháng cả 2 loại kháng sinh điều trị cho bệnh này. Nhưng nhà chức trách cho rằng mầm bệnh không xuất phát trong nước. Anh ta có thể đã nhiễm siêu vi khuẩn lậu trong một chuyến du lịch tới Đông Nam Á.

     Ca nhiễm siêu vi khuẩn lậu không chữa khỏi đầu tiên ở Anh vừa được báo cáo

    Ca nhiễm siêu vi khuẩn lậu không chữa khỏi đầu tiên ở Anh vừa được báo cáo

    Lậu là căn bệnh lây qua đường tình dục (STD) gây ra bởi vi khuẩn gram âm Neisseria gonorrhoeae. Nó cũng là một trong những bệnh STD phổ biến nhất, với 78 triệu trường hợp mắc mới mỗi năm.

    Trong xu hướng kháng kháng sinh gia tăng trên toàn cầu, siêu vi khuẩn lậu đã quá đề kháng với các loại thuốc phổ thông như penicillin, tetracycline và ciprofloxacin.

    Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), khoảng 30% trong số tất cả các bệnh nhân mắc lậu đề kháng với ít nhất một loại kháng sinh. Trước đây, căn bệnh thường được điều trị dễ dàng bằng kháng sinh azithromycin đường uống hoặc ceftriaxone đường tiêm.

    Trong trường hợp một trong 2 loại thuốc mất tác dụng, kết hợp cả 2 có thể giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Hiếm có trường hợp bệnh nhân lậu kháng cả 2 loại thuốc, nhưng chúng ta bắt đầu ghi nhận được ngày càng nhiều các ca bệnh như vậy.

    Trong trường hợp đầu tiên tại Anh được báo cáo bởi Cơ quan Y tế cộng đồng nước này, người đàn ông đã đến khám tại một bệnh viện đầu năm nay. Anh ta được kê cả hai loại kháng sinh là azithromycin và ceftriaxone.

    Tuy nhiên, điều trị không có tác dụng chứng tỏ chủng khuẩn lậu anh ta nhiễm phải đề kháng cả 2 loại kháng sinh. Tỷ lệ mắc phải siêu khuẩn lậu này khá thấp, chẳng hạn như ở Trung Quốc là 3,3 %. Sau khi sự kết hợp của 2 kháng sinh thông thường không thể điều trị lậu, bệnh nhân đang được cho sử dụng một loại kháng sinh mạnh hơn là ertapenem.

    Theo báo cáo của Cơ quan Y tế cộng đồng Anh, họ đang theo dõi sát sao người đàn ông để phòng ngừa lây lan. Trong khi đó, anh ta sẽ tái khám trong tháng tới để xem kháng sinh mới có tác dụng chữa khỏi hay không.

    Về nguồn bệnh, có khả năng anh này đã nhiễm nó trong một chuyến đi du lịch tới Đông Nam Á. Người đàn ông có duy nhất một bạn tình ở Anh và cơ quan chức năng đang tìm kiếm cô gái này.

    "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một ca bệnh có sự đề kháng cao như vậy đối với cả hai loại thuốc này và với hầu hết các loại kháng sinh thông dụng khác", tiến sĩ Gwenda Hughes đến từ Cơ quan Y tế cộng đồng Anh cho biết.

    "Chúng tôi đang theo dõi sát sao trường hợp này để đảm bảo rằng bệnh tình của anh ta được điều trị triệt để, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trở lại".

    PHÒNG NGỪA BỆNH LẬU NHƯ THẾ NÀO?

    Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) có thể lây nhiễm cho cả nam và nữ. Bệnh có thể gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. Ðây là một bệnh lây nhiễm rất phổ biến, đặc biệt là ở thanh niên trong độ tuổi từ 15-24.

    Nam giới có 20% khả năng mắc bệnh trong 1 lần quan hệ với nữ giới mắc bệnh. Phụ nữ có khoảng 60–80% khả năng mắc bệnh trong 1 lần quan hệ với nam giới mắc bệnh.

    Triệu chứng mắc bệnh lậu ở nam giời là niệu đạo tiết mủ màu vàng hoặc vàng xanh, kèm tiểu buốt, tiểu dắt. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng thường gặp như viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, có thể dẫn tới trạng vô sinh.

    Biểu hiện bệnh cấp tính ở nữ có những triệu chứng như tiểu buốt, mủ chảy ra từ trong niệu đạo, cổ tử cung, màu nâu, vàng hoặc xanh, số lượng nhiều, có mùi hôi. Tuy nhiên, 50-80% trường hợp bệnh lậu ở nữ không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Biến chứng thường gặp ở phụ nữ là viêm vùng chậu, ống dẫn trứng, vô sinh và mang thai ngoài tử cung.

    Phụ nữ đang có thai bị lậu không được điều trị có thể bị sẩy thai hoặc lây cho trẻ sơ sinh.

    Bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nhiễm bệnh lậu bằng cách:

    • Không quan hệ tình dục với người mắc bệnh lậu

    • Sử dụng bao cao su và các biện pháp quan hệ tình dục an toàn

    • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm, chậu, đồ lót…

    • Khám sức khỏe sinh sản định kỳ và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ