Chia tay Xiaomi để đến với Facebook, Hugo Barra đã để lại sau lưng giấc mơ chinh phạt còn dang dở

    Tuấn Hưng,  

    Barra đến với Xiaomi mang theo mình tham vọng lớn lao, đó là đem những thành công mà "Apple của Trung Quốc" đã làm được tại quê nhà "gieo rắc" nó sang những thị trường lớn khác. Tuy nhiên ông đã không thể thực hiện được điều này.

    Tạm biệt Trung Quốc, xin chào thế giới thực tế ảo

    Hugo Barra giờ đã về phe Facebook
    Hugo Barra giờ đã về "phe" Facebook

    Sau khi dành 3 năm rưỡi tại Bắc Kinh để dẫn dắt “Apple của Trung Quốc” Xiaomi, Barra sẽ quay trở lại Thung lũng Silicon để đảm nhận vị trí lãnh đạo mảng phát triển công nghệ thực tế ảo của công ty mạng xã hội lớn nhất hành tinh, Facebook Inc.

    Ông ra đi để lại một di sản đang còn dang dở...

     Quyết định dứt áo ra đi của Barra khỏi Google khiến nhiều người ngỡ ngàng

    Quyết định "dứt áo ra đi" của Barra khỏi Google khiến nhiều người ngỡ ngàng

    Vào năm 2013, Phó chủ tịch Quản lý sản phẩm Android của Google đã khiến cả thế giới không khỏi bất ngờ khi nói lời chia tay “gã khổng lồ tìm kiếm” để về đầu quân cho Xiaomi, phụ trách lĩnh vực mở rộng thị trường quốc tế.

    Mặc dù ông đã đóng góp không nhỏ trong việc nâng doanh thu của công ty Trung Quốc này tại Ấn Độ, tuy nhiên những nỗ lực tại các quốc gia khác trên thế giới không đem lại nhiều thành công. Barra đến với Xiaomi mang theo mình những tham vọng lớn lao, nhưng lại không thể dự đoán trước cũng như vượt qua được những khó khăn, thử thách của thị trường smartphone toàn cầu.

    “Chính ông ấy là người đã khiến khách hàng trên toàn thế giới nghĩ về sản phẩm của Xiaomi đầu tiên khi nói tới smartphone,” Bryan Ma, phó chủ tịch lĩnh vực nghiên cứu thiết bị của IDC Singapore cho biết. “Tuy nhiên khi vào những con số thực tế, thì kết quả lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều.”

     Hai tuần trước, CEO Lei Jun đã viết tâm thư chia sẻ với nhân viên của mình về những khó khăn đang gặp phải

    Hai tuần trước, CEO Lei Jun đã viết "tâm thư" chia sẻ với nhân viên của mình về những khó khăn đang gặp phải

    Trong bức “tâm thư” gửi nhân viên của mình hai tuần trước, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Lei Jun đã chia sẻ rằng, thời gian gần đây công ty đã phải đối mặt với những trở ngại “khó quên”, khiến thị phần của họ tại Trung Quốc sụt giảm, và hiện tại họ cần phải tập trung vào sự “phát triển bền vững, lâu dài.” Thành công của Xiaomi phần lớn đến từ việc bán hàng online, dẫu vậy giờ đây họ buộc phải mở những cửa hàng chính hãng tại quê nhà để cạnh tranh với các đối thủ.

    Barra từ chối đưa ra bình luận về vấn đề nói trên, nhưng ông vẫn đề cập tới những thành tựu mà mình đã gặt hái được trước thời gian từ chức, trong đó phải kể đến việc mở rộng thị trường sang Ấn Độ và hơn 20 quốc gia khác. Đại diện của Xiaomi cũng cho biết vào thứ 5 vừa qua, ông cũng nói rằng mình vẫn sẽ tiếp tục cố vấn cho công ty Trung Quốc này trong tương lai.

    Khi ông “xách balo lên và đi” khỏi vùng California đầy nắng và gió để chuyển tới làm việc tại Bắc Kinh “ngập” khói bụi, Barra đã khiến cả thế giới phải dõi theo từng bước đi của ông. Mạnh mẽ, cuốn hút và tự tin trên sân khấu thuyết trình, người đàn ông xứ Brazil này đã chỉ dẫn cho Xiaomi làm thế nào để đưa những dòng sản phẩm mới vô cùng phong phú của mình – bao gồm cả vòng đeo tay thể thao, tai nghe, máy lọc không khí,… - đến được với những quốc gia có tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ.

    Barra chính là đại xứ của Xiaomi - Bryan Ma nhận xét
    Barra chính là đại xứ của Xiaomi - Bryan Ma nhận xét

    “Ông chính là đại xứ của Xiaomi, là người đã kết nối họ với phần còn lại của thế giới,” ông Ma nhận xét. “Barra là con người nhiệt huyết, lôi cuốn trên sân khấu, người đã giúp những khách hàng tiềm năng biết tới công ty Trung Quốc này.”

    Từ năm 2012 đến năm 2015, doanh thu mảng smartphone của Xiaomi phát triển nhanh đến chóng mặt, số lượng điện thoại bán ra tăng gấp 6 lần nhờ kinh doanh online theo hình thức flash sale và sức mạnh của mạng xã hội – nền tảng mà họ sử dụng để quảng bá sản phẩm. Cuối năm 2014 và năm 2015, Xiaomi “thống trị” thị phần smartphone nước nhà, khiến cho truyền thông Trung Quốc cũng như thế giới phải trầm trồ khen ngợi họ là “Apple của đất nước tỷ dân.”

    Khi Barra gia nhập Xiaomi, ông đã hi vọng rằng mình có thể giúp thành công đó không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, mà còn phải lan tỏa ra những nước khác, và đặt trọng tâm chiến lược vào Brazil và Ấn Độ. Tham vọng của cựu Phó chủ tịch Quốc tế này tưởng chừng như nằm chắc trong tầm tay, bởi cuối năm 2014, ước tính giá trị huy động vốn của Xiaomi lên tới 45 tỷ USD, cao nhất trong số những startup đứng đầu trên toàn thế giới.

    Ngôi vị đầu bảng của Xiaomi nhanh chóng bị lung lay
    Ngôi vị đầu bảng của Xiaomi nhanh chóng bị lung lay

    Ấy vậy mà vị thế “ngôi vương” của Xiaomi nhanh chóng bị lung lay. Phải đối mặt với những đối thủ “nặng ký” với giá thành rẻ hơn như Vivo hay Oppo đã khiến Xiaomi bị tụt xuống vị trí thứ 4 tại “sân nhà”. Họ chỉ tập trung vào việc kinh doanh trực tuyến, trong khi những tên tuổi khác lại đi theo hướng xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ, bởi lẽ đó là phương thức truyền thống khi khách hàng muốn “sắm” cho mình một chiếc điện thoại mới. Những khó khăn, thử thách tại quê hương đã là điềm báo về rào cản sắp tới của họ tại các thị trường khác.

    “Áp dụng mô hình thương mại điện tử của Trung Quốc sang Ấn Độ và Indonesia không hề đơn giản. Mỗi một đất nước lại có văn hóa Internet khác nhau,” Edward Tse, cố vấn kinh doanh người Hồng Kông và đồng thời là tác giá của cuốn sách “Chine’s Disruptors,” đã miêu tả về giai đoạn đầu của Xiaomi và những công ty công nghệ Trung Quốc khác.

    Nhờ có việc di chuyển, đi lại liên tục đến Ấn Độ – và tường thuật lại nó qua các phương tiện truyền thông, xã hội – Hugo đã tạo dựng được một thương nghiệp smartphone mang về hơn 1 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm cho Xiaomi, một thành công mà ông đã nhắc tới trong ghi chú của mình trên Facebook. Xiaomi hiện đang nắm giữ vị trí thứ 3 của thị trường smartphone Ấn Độ, chỉ đứng sau Samsung và Vivo với 9% thị phần, theo trang Counterpoint Research cho biết.

     “Hugo chính là “đầu tàu” đã đưa những sản phẩm gắn mác Xiaomi ‘xuất ngoại’ ra thế giới,” Gary Rieschel chia sẻ

    “Hugo chính là “đầu tàu” đã đưa những sản phẩm gắn mác Xiaomi ‘xuất ngoại’ ra thế giới,” Gary Rieschel chia sẻ

    “Hugo chính là “đầu tàu” đã đưa những sản phẩm gắn mác Xiaomi ‘xuất ngoại’ ra thế giới,” Gary Rieschel, một trong những nhà đầu tư của Xiaomi đầu tiên chia sẻ. “Những nỗ lực làm việc của ông ấy thật đáng ngưỡng mộ.”

    Barra cũng không quên cảm ơn Lei Jun và những người hâm mộ Xiaomi trong bài viết chia tay của mình. “Quãng thời gian gắn bó với Xiaomi vừa qua quả là một hành trình kỳ diệu và vô cùng đáng nhớ đối với tôi,” ông viết, “Tôi có thể tự hào mà nói rằng Xiaomi Global chính là đứa con tinh thần mà tôi đã góp phần nuôi dưỡng, phát triển để đưa nó đến với phần còn lại của thế giới.”

    Neil Shah, giám đốc điều nghiên của Counterpoint tại Ấn Độ, nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng của Xiaomi tại thị trường Ấn Độ đã gần đạt tới đỉnh điểm. “Luôn có một mức độ tối đa nhất định về số lượng hàng được bán ra theo hình thức thương mại điện tử, bởi 60 – 70% thị phần đều thuộc các phương thức giao dịch truyền thống,” ông nói. “Đồng hương” Trung Quốc Vivo, hãng tập trung vào việc mở cửa hàng bán lẻ, đã vượt mặt Xiaomi tại Ấn Độ.

     Apple Trung Quốc đổ bộ vào Ấn Độ

    "Apple Trung Quốc" đổ bộ vào Ấn Độ

    Bryan Ma nói rằng Xiaomi vẫn còn “có cửa sống” tại Ấn Độ trong năm sau, tuy nhiên quãng thời gian tiếp theo thì ông không dám chắc. “Viễn cảnh tại Ấn Độ cũng phần nào phản ánh được hiện trạng tại Trung Quốc. Khi người tiêu dùng chuyển sang mua bán tại cửa hàng truyền thống, lúc đó thị trường sẽ “thiên vị” Oppo và Vivo hơn.”

    Theo như IDC cho biết, Ấn Độ giờ đây là thị trường quốc tế chủ yếu của Xiaomi – chiếm tới hơn 62% số lượng smartphone tiêu thụ của họ trong 9 tháng đầu năm 2016. Tiếp theo là Myanmar với 16%. “Khi nói tới thị trường smartphone toàn cầu thì ít ai nghĩ tới Myanmar đầu tiên,” ông Ma nói.

    Sau khi khai trương “rầm rộ” vào mùa hè năm 2015, văn phòng của Xiaomi tại Brazil đã phải đóng cửa vào năm ngoái. Vị thế cao nhất mà gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này đạt được tại đây là vào thời điểm Q4/2015 và Q1/2016, chiếm khoảng 1% thị phần smartphone tại đây, theo lời của Tina Lu, người lãnh đạo Counterpoint Research tại Mỹ Latinh.

     Xiaomi tiến quân đến Brazil hồi năm 2015

    Xiaomi tiến quân đến Brazil hồi năm 2015

    “Bất kể họ bán ra mặt hàng gì, thì đều bị thua lỗ cả,” bà cho biết. “Nếu sản phẩm không được sản xuất tại đây thì đều bị đánh thuế lên tới 60%.” Xiaomi đã từng nung nấu kế hoạch nhưng lại chưa có cơ hội thực hiện việc xây dựng các cơ sở lắp ráp điện thoại tại Brazil.

    Một cựu nhân viên làm việc tại văn phòng của Xiaomi ở Brazil cho biết, xứ sở Samba được coi là “miếng mồi ngon” tuy nhiên chính quyền địa phương lại là trở ngại lớn nhất của họ tại đây. Không chỉ vậy, ngoài việc bị đánh thuế rất nặng và không cạnh tranh lại được với những thương hiệu đã quá nổi tiếng, tồn tại ở đây ít nhất 10 năm như Apple, Samsung, Motorola hay Sony,… thì việc thống nhất chiến lược kinh doanh của họ với trụ sở tại Bắc Kinh cũng hết sức khó khăn, người này cho biết.

    Mục tiêu “tái hiện” lại được thành công của Xiaomi với những nước đang phát triển bỗng chốc lại trở nên cực kỳ nan giải – từ việc phải nâng giá lên cao vì mức thuế quá nặng của Brazil đối với những thiết bị có xuất xứ nước ngoài; đến những vụ kiện vì vi phạm bằng sáng chế tại Ấn Độ; và cuối cùng là sự thích nghi chậm chạp với hệ thống thương mại điện tử của các quốc gia này so với Trung Quốc.

    Sự thích nghi chậm chạp với hệ thống thương mại điện tử là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của Xiaomi tại các nước đang phát triển
    Sự thích nghi chậm chạp với hệ thống thương mại điện tử là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của Xiaomi tại các nước đang phát triển

    Rất nhiều người, trong đó có cả bản thân tôi, đã từng nghĩ rằng, nếu một startup công nghệ Trung Quốc có thể gặt hái được thành công tại quê nhà, thì họ cũng có thể làm được điều đó ở mọi nơi khác. Tuy nhiên tôi đã sai lầm,” Clay Shirky, giáo sư tại đại học New York và đồng thời là tác giả của cuốn sách được xuất bản năm 2015, “Little Rice: Smartphones, Xiaomi and the Chinese Dream.”

    Giờ đây, Xiaomi sẽ phải chú trọng hơn trong cuộc chiến tranh giành thị phần tại Trung Quốc. Trong bức tâm thư gửi nhân viên của mình, Lei Jun đã thừa nhận rằng công ty đã mất tập trung khi cố gắng phát triển nhanh chóng, mở rộng thị trường lẫn dòng sản phẩm mới. “Đó là lý do tại sao chúng ta phải chậm lại, và học tập từ những sai lầm của mình,” ông viết.

    Barra không phải là lãnh đạo cao cấp duy nhất rời khỏi công ty trong thời kỳ tụt dốc. Vào tháng 10 năm ngoái, Chen Tong, phó chủ tịch mảng nội dung của Xiaomi, đã rời công ty để gia cập tờ báo Yidianzixun. Zhang Jinling, phó chủ tịch lĩnh vực quản lý tài chính và đầu tư chia tay với “Apple Trung Quốc” để đến với Baidu Inc.

    Với sự ra đi của hàng loạt lãnh đạo cấp cao trong thời kỳ khủng hoảng, liệu Xiaomi có đủ sức vực dậy?
    Với sự ra đi của hàng loạt lãnh đạo cấp cao trong thời kỳ khủng hoảng, liệu Xiaomi có đủ sức vực dậy?

    “Xiaomi đã có chuỗi ngày hoàng kim trong quá khứ, những khoảnh khắc mà họ không bao giờ quên được,” ông Tse chia sẻ. “Tuy nhiên để vực dậy được, họ cần phải dốc hết sức lực để xây dựng lại thương hiệu của mình. Giờ đây, trong con mắt người Trung Quốc, họ chỉ là một công ty đang xuống dốc mà thôi.”

    Theo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ