Chimerica - Mối quan hệ cộng sinh Mỹ - Trung kéo dài nhiều thập kỷ qua đang ở bên bờ vực diệt vong

    Nguyễn Hải,  

    Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang liên tục leo thang, ngày càng nhiều lo ngại cho rằng mối quan hệ cùng có lợi cho đôi bên kéo dài nhiều thập kỷ qua sắp kết thúc.

    Wu Shichun, 42 tuổi, là một trong vô số các doanh nhân Trung Quốc đã trải qua bốn thập kỷ thịnh vượng nhờ việc tiếp cận các khách hàng Mỹ và tiền của họ. Nhưng với áp lực ngày càng đè nặng từ chính phủ Mỹ, hàng loạt doanh nhân và quỹ đầu tư vốn đang suy nghĩ lại một cách thấu đáo cách họ làm kinh doanh.

    Một trong các công ty được ông đầu tư, chuyên thiết kế và sản xuất các sản phẩm thời trang tại Trung Quốc và bán cho người tiêu dùng Mỹ trên Amazon.com. Một công ty khác là nhà sản xuất thiết bị vape với phần lớn doanh số đến từ Mỹ. Công ty thứ ba của Mỹ sản xuất các vật liệu kim loại cho các nhà sản xuất đồ điện tử, với 40% sản phẩm dành cho xuất khẩu. Cả ba công ty này đều bị ảnh hưởng bởi hạn mức thuế quan mới của chính phủ Mỹ.

    Chimerica - Mối quan hệ cộng sinh Mỹ - Trung kéo dài nhiều thập kỷ qua đang ở bên bờ vực diệt vong - Ảnh 1.

    Ông Wu cho biết. "Từ giờ, tôi sẽ phải đầu tư vào các công ty khác tập trung cho thị trường Trung Quốc. Tôi hy vọng cả Trung Quốc và Mỹ có thể tìm ra cách tốt hơn để cùng tồn tại. Không nhất thiết cả hai phải cùng bị hủy diệt."

    Chimerica - Mối quan hệ cộng sinh giữa Mỹ - Trung Quốc 

    Tương tự như vậy, nhiều doanh nhân và trí thức cũng đang hy vọng một thỏa thuận thương mại. Việc Trung Quốc trỗi dậy từ bóng đen của Cuộc Cách mạng Văn hóa được tiếp sức một phần nhờ các kết nối với nước Mỹ, đối tác mang đến các cơ hội đầu tư, thị trường và vận hội mới. Thậm chí trên internet Trung Quốc còn có một từ để mô tả các ràng buộc chặt chẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Chimerica (từ ghép giữa China và America).

    Feng Dahui, một nhân viên từ đầu của Alibaba và là một doanh nhân, viết trên tài khoản WeChat của mình: "Từ ngày chúng tôi sinh ra, thế hệ của tôi luôn chứng kiến cảnh kinh tế đất nước tiến theo hướng tốt hơn. Chúng tôi đã trải qua cuộc cách mạng internet và tận hưởng các lợi ích từ toàn cầu hóa. Giờ đây, niềm lạc quan đó đang rời khỏi chúng tôi. Mọi thứ dường như đang kết thúc đột ngột."

    Chimerica - Mối quan hệ cộng sinh Mỹ - Trung kéo dài nhiều thập kỷ qua đang ở bên bờ vực diệt vong - Ảnh 2.

    Từ hàng thập kỷ nay, các thỏa thuận hợp tác giữa Mỹ - Trung Quốc đã mang lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên. Chính các nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ và các nước khác đã là những người đầu tiên chống lưng và ủng hộ cho những người khổng lồ internet hiện nay của Trung Quốc như Alibaba hay Tencent. Đổi lại, sự trỗi dậy của những người khổng lồ này cũng mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư ban đầu đó.

    Cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra nhắm thẳng vào mối quan hệ Chimerica đó. Các mức thuế quan mới đe dọa sẽ cắt nhiều công ty Trung Quốc khỏi một thị trường rộng lớn.

    Không chỉ thuế quan, các thành viên diều hâu thương mại trong chính quyền ông Trump còn đang kêu gọi thực hiện việc cắt đứt quan hệ với những gì mà họ cho là có thể gây ra mối đe dọa chiến lược trong dài hạn đối với nước Mỹ. Họ cũng đang thúc đẩy việc hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào nước Mỹ, cắt đứt quan hệ nghiên cứu cũng như các ràng buộc khác.

    Giờ đây nhiều người Trung Quốc đang băn khoăn không biết điều gì sẽ xảy ra nếu các quốc gia cắt đứt quan hệ với nhau. Họ nghi ngờ liệu Trung Quốc có thể tiếp tục phép màu tăng trưởng nữa hay không khi các rào cản và các trở ngại thương mại ngày càng gia tăng.

    Chimerica - Mối quan hệ cộng sinh Mỹ - Trung kéo dài nhiều thập kỷ qua đang ở bên bờ vực diệt vong - Ảnh 3.

    Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng chiến tranh thương mại và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với khu vực tư nhân có thể làm dừng lại hoặc thậm chí đảo ngược tiến bộ của họ. Với một quốc gia mới thoát khỏi nạn đói mới từ một vài thế hệ trước, những ký ức đó dường như vẫn chưa quá xa xôi với nhiều người.

    Trong năm 2017, có một bài trên internet với tựa đề "A Guide to Eating Tree Bark" (Hướng dẫn ăn vỏ cây), mô tả cách người Trung Quốc ở khu vực Nội Mông sống sót trong suốt nạn đói khủng khiếp của thời kỳ Đại Nhảy Vọt. Gần đây bài đăng lại được lan truyền trở lại, thu hút đến 100.000 page view.

    Mâu thuẫn không chỉ nằm trong thương mại

    Mối lo ngại của các doanh nhân dường như không làm chính phủ Trung Quốc dao động. Phần lớn các nhà phân tích chính trị tin rằng, áp lực duy nhất có thể có tác động sẽ phải đến từ tầng lớp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và các phát ngôn chính thức chỉ tuân theo những chỉ đạo này. Các bình luận tiêu cực sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng khi phần lớn chúng bị chặn kiểm duyệt trên internet Trung Quốc.

    Chính phủ Trung Quốc vẫn giữ thái độ cứng rắn khi vào thứ Sáu tuần trước, tổng thống Trump leo thang chiến tranh thương mại bằng gia tăng thuế quan vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá đến 200 tỷ USD một năm. Kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc bình luận về động thái này của Mỹ: "Nếu nước Mỹ muốn nói chuyện, cánh cửa của chúng tôi luôn rộng mở. Nếu nước Mỹ muốn đối đầu, chúng tôi sẽ đấu với họ đến cùng."

    Chimerica - Mối quan hệ cộng sinh Mỹ - Trung kéo dài nhiều thập kỷ qua đang ở bên bờ vực diệt vong - Ảnh 4.

    Tổng thống Trump và chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh trong tháng 11 năm 2017.

    Đối với cuộc chiến tranh thương mại, cả hai bên đều có nhiều lý do để không tin tưởng lẫn nhau. Nước Mỹ chỉ trích Trung Quốc gây ra việc thất nghiệp trên quy mô lớn, ăn trộm các bí mật doanh nghiệp và lừa dối các quy tắc thương mại toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng chính Mỹ là người khơi mào cuộc chiến thương mại với nỗi sợ một đất nước Trung Quốc thịnh vượng trỗi dậy.

    Nhưng nhiều người tin rằng, mâu thuẫn giữa hai nước còn vượt quá vấn đề thương mại.

    Trong tháng Một, ông Li Ruogu, cựu chủ tịch Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc và là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng, nhiều người Trung Quốc, bao gồm cả các quan chức cấp cao, không nhận ra rằng, mối quan hệ giữa hai nước đã thay đổi về cơ bản. Mâu thuẫn hiện nay không phải chỉ vì nước Mỹ bị đe dọa bởi tăng trưởng từ Trung Quốc, mà còn vì tầm nhìn của họ về chính trị.

    Ông cho rằng. "Đó là mâu thuẫn giữa các hệ thống chính trị. Nó sẽ không kết thúc một cách dễ dàng."

    Một bài viết khác có góc nhìn tương tự ra bên ngoài các yếu tố thương mại có tựa đề "The Reasons Behind Chimerica Breakup" (Các nguyên nhân đằng sau sự tan vỡ của Chimerica). Cho dù không rõ tác giả là ai, nhưng việc bài viết trở nên phổ biến phản ánh mối nhận thức ngày càng rõ rệt về việc mâu thuẫn giữa hai quốc gia này không chỉ nằm trong thương mại và sẽ không có một giải pháp dễ dàng nào cho điều đó.

    Bài viết cho rằng, chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc đã tận dụng nguồn lao động giá rẻ trong nước để tăng trưởng và gây ra tác động tiêu cực đến cấu trúc tiền lương và giá tại Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Giờ đây Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của mình, trong khi Trung Quốc chỉ muốn mua thêm các sản phẩm của Mỹ để giải quyết sự mất cân đối thương mại trong ngắn hạn.

    Tham khảo New York Times


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ