Chiến thắng trong vụ kiện hoverboard phát nổ cho thấy quyền lực trong mô hình kinh doanh của Amazon lớn như thế nào

    Nguyễn Hải,  

    Các thẩm phán cho rằng Amazon chỉ đóng vai trò như một sàn giao dịch kết nối người mua và người bán, nên không phải chịu trách nhiệm pháp lý cho các vụ việc này.

    Vào cuối năm 2015, Fox, một bà mẹ của bốn đứa con tại Nashville, đã mua tại gian hàng “W-Deals” trên Amazon một chiếc ván trượt cân bằng hoverboard cho đứa con trai 13 tuổi của cô làm quà Giáng Sinh. Thời điểm đó, loại xe hai bánh tự thăng bằng này là một món hàng hot nhất để làm quà. Bản thân Amazon đã bán được gần 250.000 chiếc như vậy chỉ trong 30 ngày.

    Nhưng đến ngày 9 tháng Mười Hai năm 2016, chỉ ngay sau đợt nghỉ lễ, chiếc hoverboard của nhà bà Fox đột nhiên phát nổ và thiêu hủy gần như toàn bộ ngôi nhà, làm hai đứa con của cô phải nhảy qua cửa sổ tầng 2 để thoát khỏi đám cháy còn ông chồng Brian của bà bị gãy 2 xương khuỷu tay và bong gân khi cố gắng đỡ hai đứa trẻ.

    Gia đình nhà bà Fox đã khởi kiện Amazon số tiền 30 triệu USD, cho rằng công ty phải có nghĩa vụ cảnh báo khách hàng về những nguy hiểm mà họ biết có tồn tại. Đối với chiếc hoverboard mua trên Amazon, nó được đóng gói với tem nhãn của Amazon, cũng như toàn bộ số tiền được thanh toán cho công ty này. Bà Fox không thể tìm được nhà sản xuất Trung Quốc của thiết bị này.

     Ngôi nhà bà Fox sau đám cháy.

    Ngôi nhà bà Fox sau đám cháy.

    Bà Fox cho rằng, Amazon là người đồng bán hàng của thiết bị này, ngay cả khi nó được bán dưới một gian hàng với một cái tên khác. Do vậy, Amazon phải chịu trách nhiệm cho sự việc trên.

    Thế nhưng tuần vừa qua, một thẩm phán tại Tennessee đã ra phán quyết rằng Amazon không phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại gây ra bởi chiếc hoverboard này, cho dù nó được bán trên website của Amazon.

    Các chiến thắng pháp lý bảo vệ cho Amazon

    Đây là chiến thắng pháp lý mới nhất của Amazon. Nhiều năm nay công ty đã phải chống đỡ với các tranh cãi liên quan đến chất lượng và tính an toàn của sản phẩm bằng cách lập luận rằng, mình chỉ là một sàn giao dịch, nhằm kết nối giữa người mua và người bán thông qua một cổng thông tin nổi tiếng, để tạo thuận lợi cho việc giao dịch với một hệ thống hậu cần tinh vi.

    Trước đó trong một vụ kiện vào năm 2016, khi một viên pin điện thoại LG đã phát nổ trong túi khách hàng, Amazon cũng giành chiến thắng.

    Không chỉ các vấn đề liên quan tới tính an toàn, thành công của công ty trong phòng xử án còn đi xa hơn thế. Amazon cũng giành chiến thắng trong các vụ kiện về giành quyền sở hữu trí tuệ trước các công ty như nhà sản xuất áo gối Milo & Gabby. Công ty này đã khởi kiện Amazon vì niêm yết các sản phẩm giả mạo thương hiệu của họ. Tuy nhiên, tòa án phán quyết rằng, Amazon không phải người bán nên không có trách nhiệm pháp lý với vi phạm này.

    Các thẩm phán dường như đang ngày càng củng cố thêm quyền lực cho mô hình kinh doanh của Amazon như một bên trung gian có quyền lực tối thượng. Nhưng đối với người tiêu dùng Mỹ, điều này ngày càng mang lại nhiều lo ngại hơn.

    Người dùng Mỹ ngày càng mua nhiều hàng trên Amazon hơn. Từ các sản phẩm thời thượng như chiếc hoverboard hay máy bay không người lái drone, cho đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như vitamin, các sản phẩm chăm sóc da và tóc, … Amazon đã trở thành điểm đến để có được mọi thứ một cách nhanh chóng và được giao hàng trong vòng 2 ngày.

    Cùng với đó là ngày càng nhiều sản phẩm được những người bán bên thứ ba ở Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới rao bán tại đây. Một vài người trong số họ không thể tìm thấy khi có chuyện gì đó xảy ra. Một nửa số sản phẩm được bán trên Amazon đến từ các nhà buôn trên sàn giao dịch này.

    Trong tuyên bố của mình gửi đến CNBC, Amazon cho biết rằng các nhà buôn bên thứ ba bị “bắt buộc phải tuân thủ các luật và quy định liên quan khi bay bán các sản phẩm trong gian hàng của chúng tôi.” Công ty cũng cho biết, họ đang có các biện pháp ngăn chặn những sản phẩm đáng ngờ được niêm yết và rằng, chúng sẽ bị loại bỏ khi cần thiết.

    Họ không phải chơi theo cùng quy tắc

    Nhưng nếu Amazon không phải chịu trách nhiệm cho các sản phẩm bị lỗi được bán qua trang web của họ, khách hàng sẽ là người phải gánh chịu toàn bộ thiệt hại. Đó là vì người tiêu dùng thường không thể tìm được ai đã sản xuất các sản phẩm lỗi này để buộc họ phải chịu trách nhiệm.

    Nơi này như một miền Tây hoang dã vậy.” David Wilk, luật sư về thương tích cá nhân tại hãng Lepley, Engelman, Yaw và Wilk tại Williamsport, Pennsylvania cho biết. “Amazon đã quá lớn mạnh và vượt trội, và họ sẽ ngày càng lớn hơn nữa để có thể ném những cửa hàng truyền thống ra khỏi cuộc chơi. Nhưng họ không phải chơi cùng với các quy tắc đó.”

    Một khách hàng của Wilk, cô Heather Oberdorf, đã bị mù một phần vào năm 2015 khi một dây xích chó có thể cuộn lại mà cô mua trên Amazon bị bật ra và đập vào mặt cô. Sau vụ tai nạn, cô không tìm được người đại diện của bên bán, The Furry Gang, hoạt động trên Amazon dưới cái tên gian hàng Dogaholics. Amazon là đơn vị duy nhất cô tiếp xúc. Tuy nhiên, vào tháng Mười Hai, thẩm phán ở Pennsylvania bác bỏ vụ kiện và đưa ra các lập luận để củng cố khái niệm về sàn giao dịch của Amazon.

    Sàn giao dịch Amazon Marketplace đóng vai trò như một mục đăng quảng cáo trên tờ báo, kết nối các người dùng tiềm năng với những người bán thiết tha theo cách liền mạch, hiện đại và hiệu quả.” Thẩm phán cho biết. “Họ không thể chịu trách nhiệm về trường hợp cô Oberdorfs theo lý thuyết trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt.”

    Wilk đang kháng cáo vụ việc ở Third Circuit tại Pennsylvania. Ông cho rằng Amazon phải được quản lý theo như các tiêu chuẩn dành cho Walmart hay Sears, khi các công ty này phải chịu trách nhiệm cho các sản phẩm bày bán trên kệ hàng của họ bởi vì họ đã đưa “sản phẩm vào luồng lưu thông.”

    "Email không cảnh báo"

    Đối với vụ kiện của bà Fox, đã có những lời khai và bằng chứng cho thấy các giám đốc của Amazon đã lo ngại về những hoverboard bán trên trang web của họ. Một giám đốc điều hành thừa nhận rằng ông đã loại bỏ chiếc hoverboard ra khỏi nhà mình trước Giáng Sinh sau khi nghe về “các vấn đề tiềm tàng.” CEO Jeff Bezos đã nhận được một email trực tiếp từ khách hàng cho biết chiếc hoverboard của họ đã bốc cháy khi con gái ông ta đang đi nó trong nhà.

    Trong một bản ghi nhớ gửi tới các giám đốc điều hành vào ngày 11 tháng Mười Hai, 2015, một phó chủ tịch Amazon cho biết công ty quyết định dừng bán hoverboard và gửi một email “không cảnh báo” (non-alarmist email) tới các khách hàng hiện tại. Quyết định này được đưa ra sau khi nhóm an toàn sản phẩm xác định có 17 khiếu nại về các trường hợp hoverboard bán trên Amazon cháy hoặc nổ ở Mỹ.

    Bà Fox nhận được email vào ngày tiếp theo. Email dẫn chiếu đến các “báo cáo gần đây về những vấn đề an toàn” và đưa ra các “chỉ dẫn an toàn” về sử dụng sản phẩm cũng như cho phép trả lại thiết bị và hoàn tiền. Nhưng email không đề cập đến các từ ngữ như “cháy” hoặc “phát nổ.” Bà Fox cho rằng, nếu Amazon nói với bà “những gì họ biết, tôi chắc chắn sẽ ném nó ra khỏi nhà mình.”

    Trong tuyên bố của mình sau đó, Amazon bảo vệ hành động của mình vào thời điểm đó. Họ đã “giám sát chặt chẽ các rủi ro với hoverboard từ khi chúng được chào bán lần đầu tiên,” và rằng họ là nhà bán lẻ đầu tiên dừng bán, đưa ra cảnh báo và đề nghị hoàn tiền cho các khách hàng sau khi biết về “các lo lắng về an toàn của đồ chơi này.”

    Amazon hiện là công ty giá trị thứ hai thế giới, và đang gia tăng mạnh mẽ trong khi các nhà bán lẻ khác như Sears và Macy’s đang phải giảm bớt cửa hàng của mình, còn Toys R Us đang phải thanh lý. Theo hãng One Click Research, Amazon hiện chiếm 44% doanh số thương mại điện tử của Mỹ vào năm ngoái.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ