Các nhà khoa học tìm được nguyên nhân vì sao quân Mông Cổ bỏ dở xâm chiếm châu Âu

    NPQM,  

    Từ trước tới nay đã xuất hiện nhiều tranh cãi, nghi vấn xung quanh câu hỏi tại sao quân đội hùng mạnh bậc nhất thế giới này lại chịu dừng bước, trong khi đang ngày một thu được nhiều chiến lợi phẩm và thắng lợi trong công cuộc chinh phạt đầy hung ác với quy mô xuyên lục địa. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đã phần nào hé lộ toàn bộ câu trả lời.

    Năm 1206 đánh dấu sự khởi đầu thời kỳ thống trị của Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan), một thủ lĩnh tàn bạo đến từ phía Bắc Mông Cổ, với tham vọng chinh phạt và trở thành bá chủ toàn thế giới. Đạo quân hùng mạnh, hung dữ cùng những trận chiến phi nghĩa, vô nhân đạo của ông đã quét qua toàn bộ châu Á.

    “Nơi đâu có dấu chân ngựa quân Mông Cổ, nơi đó không còn một ngọn cỏ” – Ngày càng nhiều quốc gia trở thành “miếng mồi ngon” cho Đế chế Mông Cổ rộng lớn, cống nạp đất đai và của cải cho chúng, với lãnh thổ trải dài rộng khắp từ bờ biển phía đông Trung Quốc. Thậm chí, lần lượt các nước như Hungary hay Hà Lan cũng là mục tiêu bị tàn phá, cướp bóc, khiến cho châu Âu dường như cũng sẽ chịu chung số phận với châu Á, phải quỳ rạp dưới sự hung hãn của binh đoàn trên.

     Tượng đài Genghis Khan

    Tượng đài Genghis Khan

    Nhưng trái lại, chuỗi chiến thắng liên tiếp của Thành Cát Tư Hãn cuối cùng lại bất ngờ bị chặn đứng. Mặc dù mọi công đoạn, bước đi đã được lên kế hoạch chi tiết để tiếp tục tiến đến chinh phục Vienna, đoàn quân bỗng đột ngột đổi hướng quay về châu Á.

    Mọi thứ vẫn luôn là một dấu hỏi khổng lồ, theo như số lượng những bằng chứng hiếm hoi thu thập được về đường đi nước bước của thủ lĩnh quân Mông. Nhưng một nghiên cứu mới nhất của báo Science Report lại chỉ ra những ghi chép, cơ sở thông tin cho thấy nhiều manh mối có thể giải đáp cho nghi vấn tại sao dẫn đến bước ngoặt này của đội quân, trong đó liên quan mật thiết đến chu kỳ biến đổi của thiên nhiên, đặc biệt là thực vật.

    Những phân tích chi tiết đã cho thấy vòng xoay thất thường của tự nhiên lúc bấy giờ đã khiến cho khí hậu trở nên lạnh lẽo và ẩm ướt trong một thời gian dài, tác động tiêu cực đến thói quen chăn thả gia súc và sự cơ động, linh hoạt trong di chuyển. Điều này đồng nghĩa với việc nhuệ khí và tiến độ của kỵ binh Mông Cổ bị kìm hãm đáng kể, theo như những kết quả điều tra mới nhất.

    Dưới đây là quá trình diễn tả thời kỳ hoàng kim của đạo quân này, cũng như cách mà “Mẹ Thiên nhiên” đã sáng suốt ra sao khi cản trở vó ngựa hung ác của chúng.

    Trước khi hành quân đến Hungary

    Khi Thành Cát Tư Hãn giã từ cuộc đời chinh chiến của mình vào năm 1227, ông đã để lại một gia tài khổng lồ cho con mình – Oa Khoát Đài – với phạm vi lãnh thổ trải dài từ đông bắc Trung Hoa đến tận Biển Hồ, nơi tiếp giáp giữa châu Âu và châu Á, cận phía bắc Iran ngày nay. Tổng diện tích, theo như tính toán, là một con số “gây sốc”, lên tới 11 triệu dặm vuông.

    “Kể cả khi tính theo số người bị ông nhẫn tâm tàn sát, lượng quốc gia bị thôn tính và sáp nhập, hay tổng số diện tích chiếm lĩnh được về tay mình, Thành Cát Tư Hãn vẫn là cái tên vô cùng đáng nể khi chinh phục gấp đôi so với bất kỳ một vị vua và tướng lĩnh nào trên thế giới từ trước tới nay,” trích lời nhà lịch sử học Jack Weatherford trong cuốn sách “Genghis Khan and the Making of the Modern World” (tạm dịch: Thành Cát Tư Hãn và Khởi đầu của một Thế giới mới).

    Sau cái chết của cha mình, Đại Hãn Oa Khoát Đài vẫn tiếp tục truyền thống và gia sản được để lại. Bước chân của chúng ngày ngày tràn dần về hai phía đông và tây, chế ngự phần còn lại của tây bắc Trung Quốc và tiến đến Kievan Rus (Ukraine ngày nay), thậm chí vượt qua cả sa mạc lớn nhất châu Á – sa mạc Gobi – cùng hàng chục ngàn binh lính.

    Sa mạc Gobi
    Sa mạc Gobi

    Năm 1240, Kiev đã hoàn toàn bị thu phục dưới tay Oa Khoát Đài, đạo quân tàn ác vẫn tiếp tục duy trì hành trình của mình về phía Tây. Chiến thuật bao vây bằng tốc độ và sức mạnh bền bỉ của kỵ binh đã khiến cho hàng loạt thành phố châu Âu thất thủ và chịu khuất phục, đặc biệt hơn phải kể đến nỗi kinh hoàng đến từ phát minh thuốc súng của Trung Quốc lúc bấy giờ.

    Cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn, tháng 3 năm 1241, đoàn quân Mông hùng hậu hành quân đến Hungary. Vua Bela IV đã bất lực, phải bỏ trốn khỏi cung điện Pest (một phần Budapest ngày nay), đồng thời lưỡi gươm sắc nhọn của chúng đã nhuốm máu số nạn nhân lên tới 1 triệu người, từ quân đội Hungary, tu sĩ, quý tộc, hiệp sĩ cho tới tầng lớp lao động nông dân. Theo ghi chép, đây là một trong những trận chiến tàn bạo, đẫm máu nhất trong lịch sử mọi triều đại trên thế giới.

    Tháng 12 năm 1241, Đại Hãn Oa Khoát Đài bất ngờ qua đời. Cho tới nay nhiều nhà nghiên cứu sử sách vẫn tranh cãi rằng Bát Đô – cháu họ của Oa Khoát Đài, người lãnh đạo chiến dịch chiếm lĩnh miền tây trước đó – đã trở về thủ đô Karakorum của Mông Cổ để tiến hành chọn ra một thủ lĩnh mới dẫn dắt sự hưng thịnh cho đất nước.

    Nhưng Bát Đô lại không thực hiện như vậy, thay vào đó ông tiếp tục giữ nguyên tham vọng, nhăm nhe giao chiến, chứng tỏ sức mạnh và quyền lực của mình đối với Đạo quân Vàng tại phía nam của Nga ngày nay. Trong lúc đó, Bột Lạp Cáp Chân, vợ của Oa Khoát Đài, lên nắm quyền hành là Nữ vương của đất nước.

    Một kết thúc bất ngờ

    Một năm sau đó, mọi thứ bỗng nhiên xoay chuyển một cách đột ngột. Đoàn quân bất thình lình đổi hướng về phía nam, tràn qua Serbia ngày nay, sau đó mới quay trở lại Nga. Kể từ đó về sau, mặc dù những thế hệ Khan tiếp theo vẫn duy trì âm mưu thống trị truyền từ đời trước, tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công cướp bóc những thành phố châu Âu, nhưng nhìn chung, chiến dịch tổng hành quân của chúng đã phần nào dần đi đến hồi kết.

    Đã có vài giả thuyết được đưa ra để giải đáp cho lý do dẫn đến bước dừng chân của quân Mông tại thềm các quốc gia phía tây, nhưng đội ngũ các nhà phân tích, như đã đề cập, lại phủ nhận toàn bộ lý thuyết trên, cho rằng không một dẫn chứng nào đủ thuyết phục để giải thích cho toàn bộ quá trình trên.

    Cụ thể, họ thu thập mẫu vỏ cây từ 5 khu vực khác nhau tiếp giáp cả hai châu lục Á và Âu để tìm kiếm mọi thông tin, dấu vết về khí hậu lúc bấy giờ - khi quân đội Mông Cổ đang trên thời kỳ hoàng kim.

    Thực vật và cây cối nói chung là giống loài đặc biệt nhạy cảm với mọi sự biến chuyển của tình trạng thời tiết và khí hậu. Những lúc ẩm ướt, chúng củng cố thêm phần gốc của mình với những lớp vỏ dày hơn, hoặc hạn chế độ cứng cáp và dày dạn đó vào mùa khô nóng, như một bằng chứng về nguồn nước dự trữ dưới lòng đất đang ít đi.

    Tiếp tục, các nhà khoa học kết luận rằng: Khí hậu Hungary và những quốc gia lân cận đã chịu ảnh hưởng của một chu kỳ thất thường kéo dài 3 năm trong cái lạnh và ẩm ướt khắc nghiệt. Độ ẩm tăng cao bất ngờ vào mùa xuân cùng với băng tan trước đó đã biến những thảo nguyên và đồng bằng Hungary trở thành đầm lầy – địa hình hầu như bất khả thi đối với mọi phương cách để có thể điều hàng ngàn quân mã tiếp tục di chuyển.

    Năm 1242, năm đánh dấu hồi kết của chiến dịch chinh phục Đông Âu, cũng chính là thời điểm mà tình trạng các bãi sình “tự phát” trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Không chỉ khó khăn trong di chuyển, điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất mùa vụ, dẫn đến khan hiếm nguồn cung cấp lương thực cho toàn bộ dân cư cũng như đoàn quân của Khan. Dần dần, nạn đói hoành hành, khiến hàng ngàn người phải bỏ mạng.

    Theo như đánh giá chuyên môn, khả năng cao là tướng lĩnh của Oa Khoát Đài đã tính toán đến việc chọn một lộ trình thay thế về phía nam, với điều kiện thời tiết tự nhiên thuận lợi hơn cùng độ khô vừa phải, đồng thời hướng quân Mông Cổ xa dần khỏi châu Âu.

    Vậy chuyện gì đã xảy ra tiếp theo với đoàn quân này? Cái chết của Đại Hãn Oa Khoát Đài đã đóng vai trò như một chất xúc tác vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến cho nội bộ vương quyền loạn lạc, đấu đá nhau giữa con cháu và quý tộc, “tan đàn xẻ nghé” và không thể có cơ hội hàn gắn lại.

    Tuy nhiên, hậu duệ của dòng họ nổi tiếng và tai tiếng này vẫn tiếp tục kế nghiệp, làm chủ hoặc nắm giữ vị trí quan trọng trong nhiều triều đại khác ở Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư, Siberia. Bên cạnh đó, người dân Mông Cổ vẫn duy trì cuộc sống của mình tại Vũng lãnh thổ tự trị Mông Cổ, thuộc quyền quản lý của Chính phủ Trung Quốc và một phần Mông Cổ còn tồn tại đến hiện nay, nơi Thành Cát Tư Hãn đã trở thành một tượng đài bất tử, xuất hiện trên mọi giao thức tiền tệ, loại hình kinh tế như rượu, xì gà và cả sân bay Quốc tế Ulaanbaatar.

    Ngoài ra, với khả năng phân tích hỗ trợ bởi công nghệ tiên tiến hiện nay, các nhà khoa học đã có thể đánh giá toàn diện những dữ liệu về thời tiết và khí hậu trong quá khứ, góp phần quan trọng trong việc khám phá thêm nhiều góc nhìn mới trong việc diễn biến lịch sử bị ảnh hưởng ra sao bởi tự nhiên. Không hẳn là những tác động tiêu cực gây cản trở, nhiều khi khí hậu bất thường còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc viễn chinh hay di cư, chẳng hạn như dân Polynesia di trú và phát triển sang Nam Thái Bình Dương, dẫn đến sự sụp đổ của cả một thành phố cổ đại thuộc Mexico trước thời kỳ thuộc địa; hoặc là hoàn cảnh thuận tiện cho quân Hun của Attila gieo rắc kinh hoàng lên Đế chế La Mã 800 năm trước thời đại của Thành Cát Tư Hãn.

    Cuối cùng, đội ngũ tổ chức nghiên cứu kết luận rằng: Sự rút lui của quân Mông Cổ đã khẳng định quy luật liên quan đến việc ngay cả một biến chuyển, dao động nhỏ của khí hậu cũng có thể là nguyên nhân khách quan chính, ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến và sự kiện lịch sử trong quá khứ. Đồng thời, điều này cũng gián tiếp gợi lên một bài học tinh tế mà giá trị đối với thời đại ngày nay, về tác động của biến đổi khí hậu đến cuộc sống và cả tương lai của loài người.

    Tham khảo: BusinessInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ