Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng như thế nào khi Huawei bị cấm cửa?

    Nguyễn Hải,  

    Với thị phần mua sắm trên toàn cầu chỉ đứng sau Samsung và Apple, khi Huawei bị cấm cửa sẽ kéo theo chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề.

    Trong mỗi cuộc chiến đều có những hậu quả ngoài dự kiến. Khi Washington tấn công nhắm vào tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, Huawei Technologies bằng cách yêu cầu Canada bắt giữ và dẫn độ CFO của tập đoàn, bà Mạnh Vãn Chu, chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ phải trả giá cho việc đó.

    Vụ bắt giữ này cũng có thể là dấu chấm hết cho đà tăng trưởng thần tốc trên toàn cầu của Huawei. Trong vòng 31 năm sau khi được ông Ren Zhengfei sáng lập với số vốn 3.000 USD tại Thẩm Quyến, Huawei đã từ một công ty cung cấp thiết bị viễn thông vô danh vươn lên thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông và smartphone hàng đầu thế giới.

    Với doanh thu hàng năm lên tới 92,5 tỷ USD, quy mô của Huawei tương đương với Microsoft hay Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng như hơn gấp đôi người đồng hương Alibaba Group Holding. Huawei cũng là công ty hàng đầu Trung Quốc với 180.000 nhân viên trên toàn cầu và dành ra đến 18 tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển.

    Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng như thế nào khi Huawei bị cấm cửa? - Ảnh 1.

    Doanh thu Huawei theo từng năm.

    "Huawei hiện là công ty lớn nhất ở Trung Quốc." Jonah Cheng, trưởng phòng đầu tư của J&J Investment và là nhà phân tích hàng đầu về công nghệ tại UBS, nói với Nikkei Asian Review. "Tấn công Huawei là tấn công vào gốc rễ của Trung Quốc."

    Đối với Trung Quốc, Huawei lớn đến mức không thể sụp đổ.

    Từ thiệt hại cho các doanh nghiệp trên toàn cầu

    Vụ bắt giữ đến vào đúng thời điểm các nhà mạng trên toàn cầu đang chuẩn bị rót hàng tỷ USD cho các thiết bị công nghệ mạng không dây thế hệ thứ 5, hay 5G. Nhiều năm nay, Huawei đã tập trung nghiên cứu phát triển thiết bị cho công nghệ kết nối mới này và sẵn sàng hưởng lợi từ nhu cầu đó.

    Cho dù vậy, Huawei vẫn phải dựa vào những nhà cung cấp hàng đầu thế giới để làm ra các thiết bị cầm tay, các máy chủ và thiết bị viễn thông cao cấp.

    Theo hãng Gartner, Huawei đã chi ra 15 tỷ USD để mua bán dẫn trong năm 2017 và là một trong những người mua hàng lớn nhất trên toàn cầu với 3,5% thị phần, xếp sau Samsung Electronics và Apple, nhưng ngang hàng với HP, Dell và Lenovo Group.

    "Huawei là một trong những người mua lớn nhất đối với linh kiện công nghệ và bán dẫn, khi họ kiểm soát hơn 27% thị phần về sản xuất thiết bị viễn thông và 14% thị phần smartphone toàn cầu." Nhà phân tích Mark Li của hãng Bernstein cho biết.

    Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng như thế nào khi Huawei bị cấm cửa? - Ảnh 2.

    Thị phần smartphone trên toàn cầu.

    Bộ phận sản xuất chip bán dẫn của Huawei, HiSilicon, hiện là khách hàng hàng đầu của nhà gia công chip lớn nhất thế giới, TSMC, khi chiếm tới 10% doanh thu của họ. HiSilicon cũng là khách hàng chính của ASE Industrial Holding, công ty đóng gói chip hàng đầu thế giới.

    Huawei cũng sử dụng ít nhất 200 triệu tấm nền màn hình mỗi năm từ các công ty như Japan Display, LG Display và BOE Technology Group. Thậm chí họ còn mua ống kính camera từ Largan Precision và Sunny Optical, những nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực này.

    Trong danh sách những nhà cung cấp hàng đầu của Huawei có đến 33 công ty của Mỹ, bao gồm cả Qualcomm, Intel, Qorvo, Skyworks và Xilinx.

    Theo ông Cheng của J&J Investment cho biết: "Điều đáng chú ý là liệu các nhà cung cấp linh kiện hàng đầu đến từ những quốc gia khác ngoài Mỹ, như TSMC của Đài Loan, Murata Manufacturing của Nhật Bản và LG Display của Hàn Quốc có chịu sức ép dừng cung cấp các bộ phận quan trọng cho công ty Trung Quốc hay không" nếu Washington áp đặt lệnh cấm mua các bộ phận của Mỹ.

    Một kịch bản như vậy sẽ là đòn nặng giáng vào mảng smartphone đang tăng trưởng nhanh của Huawei khi gần đây họ đã vượt qua Apple để đứng thứ 2 thế giới về lượng xuất xưởng. Nhưng ngược lại, sự tụt dốc của Huawei cũng làm Apple và Samsung dễ thở hơn giữa lúc thị trường smartphone toàn cầu đang chậm lại.

    Một giám đốc điều hành tại King Yuan Electronics tại Đài Loan, nhà cung cấp hàng đầu cho dịch vụ kiểm tra chip và là đối tác của Huawei, cho biết: "Chúng tôi từng nghĩ rằng Huawei sẽ là một trong các khách hàng tăng trưởng nhanh nhất của mình trong vài năm tới… Rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tới và chúng tôi đều đã tính đến các rủi ro chính trị."

    Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng như thế nào khi Huawei bị cấm cửa? - Ảnh 3.

    Cho đến tổn thất trong các kế hoạch cấp quốc gia

    Sức ép lên Huawei sẽ gây ra các hậu quả quốc tế. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp Nhật Bản, nơi công ty Trung Quốc này đang ngày càng quan trọng trong cả vai trò khách hàng và nhà cung cấp vào những năm gần đây.

    Dựa trên khả năng cạnh tranh cao về giá - khi thường thấp hơn 40% đến 50% số với các đối thủ Nhật Bản – Huawei đã giành được 13% thị phần trạm thu phát sóng di động tại Nhật, gần đuổi kịp các đối thử NEC và Fujitsu với 18% thị phần mỗi hãng. Hơn nữa, những khoản tài chính lớn hơn đổ vào R&D của Huawei cũng giúp họ tiến về phía trước. Với lợi nhuận ròng cao gấp 17 lần NEC, chi tiêu cho R&D của Huawei đang lớn gấp 13 lần NEC.

    Do vậy, việc chính phủ Nhật tiếp bước Úc và New Zealand, ra quyết định cấm các nhà cung cấp Trung Quốc có thể làm chậm kế hoạch của nước này khi muốn đi đầu trong việc chuyển sang 5G.

    Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng như thế nào khi Huawei bị cấm cửa? - Ảnh 4.

    Thiết bị viễn thông 5G của Huawei đang bị nhiều nước tẩy chay.

    Gần đây Huawei cũng đã mất thêm một khách hàng quan trọng ở châu Âu, BT Group, sau quyết định loại bỏ sản phẩm của Huawei ra khỏi hệ thống mạng của mình. Trước đó thị trường Mỹ rộng lớn cũng đã đóng chặt cánh cửa đối với công ty.

    "Đây là điều không ngờ tới trong lịch sử viễn thông." Stephane Teral, giám đốc điều hành và chuyên gia hạ tầng viễn thông tại công ty nghiên cứu IHS Markit cho biết. "Chuỗi cung cấp thiết bị vốn đã căng thẳng và lệnh cấm Huawei ở nhiều nước sẽ tạo ra khoảng trống không ai có thể bù đắp kịp thời."

    Remus Hsu, nhà phân tích viễn thông tại hãng Market Intelligence & Consulting Institute, cho biết việc Mỹ và nhiều quốc gia khác cấm cửa Huawei có thể làm tổn thất nặng nề doanh thu nước ngoài của công ty, vốn chiếm một nửa tổng doanh thu của họ.

    Nhưng các quốc gia cấm cửa Huawei cũng có thể phải gánh chịu các chi phí khác.

    "Huawei đã xây dựng một bức tường mạnh mẽ với các bằng sáng chế về công nghệ 5G trong nhiều năm qua và các quốc gia đó rất khó vượt qua hoàn toàn công nghệ của Huawei để bắt kịp với sự phát triển của 5G." Hsu cho biết.

    Tham khảo Nikkei Asian Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày