Camera thò thụt như Oppo Find X và Vivo NEX trông thì hay đấy, nhưng đó không phải là tương lai của smartphone

    Bình Minh,  

    Thiết kế của Oppo Find X hay Vivo NEX loại bỏ được tai thỏ, nhưng cùng lúc đó nó lại đem đến nhiều vấn đề đáng để bận tâm hơn.

    Vivo và Oppo mới đây đã công bố hai chiếc flagship của mình là NEX và Find X. Điểm đặc biệt nhất của hai chiếc máy này là chúng sở hữu hệ thống camera có thể "thò thụt": đối với Vivo NEX là camera trước, còn Oppo Find X là cả camera trước lẫn sau.

    Nghe có vẻ trùng hợp khi hai nhà sản xuất lại cùng ra mắt hai sản phẩm giống nhau đến thế trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng thực tế thì không hẳn là như vậy. Trong trường hợp bạn chưa biết, Vivo và Oppo là hai anh em cùng chung một mái nhà BBK Electronics và cả hai cũng thường xuyên chia sẻ những công nghệ của mình cho nhau. Công nghệ camera thò thụt này cũng không phải ngoại lệ.

    Tạm gạt qua chuyện đó, vậy rốt cục công nghệ camera thò thụt này có ưu, nhược gì và liệu nó có phải giải pháp cho xu thế tai thỏ đang "bùng phát"?

    Ưu điểm lớn nhất của phương thức này rõ ràng là về mặt hình thức

    Không có "tai thỏ" khiến cho chiếc máy trông đẹp và liền lạc hơn rất nhiều. Ngoài ra, bạn cũng không thể phủ nhận rằng cơ chế thò thụt này trông thật là ngầu.

    Camera thò thụt như Oppo Find X và Vivo NEX trông thì hay đấy, nhưng đó không phải là tương lai của smartphone - Ảnh 1.
    Camera thò thụt như Oppo Find X và Vivo NEX trông thì hay đấy, nhưng đó không phải là tương lai của smartphone - Ảnh 2.

    Với viền mỏng và tai thỏ được loại bỏ, Vivo V9 và Oppo NEX là hai chiếc máy rất quyến rũ

    Đẹp là vậy, tuy nhiên, nó lại đi kèm rất nhiều vấn đề

    Điểm đầu tiên mà tôi nhận thấy ở cơ chế hoạt động của hai chiếc máy này là sự rườm rà. Để có thể chụp ảnh selfie (với Vivo NEX) hay nhận dạng khuôn mặt (với Oppo Find X), phần mềm sẽ phải đợi camera thò lên sau đó mới có thể thực hiện công việc của mình. Hiện tại, Oppo cho biết camera của Find X có thể thò lên trong 0.5 giây, và đó là một con số khá ấn tượng. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng trở nên nhanh hơn, tốc độ thò thụt sẽ khó có thể bắt kịp được nữa. Lúc đó, chính cơ chế thò thụt này sẽ tạo ra nút thắt cổ chai về mặt công nghệ.

    Camera thò thụt như Oppo Find X và Vivo NEX trông thì hay đấy, nhưng đó không phải là tương lai của smartphone - Ảnh 3.

    Camera của Oppo Find X có thể thò lên trong 0.5 giây

    Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn ngay từ hiện tại người dùng đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Trong đó, độ bền mới là thứ mà nhiều người lo ngại nhất. Trên chiếc Vivo NEX, chiếc camera này chỉ bật lên khi bạn chụp ảnh selfie - và đó không phải là điều mà chúng ta làm quá thường xuyên nên có thể không phải là vấn đề lớn.

    Tuy nhiên trên Oppo Find X, chiếc camera này không chỉ bật lên mỗi khi người dùng selfie, mà còn là chụp ảnh bằng camera sau và cả mở khóa. Số liệu thống kê cho biết người ta mở khóa điện thoại khoảng 80 lần/ngày, như vậy là camera của Find X sẽ phải thò lên/thụt xuống gần 29.000 lần/năm, chưa kể chụp ảnh. Vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra đánh giá về độ bền, tuy nhiên việc đưa ra một cơ chế thò thụt như vậy sẽ khiến Oppo Find X và Vivo NEX có thêm một điểm dễ bị hư hỏng so với những chiếc điện thoại khác.

    Camera thò thụt như Oppo Find X và Vivo NEX trông thì hay đấy, nhưng đó không phải là tương lai của smartphone - Ảnh 4.

    Chiếc Find X sẽ phải thò thụt như thế này hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mỗi ngày

    Cơ chế thò thụt có thể bị hao mòn qua thời gian trong quá trình sử dụng, nhưng tốc độ hao mòn sẽ trở nên nhanh hơn đáng kể nếu có tác động của môi trường xung quanh. Ví dụ, nếu một thứ gì đó chẳng may lọt vào khe hở của camera và khung máy rồi kẹt ở phần motor thò thụt, liệu chuyện gì sẽ xảy ra?

    Và đừng quên rằng tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như bạn đang chụp ảnh, camera của máy thò ra và bạn làm rơi xuống đất? Đã có rất nhiều trường hợp những chiếc máy ảnh và ống kính bị hỏng tính năng zoom sau khi rơi. Đương nhiên, một khi đã bị rơi thì bất kỳ thiết bị điện tử nào cũng có thể bị hỏng chứ không riêng gì Oppo Find X và Vivo NEX, nhưng như đã nói ở trên, hai thiết bị này có thêm một điểm yếu, một điểm dễ bị tổn thương hơn những chiếc điện thoại khác.

    Camera thò thụt như Oppo Find X và Vivo NEX trông thì hay đấy, nhưng đó không phải là tương lai của smartphone - Ảnh 5.

    Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bụi rơi vào đây?

    Đến đây, nhiều người sẽ nghĩ đến chuyện bảo vệ cho chiếc điện thoại của mình bằng một chiếc ốp lưng. Nhưng tiếc thay, thiết kế thò thụt này không cho phép Oppo Find X và Vivo NEX có thể sử dụng ốp lưng.

    Còn rất nhiều vấn đề khác mà tôi có thể kể ra, ví dụ như việc camera này có thể thò ra khi ở trong túi của người dùng, hay phần mềm camera treo rất có thể sẽ khiến cho camera này không thể thụt vào trong được. Tuy nhiên, từng đó đã là đủ để chúng ta đưa ra kết luận...

    Đây không phải tương lai của smartphone

    Năm 2013, Oppo ra mắt chiếc N1 với camera xoay. Xét về giá trị thực tế, ý tưởng của N1 là rất hữu ích. Bằng cách gộp camera trước và sau làm một, Oppo N1 không gặp phải hạn chế của những chiếc smartphone thời đó là camera trước luôn tệ hơn nhiều so với camera sau. Cơ chế xoay là một giải pháp thông minh giúp người dùng có những bức hình selfie đẹp hơn.

    Hay ho là vậy, nhưng mọi chuyện sau đó thế nào đã rõ. Sau người tiền nhiệm N3, Oppo cũng đưa luôn ý tưởng này vào dĩ vãng.

    Camera thò thụt như Oppo Find X và Vivo NEX trông thì hay đấy, nhưng đó không phải là tương lai của smartphone - Ảnh 6.

    Oppo N1

    Và nay, Oppo lại đưa ý tưởng này quay trở lại nhưng dưới một hình thức khác. Liệu lần này số phận của Find X và NEX có giống như N1? Tôi không chắc chắn, nhưng rất có thể là như vậy.

    Cùng quay trở lại với ngọn nguồn của vấn đề: Tại sao Oppo/Vivo lại phát triển công nghệ thò thụt này? Là để loại bỏ "tai thỏ". Find X và NEX đã thành công trong điều đó, giờ thì sao? Chúng ta có một chiếc điện thoại không có tai thỏ, nhưng dễ hỏng hóc hơn những chiếc máy khác và lại không thể sử dụng ốp. Nếu thật sự đó là tương lai của smartphone, thì xin lỗi Oppo/Vivo, xin hãy trả lại tai thỏ cho tôi đây.

    Dù sao, sau những bản sao của iPhone X như F7 hay X21, thật tuyệt khi thấy Oppo và Vivo đã có thể thoát khỏi cái bóng của Apple và tạo ra một thứ gì đó của riêng mình. Find X và NEX có thể không định hình được smartphone tương lai, nhưng nó là một màn chào sân ấn tượng của hai nhà sản xuất Trung Quốc với những thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ.

    Ảnh: The Verge, Android Authority

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày