Cận cảnh dự án phủ sóng Internet lên toàn bộ Hệ Mặt Trời của NASA

    NPQM,  

    Cùng chiêm ngưỡng thêm một thành tựu đáng kinh ngạc đến từ những bộ não thiên tài của các chuyên gia hàng đầu NASA trong công cuộc phát triển công nghệ thông tin đột phá cho tương lai.

    Trạm Không gian Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã và đang trở thành một mảnh ghép đầu tiên của một hệ thống mạng lưới Internet có quy mô phủ khắp Hệ Mặt trời. Với tên gọi DTN (Delay/Disruption Tolerant Networking), nền tảng này sẽ khiến cho những nhiệm vụ liên quan đến Mặt trăng và Sao Hỏa trong tương lai trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn nhờ kết nối với ISS, cho phép truyền tải thông tin một cách linh hoạt theo cả hai chiều.

    Có lẽ một ngày nào đó trong tương lai gần, các phi hành gia đặt chân lên Hỏa Tinh sẽ phải thầm cảm ơn DTN vì khi ấy, họ có thể vừa nghỉ ngơi sau một hành trình dài, vừa nhâm nhi một tách trà và thưởng thức những bộ phim hấp dẫn trên Netflix.

    Giới thiệu về DTN

    Theo những thông tin cung cấp từ NASA, cơ chế hoạt động của DTN bao gồm việc phát ra một sóng dữ liệu "Lưu trữ và Chuyển tiếp" tự động trong phạm vi Hệ Mặt trời, qua đó tạo điều kiện cho những gói dữ liệu được lưu chứa tại nhiều giao điểm dọc theo đường truyền tải thông tin, sau đó chúng được tập hợp và gắn kết lại thành một tổng thể khi chạm đến nơi tiếp nhận dữ liệu, có thể là một phi thuyền hay trụ sở nhân tạo trên vũ trụ.

    Những giao thức Internet truyền thống, như nền tảng mà bạn đang phụ thuộc vào để có thể truy cập đường link hiện tại, yêu cầu một kết nối liên tục và bền vững trong quá trình dữ liệu được chuyển giao. Tuy nhiên, DTN có ưu điểm vượt trội hơn hẳn với khả năng lưu trữ tạm thời những phần dữ liệu phân mảnh. Đặc biệt, với những đặc tính không thể lường trước được trong môi trường ngoài vũ trụ, tỷ lệ xuất hiện những vật thể không xác định làm gián đoạn đường truyền tải mạng, hoặc một vài điểm giao tiếp bị lệch khỏi quỹ đạo do ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài là khá cao. Do đó, lợi ích mà DTN mang lại là vô cùng to lớn.

    Ngoài ra, DTN cũng tìm cho mình một chỗ đứng bên trong TReK (Telescience Resource Kit) - một hệ thống phần mềm ứng dụng cho phép người dùng gửi và nhận thông tin từ một cơ sở dưới mặt đất lên những điểm chuyển tiếp nằm dọc theo vị trí của ISS. Điều này vô tình, mà cũng hiệu quả bất ngờ, đã biến ISS trở thành một điểm chuyển giao tín hiệu tương tự như router Internet, chỉ có điều ở khoảng cách 400km so với Trái Đất.

    Bên cạnh đó, nhằm mục đích đảm bảo và duy trì hiệu suất hoạt động của DTN về lâu dài, hệ thống cũng cần phải trở nên tương thích với những mạng lưới Internet trên toàn thế giới, vốn là nhiệm vụ đang được gấp rút triển khai và thực hiện bởi NASA trong nỗ lực hợp tác với Lực lượng Đặc nhiệm Nghiên cứu Internet, Ủy ban Cố vấn Dữ liệu Vũ trụ và Lực lượng Đặc nhiệm Kỹ thuật Internet.

    Ngạc nhiên phải không, nhưng những tổ chức nghe có vẻ lạ lẫm trên lại thực sự có tồn tại và vẫn đang đảm nhận những công tác phân tích, nghiên cứu chuyên môn riêng biệt. Cũng phải nói thêm, nhiều trường đại học, trung tâm khảo sát, các công ty hàng không vũ trụ tư nhân và cả đội ngũ phát triển vệ tinh CubeSat cũng đang thiết lập kết nối đến DTN qua nền tảng mã nguồn mở.

    Tất nhiên, vai trò của DTN không chỉ dừng lại ở việc tải lên vài tập phim Game of Thrones đến tọa độ của các hành tinh khác trong tương lai, mà còn cung cấp một công cụ truyền thông và giao tiếp mạnh mẽ cho những biến cố xảy ra ở Trái Đất như thảm họa, thiên tai khiến cho mạng lưới thông tin cố hữu trên mặt đất bị hư hỏng và đánh sập.

    Trên hết, hệ thống này được thiết kế đặc biệt để vẫn có thể điều hành, quản lý và giành quyền kiểm soát kết nối thông tin ngay cả khi một số loại hình khác bị tê liệt hay trục trặc. Vì vậy, về lý thuyết, chúng ta có thể tin tưởng vào việc sẽ không xảy ra một trường hợp nào liên quan đến thông tin quan trọng - như trong lĩnh vực quân sự, hỗ trợ hay cứu nạn - bị thất lạc nữa.

    Tham khảo: Iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ