Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha

    M.Đức,  

    Mặc dù khắc phục được một vài điểm yếu của các dòng sản phẩm DSLR, nhưng EOS R vẫn còn những điểm cần phải thay đổi nếu muốn cạnh tranh với Sony

    Bài viết là ý kiến cá nhân của Usman Dawood, nhiếp ảnh gia của công ty ảnh kiến trúc Sonder Creative.

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 1.

    Canon EOS R (trái) và Sony A7 III (phải)

    Tôi là một nhiếp ảnh gia kiến trúc, và trong bộ môn nhiếp ảnh này thì gần như mọi bức ảnh đều được chụp bằng cách gắn máy vào tripod. Có khá nhiều lí do để làm việc này, nhưng nổi bật là giúp người chụp có thể điều chỉnh hướng chụp một cách chuẩn xác nhất, cũng như giúp bức ảnh sắc nét hơn ở những tốc độ chụp chậm.

    Tuy vậy không phải lúc nào tôi cũng có thể sử dụng được tripod. Ở những nơi hẹp, hay có nhiều người đi qua thì việc đặt một vật chiếm diện tích như tripod là điều không thể, mọi người có thể vấp chân và ngã. Chính vì vậy, thiết bị mà tôi sử dụng cũng phải có tính đa dụng cao, có thể tạo ra những bức ảnh đẹp nhất kể cả khi chụp cầm tay, nên tôi lựa chọn Sony A7R III và ống kính Laowa 12mm f2.8 Zero Distortion. Tôi lựa chọn ống kính này vì nó có tiêu cự rất rộng, cũng như khẩu độ lớn giúp thu nhận được nhiều ánh sáng nhất có thể.

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 2.

    Và đối với tôi, chiếc A7R III hay những sản phẩm đời mới khác của Sony là lựa chọn thông minh hơn so với các sản phẩm DSLR hay thậm chí chiếc Canon EOS R vừa được ra mắt.

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 3.

    Những bức ảnh của tác giả Usman Dawood

    Ống ngắm điện tử (EVF)

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 4.

    Khác với DSLR với ống ngắm quang học, máy ảnh không gương lật sử dụng ống ngắm điện tử (EVF), là một màn hình nhỏ với đội phân giải cao

    Laowa 12mm là một ống kính lấy nét bằng tay hoàn toàn, vậy nên hệ thống lấy nét tự động của máy trở nên vô dụng. Những nơi tôi chụp thường thiếu ánh sáng, nên việc sử dụng khẩu độ f2.8 cũng là một lợi thế. Điểm hay của chiếc Laowa 12mm đó là kể cả khi mở khẩu độ f2.8, trường ảnh vẫn rất lớn nên có thể chụp được toàn bộ kiến trúc của một tòa nhà.

    Chụp ảnh thiếu sáng với một ống kính lấy nét tay quả thực là khó nhằn, nhưng có một tính năng ở các máy Sony nói riêng và máy ảnh không gương lật nói chung có thể giải quyết được vấn đề này, đó là ống ngắm điện tử EVF. EVF giúp tôi có thể chụp đúng tư thế để có điểm tựa vững chắc, mà vẫn có thể sử dụng các tính năng trợ giúp lấy nét tay như peaking (tạo ra những chấm đỏ ở điểm nét) hay zoom. Cả Canon và Nikon cũng đều vừa ra mắt máy ảnh không gương lật Full-frame đầu tay của mình, đáng tiếc là Sony đã có hệ thống của riêng mình từ rất lâu và tôi đã quá quen với chúng để có thể chuyển sang các hãng khác.

    Chống rung bằng cảm biến

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 5.

    Canon EOS R không được trang bị công nghệ chống rung cảm biến mà Sony và Nikon đã trang bị cho máy ảnh của mình

    Tính tới thời điểm hiện nay thì Sony là hãng duy nhất có máy ảnh Full-frame với khả năng chống rung cảm biến 5.5 bước, cao hơn so với hệ thống 5 bước của bộ đôi Z6 và Z7 đến từ Nikon. Còn Canon thì vẫn đi theo lối mòn, chiếc EOS R mới nhất của hãng không hề được trang bị tính năng này.

    Chống rung cảm biến (IBIS) là một công cụ rất đắc lực cho những nhà nhiếp ảnh kiến trúc. Nhiều lúc do thiếu ánh sáng, tôi phải chụp ở tốc độ 1/15, nhưng cuối cùng bức ảnh vẫn không bị mờ do rung lắc. Chiếc Laowa 12mm tôi sử dụng hay bất cứ ống kính dạng lấy nét tay nào cũng không hề có chống rung trên ống kính, nên khi gắn chúng trên các thân máy không có IBIS sẽ rất khó chụp cầm tay, và nhất thiết phải sử dụng tripod.

    Hệ thống ống kính

    Một trong những điểm yếu của Sony trong quá khứ là hệ thống ống kính không đa dạng, nhưng tới nay thì tình hình đã được cải thiện hơn rất nhiều. Hiện nay dòng máy ảnh Sony Alpha E-mount đã có rất nhiều ống kính đúng ngàm (Native), người dùng cũng có thể gắn thêm ngàm chuyển để sử dụng các ống kính của ngàm A (DSLR của Sony), của Canon, Nikon và của Leica. Thậm chí người dùng còn có thể sử dụng những ống kính của các máy ảnh có cảm biến Medium format nếu muốn!

    Các hãng thứ 3 như Sigma, Samyang và Tamron mới đây cũng thông báo sẽ ra mắt những ống kính dành cho máy ảnh Sony. Điển hình như Sigma, vừa công bố một lúc tới 9 ống kính dòng Art với khẩu độ f1.2 - f1.8 dành cho ngàm E-mount.

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 6.

    Hệ thống ống kính Sigma Art dành cho Sony

    Đối với tôi thì lợi thế lớn nhất của Sony đó là tôi có thể sử dụng những ống kính tilt-shift của Canon, mà vẫn có hệ thống chống rung IBIS, một ưu điểm mà không bất cứ chiếc máy ảnh nào của Canon có được.

    Khả năng lấy nét

    Sony A9 là sản phẩm đầu tiên mà hãng cho thấy được tiềm năng của khả năng lấy nét trên cảm biến trên các máy ảnh không gương lật. Khả năng chụp mà không bị đen màn hình (blackout) cùng tốc độ lấy nét tốc độ cao giúp khẳng định đây là một sản phẩm dành cho giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 7.

    Hệ thống lấy nét của Sony A9 với độ phủ lớn

    Hệ thống lấy nét bằng cảm biến ảnh không những có độ chính xác cao hơn DSLR truyền thống với một cảm biến lấy nét riêng, mà còn có nhiều tính năng 'hay ho' nữa. Ví dụ như khả năng lấy nét mắt (Eye AF), giúp cho người dùng chụp những bức ảnh chân dung chỉ trong tích tắc mà không cần di chuyển từng điểm lấy nét một. Ở thế hệ máy ảnh thứ 3, hệ thống lấy nét mắt của các máy ảnh Sony đã quá tốt, nên việc trở lại với hệ thống lấy nét truyền thống của DSLR như chuyển từ dùng smartphone xuống điện thoại 'cục gạch' vậy. Trong nhiếp ảnh kiến trúc, nhờ có hệ thống lấy nét nhiều điểm và có độ phủ lớn mà tôi có thể chọn đúng điểm nét mà mình cần, không cần phải 'phá khung hình' giống với các máy DSLR.

    Những tính năng quay phim

    Trong 2 hãng mới tham gia thị trường không gương lật, thì chỉ có Nikon mới phát triển thành công tính năng quay phim. Còn Canon có vẻ như vẫn 'để dành' những tính năng quay phim tốt nhất cho các sản phẩm Cine cao cấp. Chiếc EOS R mới được ra mắt có thể quay 4K 30p giống với Nikon Z6, Z7 và Sony A7 III, nhưng lại phải crop cảm biến tới 1.8 lần. Chính vì vậy, khi người dùng chuyển từ chụp ảnh sang quay phim, thì khung ảnh của họ sẽ bị zoom lên tới 1.8 lần, nên ta phải đứng xa ra hoặc sử dụng ống kính khác.

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 8.

    EOS R phải crop cảm biến để có thể quay độ phân giải 4K

    Sony thì khác, họ cung cấp cho người dùng lựa chọn để quay phim 4K bằng toàn bộ cảm biến hoặc ở chế độ crop Super 35 (1.5 lần), giúp người dùng dễ dàng chọn khung hình, chuyển được nhanh giữa chế độ chụp ảnh và quay phim.

    Sony lắng nghe ý kiến của người dùng

    Khi so sánh những sản phẩm Full-frame trên thị trường, thì có vẻ như chỉ có Sony là hãng lắng nghe những yêu cầu của người dùng. Hãng trong thời gian vừa qua đã tạo ra những chiếc máy ảnh không gương lật tốt nhất Thế giới, đơn giản vì họ nghe người dùng, và thêm những tính năng mà họ cần nhất.

    Ví dụ điển hình là khả năng nhận 2 thẻ nhớ SD cùng một lúc. Đây là một yếu điểm rõ ràng của những dòng máy Sony trước đây, và tới thế hệ 3 của dòng máy Alpha mới nhất họ đã thêm tính năng này, giúp người dùng có thể mở rộng bộ nhớ lên gấp 2, hoặc lưu trữ back-up ngay trong lúc chụp. Nikon, và cả Canon đã có cơ hội để không đi vào vết xe đổ của Sony, nhưng lại tiếp tục mắc sai lầm và chỉ trang bị cho các máy ảnh không gương lật mới nhất của họ chỉ 1 khe cắm thẻ nhứo duy nhất.

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 9.

    Tới chiếc X-H1, một sản phẩm có cảm biến APS-C cũng có 2 khe cắm thẻ SD

    Lời kết

    Lựa chọn đúng công cụ cho công việc của từng người là một công việc rất quan trọng, và với bản thân tôi thì Canon vẫn là một lựa chọn an toàn. Song, trong những năm gần đây tôi đã sử dụng và rất hài lòng với các sản phẩm không gương lật đến từ Sony vì những tính năng mà Canon không có được.

    Sony trong thời gian qua đã rất có cố gắng trong việc phát triển máy ảnh của họ, và mở một ngã rẽ mới cho thị trường máy ảnh: các sản phẩm không gương lật Full-frame. Chính vì vậy mà số nhiếp ảnh gia chuyển sang sử dụng máy ảnh của họ ngày càng nhiều, vì đơn giản những sản phẩm của họ thực sự rất tuyệt vời và có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai.

    Còn Canon và Nikon thì vẫn 'đi theo lối mòn', thể hiện ở những chiếc máy ảnh không gương lật mới được ra mắt của họ. Những sản phẩm mới của họ 'chỉ đủ tốt' để giữ chân người dùng ở lại với hệ thống của họ, nhưng không có bất cứ tính năng gì mới để có thể cạnh tranh với một thị trường không gương lật đang phát triển một cách nhanh chóng.

    Canon đã ra máy ảnh không gương lật, nhưng tôi vẫn tin dùng Sony Alpha - Ảnh 10.

    Tới 67.92% người dùng trên diễn đàn Petapixel lựa chọn Sony A7 III thay vì Nikon Z6 và Canon EOS R

    Khi một hãng thuyết phục được các hãng thứ 3 làm ống kính cho họ chỉ sau một vài năm bắt đầu ở mảng nhiếp ảnh, thì tức là hãng đó đã thành công trong việc sản xuất thân máy. Máy ảnh không gương lật được sản xuất bởi Sony hiện đã có rất nhiều tính năng mới, và sẽ còn đưa họ lên những vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng các hãng máy ảnh trong tương lai. Với rất nhiều nhiều nhiếp ảnh gia thì Sony là lựa chọn hàng đầu khi chọn mua máy ảnh.

    Tham khảo Petapixel

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày