Các nhà thiên văn học vừa đưa ra giả thuyết đầy chấn động: Hành tinh thứ 9 bí ẩn trong Hệ Mặt trời có thể là một hố đen

    Anh Việt,  

    Một số nhà thiên văn học vừa đưa ra giả thuyết cho rằng Hành tinh thứ 9 bí ẩn trong Hệ Mặt trời có thể không phải là một hành tinh, mà thực chất là một hố đen nguyên thủy.

    Sự tồn tại của hành tinh thứ 9 là chủ đề được tranh luận rộng rãi trong cộng đồng khoa học đã nhiều năm. Giới thiên văn học từ lâu nay luôn đưa ra giả thiết về hành tinh thứ 9 với lực hấp dẫn rất lớn được cho là tồn tại ở rìa ngoài của Hệ Mặt trời, vốn chính là tác nhân gây ra sự co cụm kỳ lạ của các vật thể ở Vành đai Kuiper (gồm những thiên thể ở ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương), cũng như khiến các vật thể này di chuyển bất thường ở quỹ đạo quanh Mặt Trời.

    Mặc dù các nhà khoa học chưa trực tiếp quan sát được hình ảnh của thiên thể bí ẩn này, đã có rất nhiều bằng chứng được đưa ra nhằm chứng minh sự tồn tại của hành tinh thứ 9.

    Các nhà thiên văn học vừa đưa ra giả thuyết đầy chấn động: Hành tinh thứ 9 bí ẩn trong Hệ Mặt trời có thể là một hố đen - Ảnh 1.

    Từ lâu nay, các nhà khoa học luôn nghi ngờ về sự tồn tại của một thiên thể bí ẩn nằm ngoài rìa Hệ Mặt Trời, vốn có lực hấp dẫn cực lớn tác động lên các vật thể ở Vành đai Kuipe

    Vào năm 2015, các nhà nghiên cứu tại viện Công nghệ California đã tìm thấy bằng chứng toán học về "Hành tinh X", hay còn được gọi là Hành tinh thứ 9. Dựa theo mô hình toán học được thực hiện bởi siêu máy tính, hành tinh bí ẩn này được cho là nặng gấp 5 lần Trái Đất, nằm rất xa Mặt Trời ở khoảng cách khoảng 400 AU (1 AU bằng khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời).

    Trong khi đó, cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm 2017 cũng khẳng định về sự tồn tại của một thiên thể kỳ lạ nằm ở rìa Thái Dương Hệ. Các nhà nghiên cứu tại NASA cho rằng, thiên thể bí ẩn này có kích thước lớn gấp 10 lần Trái Đất, và cần 20.000 năm Trái Đất để "Hành tinh thứ 9" hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời.

    Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời có thể là 1 hố đen thu nhỏ

    Mới đây nhất, một nhóm các nhà thiên văn học thuộc đại học Illinois, thành phố Chicago (Hoa Kỳ) đã đưa ra một giả thuyết "chấn động" hơn rất nhiều: Thiên thể kỳ lạ mà chúng ta quan sát thấy có thể không phải là một hành tinh. Thay vào đó, đây thực chất lại là một hố đen thu nhỏ!

    Được các nhà thiên văn học ở đại học Illinois gọi là "một khả năng thú vị", giả thuyết này cho rằng, chính sự hiện diện của một hố đen nguyên thủy nằm ở rìa Thái Dương Hệ đã gây ra hiện tượng một số thiên thể ở vành đai Kuiper có quỹ đạo di chuyển bất thường.

    Các nhà thiên văn học vừa đưa ra giả thuyết đầy chấn động: Hành tinh thứ 9 bí ẩn trong Hệ Mặt trời có thể là một hố đen - Ảnh 2.

    Bức ảnh chụp thực tế đầu tiên về hố đen M87, cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng

    Theo định nghĩa của các nhà khoa học, hố đen nguyên thủy là loại hố đen được hình thành vào thời kỳ sơ khai nhất của vũ trụ, không lâu sau khi vụ nổ Big Bang xảy ra. Khi vũ trụ sơ khai còn rất đậm đặc các loại vật chất, các hố đen nguyên thủy không thể hình thành từ sự sụp xuống của các ngôi sao. Thay vào đó, những hố đen này xuất hiện với kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với hố đen chúng ta đang nghiên cứu hiện tại.

    Cụ thể, một hố đen nguyên thủy nặng gấp 5 lần Trái Đất có thể đặt vừa lòng bàn tay chúng ta, trong khi 1 hố đen nặng gấp 10 lần Trái Đất có kích cỡ chỉ bằng một quả bóng bowling. Điều này cũng đồng nghĩa, những hố đen nguyên thủy có kích thước siêu nhỏ có thể đang âm thầm tồn tại trong Hệ Mặt trời nhưng chưa được con người phát hiện.

    Các nhà thiên văn học vừa đưa ra giả thuyết đầy chấn động: Hành tinh thứ 9 bí ẩn trong Hệ Mặt trời có thể là một hố đen - Ảnh 3.

    Vành đai Kuiper là các vật thể của Hệ mặt trời nằm trải rộng từ phạm vi quỹ đạo của Hải Vương Tinh tới khoảng cách 44 AU từ phía Mặt trời.

    Nhằm chứng minh giả thuyết trên là đúng, các nhà thiên văn học đương nhiên phải tìm kiếm các bằng chứng cho thấy một hố đen nguyên thủy thực sự đang tồn tại trong hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, do bản chất của hố đen là hấp thụ mọi loại vật chất, bao gồm cả ánh sáng khi chúng vượt qua chân trời sự kiện, việc tìm kiếm hố đen bằng các loại kính viễn vọng theo cách thông thường là cực kỳ khó khăn với giới thiên văn học. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu tại đại học đại học Illinois đã đề xuất việc tìm kiếm các vật chất tối tồn tại ở quầng hào quang xung quanh hố đen.

    Cụ thể, một lỗ đen có khối lượng bằng một hành tinh sẽ có một quầng sáng chứa vật chất tối xung quanh nó, vốn có thể kéo dài tới 1 tỷ km từ trung tâm của lỗ đen. Mặc dù không thể trực tiếp phát hiện vật chất tối, nhưng các nhà khoa học có thể tìm kiếm sự tồn tại của các chùm tia gamma được tạo ra bởi sự tương tác giữa các phân tử vật chất tối trong quầng hào quang bao quanh hố đen. Chính những chùm tia gamma này sẽ là manh mối để tìm kiếm sự hiện diện của hố đen.

    Các nhà thiên văn học vừa đưa ra giả thuyết đầy chấn động: Hành tinh thứ 9 bí ẩn trong Hệ Mặt trời có thể là một hố đen - Ảnh 4.

    Những chùm tia gamma sẽ là manh mối để tìm kiếm sự hiện diện của hố đen.

    Hiện tại, các nhà thiên văn học thuộc đại học Illinois đang đặt ra mục tiêu tìm kiếm các bằng chứng để chứng minh cho giải thuyết của họ bằng cách nghiên cứu các dữ liệu thu được từ Kính Thiên văn tia Gamma Fermi.

    Tham khảo DigitalTrend

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ