Chiếc xe máy cũ nát vẫn ‘chạy phành phạch’ và lý do bất ngờ khiến Samsung chọn xây nhà máy tại Việt Nam

    Thảo Nguyên, Theo Trí Thức Trẻ 

    "Trong cuộc sống có nhiều mặt. Chính trị không thể thoát khỏi kinh tế. Mà kinh tế thì không thoát khỏi văn hóa. Không hiểu văn hóa là không làm được gì", nguyên PTT Vũ Khoan

    Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 4 lần, vượt mốc 350 tỷ USD. Tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu lần lượt các năm 206-2007 gấp 1,2 lần, giai đoạn 2007-2012 gấp 2 lần, từ 2012-2015 là 1,5 lần, từ 2015-20169 là 1,16 lần. Tốc độ tăng trưởng thương mại lớn được các chuyên gia kinh tế đánh giá là minh chứng tốt cho độ mở nền kinh tế Việt Nam đang rất cao.

    Sự thay đổi rõ nhất kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng mạnh. Nếu như năm 2006 Việt Nam chỉ thu hút được 10 tỷ USD FDI thì đến nay tổng vốn đăng ký gần gấp 30 lần với hơn 22 nghìn dự án. Hội nhập kinh tế toàn cầu cũng giúp GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD năm 2006 lên mức 2.445 USD năm 2016.

    Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan được xem là một trong những người đóng góp tích cực cho công cuộc hội nhập kinh tế Việt Nam. Năm 2000, ông được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ thương mại rồi làm trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO. Năm 2002 ông được bổ nhiệm vị trí Phó thủ tướng, phân công phụ trách kinh tế đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về APEC.

    Chia sẻ với giới trẻ trong một hội nghị Kinh tế học gần đây, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của am hiểu văn hóa trong hội nhập kinh tế: "Trong cuộc sống có nhiều mặt. Chính trị không thể thoát khỏi kinh tế. Mà kinh tế thì không thoát khỏi văn hóa. Không hiểu văn hóa là không làm được gì".

    Văn hóa mà nguyên PTT Vũ Khoan muốn nhấn mạnh đến không phải cầm kỳ thi họa mà là cách ứng xử với con người. Theo đó, cách ứng xử của con người với văn hóa như thế nào sẽ vận dụng vào kinh tế, chính trị như thế. Vốn là chuyên gia ngoại giao lâu năm, ông cho rằng đặc trưng văn hóa của người Việt rất khác văn hóa của người Nhật, rất khác văn hóa của người Trung Hoa, của Mỹ.

    "Làm kinh tế hội nhập với thế giới mà không biết thế giới, văn hóa của người ta thì làm sao làm được", ông nhắc lại.

     Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ tại Hội nghị kinh tế học mở rộng 2017.

    Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ tại Hội nghị kinh tế học mở rộng 2017.

    Hiện nay Việt Nam rất coi trọng hợp tác với Nhật nhưng theo nguyên PTT Vũ Khoan, không biết văn hóa của người Nhật thì rất khó vì không hiểu nhau. Dẫn chứng về đặc điểm cần cù của người Việt Nam, nguyên PTT Vũ Khoan phân tích sự khác biệt văn hóa. Ông cho rằng không chỉ người Việt mới cần cù, người Nhật, người Trung Hoa, Hàn Quốc cũng rất cần cù. Thế nhưng cần cù Việt Nam và cần cù Nhật là rất khác nhau.

    Cần cù người Nhật là cực kỳ chỉn chu, chu đáo trong chuẩn bị còn người Việt Nam rất cẩu thả trong khâu chuẩn bị. Nhưng người Nhật rất lúng túng khi có sự thay đổi bởi họ có sự chuẩn bị cẩn thận, họ suy nghĩ, tưởng tượng ra rất nhiều thứ, rất kín kẽ nhưng cuộc sống luôn biến hóa muôn hình vạn trạng. Còn với người Việt Nam bất kỳ tình huống thay đổi nào đều thích nghi được hết. "Đây là 2 nét khác nhau về văn hóa khi cùng nói về cần cù", ông nhấn mạnh.

    Ví dụ thứ 2 được ông Vũ Khoan nhắc đến chính là cách người Hàn Quốc, Samsung khéo léo tận dụng nét văn hóa Việt Nam. Chuyện là trong một lần ông sang thăm nhà máy Samsung Việt Nam tình cờ gặp Tổng giám đốc tập đoàn này, "Why VietNam?" hay "Tại sao các vị chọn Việt Nam?" là câu hỏi được nguyên PTT đặt ra.

    Vị lãnh đạo chia sẻ câu chuyện mình vừa có chuyến công tác tới Ấn Độ, Samsung cũng có nhà máy ở đây nhưng ông quan sát được một điều rất lạ. Đó là chiếc xe máy ở Việt Nam dù cũ nát ra sao cũng vẫn chạy ‘phành phạch’ được trong khi ở nước khác đã bị vứt đi lâu rồi. Ông cho rằng thợ sửa xe Việt Nam rất giỏi, cũ nát đến đâu cũng chữa được. Điều này chứng tỏ tay họ rất khéo. Nhưng lại có nhược điểm là họ chỉ làm những chuyện vặt, sáng tạo trong mông má chứ không phải sáng tạo ra cái mới.

    "Họ tận dụng cái sáng tạo, khéo léo đó của người Việt Nam trong lắp ráp chứ không tạo ra điện thoại thông minh", ông Vũ Khoan nhớ lại.

    Không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của am hiểu văn hóa trong kinh tế, điều vị nguyên PTT đúc rút được từ cuộc đời mình muốn gửi gắm thế hệ trẻ tiếp theo chính là: Cuộc đời tốt nhất là đừng có lựa chọn, để trưởng thành.

    "Mình không chọn cuộc đời mà cuộc đời chọn mình. Mình hãy thích nghi với cuộc đời này. Trên đời có 3 việc đừng thắc mắc, đừng bàn: Sinh- tử đừng nghĩ đến; Lên lương lên chức do người khác quyết định (thuận thì lên không thì thôi) và Duyên số cuộc đời", nhà lãnh đạo cao cấp 80 tuổi chia sẻ.

    Theo ông khi cuộc đời bị đẩy vào chân tường, cách thích nghi chính là phải học. Học từ sách vở, học từ anh em bạn bè đồng nghiệp và cuộc đời ông cũng là minh chứng cho quá trình tự học. Năm 1951 ông được Chính phủ cử sang học tại Trung Quốc. Đến năm 1954 ông tiếp tục được chọn sang Liên Xô học tiếng Nga. Theo lời kể sau khi học được 1 năm, ông được chọn ra làm việc tại Đại sứ quán và lần đầu tiên ông tiếp xúc với kinh tế bằng việc đọc một cuốn sách tiếng Nga. Cũng từ đây ông được công việc ngoại giao và kinh tế lựa chọn nhiều lần dù đến nay ông vẫn không thừa nhận mình là nhà kinh tế học.

    "Giao cho bất kỳ việc gì thì làm hết lòng hết sức, làm việc phải đến nơi đến chốn", đó là điều ông luôn tâm niệm.

    Một điều khác nguyên PTT Vũ Khoan muốn nhắc người trẻ chính là phải biết về đất nước Việt Nam."Không chỉ trong ngành ngoại giao mà bất kỳ ai cũng phải biết. Không biết Việt Nam không làm được gì đâu và phải sát với thực tế cuộc sống", ông nhấn mạnh. Theo ông hiện nhiều người được đi học, am hiểu Đông Tây nhưng "Tài là tài vận dụng chứ không phải mớ kiến thức".

    "Mình học được những kiến thức, kinh nghiệm của Thế giới rồi, nhưng phải biết cách vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam", ông lấy ví dụ về nhiệm vụ chồng lạm phát từng những năm 1980 được Chính phủ giao cho. Dù đã học được kinh nghiệm các nước thế nhưng khi về Việt Nam, chính ông và các nhà quả lý được yêu cầu phải xuống các hợp tác xã, nhà máy, phiên chợ để tìm hiểu xem lạm phát nó biểu hiện như thế nào ở mỗi vùng, miền, địa phương để ứng dụng kinh nghiệm của Thế giới ra sao.

    "Cuộc sống có những quy luật vận hành riêng và đừng áp đặt lên cuộc sống", ông kết luận.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày