Chỉ có 2 smartphone trên thế giới sở hữu công nghệ này, một trong số đó là Bphone

    Yến Thanh,  

    Sau gần 1 năm ứng dụng trên Bphone, công nghệ này vẫn chỉ là của hiếm trong làng công nghệ.

    Dù Bphone đã có gần 1 năm tuổi, Bphone 2 cũng rục rịch chuẩn bị ra mắt, thế nhưng người ta vẫn nhắc tới Bphone thế hệ đầu tiên như một tượng đài công nghệ thực sự. Bởi trên chính chiếc smartphone "Made in Việt Nam" đầu tay của Bkav, vẫn có một công nghệ được mệnh danh là hàng đầu thế giới hiện nay.

    Theo tìm hiểu, công nghệ độc nhất nói trên chỉ mới được ứng dụng vào 2 smartphone trong tổng số rất nhiều mẫu điện thoại có mặt trên toàn thế giới hiện nay. Một trong 2 chiếc smartphone may mắn đó chính là Bkav Bphone của người Việt. Nói tới đây, liệu bạn có đoán ra công nghệ độc đáo này?

    Công nghệ độc nhất chỉ có 2 smartphone trên thế giới sở hữu

    Có thể bạn đã biết, Bphone từng là smartphone đầu tiên trên thế giới ứng dụng chuẩn công nghệ TransferJet. Về lý thuyết, TransferJet là một giao thức kết nối không dây tầm ngắn, được Sony phát triển từ năm 2008, sau đó được nhiều công ty như Olympus, Toshiba ủng hộ nghiên cứu.

    Ý tưởng về TransferJet xuất phát từ yêu cầu truyền dữ liệu giữa hai thiết bị ngang hàng mà không cần sử dụng kết nối vật lý. Bằng cách chạm hoặc đặt hai thiết bị sát nhau, TransferJet cho phép truyền dữ liệu với tốc độ cao mà không cần khâu xác nhận bằng mã.

    Tốc độ truyền tối đa theo lý thuyết của TransferJet là 560 Mbps (tương đương 70 MB/giây). Sau khi sửa lỗi và thực hiện các giao thức khác, tốc độ tối đa sẽ là 375 Mbps (khoảng 47 MB/giây). Đối với Bphone, Bkav tuyên bố tốc độ truyền sẽ đạt 200 Mbps (khoảng 25 MB/giây).

    Dù đôi khi bị nhầm lẫn với NFC (Near Field Communication) nhưng TransferJet là công nghệ hoàn toàn khác, chỉ có cùng mục tiêu là tập trung vào truyền dữ liệu tốc độ cao. Điểm thuận lợi là hai hệ thống này sẽ không gây nhiễu lẫn nhau và thậm chí có thể cùng sử dụng cùng lúc.

    Các sản phẩm gần đây có tích hợp TransferJet như sạc không dây có thể vừa truyền dữ liệu, vừa sạc không dây cùng lúc. TransferJet, NFC và sạc không dây là ba công nghệ tầm gần được dự đoán sẽ loại dần các kết nối vật lý đang được dùng để giao tiếp giữa các thiết bị với nhau hiện tại.

    Smartphone còn lại có sử dụng công nghệ TransferJet là gì?

    Ngoài Bphone của người Việt, một smartphone của Fujitsu cũng may mắn sở hữu công nghệ TransferJet. Đây là chiếc Fujitsu Arrows NX F-04G, trang bị nhiều tính năng độc đáo. Chưa rõ tốc độ truyền tải trên Arrows NX F-04G ra sao, nhưng sự xuất hiện của TransferJet là hoàn toàn có thật.

    So với Bphone của Bkav, Arrows NX F-04G trên Fujitsu ra đời sau. Bphone được Bkav trình làng vào cuối tháng 5 năm ngoái, trở thành mẫu điện thoại đầu tiên trên thế giới vận dụng thành công chuẩn TransferJet. Trong khi đó, Arrows NX F-04G chỉ được hãng sản xuất Nhật Bản tung ra sau gần 1 tháng.

    Thế nhưng, tính năng tiên phong số một trên Fujitsu Arrows NX F-04G lại là công nghệ quét mống mắt hay còn gọi là tròng đen của mắt (Iris Passport) trên smartphone. Đây cũng được xem là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới được trang bị công nghệ bảo mật này.

    Nghĩa là ngoài Bphone của Bkav và Arrows NX F-04G của Fujitsu, chưa có bất kì mẫu smartphone nào trên thế giới được trang bị công nghệ truyền dữ liệu tốc độ cao TransferJet. Ngay cả khi Bphone tròn 1 năm tuổi, TransferJet vẫn chỉ là của hiếm trong làng công nghệ.

    Câu hỏi đặt ra lúc này, tại sao một công nghệ như TransferJet trên Bphone lại không được ứng dụng rộng rãi. Tại sao các siêu phẩm cùng thời, hoặc thậm chí là sau này như Apple iPhone 6s hay Galaxy S7 của Samsung lại không trang bị chuẩn kết nối TransferJet?

    Tiên phong nhưng cần thực tế

    Trước Bphone, đã không ít nhà sản xuất smartphone chấp nhận đi tiên phong trong lĩnh vực di động, áp dụng các công nghệ mới mà chưa sản phẩm nào có được. Thế nhưng, không phải lúc nào đi tiên phong cũng luôn hưởng lợi. Như câu chuyện về chuẩn TransferJet là một ví dụ.

    Có 2 lý do chính khiến công nghệ TransferJet lần đầu tiên xuất hiện trên Bphone chưa được áp dụng rộng rãi trên thị trường di động hiện nay. Thứ nhất là về phần cứng. Do là một chuẩn mới nên TransferJet chưa được hỗ trợ nhiều, và đến nay chưa có nhiều thiết bị được tích hợp sẵn kết nối này.

    Muốn giao tiếp với Bphone hay điện thoại của Fujitsu, người dùng cần phải gắn với một USB dongle để sử dụng. Thứ hai là yếu tố phần mềm. Để TransferJet hoạt động ổn định trên các thiết bị, người dùng vẫn cần phải tải phần mềm do Toshiba phát hành, có thể nói là quy trình khá phức tạp.

    Rõ ràng, việc Bkav và Bphone dám đi tiên phong là điều đáng được hoan nghênh và khen ngợi. Nhưng có chăng, CEO Nguyễn Tử Quảng nên chọn lựa một công nghệ thực sự có tiềm năng để đưa vào ứng dụng trên chiếc siêu phẩm tiếp theo của người Việt.

    Còn theo những thông tin mới nhất, Bphone 2 nhiều khả năng sẽ trang bị cảm biến đọc vân tay 3D đặt dưới màn hình của Qualcomm. Một lần nữa, đây cũng là công nghệ độc nhất chưa có trên bất kì smartphone nào hiện nay. Vậy trong lần tiên phong tiếp theo, Bphone 2 sẽ đi về đâu?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày