Cái chết của Apple Watch Edition là lý do vì sao Vertu không thể so với Apple, Samsung

    Lê Hoàng,  

    Vai trò của một chiếc smartphone Vertu và một chiếc Apple Watch Edition chẳng có gì khác biệt so với một chiếc laptop mạ vàng nhưng lại chạy chip Core 2 Duo và chỉ có 1GB RAM.

    Bên cạnh hai chiếc iPhone 6 và iPhone 6 Plus, một trong những "nạn nhân" của sự kiện Apple ngày hôm qua là chiếc Apple Watch Edition sử dụng chất liệu vàng 18 carat. Trên trang chủ của Apple, phiên bản hàng nghìn đô của Watch đã âm thầm biến mất không lời từ biệt.

    Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của Apple Watch Edition chất liệu vàng ròng trong khi một loạt các phiên bản giá rẻ khác ra mắt để thế chỗ (bao gồm Nike , Hermes và thậm chí là một chiếc Edition vỏ ceramic có giá "chỉ" 1250 USD) là rất dễ đoán: chúng ế ẩm đến mức Apple chẳng có lý do gì để tiếp tục.

    Vậy tại sao chúng ế ẩm? Khai tử một dòng sản phẩm đắt tiền để thế chỗ bằng những dòng sản phẩm cấp thấp có cùng một tên gọi nghe không giống với Apple một chút nào cả. Cuối cùng, đây vẫn là một công ty gắn liền với phân khúc "cao cấp" của thị trường công nghệ, một công ty trong suốt 30 năm lịch sử đã luôn đặt ra những mức giá "quyết liệt" nhằm thu về lợi nhuận tối đa trên từng sản phẩm bán tới tay người dùng.

    Câu trả lời là bởi những chiếc Watch Edition cũ đều là những thứ đồ công nghệ quá.. cao cấp.

    Hi-tech hay xa xỉ phẩm?

    Nếu ai đó hỏi "Apple Watch là một sản phẩm hi-tech hay một thứ đồ trang sức xa xỉ phẩm" và chỉ cho phép chọn một câu trả lời, chắc chắn đáp án sẽ là "hi-tech". Chiếc Watch của chúng ta, bất kể là bằng nhựa hay bằng vàng, đều có rất nhiều công dụng trước đây được dành riêng cho các thiết bị công nghệ (nghe nhạc, đọc tin nhắn, nhận lệnh bằng giọng nói chẳng hạn), có một con chip mạnh mẽ hơn những chiếc PC của 15 năm trước đây và thậm chí còn có hẳn một hệ điều hành riêng (watchOS). Nói cách khác, Apple Watch thực sự "smart" như tên gọi của mình.

    Nhưng những thiết bị "smart" luôn có một vấn đề kinh điển: chẳng sớm thì muộn, chúng sẽ lỗi thời. Hãy cứ thử so sánh những chiếc Watch mới ra mắt và những chiếc Watch cũ: Watch Series 2 có vi xử lý lõi kép "nhanh như chớp" (theo tuyên bố của Apple), có màn hình sáng hơn cũ 2 lần, có GPS tích hợp và cũng có khả năng chống nước để trở thành một sản phẩm luyện tập đúng nghĩa. So với thế hệ cũ, Series 2 vượt trội hoàn toàn về trải nghiệm.

     Tên gọi Edition giờ đây được dùng để chỉ một bản Watch có giá bằng 1/10 thế hệ Edition cũ.

    Tên gọi "Edition" giờ đây được dùng để chỉ một bản Watch có giá bằng 1/10 thế hệ Edition cũ.

    Nói cách khác, nếu bạn đã bỏ ra 10.000 USD để mua một chiếc Apple Watch Edition màu rose gold vào năm ngoái, tất cả những gì bạn đang có là trải nghiệm sử dụng không bằng một chiếc smartwatch dây cao su giá 369 USD. Sự chênh lệch về mức giá ở đây là hơn 27 lần, nhưng bạn vẫn không thể đeo Watch Edition bằng vàng xuống bể bơi trong condo cao cấp mỗi sáng.

    Cao cấp... vừa vừa thôi

    Số phận kém may mắn của chiếc Watch Edition 10.000 USD khiến cho chúng tôi liên tưởng ngay đến một dòng sản phẩm siêu cấp khác là smartphone Vertu. Trong một thế giới mà người ta lúc nào cũng thèm khát hai chữ "cao cấp" và các nhà sản xuất bao giờ cũng tìm cách thuyết phục người dùng của mình mua hàng "xịn" để đạt lợi nhuận biên tối đa, doanh thu của Vertu tỏ ra cực kỳ lẹt đẹt. Ví dụ, vào năm 2013 doanh thu của Vertu chỉ đạt vào khoảng 190 triệu USD. Cứ giả sử đến nay Vertu tăng được... 500% doanh thu thì công ty này cũng chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ USD.

    Chỉ trong quý 2 vừa rồi, Apple đạt 24 tỷ USD doanh thu. Và đó là quý đen tối nhất trong lịch sử Apple kể từ khi iPhone ra mắt. Tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu của Táo được dự đoán vào khoảng 30-40%. Đối thủ lớn nhất của Apple trên phân khúc smartphone cao cấp là Samsung cũng thu về trên 3,5 tỷ USD lợi nhuận từsmartphone.

    Còn Vertu, nếu có lãi được 50% trên 1 tỷ USD doanh thu thì cũng chỉ thu về 500 triệu trong cả một năm.

    Không khó để nhận ra vấn đề đầu tiên của Vertu:smartphone của hãng này quá cao cấp.

    Cùng mang chữ "cao cấp" (preminum) nhưng giữa iPhone hay Galaxy S/Note và Vertu có một điểm khác biệt then chốt: những chiếc smartphone giá cao của Apple và Samsung thực chất có đối tượng hướng tới là nhóm người dùng trung lưu còn Vertu là sản phẩm dành cho một phần nghìn của xã hội – nhóm người thượng lưu. Chính nhờ đặc điểm này, iPhone và Galaxy S/Note thu hút được một cộng đồng người dùng chịu chi, có lịch trình nâng cấp điện thoại khá đều đặn. Mỗi chiếc smartphone của Apple và Samsung bán ra chỉ như... muối bỏ bể so với những chiếc Signature về mức giá nhưng lại đảm bảo một nguồn thu cực kỳ dồi dào và lâu dài.

    Trái lại, dù (có thể) có lợi nhuận biên ở mức cao ngất ngưởng ngay từ đầu Signature đã có đối tượng nhắm đến là lượng người dùng quá ít ỏi và cũng có khẩu vị khá đặc biệt: họ cần những giá trị đẳng cấp mang tính "vĩnh viễn" như xe Maybach hay đồng hồ Patek Phillipe. Mà "vĩnh viễn" thì không phải là từ để nói về đồ công nghệ.

    Bỏ 10 nghìn đô mua chip lõi kép

     Bước sang thời đại smartphone, Vertu bỗng gặp phải một vấn đề trước đó chưa từng gặp ở điện thoại ngu.

    Bước sang thời đại smartphone, Vertu bỗng gặp phải một vấn đề trước đó chưa từng gặp ở điện thoại "ngu".

    Năm 2013, Vertu đặt chân lên thời đại smartphone cảm ứng với chiếc Ti có giá khởi điểm trên 10.000 USD. Ở mức giá này, Ti có lớp vỏ Titanium/ceramic bọc da, kính màn hình làm từ sapphire và chip Snapdragon S4 lõi kép. Ra mắt vào cùng một quý, những chiếc smartphone đầu bảng của Samsung và HTC có chip Snapdragon 600 lõi tứ mạnh mẽ hơn hẳn.

    Chắc chắn nhiều người đọc đến đây sẽ thốt lên rằng "Nhưng người giàu không chạy đua cấu hình". Sự thật là chạy đua cấu hình không giống như chạy đua tốc độ: chiếc xe nhanh nhất chưa chắc đã đem lại trải nghiệm cao cấp nhất, nhưng trải nghiệm smartphone muốn dễ chịu, hữu dụng nhất chắc chắn phải cần cấu hình mạnh nhất có thể. Không khó để nhận ra rằng chỉ đến khoảng 2014 là những chiếc Ti đã trở nên chậm giật. Nghe không giống như một "trải nghiệm thượng lưu" cho lắm.

    Thêm nữa, tụt hậu về cấu hình cũng đồng nghĩa với tụt hậu về bảo mật. Chiếc Signature Touch của Vertu cho đến giờ vẫn chưa được nâng cấp lên Snapdragon 820 và thậm chí còn đang chạy... Lollipop 5.1. Những người mua Signature Touch tại thời điểm này vẫn sẽ phải gánh chịu các lỗ hổng bảo mật đã được Google vá trên Android 6 và Android 7. Hãy thử tưởng tượng một vị CEO uy quyền tại một tập đoàn toàn cầu có muốn các thông tin cá nhân và email công việc của mình rò rỉ qua các lỗ hổng dạng như Stagefright hay bị nhiễm ransomware hay không?

    Theo bạn thì một vị đại gia 2016 có nên hài lòng với trải nghiệm do Snapdragon 801 và Lollipop 5.1 mang lại?
    Theo bạn thì một vị đại gia 2016 có nên hài lòng với trải nghiệm do Snapdragon 801 và Lollipop 5.1 mang lại?

    Vấn đề ở đây không phải là chạy đua cấu hình. Vấn đề ở đây là smartphone Vertu không thể đảm bảo một trải nghiệm tương xứng với những chiếc Samsung có giá bằng... 1/10.

    Bảo sao, tờ Financial Times gọi smartphone Vertu là "làng nhàng về công nghệ", Bloomberg gọi Vertu là "đồ trang sức khoe mẽ" còn Wired thì thậm chí còn nói những chiếc smartphone Android cao cấp của hãng này là "thứ rác rưởi vô vị". Sự làng nhàng của Vertu cũng như cái chết của Apple Watch Edition bằng vàng nói lên một nguyên tắc quan trọng của thị trường công nghệ: không một ai có thể tạo ra một thứ gì đó "smart" nhưng lại trường tồn cùng với thời gian như Rolex, Roll Royce hay Mont Blanc. Những sản phẩm đã là công nghệ thì buộc phải chạy theo thời thế, mà thời gian thì lại luôn là kẻ thù của những công nghệ đã lỗi thời.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ