CEO iFixit phản đối việc Chính phủ Mỹ và các đại gia công nghệ như Apple, Microsoft ngăn cấm tự sửa thiết bị

    NPQM,  

    Liệu những nỗ lực cố gắng đấu tranh có giúp họ thu về kết quả như mong đợi, đòi lại sự tự do toàn quyền được sử dụng sản phẩm của mình?

    *Theo lời Kyle Wiens - CEO iFixit

    Tuần vừa rồi, Andrew "Bunnie" Huang - một nhà phát minh và hacker chính nghĩa - đã công bố chính thức rằng anh sẽ hợp tác với Electronic Frontier Foundation trong nỗ lực khởi kiện đích thân Chính phủ Mỹ. Tại sao lại như vậy? Lý do xuất phát từ việc họ tin rằng Đạo luật Bảo vệ Bản quyền tác giả (DMCA) là đi ngược với Hiến pháp. Cụ thể, các điều luật trong đó can thiệp và vi phạm một phần quyền tự do ngôn luận, trù dập những quan điểm đúng và sáng tạo, và đang tạo ra một ảnh hưởng tiêu cực trên quy mô lớn.

    Có vẻ như đã đến lúc chúng ta thực sự cần để tâm đến những vấn đề nghiêm trọng như vậy.

    Đạo luật DMCA cố thể bao hàm những khía cạnh liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật số, nhưng nó không hề gắn liền hoàn toàn với cơ chế hoạt động và vận hành của công nghệ và kỹ thuật ngày nay. Điều này có thể được dễ dàng nhận thấy qua những hành vi đơn thuần trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn khi một nông dân nhờ tôi sửa sang và cải tiến chiếc máy kéo của anh ấy, đó quả thực là một công việc khó nhằn, không phải do những chi tiết phụ tùng và máy móc phức tạp mà là các vấn đề hợp pháp.

    Hết trở ngại này đến trở ngại khác, để rồi cuối cùng chúng tôi đã quyết định lập ra một đơn kiến nghị vào năm ngoái, đề xuất lên Bộ Bảo vệ Bản quyền Hoa Kỳ, với mục đích cho phép những người nông dân được tự tay sửa chữa máy kéo, máy cày của mình.

    Tất nhiên tôi không phải một luật sư biện hộ tài ba, tôi chỉ là một thợ cơ khí, phụ trách cộng đồng online iFixit, đóng vai trò giúp đỡ mọi người, cung cấp những kỹ năng hiệu quả để sửa chữa nhiều vật dụng cần thiết. Điều đó không hề vi phạm bất cứ luật bản quyền nào cả. Nhưng "cảm ơn" Đạo luật DMCA vì đã "làm rất tốt" trong việc khiến cho các tổ chức bỗng nhiên cực đoan và nghiêm trọng hóa mọi hoạt động mà từ trước tới nay không hề dính líu đến các vấn đề bản quyền pháp lý, bao gồm cả việc sửa chữa.

    Khoảng hai thập kỷ trước, Đạo luật DMCA đã xúc tiến và chi phối khoảng thời gian giao thoa giữa những quan điểm truyền thống và hiện đại về bản quyền công nghệ. Trở lại thời điểm năm 1998, mục tiêu khi ấy của Quốc hội Hoa Kỳ là ngăn chặn những hình thức tin tặc nguy hiểm xâm nhập và đánh cắp dữ liệu trên nền tảng Internet còn non nớt lúc bấy giờ. Vì vậy, những nhà lập pháp đã viết nên một điều khoản mới để ngăn chặn những hành vi phi pháp (Mục 1201), cấm mọi ý đồ hay nỗ lực trái phép nhằm phá vỡ những quy tắc mã hóa hay bản quyền DRM...

    Tất nhiên, đã có nhiều những thay đổi lớn được đưa ra kể từ thời điểm đó. Thế nhưng, nhìn vào cách mà tựa phim Game of Thrones có đến cả nghìn cách để phát hành trái phép trên Internet, thì có vẻ như vai trò của Mục 1201 không có nhiều tác dụng cho lắm. Khía cạnh duy nhất nó mang lại là củng cố, cung cấp thêm cho các nhà sản xuất một lớp vỏ bọc, kiểm soát quá đà lên những sản phẩm của mình.

    Cũng giống như phim ảnh hay âm nhạc, các phần mềm và ứng dụng hoàn toàn có thể đăng ký bản quyền tác giả. Đó là khi DMCA "phát huy" hết tác dụng của mình, vì đây là lĩnh vực gắn liền với hầu hết mọi góc độ trong cuộc sống hiện nay. Nếu một công ty phát hành muốn đảm bảo không có người dùng tò mò nào lỡ tay "chơi đùa" với sản phẩm công nghệ của mình, họ chỉ cần áp dụng lớp vỏ bọc pháp lý trên. Bất kỳ hành vi nào vì bất kỳ lý do gì, kể cả là sao lưu hay sửa đổi một vài chỗ thuộc quyền sở hữu của mình, bạn cũng sẽ bị gán mác tội phạm tin học ngay lập tức.

    Trở lại với câu chuyện của tôi. Người bạn nông dân này vốn phụ trách một vườn dâu tọa lạc tại California, đã đến gặp tôi vài năm trước nhờ giúp đỡ trong việc sửa chữa một vài thiết bị làm vườn và trồng trọt của mình. Trước đó, mỗi khi có trục trặc, hỏng hóc xảy ra, anh ấy lại phải đi cả quãng đường dài vô cùng đến liên hệ một kỹ thuật viên ủy quyền của công ty, người nắm trong tay phần mềm và công cụ hợp pháp để đánh giá, sửa đổi sản phẩm. Nếu tự tay làm việc đó tại nhà hoặc những nơi khác, anh ấy sẽ bị coi là chống lại luật pháp.

    Chắc chắn rằng đó là một điều hết sức phi lý. Do vậy, tôi đã hợp tác với một phòng nghiên cứu hợp pháp tại Đại học Nam California để đề xuất lên Bộ Bảo vệ Bản quyền về vấn đề nông dân có thể được tự sửa chữa thiết bị của mình. Gần một năm trôi qua với nhiều nỗ lực cũng như thất bại xen lẫn nhau, cuối cùng Bộ cũn quyết định không chỉ nông dân mà còn cả chủ sở hữu những xe ô-tô cũng có thể bỏ qua lớp vỏ bọc luật pháp ấy nhằm mục đích sửa chữa thiết bị cá nhân.

    Đó quả thực là một chiến thắng mang ý nghĩa quan trọng, nhưng mới chỉ là những bước đi đầu tiên mà thôi. Giới hạn bao hàm không thể chỉ quanh quẩn với những chiếc máy kéo và ô-tô được.

    Mỗi ngày lại có thêm hàng ngàn sản phẩm được tung ra thị trường chung trên thế giới. Càng ngày càng có nhiều thành phần được tích hợp với những nền tảng phầm mềm số, vì vậy, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi việc xảy ra sự cố và cần đến những biện pháp khắc phục. Như người đàn ông này đã phải tìm kiếm giải pháp sửa chữa bộ phận microphone trên hệ thống hỗ trợ khả năng nói của vợ mình. Hoặc đây nữa, họ muốn thay thế ổ DVD trên thiết bị Xbox; hay những chiếc tủ lạnh thông minh Samsung bị trục trặc. Xét trên phạm trù Mục 1201, nếu chỉ cần động chạm đến khía cạnh phần mềm của một sản phẩm thôi cũng bị tính là vi phạm pháp luật.

    Công ty của tôi, iFixit, cũng lâm vào hoàn cảnh trớ trêu tương tự. Chúng tôi nhận phân phối những thành phần thay thế cho Xbox, nhưng đồng thời khi ấy cũng phải cung cấp theo những ổ cứng và bo mạch chủ vì chúng được mã hóa riêng duy nhất cho nhau. Sử dụng một kỹ thuật do Bunnie phát hành, iFixit có thể can thiệp một chút nhằm thay đổi đặc tính cố hữu đó, giúp cho khách hàng có thể giảm thiểu đến một nửa chi phí. Nhưng Bộ Bảo vệ Bản quyền đã dập tắt mọi hy vọng và lời thỉnh cầu của chúng tôi vào năm ngoái.

    Sửa chữa không thể bị coi là phạm tội! Không ai cần phải đến xin quyền cho phép của bất cứ người nào khác, kể cả Bộ Bảo vệ Bản quyền chỉ vì muốn sửa đồ vật sở hữu của riêng mình. Không ai phải sợ vì những điều luật vô lý liên quan đến việc can thiệp vào chính vật sở hữu cá nhân đó. Và cuois cùng, không ai đáng phải chịu ngồi tù chỉ vì muốn sửa máy kéo để tập trung sản xuất, làm giàu cho đất nước nhưng lại chưa được cấp phép bởi nhà sản xuất.

    Nếu bạn thật sự bị liên lụy, thì đừng đổ lỗi cho bản thân. Chính luật pháp Hoa Kỳ mới là bên có lỗi, và đã đến lúc cần có một người nào đó đứng lên sửa chữa toàn bộ những đặc điểm vô lý của bộ máy hiến pháp này. Bunnie có thể chưa phải là người thích hợp và xứng đáng cho luật pháp của quốc gia, nhưng anh ấy thật sự là một hình tượng trong công cuộc đứng lên giành tiếng nói của mọi người. Và chắc chắn mọi thứ vẫn chưa đi đến hồi kết đâu.

    Tham khảo: TechnologyReview

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ