Các nhà khoa học phát hiện thêm 467 triệu ha rừng chưa từng được biết tới - gấp hơn 14 lần diện tích Việt Nam

    Nguyễn Tuấn Tài,  

    Lại có thêm khám phá nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng trên toàn thế giới.

    Một phân tích toàn cầu mới đây về phân bố rừng đã “phát hiện” 467 triệu ha rừng chưa từng được công bố trước đây - tức là gấp hơn 14 lần diện tích Việt Nam. Khám phá đã làm tăng khoảng 9% diện tích rừng trên toàn thế giới và giúp tăng đáng kể lượng carbon được lưu trữ trong thực vật.

    Những khu rừng này được tìm thấy thông qua một cuộc khảo sát “những vùng đất khô”, gọi như vậy bởi những vùng đất này nhận được ít nước hơn nhiều (từ mưa, tuyết, sương) so với lượng nước chúng bị mất do quá trình bốc hơi và cung cấp cho thực vật. Những vùng đất khô này có khoảng 45% diện tích là rừng - nhiều hơn so với những khảo sát được thực hiện trước đây.

    Nghiên cứu được thực hiện bởi nhiều nhà khoa học đến từ 14 tổ chức khác nhau trên thế giới, như một phần trong chiến dịch Khảo sát Rừng Toàn cầu của Tổ chức Lương thực Thế giới. Nghiên cứu đã phát hiện ra những khu rừng "mới" tại các vùng đất khô ở tất cả các lục địa có người sinh sống, nhưng chủ yếu các cánh rừng được tìm thấy là ở khu vực gần sa mạc Sahara của Châu Phi, xung quanh vùng Địa Trung Hải, trung tâm của Ấn Độ, vùng duyên hải của Úc, tây Nam Mỹ, đông bắc Brazil, bắc Colombia, Venezuela và một số phần phía bắc của Nga và Canada. Đặc biệt là tại Châu Phi, nghiên cứu đã làm tăng gấp đôi diện tích rừng được biết đến ở những vùng đất khô.

    Với những hình ảnh được chụp từ vệ tinh và công nghệ bản đồ hiện nay, có vẻ khá “kỳ diệu” khi những khu vừng này có thể “lẩn khuất” trong một thời gian dài như vậy. Tuy nhiên, việc xác định những cánh rừng kiểu này ở mức độ toàn cầu trước đây khá khó khăn, do loại rừng này có mật độ cây tương đối thấp. Thêm vào đó, những cuộc khảo sát trước đây được dựa trên những bức ảnh vệ tinh cũ, có độ phân giải thấp và không được xác nhận ở mặt đất.

    Khảo sát mới đây đã sử dụng những hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao hơn, từ những bức hình có sẵn thông qua nền tảng Google Earth Engine - bao gồm hình ảnh của hơn 210.000 khu vực khô và sử dụng cách giải thích đơn giản về số cây và mật độ cây.

    Một cơ hội đặc biệt

    Cuộc khảo sát đã đưa chúng ta đến một thực tế là: những vùng đất khô, chiếm tới 40% diện tích đất liền trên bề mặt Trái Đất, có khả năng hỗ trợ sự phát triển của cây cối và rừng nhiều hơn những gì chúng ta đã từng nhận thấy trước đây. Chúng ta đang có một cơ hội đặc biệt để để chống lại biến đổi khí hậu bằng cách bảo vệ những khu rừng mà trước đây chúng ta không đánh giá cao.

    Mặc dù bị “lãng quên” bởi con người, nhưng những vùng đất khô cũng có hệ sinh thái riêng của chúng, không chỉ vậy, chúng cũng bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho nhiều khu vực trở nên ngày càng nóng hơn và khô hơn, trong khi sự mở rộng của con người có thể làm suy thoái những cảnh quan này.

    Các mô hình khí hậu dự đoán rằng sinh cảnh của các vùng đất khô có thể tăng từ 11-23% vào cuối thế kỷ này, nghĩa là chúng có thể sẽ bao phủ hơn một nửa diện tích đất liền.

    Giờ đây, khi chúng ta đã biết về những cánh rừng khô này, việc bảo vệ chúng sẽ là cực kỳ quan trọng. Bởi tiềm năng của những cánh rừng khô trong việc ngăn chặn quá trình sa mạc hóa và chống lại biến đổi khí hậu bằng cách lưu trữ carbon là một sự thật hiển nhiên.

    Tăng cường chính sách về khí hậu

    Khám phá này sẽ cải thiện đáng kể tính chính xác của các mô hình máy tính được sử dụng để tính toán lượng carbon cần lưu trữ trong những sinh cảnh của Trái Đất.

    Điều này sẽ giúp tính toán lượng carbon “trong giới hạn” của các quốc gia, từ đó giúp các nước biết được vị trí của mình so với mục tiêu đã đề ra ở Nghị định thư Kyoto và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

    Nghiên cứu cũng cung cấp thêm nhiều thông tin cơ bản chính xác về tình trạng hiện nay của các bể chứa carbon, làm công cụ tính toán cho các mô hình khí hậu trong tương lai. Đồng thời giảm đi những sai sót cho mô hình của các vùng đất khô trên toàn thế giới.

    Và một lần nữa, lại có thêm khám phá nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng trên toàn thế giới.

    Tham khảo Sciencealert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ