Các con sông trên thế giới có quá nhiều đập khiến cá không bơi đến nơi khác được

    Tấn Minh,  

    Hãy thử tưởng tượng bạn định ra ngoài để đi ăn cùng bạn gái. Bạn đói và có đủ thời gian để đến quán an, nhưng khi ra ngoài, cứ mỗi vài bước bạn lại đụng phải một bức tường cao hơn 9 mét.

    Bạn sẽ làm gì? Nếu bạn giống tôi, bạn sẽ bỏ cuộc, chấp nhận cơn đói và cả cô bạn gái xinh đẹp đang cáu kỉnh ngồi đợi.

    Đó chính xác là điều đang diễn ra đối với cá và các loài thủy sinh vật khác tại châu Âu: theo một nghiên cứu mới đây, cứ mỗi kilomet trên các con sông hay suối tại lục địa này lại có một con đập hay một công trình ngăn nước nhân tạo chắn ngang!

    Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra điều này bằng cách thu thập mọi thông tin mà họ có thể tìm thấy trên mạng, sau đó tiến hành khảo sát thực địa và xác nhận các thông tin này trong phạm vi 1.000 kilomet.

    Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là số lượng các đập chắn được phát hiện ra nhiều hơn đến 30 lần so với con số được báo trong trong các cơ sở dữ liệu hiện có (và đã lỗi thời).

    Các nhà nghiên cứu sẽ tung ra một ứng dụng cho phép mọi người cập nhật tình trạng của các đập trên sông và suối nếu họ tình cờ đi ngang qua.

    Nhưng cho dù vậy đi nữa, một cơ sở dữ liệu tốt và mới hơn cũng chẳng giúp ích được gì cho những chú cá bị "giam lỏng", trừ khi có ai đó làm việc gì đó (?!). Đồng thời, cơ sở dữ liệu do dự án tạo ra cũng không thể toàn diện và phổ quát được, khi mà vấn đề này đã vượt quá phạm vi châu Âu.

    Lấy sông Amazon làm ví dụ. Cho đến tháng Hai vừa qua, đã có 142 đập thủy điện đã và đang được xây dựng, và 160 dự án sắp sửa được thực hiện trên con sông huyền thoại này. Kết quả là, các loài cá có thói quen di cư như loài cá trê da trơn đã bắt đầu biến mất.

    Và ở các khu vực phía Tây Bắc Thái Bình Dương, cá hồi cũng đang bị chặn bởi các đập nước và cần được giúp đỡ di chuyển lên thượng nguồn, nơi chúng đẻ trứng duy trì nòi giống.

    Các con sông trên thế giới có quá nhiều đập khiến cá không bơi đến nơi khác được - Ảnh 1.

    Đập Jirau trên sông Madeira ở Amazon

    Đây không phải là một vấn đề mới.

    Vào năm 2001, các mô hình máy tính đã cho thấy sự phân mảnh của sông suối có thể trực tiếp dẫn đến nạn tuyệt chủng. Và giải pháp tốt nhất mà Văn phòng Hiệu quả Năng lượng và Năng lượng có thể tái tạo Mỹ có thể đưa ra là một... khẩu súng bắn cá hồi từ dưới lên trên đập!

    Những sự can thiệp như vậy có thể giúp một số loài cá sinh tồn, miễn là lúc nào cũng phải có người đứng sẵn ở đó để đặt chúng vào "nòng pháo" kia. Nhưng Văn phòng lại không đề cập đến những vấn đề khác xuất hiện từ sự phân mảnh sông suối, như những thay đổi xảy ra với vùng đồng bằng Amazon và các khu vực khác xung quanh các con đập.

    Và ngay cả khi chúng ta xây các con đập với những đường vượt dành riêng cho cá bơi qua, một lượng lớn cá cũng sẽ chẳng bơi thẳng vào con đường đó.

    Vậy thì chỉ còn một giải pháp hiển nhiên: phải ngừng xây dựng quá nhiều đập như hiện tại.

    Nhưng lượng điện mà các công trình thủy điện này tạo ra lại là một nguồn năng lượng không độc hại cực kỳ quan trọng cho các quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, mà kể từ sau Hiệp ước Paris về Khí hậu năm 2015, họ còn rất ít sự lựa chọn về mặt năng lượng phục vụ quá trình công nghiệp hóa này.

    Phương án tốt hơn một chút là rút cạn những con đập không còn tác dụng nữa.

    Nghiên cứu về các đập chắn trên sông tại châu Âu mà chúng ta đã được biết đến ở đầu bài viết cũng phát hiện ra rằng có một lượng lớn các con đập và các loại công trình chắn sông khác đã rơi vào tình trạng hoàn toàn lỗi thời và không còn được sử dụng nữa. Những công trình này, cùng rất nhiều công trình khác trên toàn thế giới, vẫn nằm ngay vị trí nó được xây dựng. Và dù một số chính quyền địa phương đang chậm chạp thực hiện các nỗ lực nhằm giải quyết chúng, đây cũng chỉ là những trường hợp cực kỳ hiếm hoi.

    Vậy nếu bạn đi bộ dọc một con sông và ghi lại được hình ảnh và thông tin về các con đập cho ứng dụng mới sắp ra mắt, chúng tôi không có ý định khuyên bạn nên đập nó tan tành để cứu loài cá, nhưng nếu bạn làm vậy thật thì lý do đó cũng rất chính đáng.

    Tham khảo: ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày