"Chẳng có bữa ăn nào miễn phí", câu này có đúng với Google Wi-Fi ở Việt Nam không?

    Liam,  

    Chẳng có công ty nào lại bỗng dưng cho không người dùng cái gì cả... Quả thật, một mạng Wi-Fi miễn phí sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Google.

    Trong một bước đi khá bất ngờ, Google đã bắt đầu tiến hành cung cấp Internet miễn phí qua dịch vụ "Google Station" tại Việt Nam. Từ tháng 4, sinh viên nhiều trường đại học tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đã có dịp sử dụng Wi-Fi "chùa" của gã khổng lồ Internet này.

    Ai cũng hiểu rằng chẳng có thứ gì cho không. Vậy, mục đích của Google khi cung cấp Wi-Fi "chùa" cho người Việt là gì?

    Trước hết là quảng cáo

    Chẳng có bữa ăn nào miễn phí, câu này có đúng với Google Wi-Fi ở Việt Nam không? - Ảnh 1.

    Thêm một kênh quảng cáo quy mô khác từ Google?

    Lợi ích đầu tiên mà Google sẽ thu nhận được khi cung cấp Wi-Fi miễn phí nằm ở mảng kinh doanh đã là nguồn sống của tập đoàn này trong 2 thập kỷ vừa qua: quảng cáo. Khi truy cập vào mạng Wi-Fi "chùa" của Google, bạn sẽ phải đi qua một màn hình quảng cáo nhỏ (10 giây) mới có thể kết nối mạng. Như vậy, Google Station về bản chất có vai trò giống như Chrome, Gmail, YouTube... Mở Wi-Fi miễn phí, gã khổng lồ tìm kiếm sẽ có thêm một kênh để truyền tải quảng cáo đến người dùng.

    Đây không phải là mô hình kinh doanh mới mẻ tại Việt Nam: dễ thấy nhất, các sân bay cũng đã có nhiều đơn vị tài trợ Wi-Fi miễn phí. Phạm vi triển khai hiện tại của Google Station vẫn còn khá nhỏ, nhưng nếu mở rộng các hotspot tương tự, biết đâu Google sẽ thành đế chế quảng cáo Wi-Fi "chùa" đầu tiên tại Việt Nam?

    Hỗ trợ cho Gmail, YouTube, Maps, Play...

    Chẳng có bữa ăn nào miễn phí, câu này có đúng với Google Wi-Fi ở Việt Nam không? - Ảnh 2.

    Có mạng ổn định thì người dùng mới tạo ra doanh thu quảng cáo cho Google được chứ.

    Câu chuyện cung cấp Wi-Fi miễn phí không phải là hiếm với những gã khổng lồ Internet, mà đặc biệt mà Google. Công ty này thậm chí còn đang phủ Wi-Fi ra toàn thành phố "quê hương" Mountain View tại California, đã phủ sóng cho 500 trạm tàu lửa tại Ấn Độ hay các bệnh viện, trường học tại các quốc gia đang phát triển.

    Nhưng mọi chuyện vẫn quay trở lại vấn đề quảng cáo: làm sao Google có thể thu tiền quảng cáo từ các dịch vụ như Gmail hay YouTube nếu như người dùng Google thiếu kết nối mạng ổn định?

    Ở lại với Google

    Chẳng có bữa ăn nào miễn phí, câu này có đúng với Google Wi-Fi ở Việt Nam không? - Ảnh 3.

    Tặng hàng free là một cách để chinh phục trái tim của người dùng.

    Với những sản phẩm như Gmail hay Google Docs, rõ ràng là Google đã trở thành một trong những biểu tượng hàng... free nổi bật nhất tại Việt Nam. Triển khai đầu tiên tại các trường đại học có thể coi là một cách để tăng cường tình cảm của người dùng trẻ tuổi trong nước đối với Google.

    Nhìn về tương lai, điều này có thể mang một ý nghĩa quan trọng: nếu mở rộng, Google hoàn toàn có quyền mơ đến một cộng đồng quen và yêu thích các sản phẩm Google hơn là Microsoft chẳng hạn. Google đã luôn muốn lấn sân vào mảnh đất ứng dụng làm việc/doanh nghiệp của Microsoft, và không có cách nào tốt hơn để lấn sân ngoại trừ thu hút người dùng theo cách miễn phí mạng như thế này.

    Hai bên cùng có lợi

    Chẳng có công ty nào lại đi đốt tiền vô cớ cả. Với dịch vụ Google Station, rõ ràng là Google sẽ mong đợi một số lợi ích nhất định.

    Nhưng ở phía ngược lại, làm gì có ai lại chê Wi-Fi "chùa’? Xem vài mẩu quảng cáo để được sử dụng dịch vụ miễn phí, ổn định và tốc độ cao thay vì phải tốn tiền cho 3G, quả là quá xứng đáng ấy chứ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày